“Thơ nhạc, thơ tranh”




Thơ làm bằng chữ.

Vì chữ có âm thanh nên thơ có thể có chất nhạc. Nhạc hay không, nhạc nhiều nhạc ít, tùy đặc tính của thứ tiếng được dùng để làm thơ và tùy luật của thể thơ.

Vì chữ có nghĩa nên thơ có thể có chất họa. Đây chữ “núi” kia chữ “chim” nọ chữ “thuyền” chữ “ông chài” chữ “nón lá”, “áo tơi” v.v. Sắp xếp thế nào đấy, có thể nên được tranh, trong óc.

So tiếng Việt với tiếng Tàu. Tản Đà có lần bảo: “Chữ quốc ngữ của ta, âm và vận so với chữ nước khác, hãy nói như chữ Tàu, thì rất là giàu đủ và tách bạch hơn”.(1) Ngoài ra, tiếng Việt lại có những hư tự và chữ đứng trước có khả năng làm tăng hẳn nhạc tính của câu nói.(2) Hơn nữa, ngữ pháp Việt lại cực kỳ linh động. Nghĩa là, ta nói một thứ tiếng đặc biệt thích hợp cho việc làm nhạc!

So luật thơ Việt với luật thơ Tàu. Thơ Việt truyền thống có hai thể căn bản là thể sáu tám và thể ngâm (tức bảy bảy sáu tám). Luật của cả hai thể đều là luật về âm và vận mà thôi, không hề đặt ra ràng buộc nào về ý. Luật thơ Việt hoàn toàn nhằm tạo hiệu quả nhạc. Thơ Tàu điển hình là thơ Đường luật. Luật Đường trước tiên qui định cách sắp xếp ý trong một bài thơ (dài chỉ tám hoặc bốn câu!). Cũng có qui định về âm thanh, nhưng đòi hỏi tổ chức ý quá chặt chẽ làm cho rất khó tạo nhạc. Tức luật thơ đây cơ bản giống như một thứ họa pháp để vẽ tranh (tưởng tượng) bằng chữ!

Tiếng khác tiếng, luật thơ khác luật thơ, kết quả là: thơ Việt như nhạc, thơ Tàu như tranh.

Thời tiền chiến, Thùy Thiên khóc nhầm bạn Tản Ðà (vì tưởng thi sĩ đã từ trần), trong bài thơ điếu người chưa chết có câu “ca”: “Văn chương đâu khéo ly kỳ, đọc lên sướng miệng, nghe thì sướng tai!”. Đấy, thơ Việt mà hay thì thế đấy.

Tất nhiên cái sướng nghe thơ nó không ngừng ở tai. Từ tai nó vào lòng. Nghệ thuật thơ Việt Nam chủ yếu dùng nhạc để trực tiếp gợi lên trong lòng người nghe một trời cảm xúc!

Để ý tuy thơ Đường cũng có một số bài êm tai (như bài Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế), người Tàu không trầm trồ thứ thơ “thi trung hữu nhạc”. Khi đọc thơ, họ quan tâm đến chất họa. Tô Ðông Pha tán tụng: “Ðọc thơ Ma Cật thấy trong thơ có họa”. Vương Duy có thể vẽ đẹp hơn các nhà thơ khác một chút, nhưng thiết tưởng tất cả các thi nhân đời Đường khi sáng tác đều mơ màng như mình đang vẽ tranh thủy mạc! Đọc Đường thi, trước tiên ta thấy tranh tưởng tượng, sau đó ta mới bắt đầu cảm xúc. Nghệ thuật thơ Trung Quốc như vậy chủ yếu gợi cảm xúc cách gián tiếp thông qua ý.

*

Dịch thơ tiếng Tàu ra thơ tiếng Việt là chuyển tranh tưởng thành nhạc thật. Hoàng Xuân Hãn nhận xét về việc dịch Chinh phụ ngâm khúc: “Cái hay (của bản dịch) một phần, bởi tình ý thiết tha, hình ảnh rực rỡ (trong nguyên văn), và một phần lớn, vì từ điệu gọn gàng, nhịp nhàng và bóng bẩy”.(3) Tức Đoàn Thị Điểm hay Phan Huy Ích đã đem tranh đẹp trong óc phổ thành nhạc chữ du dương!

Văn nhân xưa rất biết việc mình làm, vì sau khi dịch xong có lời: “từng thiên, từng chương (...) tìm âm thanh cho êm ái (...) phiên dịch thành khúc mới”.(4) “Khúc mới” chính là một khúc nhạc, một bài ca. Cho nên mới gọi Chinh phụ ngâm khúc diễn ca!

Đây hai câu đầu của Đặng Trần Côn:

“Thiên địa phong trần
Hồng nhan đa truân”.

Và đây hai câu ấy sau khi dịch:

“Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên”.

Thơ lối Tàu “vẽ” ra trong óc người đọc hình ảnh một người đàn bà đẹp quay cuồng giữa trời đất đầy gió bụi. Thơ lối Việt “hát” lên cái hình ảnh ấy!

(Nguyên tác Chinh phụ làm theo thể trường đoản câu ngắn câu dài. Câu ngắn như trên người dịch thêm chữ, còn câu dài thì bớt chữ, nhờ hết sức dạn tay thêm, bớt, sửa sang, đảo lộn, mà tranh mới thành được nhạc.)

*

Truyện Kiều, theo Xuân Diệu “là một bản nhạc dài”(5), theo Hoài Thanh như “một tiếng đàn lạ gần như không một lần nào lỡ nhịp ngang cung”.(6) Rõ ràng điều đáng nhắc nhất về Kiều là chất nhạc quán xuyến và độc đáo. Thì chính Nguyễn Du đã gọi tác phẩm mình là “Đoạn trường tân thanh. Cụ xem tranh dâu bể của người Tàu, cảm khái, khóc một hơi thành nhạc “động đất trời”, “nghe như non nước vọng lời nghìn thu”(7), chứ cụ có ngồi hì hục vẽ bức tranh khác đâu!

Dĩ nhiên đâu phải chỉ khi đọc thơ Đường hay tiểu thuyết Thanh, ta mới có hứng thơ. Người Việt bình dân quanh năm suốt tháng “ca” thành “dao” đủ thứ quanh mình. Người Việt trí thức ngâm nga khi ngẫm nghĩ về tranh “tuồng đời”, “kiếp người”:

“Gót danh lợi bùn pha sắc xám
Mặt phong trần nắng nám mùi dâu
Nghĩ thân phù thế mà đau
Bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê (...)
Cầu thệ thủy ngồi trơ cổ độ
Quán thu phong đứng rũ tà huy
Phong trần đến cả sơn khê
Tang thương đến cả hoa kia cỏ này
Tuồng huyễn hóa đã bày ra đấy
Kiếp phù sinh trông thấy mà đau
Trăm năm còn có gì đâu
Chẳng qua một nắm cổ khâu xanh rì”

và khi ngắm nghía tranh thật của Tạo hóa:

“Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen lá đá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta”.

Dù chứa nhiều chữ Tàu như Cung oán hay làm theo luật Tàu như thơ Bà Huyện, thì thơ ta bao giờ cũng vẫn giàu chất nhạc hơn hẳn thơ Tàu!

*

Lại Tản Đà: “Quốc văn ta có những đặc điểm có thể làm cho thơ ca (...) hay hơn thơ ca của nước ngoài”. “Nước ngoài” đây là kể cả nước Tàu. Cụ nghĩ thế, liệu có đúng không?

Thiết tưởng nếu xem thơ là một thứ nghệ phẩm làm bằng tiếng nói thì làm thơ như người Việt Nam mới là đi đến chỗ tận cùng của quá trình sáng tạo. Người Tàu chọn và sắp xếp tứ thành “phong cảnh” nên thơ nhưng như thế chưa xong việc, vì phong cảnh trong óc chưa phải là thơ.

Đọc

“Bất túy Tầm Dương tửu
Yên ba sầu sát nhân”,

óc ta tưởng tượng ra một hình ảnh, rồi lòng ta nẩy sinh một cảm xúc, rồi cũng vẫn lòng ta bật lên một lời thơ chứa nhạc chở thẳng cái cảm xúc ấy vào lòng người nghe:

“Chẳng say chén rượu Tầm Dương
Khỏi sao sóng, khói sầu thương chết người”.

Thơ tới đích hay chưa là ở chỗ có chở thẳng được cảm xúc từ lòng này sang lòng kia hay không.

Thơ Việt nhiều bài tới đích. Thơ Tàu ít bài tới đích.

Thế là dám chê thơ Đường lừng danh thế giới à? Nghĩ thế nào nói thế ấy thôi. Còn danh kia sở dĩ lừng, ấy một phần bởi nước Tàu “lớn” hơn nước ta nhiều, phần nữa bởi thơ tranh dễ chia sẻ hơn hẳn thơ nhạc (vì tứ có thể dịch cho người ở bất cứ đâu cũng hiểu được, chứ nhạc thì dịch làm sao!).



Thu Tứ
Viết năm 2013, sửa năm 2014























_________
(1) TĐ, “Mối cảm tưởng về thơ ca của nước ta”, đăng trên
An Nam tạp chí năm 1932, in lại trong Tuyển tập Tản Đà, nxb. Hội Nhà Văn, 2002.
(2) Hư tự ví dụ chữ “cho” trong “Bao giờ cho đến tháng mười”. Chữ đứng trước thì chẳng hạn chữ “cơn” trong “Thuở trời đất nổi cơn gió bụi”.
(3) HXH,
Chinh phụ ngâm bị khảo, nxb. Minh Tân, Pháp, 1953.
(4) Theo HXH, sđd.
(5) XD,
Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, nxb. Văn Học, 1987.
(6)
Tuyển tập Hoài Thanh, tập II, nxb. Văn Học, 1982.
(7) Trong bài thơ “Kính gửi cụ Nguyễn Du” của Tố Hữu.