Trông những quả hồng chín đỏ trên cành, chợt nghĩ đến thơ. Thơ là quả kết từ gió đông, mưa xuân, nắng hạ trong đời người... Hẳn “cây thơ” nào cũng muốn quả mình như một “túi mật (...) tan ra ngập trào trong miệng, thấm mát đến tận đáy lòng” người đọc!

Cắt da đông bấc
Phơi phới xuân mưa
Phừng phừng hạ lửa...

Nắng, gió, mưa
Tất cả cũng qua thôi
Qua rồi để lại
Một bầy trái đỏ giữa trời xanh!
(Thu Tứ)



Nguyễn Hà, “Quả hồng mùa thu”





ảnh khuyết danh


Ở Bắc, hễ cứ chớm gió heo may, là cây hồng sửa soạn thắp đỏ cành bằng “những chiếc đèn lồng” nhỏ xíu... báo hiệu cho trẻ con chuẩn bị đón tết trung thu, giục giã thanh niên nam nữ nao nức bước vào mùa sêu, mùa cưới... (...)

Hồng có hai cách ăn (...) là “ngâm” và “rấm”.

Ăn ngâm thì hái lúc trái đã già nhưng hãy còn xanh. Người ta đánh nước vôi trong, đổ vào những chiếc chậu sành Phù Lãng (...) sau đó đem những trái hồng đã được rửa sạch xếp vào chậu, ngâm từ ba đến năm ngày. Khi thấy da nó hơi ưng ửng vàng thì vớt ra để ráo nước rồi gọt vỏ. Trái nhỏ bổ ra làm bốn, trái lớn bổ ra làm sáu (...) Những miếng hồng đầy “cát” mưn mứt hình vành trăng muộn tận cuối trời nho nhỏ, vàng trong như màu hổ phách (...) giòn và ngọt một cách thật thanh tao khó ví!



ảnh khuyết danh


Ăn rấm thì đơn giản hơn. Khi thấy (...) trái (...) hưng hửng đỏ (...) hái xuống, đem vùi vào trong chum thóc, cũng đợi chừng bốn đến năm ngày. Lúc nào thấy da của nó mọng căng, cả trái đỏ hồng lên như một hòn ngọc khổng lồ, ấy là lúc ta có thể khéo léo bóc cái vỏ mỏng hơn tờ giấy bóng kính kia đi, hoặc lấy con dao bài thật sắc bổ làm đôi (...) Cái túi mật đó tan ra ngập trào trong miệng, thấm mát đến tận đáy lòng (...)

Ông bà ta quả thật đã (...) tinh tế biết bao (...) tạo cảm giác hài hòa, lấy cái sắc đỏ của hồng đem sánh duyên cùng màu ngọc xanh của cốm (...) cũng là để dùng vị cốm thật thà dân dã chế ngự bớt đi cái độ ngọt sung mãn của hồng, cho nó (hợp với tinh thần) của mùa thu gió se se, nắng hiu hiu, sương thoang thoảng...



ảnh khuyết danh


Hồng ở Bắc hình như tỉnh nào cũng có. Hồng Lạng Sơn ngọt sắc và ít hạt. Đặc biệt nổi tiếng là hồng Hạc Trì ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ (...) Hồng Hạc không có hạt (...) trái lớn nhất so với hồng ở các địa phương khác (...) sàn sàn bằng chiếc chén tống lớn, hình dáng lại hơi vuông cạnh nên không thể lẫn...


Hà Nội, 5-10-1995


(Lược trích bài trong
Hà thành hương và vị của Nguyễn Hà, nxb. Văn Hóa - Thông Tin, 1999)