“Trần Văn Khê nghĩ về nhạc và văn hóa”




“Tôi vừa đọc bài (…) của ông (…) mà môn sinh của tôi vừa tìm thấy gửi cho tôi. Tôi vô cùng cảm động và có cảm giác là đờn Bá Nha đã gặp được lỗ tai Chung Tử Kỳ (…) Cái hạnh phúc lớn nhất của một tác giả là được độc giả hiểu mình có thể ngang qua những dòng chữ, kể cả những điều mình chưa nói rõ ra bằng văn bản. Tôi xin vô vàn cám ơn ông đã cho tôi cái vui khó kiếm trên đời” (trích thư của GS-TS Trần Văn Khê gửi ngày 12-1-2014).

*

Nhắc Trần Văn Khê, nhớ ngay cái câu “Thân tuy tại ngoại, hồn tại quê hương”.

Ai xa quê hương chẳng nhớ, nhưng chắc ít ai đêm ngày lo lắng có ngày mình thôi nhớ! Trần Văn Khê, để tự đảm bảo chính ông sẽ suốt đời “thở hơi thở chung của dân tộc”, đã chẳng hạn, cố ý thường xuyên ăn uống giống hệt như hồi còn ở trong nước. Người khác ăn cá kho tộ chỉ vì thèm, Trần Văn Khê ăn cũng vì thèm nhưng lại thêm vì muốn cái lưỡi của mình nó không bao giờ trở nên thờ ơ với cá kho tộ (mà đi quấn quýt với pa-tê, xúc-xích). Ăn món quê để khỏi quên quê, cái ý đơn giản mà cảm động.

Không phải chỉ những “thân tại ngoại” mới cần chăm bón tinh thần yêu nước. Trần Văn Khê từng ngỏ lời khuyên các nhạc viện quốc nội nên treo chân dung nhạc sĩ Việt Nam xuất sắc để trẻ đến học dễ nẩy nở lòng tự hào dân tộc. Thêm một ý đơn giản mà cảm động.

Hết sức thiết tha với nước, tất nhiên Trần Văn Khê cực kỳ sốt ruột trước tình trạng dân nhạc đang nhanh chóng biến mất khỏi đời sống thường ngày của người Việt Nam. Nhằm phục hưng dân nhạc, ông từng sôi nổi hô hào dạy người lớn hát ru, dạy trẻ em học nhạc ngũ cung, dạy nông dân hò đối đáp v.v. Nhiệt tình của ông thực đáng trân trọng, nhưng thiết tưởng mọi cố gắng thay đổi tình hình đều hoàn toàn vô ích! Nhạc truyền thống trong môi trường truyền thống như cá trong nước, vẫy vùng không cần ai dạy bơi nhắc lội, nhưng hễ môi trường “cạn” thì nó phải “ngáp”. Cả nước đang chạy như bay vào thời hiện đại, toàn thể cái Quê mấy ngàn năm tuổi đang ào ào hóa Phố, còn “nước” đâu nữa mà Trần Văn Khê bảo “cá” quan họ, “cá” chèo, “cá” ru, “cá” hò, “cá” lý v.v. tiếp tục thung thăng!(1)

Nhắc thời hiện đại, nhớ tân nhạc. Vào buổi đầu của nhạc Việt Nam mới, cũng chính Trần Văn Khê đã rất hăng hái cổ động cho nó. Khi nhận lời chỉ huy dàn nhạc trường Đại học Hà Nội, ông đã “đặt điều kiện” với ban tổ chức rằng cứ mỗi lần ông “tập cho dàn nhạc đàn một bản phương Tây thì dàn nhạc phải biểu diễn cho tôi một sáng tác mới của Lưu Hữu Phước”! Trần Văn Khê còn tham gia sáng tác với bài “Đi chơi chùa Hương” (1946) và khi sang Pháp năm 1949 đã hát ghi dĩa trên 30 bản tân nhạc (của Phạm Duy, Lưu Hữu Phước, Lê Thương v.v.) dưới bí danh Hải Minh. Thực ra từ năm 1953 Trần Văn Khê mới bắt đầu chuyển trọng tâm qua cổ nhạc, sau khi “Tôi “ngộ” thấy rõ hai ngôn ngữ âm nhạc Tây và Đông khác nhau trong căn bản” và thấy phải có người đứng ra hết sức công phu tìm hiểu để biểu dương đích đáng âm nhạc truyền thống Việt Nam. Nhưng vừa làm việc ấy, ông vừa tiếp tục quan tâm theo dõi hành trình của tân nhạc.

Chắc chắn ông đã vui lòng. Vì tân nhạc (cho tới khoảng cuối thế kỷ 20) là một trong những thành tựu xuất sắc của văn hóa dân tộc. Nghe nhạc Tây, học lối ký âm và học dùng nhạc cụ Tây, rồi chẳng bao lâu ta dựng lên cả một nền thanh nhạc mới độc đáo, đa dạng, phong phú, với rất nhiều nhạc phẩm hay đến mức diệu kỳ! Tân nhạc đáp ứng hoàn toàn tốt đẹp nhu cầu của mọi người Việt Nam xuyên suốt một thời kỳ lịch sử tuy tương đối ngắn mà đầy xáo trộn thật lớn. Có thể nói tâm tình dân tộc thay đổi đến đâu, tân nhạc đã sáng tạo tài tình theo đến đấy! Từ lãng mạn tiền chiến chuyển qua cách mạng, kháng chiến, rồi nơi thì tiếp tục cách mạng, kháng chiến, nơi thì ra đời “muồi” và tình tự dân tộc và tình ca “trừu tượng” (chữ Phạm Duy về nhạc Trịnh) và phản chiến... Đủ thứ nội dung, mà từng bài lắm bài chẳng nhạc ở đâu hơn được, mà như đặt tất cả lại với nhau thì nếu đặt vấn đề liệu nền thanh nhạc mới của nước ta có phải là nhất thế giới hay không, thiết tưởng không hề là ngông cuồng!(2)

Trong văn hóa, không có chuyện tay trắng nên triệu phú. Sở dĩ tân nhạc Việt Nam ưu tú, ấy chắc chắn là do cổ nhạc Việt Nam vượt trội. Tuy chỉ trong một số ít trường hợp, mà sáng tác của Phạm Duy là ví dụ nổi bật, ảnh hưởng của nhạc Việt xưa mới thấy được rõ ràng, nhưng nhất định chính nhờ đứng trên cái nền cũ rất cao mà các nhạc sĩ Việt hiện đại mới siêu thành đạt. Thái Bá Vân từng nói: “Cái linh ứng nghệ thuật tài hoa của thế hệ trẻ chính cũng là từ truyền thống sâu xa (...) của nghệ thuật dân tộc”.(3) Lời ấy không chỉ đúng riêng cho hội họa, mà đúng cho tất cả các ngành nghệ thuật, trong đó có âm nhạc. Cứ hễ sáng tạo bằng tâm hồn, là người Việt ta sáng như gương!

Ngoài những chuyên khảo, cái biết sâu sắc của Trần Văn Khê về âm nhạc nói chung, về âm nhạc truyền thống Việt Nam nói riêng, còn được trình bày trong một tập ký nhan đề Tiểu phẩm và trong một bộ hồi ký dài năm tập. Hai tác phẩm này không chỉ bàn về nhạc mà còn chứa cả những nhận thức, nhận định về văn hóa, văn minh…

Sau đây là một trích tuyển có giá trị tiêu biểu cho tâm tư và trí tuệ của một đứa con ưu tú và chung tình của Mẹ. (Các tiểu đề đều là tạm đặt.)

Đặc điểm của nhạc Việt xưa

“Lời ca tiếng nhạc cổ truyền êm ái và dịu dàng”.

“Lời ca tiếng nhạc” là cái bóng của văn hóa trên tấm gương âm thanh. Hình phải thế nào thì bóng mới “êm ái và dịu dàng” thế chứ. Vẫn cái gương ấy, ở phương Tây bây giờ trông vào thấy... bắt rùng mình. Không nhìn gương nữa, quay nhìn cái để bóng trên gương, eo ôi!

Zheng của Trung Quốc (...) đàn tranh của Việt Nam (...) đàn koto của Nhật Bổn cùng một loại nhạc khí (...) Đàn koto (...) bàn tay mặt có nhiều thủ pháp mà đàn tranh Việt Nam không có. Ngược lại cách nhấn của người Việt rất phong phú và tinh vi (...) Theo truyền thống Việt Nam, bàn tay mặt sinh ra âm thanh, bàn tay trái nuôi dưỡng và làm đẹp âm thanh. Sanh ra mà không nuôi dưỡng, thì không sanh làm gì (...) Tay mặt sanh ra cái xác, tay trái tạo ra cái hồn (…) Đờn tranh (...) Cách nhấn thì rất phong phú và tinh vi, có nhấn vuốt, nhấn rung, nhấn mổ, nhấn mượn hơi. Mổ thì mổ đơn, mổ kép, mổ kềm dây, phối hợp tất cả để âm thanh trở nên sinh động hơn (...) Vừa nhấn vừa mổ, trong kỹ thuật đờn gu zheng (cổ tranh) không có (…) Người Việt Nam khi đờn phải nhấn nhá, hát thì phải luyến láy (...) Bàn tay mặt đánh ra thanh có độ cao, độ dài, có tiếng to tiếng nhỏ, có cả màu âm, mà chưa có chất nhạc. Chỉ khi bàn tay trái nhấn vào biến thanh thành âm mới có chất nhạc: bàn tay mặt sanh ra xác còn tay trái tạo ra hồn (...) Nhấn nhá (...) có (...) rung lơi, rung nhặt”.

Dĩ nhiên không phải đợi có đàn tranh (gốc Tàu) thì người Việt mới “phải đẻ, trái nuôi” khi đàn. Nhạc cụ vừa lâu đời vừa độc đáo của dân tộc Việt Nam là đàn bầu. Cái âm thanh của nó quyến rũ tới nỗi cha mẹ phải dặn con: “Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu”! Sở dĩ tiếng đàn bầu đặc biệt “nguy hiểm”, ấy chính nhờ mấy ngón tay trái của người đàn: khi rung, khi vỗ, khi vuốt, khi luyến v.v. Trên bìa sau của bộ Hồi ký, Trần Văn Khê cho in hai câu thơ của Văn Tiến Lê ca ngợi đàn bầu: “Một dây nũng nịu đủ lời, nửa bầu chứa cả một trời âm giai”. Chính vì trước đã quen “nuôi” bầu, nên sau gặp tranh ta mới nảy ý “nuôi” tranh mà Việt hóa được tranh!

“DANH CẦM TRUNG QUỐC HỌC NHẠC VIỆT NAM (...) năm 2000 (...) môn sinh mới (...) danh cầm đờn tỳ bà tên Liu Fang (...) Lưu Phương (...) Tôi cho biết hai nền âm nhạc khác nhau ở điểm nhạc Trung Quốc chú ý nhiều đến kỹ thuật điêu luyện còn Việt Nam đặt trọng tâm về mặt nghệ thuật và tình cảm. Bài bản của Trung Quốc thường cố định trong khi bài bản Việt Nam biểu diễn theo cách học “chân phương” mà đờn “hoa lá” tức là có thêm thắt thay đổi”.

Nghe kỹ thuật, nghĩ đến máy móc. Nghe nghệ thuật, nghĩ đến tự nhiên. Máy móc thì cứng đơ, bất biến. Tự nhiên thì uyển chuyển, biến hóa. Không phải máy không thể đẹp, nhạc nhấn mạnh kỹ thuật không thể hay. Ai thích vẻ đẹp của máy, vẻ hay của nhạc tinh xảo cứ việc thích, chỉ xin đừng tưởng rằng cái đẹp ấy cái hay ấy là cao hơn cái đẹp của tự nhiên, cái hay của nhạc mỗi lần biểu diễn một khác. Đây Trần Văn Khê so nhạc Việt với nhạc Tàu. Nếu đem so Việt với Tây thì chỗ khác nhau còn dễ thấy hơn, vì nhạc Tây lại càng nhấn mạnh kỹ thuật.

“(Nhạc) ghi thành bản rồi nó sẽ (...) xơ cứng. Trong khi đó những điệu thức (...) thể hiện mỗi lần mỗi khác nhau (...) thiên hình vạn trạng (...) biến hóa vô tận (...) ngày hôm nay đờn nghe khác hẳn với ngày hôm qua. Do đó không thể lấy số lượng bài bản đưa ra so sánh với số lượng điệu thức (...) Liu Fang (...) nói (...) chưa bao giờ thấy thích thú như mấy hôm nay (...) nhạc Việt Nam (...) cho phép nhạc sĩ sáng tạo trong khi biểu diễn”.

Người khác đàn một bài, người Việt Nam đàn một “điệu thức”. Nghĩ đến nhân tạo và tự nhiên. Một trăm nghìn xe hơi xuất xưởng, xe nào cũng y hệt như xe nào. Một trăm nghìn bông hồng nở, chẳng bông nào giống hệt bông nào. Khi ta đàn, ấy là một điệu thức đang... nở thêm một lần nữa… Lại nghĩ đến cứng và mềm. Bài cứng, điệu mềm... Dĩ nhiên, vì Hoa cứng, Việt mềm.(4) (Và Tây thì còn cứng hơn cả Hoa!)

“Những bạn Á Rập (...) nhấn mạnh (...) tiết tấu âm nhạc của họ căn cứ trên bước đi của con lạc đà (...) Tiết tấu của dân tộc mình ở đâu mà ra, tại sao lại có nhịp hai mà lại không có nhịp ba (...) Theo tôi tiết tấu trong âm nhạc Việt Nam căn cứ vào con người và môi trường sống: con người sanh ra có trái tim đập, con mắt chớp, hơi thở ra vào, bước đi, tất cả đều là tiết tấu và là nhịp đôi. Trong môi trường sống, chiếc võng người mẹ nằm ru con, đưa qua đưa lại kẽo cà kẽo kẹt, cây tre đầu làng ngả nghiêng theo gió, thủy triều nước lớn nước ròng, tất cả đều là tiết tấu nhịp hai”.

Nhịp hai với nhịp ba, tức nhịp chẵn với nhịp lẻ. Không chỉ khi làm nhạc, mà cả khi làm thơ, người Việt vốn cũng thiên về nhịp chẵn. Thơ bốn chữ, thơ lục bát và cả thơ mới đều theo nhịp chẵn. Tại sao ta thiên về chẵn? TVK bảo ấy là căn cứ vào nhịp tim đập, nhịp mắt chớp, nhịp hít thở, nhịp võng đưa, nhịp tre ngả nghiêng, nhịp nước lớn ròng v.v. Nhưng nhân loại nơi nơi đều có tim, có mắt, có phổi, thủy triều nơi nơi đều lên xuống! Ngẫm, rồi nghĩ đến nếp sống. Dân tộc Việt Nam sống định canh đã từ lâu lắm. Ở nguyên một chỗ đời nọ qua đời kia, đời nào cũng cày cấy, gặt hái, cày cấy, gặt hái..., ta sống “chẵn” chứ còn gì nữa! Trong khi những dân tộc du mục thì nay đây mai đó, vừa chăn nuôi vừa buôn bán vừa thỉnh thoảng cướp bóc (!), họ sống “lẻ” rõ ràng! Thiết tưởng nhịp nhạc xuất phát từ nhịp sống.

Việt gặp Tây: điều cần nói

“Không ít người lầm tưởng rằng phát triển, tiến bộ luôn đi đôi với Âu hóa”.(5)

Tây phương tự xem mình “phát triển”, “tiến bộ” về mọi mặt. Ấy, Tây chỉ developed với advanced về văn hóa vật chất mà thôi. Và thực ra chỉ hơn Đông về vật chất tương đối gần đây thôi. Mới hồi thế kỷ 15, Tây Trung cổ qua Tàu còn phải lác mắt vì điều kiện vật chất ở Tàu lúc bấy giờ hơn ở Tây xa. Từ nguyên thủy đến mức nào đó, hễ văn hóa vật chất lên thì văn hóa tinh thần cũng lên. Nhưng trên mức ấy, thì không nhất thiết xảy ra đồng hành nữa. Văn hóa vật chất Tây phương đã tiến bộ “vượt mức”. Từ khá lâu, ở Tây phương vật chất lên tinh thần xuống. Bây giờ Đông đang Tây hóa, tức đang nâng mình lên về vật chất, hạ mình xuống về tinh thần. Hóa thành bất cứ ai khác đã buồn, nói chi thành kẻ thấp hơn mình! Buồn thì buồn, không hóa Tây thì chết với Tây!

“(Những người ấy) tin rằng, nếu kỹ thuật của họ cao, thì văn hóa họ cũng cao, chớ không nhớ rằng chỉ cần hai mươi lăm năm có thể đào tạo một thế hệ kỹ sư, trong khi phải trải qua cả trăm, cả ngàn năm mới tạo được một nền văn hóa”.

Kỹ thuật cao là quả của một loài cây văn hóa. Cây ấy cũng phải mọc lâu lắm mới có quả. Kỹ thuật cao, nghĩa là văn hóa cao. Nhưng văn hóa cao không nhất thiết nghĩa là kỹ thuật cao. Vì cây văn hóa có loài không ra quả kỹ thuật. Vì cây nho có quả nho, cây chuối không có... quả nho, mà cho rằng nho “cao” hơn chuối, là ngốc.

“Vừa trở về Pháp, tôi phải lên đường sang Liên Xô tham dự Diễn đàn Âm nhạc châu Á (...) tổ chức tại Alma Ata, thủ đô nước (...) Kazakhstan (...) (...) Ðặc biệt nhứt của vùng này là cây đờn dombra truyền thống, có thùng hình bầu dục, cần rất dài, phím không phải bằng tre hay kim loại mà bằng gân con trừu, có thể xê dịch được thành những quãng không cố định, hoặc thấp hơn hoặc cao hơn các quãng thông thường một chút, nhờ vậy màu sắc thang âm hết sức phong phú. Tôi đã được nghe tiếng đờn dombra trong một dĩa hát nên khi qua Kazakhstan tôi háo hức chờ nghe (...) Nhưng khi quan sát cây đờn tôi bất ngờ thấy nó đã bị chỉnh lại, phím gân trước kia xê dịch được (...) nay bị cột chặt lại. Tôi rất thất vọng bởi giờ đây khi đánh lên âm thanh nghe như tiếng đờn mandoline, với thang âm bình quân như đờn piano chứ không còn đầy màu sắc như ngày trước. Trong hội nghị này đoàn Kazakhstan giới thiệu chương trình đại qui mô với dàn nhạc dân tộc gồm hàng trăm cây đờn dombra (...) - Dàn nhạc có cả trăm cây đờn, nếu để như cũ thì mỗi đờn âm thanh mỗi khác sẽ không hòa được với nhau. - Tại sao phải cần đến cả trăm cây (...) Các anh sửa (...) như vậy có hơn được cái cũ không? - Có chớ, có điểm hay hơn là đờn hòa với nhau không lạc giọng, lại có cái lợi là khi đờn thiệt mau không bị lạc phím. - Tuy hòa đờn không bị lạc phím nhưng lại thành đơn điệu. Thang âm của nhạc dân tộc Kazakh rất độc đáo, muốn đờn mau như thang âm bình quân của piano thì không còn bản sắc dân tộc nữa. Ðối với nghệ thuật không nên chú trọng tới chuyện nhanh hay chậm mà quan trọng là có đi vào lòng người hay không. Âm nhạc là tiếng nói. Ðâu phải nói mau là hay”.

Nhạc diễn cảm xúc. Diễn thế nào là tùy cảm xúc thế nào. Cảm xúc vô số loại. Vậy nhạc cũng phải vô số loại. Bảo nhạc mau hay hơn nhạc chậm, tức bảo cảm xúc cũng có hơn kém! Mau không hay hơn chậm, mà đại hợp tấu hàng trăm thứ nhạc cụ cũng không hề hay hơn độc tấu đúng một nhạc cụ: những cảm xúc của người Việt xưa diễn lên bằng một cây đàn bầu hay đàn tranh thì chắc chắn hay hơn bằng một trăm cây đàn bầu hay đàn tranh! Ấy thế mà có những người Việt đang hì hục xây thứ dàn nhạc giao hưởng trăm bầu, trăm tranh. Có cả những người vất luôn bầu với tranh đi mà rước cả đống vĩ cầm về để tấu bài “Cò lả”! Rõ chán mớ đời.

Việt gặp Tây: chuyện đau lòng

“Những hoàn cảnh lịch sử, xã hội, những điều kiện vật chất, kinh tế đã làm cho thanh niên (...) không còn hiểu rõ được truyền thống dân tộc, không hiểu mới sinh ra “tự ti”, vì tự ti, mới sinh ra vọng ngoại (…) Những nguyên nhân làm mất đi bản sắc dân tộc (...) Lý do chánh trị, lịch sử: người dân các nước thuộc địa bị các đế quốc thống trị làm cho quên đi bản sắc dân tộc mà chấp nhận bản sắc của “mẫu quốc” (...) Lý do tâm lý (...) dân bị trị tự ti mặc cảm, thấy cái gì của mình cũng thua người ta (...) Lý do kinh tế: những gì dính dáng đến bản sắc dân tộc thường bị (...) trả tiền thù lao rất thấp (...) Lý do xã hội: nếp sống thay đổi (…) Bệnh tự ti mặc cảm (...) phải trị căn chớ không thể trị chứng. Phải đi từ đầu, khuyến khích các bà mẹ hát ru con; dạy những bài đồng dao cho trẻ thơ; khuyến khích người nông dân hát hò trong lúc làm việc ngoài đồng; đưa âm nhạc cổ truyền vào các trường; đài phát thanh, truyền hình, báo chí nên có những chương trình, bài báo về âm nhạc dân tộc”.

Trần Văn Khê chẩn bệnh chính xác. Bệnh ấy, chúng tôi có lần tóm tắt: “Thua vật chất, mất tinh thần (khiếp sợ), bỏ tinh thần (của mình đi)”. Ông đưa ra một cách chữa. Chúng tôi thì cho rằng bệnh nan y. Nghệ thuật phải hợp với nếp sống, người Việt bây giờ không sống như cha ông trước kia nữa, làm sao ta phục hồi nghệ thuật cũ được? Các bà mẹ trẻ Việt Nam thế kỷ 21 không chịu hát ru con đâu! Cái “căn” của bệnh tự ti là tình trạng thua người về vật chất. Hễ hết thua sẽ hết bệnh, không cần chữa. Rắc rối là để bắt kịp Tây về vật chất, ta đang Tây hóa nếp sống của mình. Sống như Tây lâu ngày, ta sẽ cảm nghĩ giống Tây. Tức ngoài bệnh tự ti phát sớm, sinh mạng văn hóa ta đến lúc nào đó còn bị thêm một đe dọa nữa, - đe dọa tối hậu -, là diễn biến Tây hóa tự nhiên. Nó đã bắt đầu rồi! Mới đây, tình cờ nghe thanh niên nọ tỉnh bơ phát biểu: “Quan họ làm sao hay bằng nhạc giao hưởng”! Một mặt, dĩ nhiên bạn trẻ ngây thơ về nghệ thuật. Quan họ và nhạc giao hưởng thuộc hai mô hình thẩm mỹ hoàn toàn khác nhau, so sánh sao được! Nếu xét quan họ theo tiêu chuẩn của nhạc giao hưởng, quan họ chắc chắn dở. Ngược lại, nếu xét nhạc giao hưởng theo tiêu chuẩn của quan họ, nhạc giao hưởng cũng chắc chắn dở. Không có tiêu chuẩn nghệ thuật có giá trị xuyên mô hình, xuyên văn hóa.(6) Mặt khác, ý kiến trên có chỗ đáng chú ý: bạn trẻ là người Việt mà lại đi đánh giá nhạc truyền thống Việt theo tiêu chuẩn của nhạc truyền thống Tây! Hiện nay bao nhiêu phần trăm thanh niên Việt giống bạn? Con cháu “bệnh biến”, truyền thống giữ làm sao đây, tổ tiên ơi!

“Tuy được tiếp xúc với nhiều nền âm nhạc (...) khắp hoàn cầu nhưng tôi một lòng yêu quí nền âm nhạc truyền thống Việt Nam, không bị quyến rũ bởi cái hào nhoáng bên ngoài mà quên cái tế nhị kín đáo bên trong”.

“Hào nhoáng” là cái nhà to đùng lộng lẫy, là cái đám người ăn mặc cầu kỳ sang trọng bước vào nhà, là cái ông đeo găng tay trắng cầm que đứng vung vẩy trên bục, là bao nhiêu nhạc công ngồi ôm bao nhiêu nhạc khí... Hào nhoáng là cái sân khấu đèn đuốc sáng choang, là một hai ba bốn năm sáu kẻ vận y phục “tự chế” nhảy nhót uốn éo vặn vẹo lắc ngoáy như đang lên đồng (đồng Tây!), là trùng trùng khán giả cũng đang “lên”! Và thử ngẫm xem, dù quý tộc dù bình dân, dù truyền thống dù hiện đại, bản thân cái thứ âm thanh gọi là nhạc ở phương ấy bao giờ nó cũng “hào nhoáng”! Nhoáng tai nhoáng mắt, thảo nào rất dễ “nhoáng” cả lòng, mà thấy... ôi hay!

“Trên thị trường (...) tràn ngập đĩa hát, chương trình phát thanh, video, truyền hình, phim điện ảnh do các nước tiên tiến về kỹ thuật tung ra, bán khắp nơi (...) cuộc tấn công văn hóa”.

Họ bán mình chịu mua, bổ sấp bổ ngửa chạy đi mua, giành giật nhau mua. Cứ hễ Tây là hay, bất kể Tây truyền thống hào nhoáng trịnh trọng hay Tây hiện đại hào nhoáng bình dân. Dĩ nhiên nhạc Tây có thể hay chứ, thậm chí có thể có những tác phẩm vượt được tường văn hóa mà vào lòng ta cách chính đáng chứ. Vấn đề ở đây là dù nhạc Tây dở, ta vẫn sẵn sàng rước vào tai. “Vai mang bị bạc kè kè, nhạc quấy nhạc quá nẫu nghe ầm ầm”! “Bạc” nó không chịu ở trong “bị” của ai lâu đâu. Tây có thể “bị gậy” đến nơi rồi. Thì ta tranh nhau lại “thờ” văn hóa Tàu, có sao đâu. Và khi đến phiên ta “kè kè bị bạc”, ta sẽ trở lại quý văn hóa ta, có sao đâu. Ờ, có sao đâu. “Ð. mẹ nhân tình đã biết rồi...” (Nguyễn Công Trứ).

“Bảo vệ truyền thống (...) giữ (...) nét đặc thù (...) Tiếp thu những cái hay của thế giới để làm giàu cho (...) văn hóa của mình (nhưng) không bao giờ để cho truyền thống nước ngoài thay thế truyền thống dân tộc”.

Truyền thống nước ngoài mà hay hơn truyền thống dân tộc thì thay cũng được chứ sao! Hóa Tây mà như hóa tiên, cũng đành. Nhưng Tây không phải tiên. Tây là một chủng tộc với văn hóa khi lên khi xuống, hiện giờ đang xuống như điên do quá say sưa cái truyền thống “Tôi” của mình!

“Tôi (...) không (...) chống lại sự hòa nhập của những tinh hoa văn hóa khác. Tôi chỉ kêu gọi phải thận trọng giữ đúng vị trí một bên là chủ, một bên là khách. Chúng ta hiếu khách, mở cửa đón mọi người vào nhà ở chơi vài bữa rồi về, chớ không phải giữ khách ở lại năm này tháng nọ rồi để người ta lấn chiếm lần lần cả bàn thờ ông bà. Ði đâu tôi cũng nói chuyện đó (…) Người Việt Nam làm chủ đất nước (...) văn hóa Việt Nam (...) có địa vị văn hóa chủ (...) văn hóa nước ngoài là văn hóa khách. Chúng ta hiếu khách mời khách đến nhà, nhưng phải lưu ý không đưa vào ở trong từ đường hoặc dẹp bàn thờ ông bà để khách ngồi chễm chệ cho thanh niên quỳ lạy. Khách đến chơi rồi ra về chớ không thể ở luôn trong nhà chúng ta”.

Không khỏi nhớ Nhà hát Thành phố ở TP Hồ Chí Minh. Mỗi lần đi ngang qua, ngắm cái tượng nữ thần nghệ thuật Tây trên cao chót vót, cảm thấy buồn vô cùng. Đứng trên đất của nước Việt Nam độc lập, mà cái kiến trúc kia lại giống y như mới được bứng bên Pháp đem về! Chuyện đã xảy ra là thực dân Pháp xây xong kiến trúc ấy năm 1900, đến năm 1943 thì bỏ tượng v.v. đi để hiện đại hóa phong cách, nhưng năm 1998 chính quyền ta lại quyết định cho phục chế, phục hồi tất cả những điêu khắc nguyên thủy. Nghe nhạc cổ điển Tây, học chơi nhạc cổ điển Tây, không sao cả, nhưng đi thờ truyền thống nhạc Tây thì chắc chắn là bất ổn. Dĩ nhiên ở trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ có Nhà hát là hình ảnh Sài Gòn thời Pháp thuộc. Người Việt Nam đánh đuổi giặc chi để bây giờ trân trọng dấu vết nó thế này! Nên nhớ dân tộc ta có một nền văn hóa tinh thần riêng không thua kém bất cứ ai. Ta hãy lo thờ ông bà mình mà không quỳ lạy trước linh vị của văn hóa khác. (Lúc nào đó sau năm 2014, Nhà hát TPHCM đã có thay đổi.)

Một số cảm nghĩ khác

“Tôi (...) nghiên cứu (...) không áp dụng phương pháp của phương Tây một cách máy móc, đặc biệt đối với việc nghiên cứu âm nhạc phương Ðông”.

Nhạc là thứ âm thanh có chứa cảm xúc, như xác chứa hồn. Hồn chỉ có thể cảm thụ, nhưng xác thì tha hồ mổ xẻ. Cùng một loại dao mổ dùng được cho mọi xác chứ gì. Tưởng vậy mà không.

“Âm nhạc ngày nay không còn là môn nghệ thuật (...) mà đã biến thành một món hàng (...) hàng nào ăn khách thì giá cao”.

Nhạc là hàng, thì bỏ tiền ra mua hàng là như bỏ phiếu chọn nhạc. Bất cứ ai cũng được mua hàng, cũng được bỏ phiếu chọn nhạc. Thế thì... bỏ mẹ nhạc, vì trình độ của số đông bao giờ cũng thấp. Trước kia, bất cứ ở đâu, việc đánh giá nghệ phẩm không do số đông, nhờ đó nghệ thuật mới phát triển. Đừng tưởng những bài dân ca hay ra đời là nhờ... dân chủ. Chắc chắn chúng đã được trau giồi, hoàn thiện bởi một thiểu số dân làng có năng khiếu nhạc mà thôi.

“Đầu đời Ðường có mười bộ môn âm nhạc thì chỉ có hai là gốc Trung Quốc còn tám bộ môn kia là của nước ngoài. Nhưng mấy trăm năm sau, đến cuối đời Ðường (...) Hồ nhạc: nhạc của rợ Hồ (...) bị nhập vào (...) tục nhạc: nhạc dân gian (...) Những bộ môn nhạc của các nước khác (lần lượt) biến thành nhạc Trung Quốc”.

Cướp đất của “rợ”, rồi rút cuộc cướp luôn cả nhạc! Thì cũng như mang đồ đồng đào được ở Tam Tinh Ðôi đi khoe khắp thế giới là tác phẩm của Trung Hoa cổ. Vào thời những món đồ đồng ấy được chế tạo, chủng Hoa Hạ đã biết tới cái đất mà về sau gọi là Tứ Xuyên đâu mà! Tưởng tượng cuối thế kỷ 21 Trung Quốc nam tiến đến... mũi Cà Mau, lúc đầu gọi quan họ là nhạc Việt, rồi lần lần gọi là nhạc dân gian Tàu! Rồi đồ đá Phùng Nguyên, đồ đồng Ðông Sơn cũng lần lần biến thành đồ Tàu cổ! Diễn biến lịch sử ở đây là: cướp đất, cướp của cải vật chất, rồi đến lúc nào đấy cướp luôn cả di sản tinh thần. Điển hình, khi bị cướp đến tinh thần thì nạn nhân mất đã lâu rồi, không còn có mặt để tức, để đòi! Ai có cơ hội cũng cướp chứ không riêng gì người Tàu đâu. Ai có đất thì lo giữ.

“Nghệ thuật phải được giới thiệu một cách toàn diện (...) uống trà ngon (...) phải dùng chén nhỏ cỡ hột mít (...) Tiếc là nam diễn viên mặc áo sơ-mi trắng có gi-lê màu theo phong cách một nhạc sĩ Trung Âu, làm mất một phần phong cách và không khí Việt Nam trong lúc trình diễn”.

Thử tưởng tượng một ban nhạc Tây mặc áo dài đội khăn đóng ngồi hòa tấu bài “Dòng sông xanh”!

*

“Những vấn đề hồn của nước, thần của người, nét đẹp phải giữ gìn của truyền thống văn hóa Việt Nam... vẫn là những chất vấn khôn nguôi, vẫn hoài hoài muốn được nhắc nhở để cho lòng khỏi phiêu dạt (…) Tuy thân ở ngoài nước nhưng tâm tôi luôn ở trong nước...”.

Ðối với đất nước, Trần Văn Khê thật sắt son. Bao nhiêu năm sống ở hải ngoại, bao nhiêu sự ưu đãi, trân trọng của ngoại bang không làm lòng yêu nước của ông dao động mảy may.

Trần Văn Khê thể hiện lòng yêu nước bằng cách ra công bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, kêu gọi chống xâm lăng văn hóa, chống nạn người Việt tự “ngoại hóa” mình. Có lần ông còn sáng kiến một cách uốn nắn thế hệ trẻ: “Trong các trường nhạc Á-rập treo toàn hình ảnh những nhạc sĩ danh tiếng phương Tây, về mặt tâm lý điều đó sẽ khiến học trò hướng về phương Tây mà coi nhẹ âm nhạc truyền thống (...) Học sinh tới trường học như bước vô thánh đường, phải được chiêm ngưỡng những bậc tiền bối tiếng tăm của nước mình”.

Các em học sinh trong nước Việt Nam có thể ngày ngày trông lên hình ảnh những tiền bối Việt Nam tài giỏi để tránh lạc hướng, nhưng còn chính Trần Văn Khê, nơi hải ngoại ông thường dùng cách gì để giữ cho cái “đạo” yêu nước của mình khỏi bị “khô”? Không phải chỉ bằng cách ngày đêm tự chất vấn về “hồn của nước”, “thần của người”, “nét đẹp phải giữ gìn của (...) văn hóa Việt Nam” đâu. Trong Hồi ký, Trần Văn Khê cho biết vẫn luôn cố tự nấu lấy những món ăn dân tộc để dùng cho khỏi quên mùi vị quê hương. Hoài hoài nhắc nhở mình tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc là “để cho lòng khỏi phiêu dạt”, còn ngày ngày cơm cá rau là nhằm giữ cho miệng lưỡi khỏi lang thang!

Trong cái thánh đường của văn hóa Việt Nam, không thể thiếu chân dung Trần Văn Khê.



Thu Tứ
Viết năm 2012
Sửa lần đầu năm 2014 (*)
Sửa lần hai năm 2020 (**)














_________
(1) Xem bài “Đâu rồi quán dốc” của TT.
(2) Tân nhạc Việt Nam rực rỡ đại khái từ thời tiền chiến tới khoảng giữa thập kỷ 1980. Sau đổi mới kinh tế một thời gian, nó bắt đầu xuống dốc ào ào! Lý do là “Cuộc bể dâu chưa từng” (nhan đề một bài viết khác).
(3) Thái Bá Vân,
Tiếp xúc với nghệ thuật, Viện Mỹ thuật Việt Nam xuất bản, 1997.
(4) Xem bài “Như nước là ta” của TT.
(5) Trần Văn Khê trả lời phỏng vấn của Nguyễn Thế Khoa, in trong
99 Góc nhìn văn hiến Việt Nam, nxb. Thông Tấn, 2006.
(6) Trong tất cả những cuộc “thi đẹp” quốc tế, từ giải Nobel văn chương đến giải Hoa hậu Hoàn vũ, ai thắng ai thua tùy thuộc vào cân bằng thế lực giữa các nền văn hóa, phản ánh qua thành phần ban giám khảo. Cho tới bây giờ, điển hình, ban giám khảo hầu hết thuộc về văn hóa Tây phương. Tây chấm, dĩ nhiên Tây được. Thỉnh thoảng có người khác được, là do Tây cố ý “ưu ái”, vì lý do chính trị. Dĩ nhiên cân bằng thế lực không bất biến. Văn Tây gái Tây chắc chắn sẽ không chiếm ngai vàng mãi đâu. Khổ là đến lúc ta mạnh hơn Tây thì e rằng ta cơ bản đã hóa thành Tây rồi!
(*) Sau khi được GS-TS Trần Văn Khê cho biết những hoạt động về tân nhạc của mình, chúng tôi đã thêm thông tin ấy vào lời dẫn nhập của bài. Chúng tôi cũng sửa “lòng tự tôn dân tộc” thành “lòng tự hào dân tộc” theo đề nghị xác đáng của giáo sư. Ngoài ra không có sửa chỗ nào khác.
(**) Trong lần sửa này, chúng tôi nhuận sắc vài lời bàn. Chỉ trau lời chứ không đổi ý.