Chế Lan Viên - Thơ chọn (2)




Câu thơ dang dở
Thơ và bạn đọc
Vườn quê
Người yêu ở Việt Nam
Nhớ tuổi thơ
Bánh vẽ
Hương hoa nhài
Trên đường về
Vẽ cá
Một nửa...
Nhớ mình
Chùa nghèo
Tương quan
Ví dầu








Câu thơ dang dở

Năm 1985, một nhà thơ sắp thôi. Năm 2011, chính thơ sắp thôi!

“Thơ anh” may mắn còn kịp có người đón. Thơ ra đời gần “tận thế thơ” sẽ tan biến như chưa bao giờ ra đời!

Trời vào thu, anh ê ẩm khớp xương
Anh bải hoải thân mình với gió mùa bên cửa
Một nghìn câu thơ thì chín trăm câu dang dở
Và ai đón thơ anh ở cuối con đường?


Thơ và bạn đọc

Nghệ phẩm đích thực nào chả là chân dung tự họa
Anh tha hồ vẽ cảnh vẽ nhà vẽ ao vẽ phố
Vẽ cả những ý nghĩ về vẽ của mình
Anh cứ phóng cọ phóng bút mặc ý mặc tình
Chỉ cần nhớ sao cho khi xong
Bạn xem bạn đọc sẽ thấy có lòng trong! (TT)

Bạn đọc cần những bài thơ như tâm hồn thứ hai của họ,
Ngoài tâm hồn họ ra, họ cần thêm một tâm hồn.
Sao anh tả cảnh, tả nhà, tả ao, tả phố...
Ðể thêm anh vào họ rồi, cho họ trăm thứ rồi, họ vẫn cô đơn.


Vườn quê

mình theo mình dạo vườn quê
“phút linh cầu mãi” chưa nghe nhập thần (1)
cúc mai chẳng chịu hóa vần
về mau em hỡi hoa lòng của anh! (TT)

vắng lặng vườn quê mình lại mình
câu thơ theo mãi vẫn chưa thành
đỏ hồng hoa giấy, vàng mai, cúc
em vẫn chưa về, thơ vắng tanh.


Người yêu ở Việt Nam

Bắt đầu chỉ có giặc ngoài
Anh ra đi, đánh nó bằng gươm bằng súng
Chiến sự dằng dai
Lần hồi
Một thằng giặc thứ hai
Lén lút len vào lòng chị
Nó đánh du kích
Chủ yếu về đêm
Ẩn hiện như ma
Trăm nghìn muôn xin các chị
Vì người xa, giặc lòng đánh chết chẳng tha! (TT)

Người tình nhân Việt Nam
Sáng ra mặt quay về phía chiến trường
Ðêm đối diện ngọn đèn hạt đỗ
Giữa hai nơi là mây trắng thời gian không thể đo lường
Ngày lắng tiếng bom gầm tọa độ
Ðêm ngủ với kỷ niệm với thư và với gió
Với ngọn đèn vặn nhỏ
Mờ sương.
Xa nhau một ngày cũng tợ mười năm
Cách nhau mười năm đất liền hóa vực
Biệt ly là vốn cộng thêm lời lãi cao chồng chất
Bao giờ trả xong?
Bao giờ trả xong, xin hỏi ngọn đèn
Ðã thay mấy nghìn lần sợi bấc
Mặt trận phía đằng sau này, chị vẫn giữ y nguyên.
Ngọn đèn
Vặn thầm đi cho dễ ngủ
Ngọn đèn
Vặn to lên xua nỗi nhớ
Hàng vạn cánh phù du về đây chết đêm đêm
Trận tuyến của lòng đôi khi muốn vỡ
Khi mùa về chim gọi nôn nao
Khi làng xóm râm ran đôi lứa
Khi trời bỗng sầm mây và trở gió
Khi nắng quái chiều hôm tan buổi chợ
Khi soi gương tóc có phai màu
Hoa đẹp lắm khi là kẻ thù của chị
Một mùi hương thơm đến nhức đầu
Gác tay lên trán
Không để mặt trận này núng thế
Rót dầu thêm
Chị khêu lại ngọn đèn
Cháy rực ngọn lửa hồng chung thủy.
Mặt trận phía sau này, chị vẫn giữ y nguyên.


Nhớ tuổi thơ

“Trời xanh thế!”!

Trời Bình Ðịnh, Quảng Ngãi nó xanh thế nào mà người Bình Ðịnh Yến Lan, Chế Lan Viên, Võ Phiến, người Quảng Ngãi Tế Hanh cùng kêu lên như thế?

Trên trời xanh, dưới thì... đất gáy, buổi trưa nào, “chao ôi nhớ!”.

Nhớ biển miền Trung tiếng sóng đùa
Nhớ nhà cha mẹ, cảnh trường xưa...
Nhớ chao ôi nhớ! Trời xanh thế!
Gà lại dồn thêm tiếng gáy trưa!


Bánh vẽ

Thơ Chế Lan Viên chứa rất nhiều loại tứ khác nhau, trong đó có loại là những suy nghĩ về thực tế đời sống.

“Bánh vẽ” mà cũng ăn được sao? Sao không. Nếu số phận anh là ăn bánh vẽ, thì anh hãy “mang số phận vào người”(2) mà ngồi xuống “ngồm ngoàm”.

Ăn bánh vẽ để chờ dịp “nhai thứ thiệt”, tứ thế mà cũng nên thơ được à? Sao không. Thơ vốn quen chứa cảm, nhưng thơ cũng không từ chối nghĩ đâu.

Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
Cầm lên nhấm nháp
Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối
Ðêm vui.
Bảo anh không còn có khả năng nhai
Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc...
Thế thì còn dịp đâu nhai thứ thiệt?
Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn
Như không có gì xảy ra hết
Và những người khác thấy anh ngồi
Họ cũng ngồi thôi
Nhai ngồm ngoàm...


Hương hoa nhài

Có phải nếu hoa không tình cờ có mặt trong kỷ niệm thì dù thơm đến mấy cũng không thể khiến ta thấy xúc động?

Hương hoa phải nhắc hương tình, mới thơm được đến mức “bồi hồi bổi hổi”...

Với người không lứa đôi
Hương hoa nhài chịu lỗi
Thơm bồi hồi bổi hổi
Ðâu thơm cho một người.


Trên đường về

Lớn lên giữa những tháp Chàm mà có tâm hồn nhạy cảm và trí óc siêng nghĩ, thì làm sao khỏi nảy cảm kia nghĩ nọ. Chế Lan Viên trẻ có cảm nghĩ độc đáo, lại có năng khiếu thơ, nên thơ Việt Nam có Điêu tàn.

Tác giả Điêu tàn “nhớ tiếc giống dân Hời” đến nỗi khi đặt bút hiệu đã chọn dùng một họ Hời. Nhưng thực ra giữa cái họ Chế tự đặt này và những “ma Hời sờ soạng dắt nhau đi” không có sợi dây liên lạc rõ ràng nào cả. Vì thế “những cảnh (...) trên đường về ta đã gặp” rồi KHÔNG “ám ảnh mãi không thôi”.

Chế Lan Viên rời Bình Định, nhớ mẹ nhớ chị nhớ em, chứ không hề nhớ “ma”. Từ 1945 đến khi mất năm 1988 ông làm vô số thơ chứa vô số nội dung, mà hình như không làm thêm một bài nào nữa về “nỗi buồn thương” lạ thuở đầu đời.

Một ngày biếc thị thành ta rời bỏ
Quay về xem non nước giống dân Hời
..........................................................
..........................................................
Ðây, những tháp gầy mòn vì mong đợi
Những đền xưa đổ nát dưới Thời gian
Những sông vắng lê mình trong bóng tối
Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than
Ðây, những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn
Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi
Những rừng thẳm bóng chiều lan hỗn độn
Lừng hương đưa, rộn rã tiếng từ qui!
Ðây chiến địa, nơi đôi bên giao trận
Muôn cô hồn tử sĩ thét gầm vang
Máu Chàm cuộn tháng ngày niềm uất hận
Xương Chàm luôn rào rạt nỗi căm hờn
Ðây những cảnh thái bình trong Chiêm quốc
Những cô thôn vàng nhuộm nắng chiều tươi
Những Chiêm nữ nhẹ nhàng quay lại ấp
Áo hồng nâu phủ phất xõa lời vui
Ðây, điện các huy hoàng trong ánh nắng
Những đền đài tuyệt mỹ dưới trời xanh
Ðây, chiến thuyền nằm mơ trên sông lặng
Bầy voi thiêng trầm mặc dạo bên thành
Ðây, trong ánh ngọc lưu ly mờ ảo
Vua quan Chiêm say đắm thịt da ngà
Những Chiêm nữ mơ màng trong tiếng sáo
Cùng nhịp nhàng uyển chuyển uốn mình hoa
Những cảnh ấy trên đường về ta đã gặp
Tháng ngày qua ám ảnh mãi không thôi
Và từ đấy lòng ta luôn tràn ngập
Nỗi buồn thương, nhớ tiếc giống dân Hời.


Vẽ cá

Từ thơ cá đỏ đến thơ người bơi trong sóng thời gian đến thơ thời gian, đều là “anh” cả. Giờ anh mới vẽ thời gian, chứ thời gian từ lâu nó đã vẽ anh rồi!

Anh đi xem cá và gặp người áo đỏ
Anh vẽ nên cá đỏ ở trong thơ
Rồi anh lại vẽ người bơi trong sóng thời gian như cá
Rồi anh chả vẽ gì, anh chỉ vẽ thời gian


Một nửa...

Thơ có bao giờ là chỉ mình đâu
Cái gì đó, nó với mình đấy chứ
Thu chẳng hạn, vừa khiến xào xạc lá
Vừa vào lòng, làm vàng cả câu thơ! (TT)

Bài thơ, anh làm một nửa mà thôi
Còn một nửa cho mùa thu làm lấy
Cái xào xạc hồn anh chính là xào xạc lá
Nó không là anh, nhưng nó là mùa.


Nhớ mình

Trong thơ Chế Lan Viên không biểu lộ tình riêng cách sôi nổi. Hễ nhắc đến “mình”, bao giờ ông cũng khe khẽ “mạch giấy đôi vần” thôi...

Không biết thực ra ngoài đời nhà thơ có tiết chế tình cảm đến mức như trong thơ chăng?

Qua đây ta lại nhớ mình
Gió trăng chẳng nói hết tình ta đau
Ngọn riêng gió thổi sầu lau
Mắt xa em có sáng màu nhớ nhung?
Thời gian chảy khuất bên lòng
Nhỏ to mạch gối đôi dòng xót thương.


Chùa nghèo

Không tức thị sắc, vậy mà sắc vẫn hướng về không. Cho nên mới nặn đất để thờ.

Sắc tức thị không, vậy mà không vẫn nhớ sắc. Hương lúa, màu cỏ, tiếng ve, mùa lại mùa, đâu có cái gì là thực, vậy mà “rất thực”. Biết cái cõi hình sắc này là huyễn, là chẳng qua do tâm động, nhưng lỡ thấy rồi, khó quên!

Chùa nghèo tượng Phật đất
Mõ vỡ, không có sư
Chim sẻ kêu liên tiếp
Trên mái tiếng cu gù
Nông dân bận trăm việc
Không rỗi để lên chùa
Khách vãng lai hằng bữa:
Nắng vào rồi nắng ra
Nghèo không gỗ tạc tượng
Dân nặn đất để thờ
Ðất nặn không rõ nét
Mặt Phật chỉ mơ hồ
Cũng lần chuỗi, bắt quyết
Cũng vàng son sơn thếp
Nở nụ cười hư vô
Ở ngoài cửa tam quan
Là cuộc đời rất thực
Lúa đồng thơm thơm phức
Hương chùa chưa ai thắp
Hương lúa đã lan tràn
Phật ngồi trong vô thức
Ðộng trong từng thớ đất
Nhớ ngoài kia cỏ non
Nhớ ngoài kia trái chín
Trên đồng và dưới bến
Trai gái tiếng cười giòn
Ngồi trong phi-thời-gian
Hoa sen cười nửa miệng
Nhớ xuân đi hè đến
Ðời có tiếng ve ran.


Tương quan

Có đời rồi mới có thơ, đời đi trước thơ lon ton theo sau, chứ sao thơ lại sánh bước với đời? Thì lúc đầu là thế, nhưng rồi thơ lớn lên...

Rặng vải bên sông
Trái đã ướm hồng
Chỉ chờ một tiếng chim thôi
Là trái ngọt.
Tu hú ơi! Sao mày chưa chịu hót
Màu đỏ nóng lòng, mày biết hay không?
Tiếng chim chói ngời ở cổ
Chỉ chờ cho sắc đỏ chín muồi
Là ngọc xổ
Chỉ chờ cho màu hồng ngọt lự
Tiếng chim rơi...
Tương quan giữa anh và em
Giữa thơ và đời
Là vậy đó
Như giữa tiếng chim và màu vải đỏ
Ðợi chờ
Thúc giục
Song đôi.


Ví dầu

Tưởng tượng một chuỗi ngọc trải dài từ năm “trai” mới thiếu niên đến tận “mé hư không”!

Bể cạn lâu rồi, vỏ trai nát lâu rồi, nhưng những kết tinh óng ánh của một đời sóng gió thì vẫn còn đây...

Ví dầu ngày mai bể cạn
Thì đây viên ngọc sau cùng
Kết tinh một đời sóng gió
Dâng đời ở mé hư không.



Thu Tứ





















___________
(1) “Phút linh cầu mãi không về”: câu mở đầu bài Đợi Thơ của Hồ Dzếnh.
(2) Câu chót trong bài Nhiệm Vụ của CLV.