“Thạch Hào lại”

của Đỗ Phủ




Loạn An Sử chỉ dài có tám năm (từ năm 755 đến năm 763) nhưng gây tổn thất hết sức lớn lao. Trước loạn, dân số Trung Quốc khoảng 53 triệu. Số người chết do loạn ước lượng ít là 13 triệu, nhiều là 36 triệu, bởi chiến sự và bởi nạn đói mà chiến sự làm xảy ra. Không biết bao nhiêu nhà cửa cháy thành tro, ruộng vườn thành đất hoang, nền kinh tế thịnh vượng nhất thế giới trở nên suy thoái nghiêm trọng...

Biến cố lịch sử to như thế tất nhiên có để dấu trong thơ. Xét riêng từng thi nghiệp, thì mang “dấu loạn” rõ nhất là trường hợp Đỗ Phủ. Cảm xúc nổi bật trong những sáng tác về thời loạn của ông là lòng trắc ẩn trước vô số cảnh khổ quanh mình. Nói “quanh” là hoàn toàn chính xác, vì Đỗ Phủ sống ngay giữa nhân dân. Ông biết dân khổ là tai nghe mắt thấy, chứ không phải chỉ nghe kể. Do thực tế cuộc sống, ông thương dân là thương “ngang”, chứ không phải thương từ trên xuống. Thương dân với thương thân, đây có khác gì đâu!

Cái người khách ngủ đêm ở thôn Thạch Hào, ngẫu nhiên nghe chuyện một bà lão tình nguyện đi lao dịch thay cho con dâu, có lẽ chính là ông.

Nguyên văn

Mộ đầu Thạch Hào thôn
Hữu lại dạ tróc nhân
Lão ông du tường tẩu
Lão phụ xuất khan môn
Lại hô nhất hà nộ
Phụ đề nhất hà khổ
Thính phụ tiền trí từ:
“Tam nam Nghiệp Thành thú
Nhất nam phụ thư chí
Nhị nam tân chiến tử
Tồn giả thả thâu sinh
Tử giả trường dĩ hỹ
Thất trung cánh vô nhân
Duy hữu nhũ hạ tôn
Hữu tôn mẫu vị khứ
Xuất nhập vô hoàn quần
Lão ẩu lực tuy suy
Thỉnh tòng lại dạ quy
Cấp ứng Hà Dương dịch
Do đắc bị thần xuy”
Dạ cửu ngữ thanh tuyệt
Như văn khốc u yết
Thiên minh đăng tiền đồ
Ðộc dữ lão ông biệt.


Dịch nghĩa

Chiều tối đến thôn Thạch Hào
Ðêm có viên lại đến bắt người
Ông lão chủ nhà trèo tường trốn
Bà lão vợ ông bước ra xem ai ở cổng
Viên lại quát tháo rất dữ dằn
Bà lão kêu khóc rất thảm thiết
Nghe bà kể lể, van lơn:
“Có ba trai, đều đi lính đóng ở Nghiệp Thành
Một đứa viết thư về kể:
Hai đứa kia vừa chết trận rồi!
Đứa sống mạng bấp bênh
Ðứa chết thế là hết!
Trong nhà giờ hết sạch người
Chỉ có đứa cháu còn ấp vú mẹ
Lo con mọn, dâu tôi chưa đi giúp việc quân
Nó ra vào thiếu cả manh quần lành lặn
Già này sức tuy đã kém
Xin theo ông đi ngay đêm nay
Giúp gấp việc quân ở Hà Dương
Còn kịp phụ nấu bữa sáng”
Ðêm khuya bà lão thôi nói đã lâu
(Mà) như còn nghe được giọng nghẹn ngào
Trời sáng khách lên đường
Chỉ cùng ông lão chia tay.

Dịch thơ

Chiều hôm ghé nghỉ thôn Hào
Nửa đêm nghe tiếng lại rao bắt người
Ngõ sau ông lão thoát rồi
Run run bà lão ra mời quan nha
Một bên lại hét vỡ nhà
Một bên tóc bạc cẩm ca nằn nì
Lắng nghe bà kể thế ni:
“Con già ba đứa ra đi cả rồi
Một con mới kịp nhắn lời:
Hai anh nó đã về nơi suối vàng
Ðứa còn mạng chỉ treo chuông
Ðứa thôi tức tưởi muôn vàn xót xa
Ðàn ông hết sạch cả nhà
Chỉ còn cháu bé oa oa suốt ngày
Thương con, mẹ nó chưa đi
Làm ăn vất vả kể chi thân mình
Già này còn chút sức gân
Xin theo ông giúp việc quân tức thì
Hà Dương gấp trẩy đêm nay
Tinh mơ đến sẽ thổi ngay cơm hầu”
Đêm khuya tiếng bặt đã lâu
Vách như còn dội mấy câu nghẹn ngào
Sáng ra tìm chủ để chào
Gặp ông mất vợ ra vào ngẩn ngơ...


Bản dịch thơ khác

Chiều hôm tới xóm Thạch Hào
Đương đêm có lính lao xao bắt người
Vượt tường ông lão trốn rồi
Cửa ngoài mụ vợ một hai mời chào
Lính gầm mới dữ làm sao!
Mụ kêu như tỏ biết bao khổ tình
Lắng nghe lời mụ rành rành:
“Ba con đóng ở Nghiệp Thành cả ba
Một con mới nhắn về nhà
Rằng: hai con đã làm ma chiến trường!
Kẻ còn vất vưởng đau thương
Nói chi kẻ dưới suối vàng thêm đau!
Trong nhà nào có ai đâu?
Có thằng cháu nhỏ dưới bầu sữa hoi
Cháu còn mẹ nó chăn nuôi
Ra vào quần áo tả tơi có gì?
Thân già gân sức dù suy
Cũng xin theo lính cùng về đêm nay
Hà Dương tới đó sau này
Cơm canh hầu bữa sớm ngày, còn trôi”
Đêm khuya tiếng nói im rồi
Vẫn nghe nức nở tiếng người khóc thương
Sáng mai khách bước lên đường
Chỉ cùng ông lão bẽ bàng chia tay.
(Ngô Tất Tố)



Thu Tứ