Thôi sống bằng khoai sọ mà khi cúng vẫn cúng khoai sọ... Chợt nhớ, người Kinh khi cúng bao giờ cũng có đĩa xôi. Liệu có phải là một bằng chứng tổ tiên ta vốn sống bằng gạo nếp? (TT)



Dân tộc Khơ Mú




Lễ tra hạt

Người Khơ-mú ở vùng Tây Bắc gọi là lễ pa sưm, vùng Nghệ An lại gọi là lễ hreẹc hrệ.

Sau khi đốt nương, người ta đợi ba ngày cho đất nguội rồi mới chọc lỗ bỏ hạt. Trước lúc tra hạt, chủ nhà phải làm một vài việc như cắm một cái the le cao vút ở giữa nương để làm dấu sở hữu - mảnh đất đã có chủ. Vào ngày đó, chủ nhà còn phải làm một cái mặt reẹc, tức tạo một mảnh nương tượng trưng bằng cách cắm bốn que nứa làm thành hình cầu vồng tạo nên một ô vuông khoảng 2m vuông.

Trong ô đó dựng một cái cọc, trên đỉnh đặt một hòn đá. Sau đó, người ta buộc một đoạn ống nứa được vót nhọn tượng trưng cho lưỡi giáo trừ tà. Giữa ống nứa còn được giắt ba cái que nứa vót nhọn gọi là the le bà góa. Phía dưới the le người ta buộc một đoạn gỗ hình dương vật. Dưới chân cọc đặt một máng nước bằng nứa, cài lên đó vài ống nước nhỏ. Bốn góc ô vuông này được trồng bón khóm sả, bốn gốc khoai sọ. Xong xuôi, chủ nhà mổ một con gà trống, luộc chín rồi bày ra mâm. Lễ vật còn có rượu, trầu cau, hai súc vải mộc, một bát nước lã. Bày mâm xong, chủ nhà thắp hương đứng trước mâm lễ khấn trời đất cho mưa thuận gió hòa, thần, ma phù hộ, không cho chim thú phá hoại, cho mùa màng xanh tốt, bông dài, hạt mẩy... Cúng xong, chủ nhà chọc lỗ gieo hạt trong phạm vi mặt reẹc.

Tiếp đó, chủ nhà cầm một ống nước đi xung quanh lều nương, vừa đi vừa vảy nước và niệm thần chú. Làm xong các nghi thức ấy, mọi người ra về. Tối đó chủ nhà tổ chức bữa cơm, uống rượu cần với sự tham dự của anh em, bà con họ hàng trong bản.

Lễ cúng hồn lúa

Người Khơ-mú quan niệm (...) việc lúa nương (...) sinh sôi nẩy nở (...) nhiều hay ít là do hmạl hngọ (hồn lúa) (...) quyết định (...)

Hồn lúa thường nhập vào bà chủ nhà tức mạ hngọ (mẹ lúa) (...) Trong quá trình làm mẹ lúa, bà chủ nhà mặc y phục truyền thống của dân tộc, luôn im lặng, một tay mang ống nước, một tay xách túi đựng các vật thiêng (...)

Lễ cúng hồn lúa ở Tây Bắc thường được làm vào tháng 9 âm lịch, ở Nghệ An vào tháng 10. Để tổ chức lễ này, người ta phải chọn ngày tốt, trước đó nam giới ra nương dựng kho thóc mới. Đến ngày đã định, gia chủ chuẩn bị hai vò rượu cần, một con lợn (không kể to nhỏ) mang lên nương. Bên cạnh kho thóc, người ta dựng một ngôi lều nhỏ để làm nơi cúng hồn lúa gọi là gang ho. Dựng lều xong, người ta đặt hai vò rượu cần vào trong, con lợn được buộc vào cột lều. Thầy cúng đứng trước lều khấn trời đất, ma rừng, ma suối đến chứng giám và nhận lễ vật.

Cúng xong, con lợn được mổ thịt ngay tại chỗ, mẹ lúa bê ếp xôi và con gà luộc chín bước vào kho lúa, đặt lễ vật xuống và cất lời cúng, mời vía lúa về kho. Ở Nghệ An, mẹ lúa ngậm một miếng da trâu đã nướng huơ đi, huơ lại bốn phía rồi gặt lấy ba khóm lúa. Ba khóm lúa này được chia làm hai khiêng, một gánh với ngụ ý được mùa. Cúng xong, cỗ bàn được dọn ra để mọi người cùng ăn tại lều nương. Chiều tối, trước lúc ra về, chủ gia đình khấn vài lời để ngày hôm sau bắt đầu vào vụ thu hoạch chính thức.

Sáng hôm sau, cả nhà mang gùi, nhíp, dao cùng lên nương. Ở gần nương, người ta dựng một cái cổng bằng nứa hình cầu vồng, trên đó được buộc vài tấm the le. Mẹ lúa đứng bên cạnh cổng hình cầu vồng, tay cầm một nắm lá tươi. Mọi người vào nương khi đi qua cổng đều được bà cầm nắm lá đập nhẹ vào lưng. Sau đó, mẹ lúa đi đến khu ô vuông mặt reẹc, tuốt lấy bảy hạt thóc nhai trong miệng rồi bỏ vào lòng bàn tay vò đều, tiếp đấy là gặt lúa. Trong quá trình thu hoạch, mẹ lúa không được hát hò, huýt sáo, nói tục vì sợ hồn lúa bay mất.

Ý nghĩa phồn thực của hai lễ trên

- Khoai sọ cũng như bầu bí vốn thuộc về văn hóa rau củ ra đời trước văn hóa lúa, nên hồn lúa muốn sinh sôi nẩy nở phải có sự tiếp xúc với tinh linh của hoa màu đã được trồng trên nương rẫy thời xa xưa. Từ đấy, người ta cho rằng khoai sọ là yếu tố đực, là bạn tình của lúa - yếu tố cái. Việc bắt buộc phải trồng khoai sọ, sả, gừng ở ô vuông mặt reẹc bên cạnh lều nương rõ ràng mang ý nghĩa niềm tin rằng nó sẽ tác động hỗ trợ cho cây lúa nẩy nở (...) Sau lễ cúng hồn lúa, ngoài việc rước hồn lúa về bịch, mẹ lúa còn rước cả khoai sọ nữa (...) Trong lễ cúng hoa màu grợ, người Khơ-mú bôi khoai sọ, bí vào người nhau, vê xôi vào tóc nhau... với dụng ý cho khoai sọ, bầu bí và lúa kết bạn với nhau; về tục này có cách suy diễn khác, là làm như thế để cầu mong cho lương thực được dư dã, vung vãi khắp nơi...

- Ngoài việc làm cho hồn lúa tiếp xúc với hồn khoai sọ, bầu bí, người Khơ-mú còn cố giúp lúa biết cách sinh sôi nẩy nở bằng quan hệ âm dương. Đó chính là ý nghĩa việc thờ dương vật trên nương rẫy.

Lễ cầu mưa

Ở người Khơ-mú, cách cầu mưa không chỉ là bắt chước, diễn lại hiện tượng mưa rơi như vẩy nước, tuốt lá, mà còn là làm những chuyện chọc tức "trời", "thuồng luồng" hay ma hạn hán (hrơi nhan) để chúng bực mình làm mưa xuống.

Ví dụ, người ta lấy vỏ bưởi vứt bừa bãi quanh nương, lấy nước ngâm măng, tro bếp phun vẩy vào chỗ linh thiêng ở nương (knưn hrệ). Nếu những cách này không có hiệu quả thì người ta làm lễ cầu mưa. Con thuồng luồng vốn được coi là tượng trưng cho ma nước, vì thế lễ cầu mưa được gọi là ru hừn tạ prư dồng (kéo đuôi thuồng luồng).

Lễ cầu mưa được làm tại bến nước ở rìa bản, do một người đàn bà góa chủ trì với sự tham gia của một đám trẻ con. Người ta đào một cái hố hình tròn trên mảnh đất cạnh suối, trên miệng bịt một tấm mo cau ở giữa dùi một lỗ rồi cắm một lá cau tươi xuống tận đáy hố. Bà góa kẹp lá cau vào giữa hai đùi, còn đám trẻ con thì vừa dùng que gõ vào mặt tấm mo cau phát ra tiếng kêu bung bung vừa hò reo để giúp bà góa kéo lá cau tượng trưng cho cái đuôi rồng. Sau một lúc hò reo như vậy, bà nhổ phắt lá cau lên khỏi hố rồi chạy xuống suối. Vừa chạy bà vừa reo to lên là đã bắt được thuồng luồng rồi. Đám trẻ con cũng hò reo hưởng ứng. Chúng chạy xuống suối té nước vào nhau, làm nước tung toé khắp nơi rồi hô to rằng: Mưa rồi! Mưa rồi! Sau đó, bà góa cùng đám trẻ con để nguyên quần áo ướt sũng đi về nhà với ngụ ý là do trời mưa nên quần áo bị ướt!

Lễ mừng cơm mới

Sau lễ cúng tổ tiên - ma nhà thì nghi lễ quan trọng thứ hai trong năm chính là lễ (ăn mừng) cơm mới (kăm mệ). Người Khơ-mú xưa kia không ăn tết Nguyên Đán như bây giờ, lễ ăn mừng cơm mới vốn là "Tết" của họ. Lễ này thường được tổ chức trước khi thu hoạch vài ngày, nhưng cũng có nơi lại tổ chức sau khi thu hoạch.

Nội dung của lễ cơm mới là việc dâng cúng lễ vật gồm xôi gạo mới, khoai sọ, gà hoặc lợn, cá, thịt khô và rượu cần cho tổ tiên - ma nhà "ăn" trước con cháu trong gia đình. Lễ vật chuẩn bị xong, mâm cỗ được đặt trước nơi thờ ma nhà, chủ nhà cúng dâng (...) Cúng xong, mọi người ngồi xung quanh mâm cỗ, chủ nhà nhúm lấy một nhúm xôi chấm vào đĩa muối - tiết rồi chấm vào trán từng thành viên trong gia đình. Sau đó ông buộc chỉ trắng vào cổ tay từng người một để cầu sức khoẻ (tức ngoài ý nghĩa ăn mừng cơm mới, đây còn là dịp cúng vía (cơi hmal) cho mọi người).



Múa dương vật trong lễ cầu mùa - ảnh Đặng Nghiêm Vạn
Ảnh đi kèm theo bài, nhưng không thấy bài nhắc đến lễ này...


(Trích từ sách
Người Khơ-mú, Quách Thu Nguyệt (chủ biên), Cúc Hương, Gia Trung, nxb. Trẻ, 2006. Nhan đề phần trích tạm đặt.)