Nắng lửa qua rồi
Thu về thoang thoảng
Ngoại thành vào phố
Những quả trăng thơm...

*

Thị hoa trên cây
Thị hoa trên vách
Những năm tháng mất
Vết còn lại đây...
(Thu Tứ)



Nguyễn Hà, “Hương thị ngoại thành”





ảnh khuyết danh


Mới hôm nào (...) trong nhà cũng nung lên đến 36, 37 độ C, càng để cho chiếc quạt điện chạy hết cỡ thổi thốc vào người càng thấy nóng như rang, không gian khen khét như luôn có mùi than lửa cháy... Trừ những nơi có máy điều hòa, bà con ai ai cũng chỉ ngồi thở với mong, ước gì bây giờ được cơn gió giải nồng!

Ấy thế mà chỉ qua một đêm hạ cuối, cơn mưa lập thu lác đác để rơi dăm giọt nước hiếm hoi như giọt lệ của người vô cảm; như trời còn tiếc nuối một chút gì chưa kịp làm trọn vẹn trong hè; chẳng hạn dưới đầm kia còn sót một vài bông sen chưa nở nốt? hay rặng bằng lăng cuối phố màu hoa ưu tư cứ tím dăng dăng chẳng chịu buông tha nỗi da diết nhớ người ở phương trời?... Bỗng sớm nay, ngọn gió heo may mang cái hơi thu ở tận đẩu tận đâu hiu hắt lẻn về... Làn da cô thiếu nữ chợt mịn màng trở lại, mà khỏi cần đến những tuýp hóa chất thời trang. Cái hơi thu quý giá ấy đưa về từ đâu vậy? Phải chăng từ tận vòm trời cao xanh ngắt? Phải chăng từ những vồng mây trắng xốp lang thang? Phải chăng từ những nương lúa lốc lưng đồi đã gặt, đàn chim ngói nâu đi chơi thu xập xè ùa xuống? Hoa hoàng lan, hoa móng rồng lúc này chưa nở... sao trong hơi thu cứ thoang thoảng một mùi hương dịu ngọt làm bâng khuâng xao xuyến cả không gian?

À thì ra dọc những phố hè, những cô hàng thị ngoại thành đã đem về cho ta cái mùi hương quên lãng của hàng năm quen thuộc. Phòng ta ở tận lầu cao, kịp khi ta chạy xuống đến nơi thì gánh thị đã đi khuất nẻo rồi, mặt hè lãng đãng chỉ còn rớt vương hương gánh thị, khiến hồn ta ngơ ngẩn... chợt câu thơ ai đó ngời lên: “Mại hoa nhân khứ lộ do hương” (Lối còn ngát mãi gánh hoa đi)!



ảnh khuyết danh


Tuổi thơ ta từ lâu nấp kín bỗng chốc ập về. Trái thị là quà của đám trẻ nhà nghèo, người thành phố chỉ thích mùi thơm của thị mà mua về để trên mặt tủ, mặt bàn cho gian phòng sực nức hương thu; chứ đám trẻ nghèo chúng tôi thì không chỉ vậy. Đầu tiên, cũng để trên ban thờ cho hết cả mọi người trong gia đình cùng thưởng thức hương thơm dân dã của nó, để trong giấc ngủ chập chờn mơ thấy cô Tấm bước ra như cổ tích, giúp đỡ bà việc vặt. Nhưng điều ao ước chính của chúng tôi là mong cho chúng mau chín nục để được hưởng cái vị ngòn ngọt man mát mà chúng tôi thèm đến nỗi bịa ra: “Bà ơi, thị để lâu, người ta nói cái mùi thơm của nó sẽ làm cho cơm nguội chóng thiu đấy!”. Bà thì hiểu lòng chúng tôi quá đỗi, nên nheo đôi mắt già nua cười rất hiền từ: “Ừ, thì con lấy xuống mà ăn đi... cho cơm nguội khỏi thiu! Con lấy dao bài bổ thị ra làm sáu như ông năm ngoái, ăn xong dán vỏ lên vách kia kìa.” Tôi ngước nhìn lên khoang vách bên trái, ở đó, có hàng chục “hoa thị” nở đều sáu cánh màu nâu thẫm, có chiếc đã bong khỏi vách, chỉ còn in lại dáng... ông thì đã đi xa rồi! (...)

Không biết trên trái đất ở đâu cũng có thị nữa nhỉ? (...) Năm ngoái mùa thu, tôi được theo đi du ngoạn bên Tàu, thấy bên ấy có thứ trái cây tên viết là “thị” (âm Hán Việt) nhưng nghĩa lại là quả hồng (...)

Màu trái thị vàng như màu trăng tháng tám (...) có phải (...) đêm thu (...) trăng (...) treo cao cho thật tỏ để nhắc cho lũ trẻ thơ chúng tôi khỏi quên thị...



ảnh khuyết danh


Hà Nội, 9-1998


(Nguyễn Hà,
Hà thành hương và vị, nxb. Văn Hóa - Thông Tin, 1999)