Có thì mới có ít nhiều
Có còn, có mất, tiếng điều nọ kia
Không ta, không cái ngoài ta
Soi cho thực thấy, thế là xong tu.
(Thu Tứ)



Thích Thanh Từ, “Hiểu Tâm kinh” (5)




Tiếp đến câu:

“Xá-lợi Tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ tưởng hành thức diệc phục như thị.”

(Nghĩa là:) “Nầy Xá-lợi Tử, sắc chẳng khác với không, không chẳng khác với sắc, sắc tức là không, không tức là sắc, thọ tưởng hành thức cũng lại như thế.”

(...)

Giờ tiếp đến câu:

“Xá-lợi Tử, thị chư pháp không tướng, bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm.”

(Nghĩa là:) “Nầy Xá-lợi Tử, tướng không của các pháp ấy chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng nhơ, chẳng sạch, chẳng thêm, chẳng bớt.”

(...) Như cái nhà này, trước khi cất thì thể nó không, nay cất cái nhà rồi thì xem có hình tướng cái nhà. Nhưng chính khi có cái nhà chúng ta vẫn biết thể tánh nó là không (...) cái không đó nó không sanh không diệt, mà không sanh không diệt thì nó không có gì là nhơ, không có gì sạch, không có gì thêm cũng chẳng có gì bớt. Sở dĩ có thêm bớt là vì con mắt phàm tục của mình quen nhìn sự vật với hình tướng mà không đạt được lý tánh. Bởi thấy tướng sự vật nên mình mê chấp theo tướng đó. Đã mê chấp tướng liền khởi vọng tưởng phân biệt, cái nầy tốt cái kia xấu, cái nầy hơn cái kia kém v.v. Khi đã có cái vọng chấp rồi thì bao nhiêu phiền não nổi lên khuynh loát mình, cuốn hút mình vào trầm luân khổ ải! (...)

Khi nhìn hình tướng thì thấy có sanh có diệt, nên có xấu, có tốt, thế này, thế kia v.v. Thế là tâm sanh vọng tưởng phân biệt, mà vọng tưởng phân biệt thì sẽ cấu kết với cái giả tướng bên ngoài để tạo thành một dòng tiếp nối trong tâm thức. Cả hai cái đó – vọng tưởng và giả tướng – không cái nào thiệt mà lâu nay chúng ta cho nó là thiệt, rồi chấp nhận cái vọng tâm (tâm phân biệt) của mình đó là mình. Vì chấp nhận rằng tôi thấy như vầy, tôi nghĩ như kia và tôi thích như nọ v.v., cái gì cũng là tôi, nên đưa đến hậu quả là một trường tranh đấu khủng khiếp mà không có lối thoát. Chỉ vì chấp cái vọng là mình.

Ở trong đã chấp vọng tâm là thiệt, bên ngoài chấp cái giả cảnh là thiệt, đó là gốc của sanh tử luân hồi (...)

Tu thì phải luôn luôn quán chiếu, tức là luôn luôn dùng trí huệ Bát Nhã để thấy tột thể tánh các pháp nó là không (...) Tại vì vọng tưởng chứa góp mãi (...) nên cứ trào ra (...) Mỗi lần chúng trào ra (...) cứ nhìn thẳng vào thực tánh của chúng (...) Thực hành như vậy lâu ngày mọi tập quán của mình sẽ hết (...)

Người tu mà có trí tuệ đạt được lý tánh các pháp, thấy được tánh là không, biết các pháp là duyên khởi như huyễn thì (...) đi đâu làm gì cũng thấy an nhàn, dửng dưng trước mọi cảnh, không gì làm buồn khổ được mà chỉ còn lại nguồn an lạc vô biên (...)


(Thích Thanh Từ,
Bát-nhã tâm kinh giảng giải, tu viện Chơn Không, 1974. Nhan đề phần trích tạm đặt.)