“Giang tuyết”

của Liễu Tông Nguyên




Con sông nào đây tuy lạnh nhưng mặt nước vẫn chưa đóng băng nên ngư ông mới ngồi thuyền. Chứ lạnh nữa, băng đóng từ bờ bên này sang tận bờ bên kia, thì người câu cá sẽ ngồi trên ghế bên một cái lỗ đục giữa sông.(1) Cảnh “tuyết băng vô tận xứ” có một thứ thi vị thật đìu hiu…(2)

Nguyên văn

Thiên sơn điểu phi tuyệt
Vạn kinh nhân tung diệt
Cô chu thôi lạp ông
Ðộc điếu hàn giang tuyết.


Dịch nghĩa

Núi non trùng điệp chim bay mất hút
Muôn ngả đường không một dấu người
Một ông già áo tơi nón lá ngồi trên chiếc thuyền lẻ
Một mình câu cá trên sông lạnh giữa tuyết rơi.

Dịch thơ

Bản 1:

Chim bay về núi tuyệt mù
Người đi tám nẻo cũng lâu khuất rồi
Một thuyền con một áo tơi
Một ông chài lẻ một trời giá băng!


Bản 2:

Chim bay khuất, núi bơ vơ
Người đi cũng khuất để trơ con đường
Tuyết rơi sông rét mặc lòng
Một ông tơi nón giữa dòng ngồi câu…


Bản 3:

Nghìn non chim mất hút
Muôn nẻo vắng người đi
Thuyền côi ông tơi nón
Sông rét, tuyết, câu chi?


Bản 4:

Bóng chim khuất núi lâu rồi
Trăm muôn nẻo lối dấu người cũng không
Thuyền con tơi nón một ông
Cần buông giữa tuyết bên sông ngồi chờ…


Bản dịch thơ khác

Nghìn non mất bóng chim bay
Muôn con đường tắt dấu giày tuyệt không
Kìa ai câu tuyết bên sông
Áo tơi, nón lá, một ông thuyền chài.
(Tản Đà)



Thu Tứ
















_________
(1) Chúng tôi có thời gian sống ở bang Minnesota nước Mỹ, nhớ mùa đông khi mặt nước sông hồ đóng băng, người đi câu đục lỗ xuyên băng, dựng một túp lều che lên, vào đó ngồi câu.
(2) “Tuyết băng vô tận xứ” là tên một thi phẩm của Bùi Giáng.