Phùng Cung - Thơ chọn (2)




Vết thơm
“Em về phố rồi / Trái ổi chín / Ðể nhiều vết bấm / Mấy chiếc kiến đen / Ngơ ngác tìm thơm”. Có hương trong ổi bay ra / Có hương ở tận đâu xa “bấm” vào / Ổi hương, hết ổi, hết mùi / Em hương, ổi hết, vẫn dài dài thơm!

Một đốm sao
“Ðại hội đêm nay / Ðủ mặt muôn sao vằng vặc / Xóm lảnh đèn con / Tôi góp với Thiên cầu / Một đốm sao”.. Ðèn con xóm lảnh / Tắt lâu rồi / Bây giờ / Trời thơ lấp lánh / Một cụm Xem đêm.

Trà
“Quất mãi nước sôi / Trà đau nát bã / Không đổi giọng Tân Cương”. Giọng Tân Cương dù không đổi, nhưng quất mãi nước sôi sao khỏi nghe xa thăm thẳm! Thơ Phùng giá đáng “nghìn trà”. Nhà thơ đáng được uống trà nước nhất thôi quanh năm suốt tháng...

Khẽ nhìn
“Qua ngõ khẽ nhìn / Chẳng thấy em / Sân mưa bụi / Dây phơi xâu hạt nước / Khói bếp ngẩn ngơ / đầu giàn bí / Thoáng bóng em / Tôi bối rối / Mưa bắt đầu nặng hạt”. Khẽ nhìn mưa hạt dây xâu / Khẽ nhìn khói sợi bí đầu giàn bay / Vô tình em chẳng biết hay / Trời mưa tôi đứng “trồng cây” khẽ nhìn...(1)

Vào hè
“Hè về thì thầm ven làng / Trong sớm tinh mơ / Tu hú trên ngọn sung chùa / Giật mình, xổng giọng / Chưa kịp đổ hồi, vươn cánh / Bầu trời vội vàng vung lưới - hoa cau”. Hoa cau nở đầu hè. Chim còn đang mơ màng xuân, chợt nghe “thì thầm”, giật mình, vừa “xổng giọng” thì trông lên thấy… Nhớ Vũ Bằng có lần chê tu hú “xấu xí”. Tưởng cũng đâu đến nỗi, phải không mọi người?

Nắng hoa ngâu
“Bước em xéo bóng / Ði về hai buổi / Càm cắp queo hông / Nắm rau, nón củi / Se sém nỗi ong vàng / Ðiếng nắng - hoa - ngâu”. “Em” của Phùng Cung vậy đó. “Ði về hai buổi”, “càm cắp queo hông” khi rau khi củi... Nắng hoa ngâu là thứ nắng gì? Chắc nóng lắm nên mới “se sém nỗi ong vàng”, “điếng” nỗi “tôi”!

Buổi sáng vui
“Chưa bảnh mắt / Chích chòe ríu rít / Ong thợ tất tưởi / Khoát đường trên hoa lú bú / Trái ớt đầu cành nung lửa / Kẽ sân cái kiến gieo vừng / Trời, đất hơi nghiêng”. Người có hôm cũng như ớt / Chưa bảnh mắt / Nỗi vui gì đó / Nung đỏ cả lòng / Bước bênh bồng / Trong sân thi sĩ gieo vần / Thơ hơi nghiêng.

Bờ ao thu
“Trăng đến ao thu / Cá thổi khuyên vàng / lay mặt nước / Cành khế chua / chọn giờ đeo ngọc / Tiếng dế long lanh / Bên gốc hoàng tinh / Con giun đất mạ vàng”. Thu, ai bảo chỉ có lá vàng? Ðêm trăng, ra bờ ao xem: dưới nước “khuyên vàng” rung rinh, trên bờ “chữ vàng” uốn éo, khuya một chút trên cây khế sẽ thấy “ngọc”! Ngọc sương nghe dế gáy “long lanh” chắc cũng long lanh…

Chiều soi bãi
“Mặt trời hạ thổ / Núi giội chàm / Ðò chuyến cuối / Nhìn nhau nhọ mặt / Sữa con so ướt yếm / Thơm mùi khoai luộc / Dốc bến tối gà / Ðom đóm rối guồng tơ lửa / Nghe đêm trung giang thả gió gọi diều”. Phùng Cung bảo rồi, thì mọi người đều có thể ngửi thấy “mùi khoai luộc”, trông thấy “guồng tơ lửa rối”, nghe thấy tiếng “gió gọi diều”. Đây không phải chuyện giác quan tinh tường, mà chuyện một tâm hồn nhậy cảm kỳ lạ với một khung cảnh...

Bữa đẹp
“Nhớ mãi bữa trưa / Qua thăm quê ngoại / Ngô trắng lóm lừ / Luộc vừa mỏ sẻ / Cá rói trôi kho / Kho quay cổ lại / Bát ngô cá ôm vùng soi bãi / Tiếng tù và bết gió / Trăng ngủ tím sông”. Chịu, không biết “ngô…” thế là thế nào, cũng không biết “kho…” thế là kho ra sao. Ấy vậy mà đọc đi đọc lại trọn bài thơ Phùng Cung, thấy rõ ràng chính mình cũng vừa được dùng một “Bữa đẹp”!

Chợ xuân (xưa)
“Chim hót giao kèo / Lay nắng nhả tơ / Ngã ba hội gió / Hương ngô, khoai, lúa / Ðường thiên lý / Bướm bay đầu giải yếm / Chợ mải vào xuân / Nhịp trống xẩm ngả nghiêng”. Nghe “chim…”, ngắm “nắng…”, vui bước ra “ngã ba…”, hít thở “hương ngô…”, rồi tung tăng trên “đường thiên lý”, vừa tung vừa dõi “bướm (…) đầu giải yếm”, khéo ra đến chợ lúc nào không hay. “Chợ mải vào xuân”, còn người đi chợ cũng mải “nghiêng ngả” vào xuân theo “nhịp trống xẩm”!

Chơi hoa thị (hoài niệm)
“Hương thị vườn trưa / Ðẵm bàn tay chín tuổi / Vách buồng thơm / Thấm thoắt bảy vầng trăng / Hoa đếm tuổi em / Trăng vừa mười sáu / Em đi lấy chồng / Hoa níu vách - trăng tà”. Hoa thơm đẵm tay / Em thơm đẵm vách / Hoa còn em mất / Buồng ơi trăng ơi.

Nắng hoang
“Lòng rừng róc rách / Tìm về biển cả / Suối nhỏ hành hương / Dưới nắng hoang / Lá nhìn theo / Chim ngừng thánh thót / Chợt mùi khói sóng đại dương”. Nước đi rành rẽ từng dòng / Suối khe róc rách nên sông cuộn cuồn... / Nước về bát ngát mông lung / Non cao bỗng chốc mưa tuôn kín trời...



Thu Tứ
Sửa tháng 10-2022


















_________
(1) “Trồng cây” tức “trồng cây si”.