Mắng các liền chị như thế nhất định là mắng oan. Nhưng ta cứ đợi nghe trung đoàn trưởng Thái Dũng trình bày ý kiến. (Chủ nhiệm TCCT Nguyễn Chí Thanh đến năm 1959 mới được phong Đại tướng.)



Hoàng Cầm, “Quan họ mừng chiến thắng” (1)




Vào hạ tuần tháng 5-1954, nhận được chỉ thị của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh là “chuẩn bị một chương trình biểu diễn đặc sắc nhất để phục vụ buổi mừng công dành cho các chiến sĩ vừa chiến thắng Điện Biên Phủ”, tôi lập tức họp bàn với các cán bộ chuyên môn của Đoàn Văn công Quân đội (...) Tôi quyết định sẽ có màn quan họ, gồm 10 bài: Lý cây đa, Cây trúc xinh, Chàng buông vạt áo, Hoa thơm bướm lượn, Trống cơm, Chanh chua, Ngồi tựa song đào, Giã bạn, Người ở đừng về...

Đêm diễn mừng công mở màn (...) Khoảng một nghìn chỗ ngồi bằng ghế dài tre nứa. Riêng có hai hàng ghế trên cùng là ghế mây rồi ghế gỗ mọi người dành riêng cho các tướng lĩnh. Tôi thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi chính giữa, bên trái là đồng chí Nguyễn Chí Thanh tạm gọi là Tổng Chính ủy (...)

Bài hát của Đỗ Nhuận “Mừng chiến thắng Điện Biên” vang lên, màn từ từ mở, hiện ra hình ảnh quây quần quân dân miền ngược miền xuôi, nam, nữ, già, trẻ, từng cụm, từng nhóm rồi cả đoàn gần 100 người hát vang như sấm động (...)

Qua các điệu múa xòe Tây Bắc, múa lượn Đông Bắc, múa quạt đồng bằng sông Hồng, múa sạp Lai Châu (...) Không khí hội trường càng lúc càng sôi động (...)

(...) mở màn “Đôi lời quan họ”:

“Đến đây thì ở lại đây
Hương trà đã đượm, trầu cay lại nồng”.

Sáu giọng nữ, với tiếng đàn tranh ríu rít. Tôi nhìn xuống dưới, thấy miệng cười tươi rói của người Tổng tư lệnh mới ngoài 40 tuổi, vẻ mặt rắn đanh mà dịu nhẹ của Tổng chính ủy cũng khoảng 40 (...)

Sang đến Lý cây đa:

“Chẻ tre đan nón ba tầm,
Ai đan cho cô mình đội, xem hội cái đêm hôm rằm tháng giêng”

thì dưới kia (...) từ hàng thứ tư xuống đến vài ba hàng nữa, tôi thấy một số vị chỉ huy ghé tai nhau một cái gì đó (...)

Đến khúc thứ ba (...) trên sân khấu, tốp nữ hát khổ đầu thật bay bướm, tình tứ, mắt cô nào cũng long lanh, lúng liếng, miệng cô nào cũng như búp hoa hàm tiếu, một thứ hoa quỳnh đang nở dần ra, say đắm và thanh tao trinh bạch:

“Yêu nhau cởi áo cho nhau
Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay”...

Cái nón quai thao thì e ấp, nửa thẹn thùng bỡ ngỡ che đi nửa mặt, nửa lại như mở ra tròn trịa mời đón người tình. Đến đoạn:

“Gió giục đêm đông trường
Nửa chăn nửa chiếu nửa giường để đó chờ ai”

thì bỗng như sét nổ giữa trời quang mây tạnh, từ hàng ghế thứ tư những tiếng la ó dội lên:

- Hạ màn xuống! Đả đảo!

Tiếp theo, hình như có hàng trăm người đồng thanh tương ứng:

- Đả đảo văn công! Hạ màn xuống!

- Vứt hết đi! Lãng mạn! Suy đồi!

- Mèo mả gà đồng! Hạ màn xuống!

Theo bản năng, tôi run run giơ tay và đồng chí Lê Khang, phó chính ủy của đoàn văn công, người được phân công chỉ huy đêm diễn, cũng giơ tay cho một đồng chí hậu đài lập tức hạ màn. Cả hai cánh màn màu rêu đậm lúc ấy như cũng hoảng vía, sập nhanh như một ánh chớp.

Tôi hé màn trông xuống, thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nét mặt vẫn bình thản, có quay lại phía sau nhìn rồi nói câu gì với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Sau đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh bước rất nhanh lên sân khấu, đứng trước cái màn màu rêu, nói như hét:

- Các ông làm loạn đấy à? Kia, có phải ông Thái Dũng không? Các ông toàn là quân đội lâu năm, các ông vô kỷ luật đến thế à?

Hình như làn sóng phản đối có nguôi đi, nhưng vẫn chưa lặng. Đại tướng nói tiếp, giọng càng gay gắt:

- Các ông vừa chiến thắng một trận lớn thật đấy. Nhưng vẫn là nhỏ so với công lao xây dựng quân đội nhân dân. Các ông thật là vô kỷ luật. Sao lại đả đảo văn công diễn để chào mừng mình? Đáng lẽ tôi thi hành kỷ luật các ông ngay lập tức, nhưng thôi, đây là dịp vui mừng, các ông vừa chiến thắng, các ông hách dịch, ra oai, tôi tạm tha. Vậy, bây giờ ông nào không ưa văn công nữa, xin mời các ông về mà ngủ, ai muốn xem thì ở lại, nhưng phải có trật tự, có kỷ luật. Nào, ai về thì về đi!

Ông Thái Dũng và năm sáu người nữa kéo nhau ra khỏi hội trường (xin mở ngoặc: đồng chí Thái Dũng cụt một tay trong một trận đánh hồi đầu kháng chiến, đến năm 1949 chỉ huy tiểu đoàn “Lũng Vài” mà nhạc sĩ Văn Cao đã làm ca khúc ca ngợi; anh từng tổ chức một cuộc phục kích trên đường số 4, trận Lũng Phầy, thu được rất nhiều xe vận tải quân khí quân trang của địch; đến chiến dịch Điện Biên anh đã là một trung đoàn trưởng, tham gia đánh chiếm đồi A1, tên tuổi anh rất lẫy lừng).

Nhưng mấy người vừa lách qua các hàng ghế sắp ra đến cửa thì đồng chí Nguyễn Chí Thanh gọi giật lại:

- Này, các ông, các ông bỏ về, hả? Được! Nhưng nhớ chiều mai, đúng 2 giờ, tôi mời văn công đến nhà riêng của tôi diễn lại màn quan họ này, cái tiết mục mà các ông đả đảo ấy, diễn trong sân nhà tôi. Có cà-phê, có cả thuốc lá và kẹo bánh của Tây thua trận. Mai, các ông phải đến để tranh luận, tha hồ ý kiến! Thế nhé, ngày mai, tôi nhắc lại, đúng 2 giờ chiều, mời ông Thái Dũng và các đồng chí đến xem diễn lại, rồi ta thảo luận dân chủ.

Dứt lời, đồng chí Nguyễn Chí Thanh bước xuống, hô to:

- Anh Hoàng Cầm! Cho mở màn, diễn tiếp!

Tôi phải chùng chình đến dăm ba phút để diễn viên lấy lại tinh thần. Đứng trước 12 diễn viên nam nữ vẫn còn nháo nhác, phờ phạc, vì “cú” phản đối vừa rồi, tôi nói:

- Nào, anh Thanh đã ủng hộ mình đấy, các cô các cậu cứ mạnh dạn và bình tĩnh hát lại đi. Cố lên nhé!

Nhưng diễn viên bị một cú nặng nề như vậy, chưa hoàn hồn. Hát rời rạc, mất đứt cái mê say (...) Tiếng vỗ tay bên dưới thưa thớt, uể oải (...)

Anh Nguyễn Chí Thanh bắt tay động viên từng diễn viên và nhắc chiều mai cả đoàn lên nhà anh diễn lại.

Chiều hôm sau, chúng tôi đến rất đúng giờ. Thấy trong sân rộng đã kê sẵn ba bốn dãy bàn chạy dài, phủ vải trắng, có lọ hoa, đĩa bánh kẹo, thuốc lá, lạc rang... Ước tính số người hiện diện tới gần trăm. Hàng ghế đầu thấy có ông Thái Dũng. Anh Nguyễn Chí Thanh đứng đón văn công, vui vẻ nói:

- Đừng ngại gì nhá! Bình tĩnh, hát thật hay vào!

Tôi cho người treo một lá cờ hội đình ngày xưa lên một cành cây cao ở đầu sân. Sau khi phục trang và trang điểm, sáu liền anh sáu liền chị từng đôi uyển chuyển, duyên dáng sánh bước nhau, tươi tắn bước ra sân, xếp một hàng dài chào khán giả. Tôi thấy tiếng vỗ tay hoan nghênh hình như chỉ có một nửa. Anh Thanh lên tiếng dõng dạc:

- Đấy nhé. Mời các đồng chí xem lại cho thật kỹ cái mà hôm qua khá đông các đồng chí đả đảo, xong thì chúng ta cứ bánh kẹo, cà-phê, thuốc lá, và cứ phê bình, tranh luận hoàn toàn tự do. Rồi văn công được phép biểu diễn hay không, sẽ tùy.

Dưới lá cờ hội dân tộc cổ kính, diễn viên và nhạc công đã dàn đội hình, tiếng sáo trúc lanh lảnh vút lên và câu hát Mời trầu cũng cất lên. Sau 25 phút biểu diễn, các diễn viên lại dàn hàng chào các vị tướng tá. Mọi người đứng dậy, vỗ tay lâu đến vài ba phút, pha với những tiếng “Hoan hô!”, “Tuyệt vời!”. Tôi đứng bên các diễn viên, trong tiếng vỗ tay như sấm ấy, vẫn cứ chăm chú theo dõi vẻ mặt, cử chỉ, thái độ ông Thái Dũng. Ông ấy cũng vỗ tay nhưng có vẻ không mặn mà, có vẻ “bất đắc dĩ”. Liền sau đó, anh Nguyễn Chí Thanh cao giọng:

- Bây giờ tôi yêu cầu tất cả thẳng thắn phê bình và tranh luận. Đề nghị anh Hoàng Cầm, người đưa ra tiết mục này, người chịu trách nhiệm về nó, phát biểu trước.

Tôi đứng lên, nói ý như đã nói với cả đoàn, khi nhận chỉ thị của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chuẩn bị chương trình diễn mừng công. Tôi thấy anh Thanh mủm mỉm cười, nên vững tâm.

Tôi nói hết, ông Thái Dũng đứng dậy, lúc đầu ông nói nhỏ thôi:


("Màn quan họ mừng chiến thắng và đại tướng Nguyễn Chí Thanh", trong
99 góc nhìn văn hiến Việt Nam, nxb. Thông Tấn, 2006)