Tình thế căng, đánh hơn đợi đánh! Lý Thường Kiệt lập chiến công oanh liệt, nhưng Tô Giám làm tướng cũng đáng nên tướng. (Nam Ninh nằm cách biên giới Việt - Trung khoảng 180 cây số, xa hơn từ biên giới về Hà Nội.) (Thu Tứ)



“Lý Thường Kiệt đánh qua Tàu”

Đào Duy Anh




Năm 1067 Triệu Húc (Tống Thần Tông) lên ngôi, và năm 1069 Vương An Thạch chấp chính, đó là cơ hội tốt cho phái chủ chiến (trong triều Tống) được đắc ý. Vương An Thạch muốn thi hành tân pháp, cố mưu phú quốc cường binh, để vãn hồi thế lực của nhà Tống đã bắt đầu suy, nhưng bị phái quan liêu cũ ở trong triều bài xích. An Thạch muốn lập chiến công ở phía nam để ủng hộ chính sách của mình, nghĩ rằng nếu thành công thì một mặt sẽ đủ uy thế để áp đảo phái thủ cựu trong triều, một mặt sẽ khiến các nước Liêu, Hạ (giống Khế Đơn) kiêng nể, không dám uy hiếp ở phương bắc nữa. Trong hai ba năm, quan lại Trung Quốc ở miền biên địa (Ung Châu) được lệnh chuẩn bị điều kiện cho cuộc xâm lược.

Bấy giờ ở nước ta, đời Càn Đức, Lý Thường Kiệt đã được cử làm Thái úy, nắm giữ binh quyền. Biết thế nào nhà Tống cũng đem quân sanh đánh, Lý Thường Kiệt xin vua cho tiến công trước để phá mưu mô của Tống. Chiến lược của Thường Kiệt là phá các cứ điểm mà bộ binh (Ung Châu) và thủy binh (các cửa biển Khâm Châu và Liêm Châu) giặc sẽ dùng để tiến vào nước ta. Một mặt Thường Kiệt cho phát quân thượng du tiến vào đất Tống quấy rối ở phía tây nam Ung Châu để nhử quân Tống ra mặt ấy mà đối phó, một mặt tự mình đem đại binh đánh vào Khâm Châu và Liêm Châu để tiến thẳng đến Ung Châu.

Cuối năm 1075, Lý Thường Kiệt phát quân từ châu Vĩnh An do hai đường thủy và bộ. Chiếm được hai hải cảng Khâm và Liêm, quân ta tiến vào nội địa, một đạo từ Khâm Châu tiến thẳng đến Ung Châu, một đạo từ Liêm Châu tiến về phía đông bắc, chiếm các thành Bạch Châu và Dung Châu, cố ý chận đường tiếp viện cho Ung Châu. Lý Thường Kiệt lại dùng thủ đoạn chính trị, tuyên bố với nhân dân Trung Hoa rằng vì nhà Tống dùng phép thanh miêu và trợ dịch khiến dân khổ sở, nhà Lý cho quân sang cứu. Không gặp sự kháng cự của nhân dân Trung Hoa, quân ta tiến đến Ung Châu rất dễ. Đến nơi thì thấy đạo quân thượng du của Tôn Đản đã ở đó rồi. Hai cánh chia nhau kẹp vây thành Ung Châu (nay là Nam Ninh) rất mạnh.

Thành Ung rất chắc chắn, mà giữ thành lại là một viên quan lão luyện, thông minh và cương quyết là Tô Giám. Khi nghe tin quân ta đến, Tô Giám chắc viện binh tại Quế Châu thế nào cũng đến, nên quyết tâm đóng thành cố thủ. Giám nghiêm cấm không cho một người nào, từ thân thuộc của Giám đến nhân dân, trốn ra ngoài thành, cốt để trấn tĩnh lòng dân.

Quân ta vây thành càng ngày càng riết. Nghe tin viện binh của Quế Châu sắp đến, Lý Thường Kiệt cho quân đón đánh ở ải Côn Lôn, cách thành Ung chừng 40 cây số, giết được chỉ huy của quân Tống là Trương Thủ Tiết và nhiều tướng khác. Nhưng Tô Giám vẫn đốc thúc binh dân chống giữ, khiến quân ta đã hao tổn nhiều mà vẫn không hạ được thành. Quân ta dùng vân thế để trèo thành, rồi đào đường hầm lót da cho kín nước để chui vào thành, nhưng hai kế ấy đều bị Tô Giám phóng hỏa phá được. Sau cùng quân ta dùng hỏa công, trong thành thiếu nước không thể chữa cháy, rồi lại dùng phép thổ công, chất hàng vạn bao đất thành bực thềm để lên thành. Nhờ thế mà sau hơn 40 ngày bao vây, quân ta lọt được vào thành. Tô Giám thúc quân chống cự rất hăng, khi kiệt sức thì về dinh tự giết vợ con cùng thân thuộc rồi tự thiêu để khỏi bị bắt. Quân dân trong thành bị giết rất nhiều. Lý Thường Kiệt sai phá thành Ung, lấy đá lấp sông để ngăn quân cứu viện.(1) Lý Thường Kiệt lại tiến quân lên phía bắc, ý muốn phá thành Tân Châu. Nhưng bấy giờ viện binh của Tống từ bắc đã kéo xuống. Quân Lý thì chiến đấu bấy lâu đã mệt mỏi. Vả chăng mục đích của Lý Thường Kiệt là phá các cứ điểm mà quân Tống có thể dùng để đánh ta. Nay thành Ung cũng như các thành Khâm, Liêm và các đồn trại dọc biên giới của Tống đã bị phá, thế là cuộc tấn công đã thu được kết quả như ý. Lý Thường Kiệt bèn hạ lệnh lui quân.


(Trích Đào Duy Anh,
Lịch sử Việt Nam, nxb. Văn Hóa – Thông Tin, 2002. Sách này viết lần đầu năm 1949, in dưới tên Việt Nam lịch sử giáo trình, viết lại năm 1952, lại viết lại năm 1954, xuất bản dưới tên LSVN năm 1955, đến năm 1957 tái bản sau khi sửa chữa bổ khuyết. Tức sách đã được viết đi viết lại tới bốn lần!)












____________
(1) Đây chúng tôi tham khảo sách
Lý Thường Kiệt của ông Hoàng Xuân Hãn.(ĐDA)