“Mây thu mơ hồ”, “bay nhè nhẹ”, “lâng lâng (...) tung đùa”, “mềm mại, uyển chuyển”, “lả lướt”... Đúng cả. Bao nhiêu người đã phát biểu đại khái như vậy.

Lạ lùng hơn: “nữ sinh (...) khoan thai nhịp bước” bên bờ hồ mà “nhịp bay” của tà áo dài “hình như đã lan truyền sang cả sóng (...) nên hồ cứ lăn tăn, lan truyền cả vào tầng lá nên cây lá cứ rì rầm, lay động”!

Còn nữa. “Nét thanh tân đầy ma lực” của tà áo dài kích thích “tưởng tượng và ảo tưởng” đến nỗi mắt trông “sóng cạn” mà tâm hồn nhậy cảm của “nhà thơ” thấy được vẻ “như trêu cợt, như đùa nô, như vô tình mà nghi ngờ, mà nhắn nhủ mà xa xôi (...) vừa ngập ngừng lại vừa thách thức”!

Mây thu xuống đất
Hồ gợn lá lay
Mấy gã si ngây
Ngẩn ngơ lẽo đẽo...

“Mươi năm trở lại đây, tà áo dài Hà Nội bị ngắn đi (...) Nó không còn đủ sức bay, có lúc chết cứng trên nửa thân người, như con bướm bị chặt cụt bộ cánh rực rỡ”. Tàn nhẫn quá.

Nhưng Băng Sơn chưa chứng kiến chuyện xẩy ra tàn nhẫn hơn thế nhiều, tàn nhẫn không thể hơn: sau một thời gian đất nước mở cửa buôn bán với Tây, rất nhiều cô gái Việt Nam, “trong ngày hội, ngày lễ, ngày tết và nhất là ngày bước xuống chuyến đò hạnh phúc”, không còn mặc “bài thơ” (tà dài nguyên vẹn) nữa, mà “sung sướng được mặc” váy Tây! Chú rể Việt Nam “mất mặc” lâu rồi. Đến lượt cô dâu.

Bây giờ ngay mặc cái “mây thu” đi học, một số nữ sinh cũng lấy làm miễn cưỡng.

Tưởng ở nghìn năm
Nào ngờ chưa trăm
Đã toan bay mất
Mây ơi, áo ơi!

Mất, mất, và có lẽ sắp mất... Mai kia rồi có còn còn được cái gì không, hở nước ơi.
(Thu Tứ)



“Bài thơ áo dài”

Băng Sơn




Một nét duyên dáng như mây thu mơ hồ hay cái đẹp lộng lẫy của ngày hè chói chang hoa phượng có gió lộng (...) niềm (?) bay nhè nhẹ của tà áo tím bên hồ hay vẻ lâng lâng của màu áo trắng như tung đùa trong sắc xanh cây lá (...) chắc không một cô gái Việt Nam nào lại không sung sướng được mặc tấm áo dài trong ngày hội, ngày lễ, ngày tết và nhất là ngày bước xuống chuyến đò hạnh phúc, khẽ cúi xuống nhìn tà áo dài mà mỉm cười e lệ và sung sướng hồi hộp bên người yêu đã thành chú rể ngượng ngùng (...)

Tấm áo dài Việt Nam không hẳn hôm nay mới có (...) Cụ chúng ta, bà chúng ta, mẹ chúng ta từng chẳng mặc áo dài đó ư? Cái áo năm thân, tứ thân buông tà hay thắt vạt, cái áo mớ ba, mớ bảy đổi vai hoặc không đổi vai đi cùng với váy sồi hoặc quần lĩnh tía... đã vào ca dao, thành câu ví, nên hình ảnh của (lối ăn mặc) thanh nhã, tài hoa, nền nã. Có thứ huân chương nào tặng cho tác giả cái áo đổi vai. Nối vai nhưng lại so le, một đường gấp khúc, tạo mảnh hình không đối xứng nhưng ưa nhìn, giống như cái răng khểnh trên khuôn mặt trái xoan, hoặc một bên lúm đồng tiền của cô gái dậy thì (...) (Mặc) áo dài (...) thong thả thì buông chùng, vội vàng thì thắt vạt trước, mà hối hả hơn thì thắt vạt sau lưng mà chạy gằn cho tiện (...)

Những năm ba mươi của thế kỷ này, tấm áo dài được (cải cách đi) thành áo tân thời (...) áo dài nhung đỏ đi với kiềng vàng, áo dài nhung đen có chuỗi hạt trai sáng lấp lánh, áo dài trắng có mái tóc đen huyền thả buông lửng sau lưng áo, áo tím hàng Vân có chiếc nón bài thơ ngà trắng... đó là sự tuyệt đỉnh hài hòa hay lộng lẫy khôn cùng, cũng tựa như tấm áo Đồng Lầm (1) có thắt lưng hồ thủy hay hoa đào (...) Nữ sinh (...) chiều hồ Gươm khoan thai nhịp bước, cắp cặp trước ngực, tóc đung đưa sau lưng (...) hai tà áo dài cứ như trêu cợt, như đùa nô, như vô tình mà nghi ngờ, mà nhắn nhủ mà xa xôi... (...) Mềm mại, uyển chuyển (...) hình như đã lan truyền sang cả sóng hồ nên hồ cứ lăn tăn, lan truyền cả vào tầng lá nên cây lá cứ rì rầm, lay động.

Ai (...) có thể dửng dưng được trước nét thanh tân đầy ma lực của tà áo dài cứ lả lướt như sóng cạn (...) vừa ngập ngừng lại vừa thách thức. Mươi năm trở lại đây, tà áo dài Hà Nội bị ngắn đi (...) Nó không còn đủ sức bay, có lúc chết cứng trên nửa thân người, như con bướm bị chặt cụt bộ cánh rực rỡ. Thật tiếc (...) Rút ngắn phần bay lượn xòe rộng ấy khác nào cắt đi cái tưởng tượng và ảo tưởng của nhà thơ (...)























_____________
(1) Vải rồng (...) một thứ vải mỏng như sa, như the, sản phẩm của xứ Sơn Nam (...) được nhuộm màu nâu ở cửa ô Đồng Lầm đất Thăng Long, nên nó thành vải Đồng Lầm (trích từ thân bài).