“ĐTĐ hay PHÍ - Chinh phụ ngâm khúc




Khi bàn về Cung oán, chúng tôi đã nhắc nhiều đến Chinh phụ. Những chuyện đã nói ở đây xin được miễn nhắc lại, để ta có thể bàn ngay chuyện mới.

Trước tiên, khi viết nguyên tác Hán văn, Đặng Trần Côn có lấy cảm hứng từ một cuộc chiến tranh cụ thể nào không? Cuộc giao chiến lớn cuối cùng giữa Trịnh và Nguyễn xảy ra năm 1672, khoảng bốn thập kỷ trước ngày ông chào đời. Tình hình đất nước thời Đặng Trần Côn thì chinh chiến tuy không to lắm nhưng khá rộn rịp: “Những năm 1738-1740, giặc Ninh Xá nổi lên ở Hải Dương, giặc Ngân Già ở Sơn Nam, Nguyễn Hữu Cầu đánh phá Kinh Bắc, bọn Tế và Đồng phá Sơn Tây (…) Lê Duy Mật chiếm cứ Trấn Ninh (…) Năm 1740 (…) Trịnh Doanh xúc tiến công cuộc đánh dẹp”.(1) Có lẽ tình hình này đã khiến Chinh phụ ngâm ra đời.

Thứ hai, trong Chinh phụ ngâm có tâm sự của tác giả hay không? Đặng Trần Côn cho đến khi mất khoảng năm 1745 chỉ làm quan văn, không thể là người chinh phu. Và khác với nỗi “oán” của một cung nữ bị thất sủng rất tiện cho một ông quan không vừa ý về hoạn lộ mình mượn để diễn tâm sự, thật khó tưởng tượng nỗi nhớ mong chồng của một chinh phụ có thể cho bất cứ đấng nam nhi nào mượn. Không diễn chính lòng mình, nhưng căn cứ vào độ sâu của cảm xúc, chắc Đặng Trần Côn đã diễn nỗi niềm của một chinh phụ mà ông biết rất rõ, chẳng hạn chị hay em gái ruột...

Thứ ba, tại sao Đặng Trần Côn lại đem người vợ chờ chồng Việt Nam qua tận bên Tàu? Chắc chủ yếu vì muốn có một cái khung hoành tráng, hơn nữa như vậy dễ vận dụng kho tàng điển tích văn học Trung Quốc, thậm chí đối với thi nhân ta lúc ấy (và cả lâu về sau) những cái địa danh Trung Quốc nghe nó có giá trị văn chương hơn là tên đất ở chính nước mình! Ngoài ra, cũng có thể ông đã có ý tránh nhắc đến quốc sử đương đại.

Bây giờ xin bàn đến chuyện chính, là cái bản dịch tuyệt tác của Đoàn Thị Điểm hay Phan Huy Ích.

Hoàng Xuân Hãn nhận xét xác đáng: “Cái hay của bài Phan Huy Ích (...) một phần, bởi tình ý thiết tha, hình ảnh rực rỡ, và một phần lớn, vì từ điệu gọn gàng, nhịp nhàng và bóng bẩy. Phần đầu là tại nguyên văn của Ðặng Trần Côn, phần thứ hai là của Phan Huy Ích (...) Văn dịch mà y như văn làm (...) Phan Huy Ích chỉ lĩnh hội ý (...) rồi viết”.(2)

Chúng tôi thấy do đặc tính của ngôn ngữ và của luật thơ, bài thơ Việt điển hình rất giàu chất nhạc, còn bài thơ Tàu điển hình thì ít chất nhạc nhưng lại giàu chất tranh.(3) Thơ Việt như nhạc làm bằng lời, thơ Tàu như tranh vẽ bằng lời. Dịch thơ tiếng Tàu sang thơ tiếng Việt là “dịch” tranh thành nhạc. Đâu có phải vô cớ mà các cụ ta gọi cái việc dịch ấy là “diễn ca”.

Hoàng Xuân Hãn để ý Phan Huy Ích đã không để bị “nguyên văn kiềm thúc”, thoải mái “bỏ phắt đi” câu nọ câu kia, thậm chí có khi bỏ rồi “thêm” cái gì đó do mình đặt ra! Tại sao đi làm thế? Tất cả là để cho bài thơ đọc nghe du dương.

Cùng cái tâm sự vợ chờ chồng ấy, nếu đọc bản gốc thì độc giả cơ bản sau khi hiểu nội dung, phải tự mình cảm xúc, trong khi nếu đọc bản dịch thì được chất nhạc dồi dào của thơ chở cảm xúc của người dịch thẳng vào lòng!

Chẳng hạn, gốc là:

“Thiên địa phong trần
Hồng nhan đa truân
Du du bỉ thương hề thùy tạo nhân”
,

thì dịch là:

“Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
Xanh kia thăm thẳm tầng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?”
.

Có phải một đằng “vẽ” ra trong óc ta nông nỗi một người đàn bà đẹp bị cuốn vào cơn gió bụi, khiến nẩy sinh thương cảm và thắc mắc, còn một đằng thì “hát” lên luôn cái rung động nẩy sinh trong lòng dịch giả khiến tâm hồn ta chỉ việc rung theo?!

Bây giờ chúng tôi xin đọc Chinh phụ tiếng Việt. Chia đoạn đây là theo cảm nhận riêng.

Thuở trời đất nổi cơn gió bụi (c. 1-12)

“Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
Xanh kia thăm thẳm tầng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này
Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt
Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây / (…)”
.

Hễ “cơn gió bụi nổi”, tất nhiên sẽ có nhiều người phải ra đi cố làm cho đất nước thanh bình trở lại. Những người ấy nổi bật nhất chứ, nhưng ngay lập tức Đặng Trần Côn lại nhắc đến “khách má hồng” không phải đi đâu cả. Ô hay, không đi, cớ sao “nhiều nỗi truân chuyên”?

Ấy, gian nan, vất vả, không phải chỉ có một lối. Muốn biết “gió bụi” ảnh hưởng đến người ở lại nhà như thế nào, xin xem tiếp rồi sẽ rõ!

Bịn rịn buổi tiễn đưa (c. 13-64)

“Ðường giong ruổi lưng đeo cung tiễn
Buổi tiễn đưa lòng bận thê noa
Bóng cờ tiếng trống xa xa
Sầu lên ngọn ải oán ra cửa phòng
(…)
Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
Gieo Thái sơn nhẹ tựa hồng mao
Giã nhà đeo bức chiến bào
Thét roi cầu Vị ào ào gió thu / (…)”
.

Đoạn này có chứa nhiều tên người, tên đất bên Tàu (trong những câu thơ không trích), ai muốn tìm hiểu, xin đừng! Vì Hoài Thanh đã làm việc đó rồi và cho hay “tất cả đều chỉ có giá trị tượng trưng, có khi lấy ở đời Hán, lại có khi lấy ở đời Ðường, nhiều khi chẳng có quan hệ gì với nhau, thậm chí mâu thuẫn với nhau nữa”!(4) Ta chỉ cần biết “chàng” chinh chiến xa xôi lắm. Và chính “thiếp” thì cũng chỉ cần biết có thế thôi.

“Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt” ra đi oai hùng, rồi đoàn quân đi trong một không gian mênh mông, mây núi chập chồng, cũng rất hùng! Nhưng người hùng cảnh hùng không làm quên được việc đi mà không biết ngày về, thực ra không biết có ngày về hay không. “Thiếp” “đưa chàng lòng dặc dặc buồn”, lòng bịn rịn không hề che giấu: “Nhủ rồi nhủ lại cầm tay / Bước đi một bước giây giây lại dừng”

Tay chẳng bao lâu phải rời tay, chân thì dừng bước, “Thiếp (đứng đó) nhìn rặng núi (mà) ngẩn ngơ nỗi nhà”… Thẫn thờ một lúc, rồi cũng phải về nhà.

“Chàng thì đi cõi xa mưa gió
Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn (…)
.

Người về vừa đi vừa chốc chốc “đoái trông”, người đi chắc cũng thế:

“Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một mầu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai”


Người ở nhà lo nghĩ về người đi xa (c. 65-108)

“Chàng từ khi vào nơi gió cát”

Đưa “chàng” đi rồi, “thiếp” về nhà, bắt đầu lo.

Trước tiên là lo “chàng” vất vả: hẳn lúc thì “nội không muôn dặm xiết bao dãi dầu”, lúc thì “đứt thôi lại nối thấp đà lại cao”, phải lên xuống dốc liên tục, lúc lại gặp “dòng nước sâu ngựa nản chân bon”, chưa nói ăn uống ngủ nghỉ thế nào ở những nơi khí hậu khắc nghiệt...

Nhưng dĩ nhiên lo cho “những người chinh chiến”, lo nhất là về an toàn tính mệnh. Cứ mỗi cơn binh lửa, là lại thêm biết bao nhiêu nấm mồ hoang. Nằm xuống nơi xa buồn lắm:

“Non Kỳ mộ chỉ trăng treo
Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò
(…)
Chinh phu tử sĩ mấy người
Nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn”
(…)
Hồn tử sĩ gió ù ù thổi
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi”
...

Càng tưởng tượng càng xiết nỗi xót xa, “chàng” ơi, “chàng” ơi!

Than đôi lứa chia lìa (c. 109-124)

Bịn rịn lúc tiễn đưa, lo lắng khi về đến nhà, bây giờ mới bắt đầu than thở.

Trời hỡi, “chàng phong lưu đương chừng niên thiếu”, “thiếp” cũng thế, đôi bên đã “sánh nhau cùng dan díu chữ duyên”, thế mà “nỡ nào đôi lứa thiếu niên / quan sơn để cách hàn huyên cho đành”! Khi lấy chàng, “thiếp chẳng tưởng ra người chinh phụ”, chỉ “những mong cá nước vui vầy”, ai ngờ chưa được bao lâu thì đã “đôi ngả nước mây cách vời”

Cái hoàn cảnh “thiếp trong cánh cửa chàng ngoài chân mây” tuy rất dễ được tất cả xung quanh chia sẻ, nhưng đi sâu vào tình cảm hai người thì “nỗi lòng biết ngỏ cùng ai”, cho nên lẽ tất nhiên một “người thôi sớm thôi hôm những sầu”...

Trách chinh phu lỡ hẹn (c. 125-148)

Đoạn trước chinh phụ “than”, đoạn này chuyển sang “trách”.

Trách vì cứ “hỏi ngày về” thì chinh phu hẹn sớm, thế mà “nay đào đã quyến gió đông / phù dung lại đã bên sông bơ sờ”, vẫn chưa “thấy hơi tăm” gì cả.

Trách chưa về, xong trách thất hẹn: “Hẹn cùng ta Lũng Tây nham ấy”, “Hẹn nơi nao Hán Dương cầu nọ”... Lũng Tây ở mãi Cam Túc, Hán Dương thuộc Hồ Bắc. Thế nghĩa là chồng vừa xông pha đánh giặc vửa hẹn gặp vợ ở chỗ nọ chỗ kia rất xa xôi? Cái hẹn này thực không hiểu nổi. Dù sao, cái cảnh ở những nơi “thiếp” đến chờ “chàng” nó gợi quá: nào “ngập ngừng lá rụng cành trâm / buổi hôm nghe dậy tiếng cầm xôn xao”, nào “ngập ngừng gió thổi chéo bào / bãi hôm tuôn dẫy nước trào mênh mông”

Và cảnh ở ngay tại nhà thì thương ơi: “Tin thường lại người không thấy lại / Hoa dương tàn đã trải rêu xanh / Rêu xanh mấy lớp xung quanh / Sân đi một bước trăm tình ngẩn ngơ / Thư thường tới người chưa thấy tới / Bức rèm thưa lần dãi bóng dương / Bóng dương mấy buổi xuyên ngang / Lời sao mười hẹn chín thường đơn sai”… Thương lắm, nhưng người biền biệt mà “tin, thư” vẫn thường “lại, tới” thì cũng chưa phải là tệ nhất.

Kể chuyện nhà: nuôi mẹ, dạy con (c. 149-164)

Đoạn này chinh phụ kể... công:

“Nay một thân nuôi già (và nuôi) dạy trẻ”.

Kể tí gọi là thôi, kẹp vào giữa “xót” và “nhớ” chinh phu.

Những “mẹ già phơ phất mái sương”, “buồn khi tựa cửa”, “con thơ măng sữa”, “chờ bữa mớm cơm”, nghe như lấy từ ca dao… Hay có lẽ chính là đã đi vào ca dao?

Kể lể nỗi niềm nhớ nhung (c. 165-256)

“Kể năm đã ba tư cách diễn / Mối sầu thêm nghìn vạn ngổn ngang / Ước gì gần gũi tấc gang / Giãi niềm cay đắng để chàng tỏ hay / (…) / Nhẫn đeo tay mọi khi ngắm nghía / Ngọc cài đầu thuở bé vui chơi / Cậy ai mà gửi tới nơi / Ðể chàng trân trọng dấu người tương thân / Trải mấy xuân tin đi tin lại / Tới xuân này tin hãy vắng không / Thấy nhàn luống tưởng thu phong / Nghe hơi sương sắm áo bông sẵn sàng / Gió tây nổi không đường hồng tiện / Xót cõi ngoài tuyết quyến mưa sa / Màn mưa trướng tuyết xông pha / Nghĩ thêm lạnh lẽo kẻ ra cõi ngoài / Ðề chữ gấm phong thôi lại mở / Gieo bói tiền tin dở còn ngờ / Trời hôm tựa bóng ngẩn ngơ / Trăng khuya nương gối bơ phờ tóc mai / Há như ai hồn say bóng lẫn / Bỗng thơ thơ thẩn thẩn như không / Trâm cài xiêm dắt thẹn thùng / Lệch vừng tóc rối lỏng vòng lưng eo / Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước / Ngoài rèm thưa rủ thác đòi phen / Ngoài rèm thước chẳng mách tin / Trong rèm dường đã có đèn biết chăng / Ðèn có biết nhường bằng chẳng biết / Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi / Buồn rầu nói chẳng nên lời / Hoa đèn kia với bóng người khá thương / Gà eo óc gáy sương năm trống / Hòe phất phơ rủ bóng bốn bên / Khắc trời đằng đẵng bấy niên / Mối sầu dằng dặc tựa miền bể xa / Hương gượng đốt hồn đà mê mải / Gương gượng soi lệ lại chứa chan / Sắt cầm gượng gảy ngón đàn / Dây uyên kinh đứt phím loan ngại chùng / (…) / Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu / Nỗi nhớ nhung đau đáu nào xong / Cảnh buồn người thiết tha lòng / Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun / Sương như búa bổ mòn gốc liễu / Tuyết nhường cưa xẻ héo cành ngô / Giọt sương phủ bụi chim gù / Sâu tường kêu vẳng chuông chùa nện khơi / Vài tiếng dế nguyệt soi trước ốc / Một hàng tiêu gió thốc ngoài hiên / Lá màn lay ngọn gió xuyên / Bóng hoa theo bóng nguyệt lên trước rèm / Hoa giãi nguyệt nguyệt in một tấm / Nguyệt lồng hoa hoa thắm từng bông / Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng / Trước hoa dưới nguyệt trong lòng xiết đâu / Ðâu xiết kể trăm sầu nghìn não / Từ nữ công phụ xảo đều nguôi / Biếng cầm kim biếng đưa thoi / Oanh đôi thẹn dệt bướm đôi ngại thùa / Mặt biếng tô miệng càng biếng nói / Sớm lại chiều dòi dõi nương song / Nương song luống ngẩn ngơ lòng / Vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai / Biếng trang điểm lòng người sầu tủi / Xót nỗi chàng ngoài cõi trùng quan / Khác gì ả Chức chị Hằng / Bến Ngân sùi sụt cung trăng chốc mòng / Sầu ôm nặng hãy chồng làm gối / Muộn ôm đầy hãy thổi làm cơm / Mượn hoa mượn rượu giải buồn / Sầu làm rượu nhạt muộn làm hoa ôi / Gõ sênh ngọc mấy hồi không tiếng / Ôm đàn tranh mấy phím rời tay / Xót người hành dịch bấy nay / Dặng xa thêm mỏi trắp đầy lại vơi / Ca quyên ghẹo làm rơi nước mắt / Trống tiều khua như đốt buồng gan / Võ vàng đổi khác dung nhan / Khuê ly mới biết tân toan dường này / Nếm chua cay tấm lòng mới tỏ / Chua cay này há có vì ai / Vì chàng lệ thiếp nhỏ đôi / Vì chàng thân thiếp lẻ loi một bề”.

Đoạn này dài đến non một phần tư tác phẩm. Nó dài là phải, vì nó diễn “nỗi nhớ nhung đau đáu”, tức cái cảm xúc chủ yếu trong lòng người chinh phụ.

“Lòng thiếp riêng bi thiết (...) nói chẳng nên lời”, nhưng may đã có thi sĩ đa cảm đặt mình vào chỗ “thiếp” mà cảm miên man rồi viết nên lời lời thật gợi.

Vợ nhớ chồng xa lúc nào chẳng nhớ, nhưng có lẽ dễ “chạnh” hơn về ban đêm, nhất những đêm có trăng, gió, hoa: “Vài tiếng dế (…) / Một hàng tiêu (…) / Lá màn lay (…) / Bóng hoa (…) / Hoa giãi nguyệt (…) / Nguyệt lồng hoa (…)”...

“Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng” khiến nỗi nhớ trở nên da diết hơn hẳn mọi đêm. Cảm xúc vốn hoàn toàn trừu tượng, nhưng đêm nay sao thấy cụ thể như gỗ như gạo: “… hãy chồng làm gối / (…) hãy thổi làm cơm”, cơm “muộn” gối “sầu”, cái ăn cái ngủ, chao ơi! Ăn ngủ khác lạ lại khiến trông ngoại cảnh cũng thấy theo một cách chưa ai từng: “Sương như búa (…) / Tuyết nhường cưa (…)”!

Hãy tưởng tượng bên ngoài toàn những tiếng những hình gợi nhớ hết sức nhức nhối, khó chịu, để bên trong sát bên đèn một người ngồi với cái bóng của mình mà “nhỏ đôi” liên tiếp, hết đôi này nhỏ luôn đôi khác cho tới tận khuya, rồi lại giường nằm xuống mà “chảy đôi” cũng liên tiếp, ướt đẫm cả gối cả nệm...

Mộng dõi tìm dấu chàng (c. 257-296)

“Thân thiếp chẳng gần kề dưới trướng / Lệ thiếp nào chút vướng bên khăn / Duy còn hồn mộng được gần / Ðêm đêm thường đến Giang Tân tìm người / (…) / Xum vầy mấy lúc tình cờ / Chẳng qua trên gối một giờ mộng xuân / Giận thiếp thân lại không bằng mộng / Ðược gần chàng bến Lũng thành Quan / Khi mơ những tiếc khi tàn / Tình trong giấc mộng muôn vàn cũng không / (…) / Trông bến nam bãi che mặt nước / Cỏ biếc um dâu mướt màu xanh / Nhà thôn mấy xóm chông chênh / Một đàn cò đậu trước ghềnh chiều hôm / Trông đường bắc đôi chòm quán khách / Rườm rà cây xanh ngắt núi non / Lúa thành thoi thóp bên cồn / Nghe thôi ngọc địch véo von bên lầu / Non đông thấy lá hầu chất đống / Trĩ xập xòe mai cũng bẻ bai / Khói mù nghi ngút ngàn khơi / Con chim bạt gió lạc loài kêu thương / Lũng Tây chảy nước dường uốn khúc / Nhạn liệng không sóng giục thuyền câu / Ngàn thông chen chúc khóm lau / Cách ghềnh thấp thoáng người đâu đi về / (…)”.

Có thế chứ. Đây không như một đoạn trước trong đó chinh phụ thân xông pha đi tìm gặp chinh phu. Đây thân vẫn ở nhà, trên giường, chỉ có hồn bay khắp nơi...

Hồn mà tìm nhất định phải thấy, “thiếp chàng” gặp nhau vui “có một”, nhưng qua “giờ mộng xuân” rồi thì “muôn vàn cũng (như) không”…

Hồn “thiếp” bay lên cao có lúc thấy cảnh gợi ghê: “Khói mù nghi ngút (…) / Con chim bạt gió (…)”. “Kêu thương” nào chỉ con chim!

Ờ, mà lẽ nào chỉ có người ở nhà mới đêm đêm... cất cánh, hẳn “chàng” cũng... Chúng tôi chợt nhớ hăm mấy thập kỷ sau Chinh phụ, Huy Cận cũng thấy chiêm bao là tiện: “Thân dù sông núi xa xôi / Giấc mơ qua lại lứa đôi tự tình…”, bèn thử mượn đôi vần còn lâu lắm mới ra đời mà gán cho “thiếp” đây: “Yêu nhau nhớ dáng tưởng hình / Chiêm bao phu có một mình chăng phu?”.(5)

Tiếc nhớ quẩn quanh (c. 297-320)

“Lúc ngoảnh lại ngắm màu dương liễu / Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong / Chẳng hay muôn dặm ruổi giong / Lòng chàng có cũng như lòng thiếp chăng? / Lòng chàng ví cũng bằng như thế / Lòng thiếp nào dám nghĩ gần xa / Hướng dương lòng thiếp như hoa / Lòng chàng lẩn thẩn e tà bóng dương / Bóng dương để hoa vàng chẳng đoái / Hoa để vàng bởi tại bóng dương / Hoa vàng hoa rụng quanh tường / Trải xem hoa rụng đêm sương mấy lần / Chồi lan nọ trước sân đã hái / Ngọn tần kia bên bãi đưa hương / Sửa xiêm dạo bước tiền đường / Ngửa trông xem vẻ thiên chương thẫn thờ / Bóng Ngân hán khi mờ khi tỏ / Ðộ Khuê triền buổi có buổi không / Thức mây đòi lúc nhạt nồng / Chuôi sao Bắc Ðẩu thôi đông lại đoài / Mặt trăng tỏ thường soi bên gối / Bừng mắt trông sương gội cành khô / Lạnh lùng thay bấy nhiêu thu / Gió mây hiu hắt trên đầu tường vôi”.

Đoạn này nhớ mang màu tiếc: “Thà khuyên (…)”. Chinh phụ khe khẽ tiếc, rồi khe khẽ hỏi: “Lòng chàng có cũng (…)”, rồi khe khẽ nêu giả thiết: “Lòng chàng ví (…)”...

Bao nhiêu bước thẫn thờ qua lại trên sân. Bao nhiêu đêm với chỉ trăng bên gối, thiếp đi, để khi mở mắt thì bị “cành khô sương gội” đập ngay vào mắt. Thu êm đềm, lãng mạn ư? Đã quen ngước trông mây cô đơn trôi trên đầu tường rồi… Phải chi, phải không, “chàng” ơi.

Lo già, nguyện muôn kiếp bên chàng (c. 321-372)

“Một năm một nhạt màu son phấn / Trượng phu còn thơ thẩn miền khơi / Xưa sao hình ảnh chẳng rời / Bây giờ nỡ để cách vời Sâm Thương / Chàng ruổi ngựa dặm trường mây phủ / Thiếp dạo hài lối cũ rêu in / Gió xuân ngày một vắng tin / Khá thương lỡ hết mấy phen lương thì / Xẩy nhớ khi cành Diêu đóa Ngụy / Trước gió xuân vàng tía sánh nhau / Nọ thì ả Chức chàng Ngâu / Tới trăng thu lại bắc cầu sang sông / Thương một kẻ phòng không luống giữ / Thời tiết lành lầm lỡ đòi nau / Thoi đưa ngày tháng ruổi mau / Người đời thấm thoắt qua mầu xuân xanh / Xuân thu để giận quanh ở dạ / Hợp ly đành buồn quá khi vui / Oán sầu nhiều nỗi tơi bời / Vóc bồ liễu dễ ép nài chiều xuân / Kìa Văn Quân mỹ miều thuở trước / E đến khi đầu bạc mà thương / Mặt hoa nọ gã Phan lang / Sợ khi mái tóc điểm sương cũng ngừng / Nghĩ nhan sắc đương chừng hoa nở / Tiếc quang âm lần lữa gieo qua / Nghĩ mệnh bạc tiếc niên hoa / Gái tơ mấy chốc hóa ra nạ dòng / Gác nguyệt nọ mơ mòng vẻ mặt / Lầu hoa kia phảng phất mùi hương / Trách trời sao để nhỡ nhàng / Thiếp rầu thiếp lại rầu chàng chẳng quên / Chàng chẳng thấy chim uyên ở nội / Cũng dập dìu chẳng vội phân trương / Chẳng xem chim yến trên rường / Bạc đầu không nỡ đôi đường rẽ nhau / Kìa loài sâu hai đầu cùng sánh / Nọ loài chim chắp cánh cùng bay / Liễu sen là thức cỏ cây / Ðôi hoa cũng sánh đôi dây cũng liền / Ấy loài vật tình duyên còn thế / Sao kiếp người nỡ để đấy đây / Thiếp xin về kiếp sau này / Như chim liền cánh như cây liền cành / Ðành muôn kiếp chữ tình đã vậy / Theo kiếp này hơn thấy kiếp sau / Thiếp xin chàng chớ bạc đầu / Thiếp thì giữ mãi lấy màu trẻ trung / Xin làm bóng theo cùng chàng vậy / Chàng đi đâu cũng thấy thiếp bên / Chàng nương vừng nguyệt phỉ nguyền / Mọi bề trung hiếu thiếp xin vẹn tròn”.

Đây cũng đoạn quan trọng. Vì xa nhau lâu thì người phụ nữ lo gì hơn lo già.

Nỗi lo “hóa ra nạ dòng” rất tự nhiên làm nảy mối tự thương. “Kẻ phòng không luống giữ” quả thực đáng thương ấy ngày ngày “dạo hài lối cũ” mà đứt ruột tiếc “mấy phen lương thì”. Trời ơi, “thời tốt” cứ theo nhau “lỡ hết” phen này đến phen nọ đến phen kia thế này, “e đến khi đầu bạc” mất!

Tất nhiên phai màu tóc không chỉ riêng ai, nên “thiếp” rầu mình xong, “lại rầu chàng chẳng quên”. Cái nỗi lo sẽ bị “nước thời gian gội tóc trắng phau phau” (thơ Đoàn Văn Cừ), nó có khi căng tới mức khiến con người ta trở nên lẩn thẩn, đòi vượt quyền Tạo hóa: “thiếp” quả quyết sẽ “giữ mãi lấy màu trẻ trung”!

Nhưng thực ra miệng nói hăng vậy, chứ tận đáy lòng “thiếp” đã trù liệu cho thất bại hoàn toàn rồi. Nếu kiếp này “Trời (...) để nhỡ nhàng”, đôi lứa cứ “đấy đây” mãi, thì “thiếp xin” được toại nguyện trong “kiếp sau”. Cái ý “như chim (…) như cây (…)” không biết ra đời thời nào bên Tàu, chỉ biết có dùng trong “Trường hận ca” của Bạch Cư Dị, còn sang ta có lẽ nó đã từ Chinh phụ đi vào dân gian… Ước ao chi mà tội quá, cho “liền” liền đi, Trời ơi!

Mơ chinh phu khải hoàn (c. 373-392)

“(…) / Nền huân tướng đai cân rạng vẻ
Chữ đồng hưu bia để nghìn đông
Ơn trên ấm tử thê phong
Phân vinh thiếp cũng đượm chung hương trời”
.

Với công như đã kể, “thiếp” được “phân vinh” với “chàng” là xứng đáng lắm.

Mơ lúc gặp lại chinh phu (c. 393-412)

“(…) / Xin vì chàng xếp bào cởi giáp
Xin vì chàng giũ lớp phong sương
Vì chàng tay chúc chén vàng
Vì chàng điểm phấn đeo hương não nùng
Mở khăn lệ chàng trông từng tấm
Ðọc thơ sầu chàng thấm từng câu
Câu vui đổi lấy câu sầu
Rượu khà cùng kể trước sau mọi lời
Sẽ rót vơi lần lần từng chén
Sẽ ca lần ren rén từng thiên
Liên ngâm đối ẩm đòi phen
Cùng chàng lại kết mối duyên đến già
Cho bõ lúc xa sầu cách nhớ
Giữ gìn nhau vui thuở thanh bình
Ngâm nga mong mỏi chữ tình
Nhường này âu hẳn tài lành trượng phu”
.

Ca khúc khải hoàn xong, chinh phụ chinh phu ca tiếp bài tái ngộ. Chao ơi muồi.

“Thiếp” “điểm đeo” thật “não nùng”, rồi đem “khăn lệ” và “thơ sầu” ra khoe. “Chàng” ngắm nghía nâng niu vuốt ve từng tấm... nước mắt khô, còn đọc thơ thì câu nào “thấm” ngay câu ấy như chính mình đã viết! Người về đọc một mạch hết sạch bao nhiêu vần “nhớ quá, chàng ơi”, xong lập tức tuôn ra không biết bao nhiêu câu “vui quá, nàng ơi” để “đổi lấy”, xong bắt đầu vừa “khà” vừa “kể trước sau mọi lời”.

“Thiếp” vừa nghe, vừa rót rượu, vừa thi thoảng “ren rén” ca không biết là cái bài rất phấn khởi gì. Hai người giọng liền giọng ngâm nga, mặt đối mặt nâng chén không phải một hôm, hai hôm, ba hôm, mà “đòi phen”…

Phải thế chứ, có như thế thì may ra mới “bõ lúc xa sầu cách nhớ” được chứ! Nhưng than ôi, tất cả hoàn toàn chỉ là tưởng tượng! Bao giờ “khách má hồng” mới dứt “truân chuyên”, hỡi “thăm thẳm xanh kia”?



Thu Tứ
Viết năm 2013
Sửa tháng 10-2023











_________
(1) Phạm Thế Ngũ,
Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, nxb. Quốc Học Tùng Thư, Sài Gòn, 1961-1965, tập II.
(2) Hoàng Xuân Hãn,
Chinh phụ ngâm bị khảo, nxb. Minh Tân, 1953.
(3) Thu Tứ, “Thơ nhạc, thơ tranh”,
Cảm nghĩ miên man, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và nxb. Thế Giới, 2015.
(4)
Tuyển tập Hoài Thanh, tập II, nxb. Văn Học, 1982: “Theo đoạn tiễn đưa thì hình như người chinh phu quê ở Hàm Dương và đi đánh dẹp ở Tiêu Tương nghĩa là đi từ bắc xuống nam. Người chinh phụ cũng có nói: “Chàng từ sang đông nam khơi nẻo”. Nhưng “trống Trường Thành” là ở phương bắc và sau này người chinh phụ gửi nhớ thương cũng lại hướng về non Yên ở phương bắc. Hai lần người thiếu phụ nhắc đến ngày chồng hẹn lúc ra đi nhưng lần thứ nhất là “nẻo quyên ca” tức là mùa hè, lần thứ hai lại là “độ đào bông” tức là mùa xuân; thế thì là mùa hè hay mùa xuân?”.
(5) Bài “Chiêm bao thỉnh thoảng em về”.