Chế Lan Viên - Thơ chọn (3)




Tiếng ễnh ương

Tiếng ễnh ương chiều lĩnh xướng cơn mưa muộn
Tiếng ếch xanh màu lá khoai
Bản hợp xướng của những trời mây dĩ vãng
Đến tự lòng anh hay tự giọt mưa trời?
(1988)

Chiều tàn nhạc trưởng ễnh ương
Dẫn bài Mưa Xuống uênh oang khắp đồng
Nghe mưa bằng cả tấm lòng
Những trời mây cũ chập chồng trong tim...

Đừng đi chân đất

Làm thơ không phải là đi cà khêu nhưng
                                     đừng đi chân đất
Mà là lia đôi hia hư thực
Bay trên đầu ngón chân.
Đã làm thơ sao lại từ chối làm văn,
Từ chối sáng tạo hồn bằng chữ?
Làm thơ là tạo ra một hành tinh thứ hai
                                      bằng ngôn ngữ,
Chớ nhân danh đất để chê Lời.
(1988)

“Hành tinh” đây ý nói cái có chứa sự sống. “Hành tinh thứ hai” là bài thơ, còn “hành tinh thứ nhất” là gì? Hẳn là thực tế đời sống nào đó đã khiến nảy sinh “bào thai” của tứ thơ. Làm thơ là cố đi từ một sự sống đến một sự sống. Muốn đến được, không thể cứ chân trần mười ngón bấu “đất” tiến từng bước một, mà phải mang “đôi hia hư thực” vào để “lia”, “bay”.

Tu hú có cần đâu

Cẩn thận nhé! Cẩn thận nhé!
Kẻo rồi có lúc mùa vải đỏ và chim tu hú
Ðến lúc nào, đi lúc nào, ta không biết
Trời xanh, hoa mai, chim nhạn...
Về lúc nào, đi lúc nào
Ta chẳng hay cho!
Ta cúi xuống đất
Hí hửng nhặt tìm từng cái kim rơi vụn vặt
Mà để lồng lộng trên cao
Những mùa trái, mùa chim bay mất
Những mùa yêu, mùa hạnh phúc bay vèo!
Chim tu hú có cần đâu
Ta nghe nó hay không nghe nó
Nghe nó, ta thành tình nhân, thi nhân, triết học...
Còn nếu như không nghe
Mà ù ù cạc cạc
Thì hết mùa vải này vẫn còn mùa vải khác
Bên sông đỏ rực
Bất cần ta, vải chín đón chim về.
(Bệnh viện Chợ Rẫy, 9-1988)

Cứ gì “mùa vải”, bất cứ lúc nào “trên cao” cũng đầy những cái đáng cho ta mở hết sức rộng tâm hồn mà “nghe”. Kể ra, dưới “đất” cũng có lúc có những cái đáng chú ý. Nhưng đằng lớn nhiều đằng bé ít, thế mà càng ngày đa số nhân loại càng thường “ù ù cạc cạc” đối với “lồng lộng” để “hí hửng nhặt tìm từng cái kim rơi”!

Đất nghỉ

Ðất nghỉ. Giữa một mùa đã xong và một mùa
                    sắp mang thai, sắp làm nhiệm vụ,
Từ huyện này sang huyện kia, cánh đồng này
                      sang cánh đồng khác nghỉ ngơi.
Như người đàn bà sau cơn yêu, như giáo chủ
                                        sau hồi thuyết pháp,
Như sau một trang thơ, ta nằm im chờ
                                            tiềm thức phục hồi.
(1987)

Khi nhà thơ còn sung sức, tứ thơ trong tâm trí như nước trong giếng. Giếng, nếu thả gàu kéo nước lên tới tấp thì vơi, nhưng vơi rồi lại đầy. Vơi đầy, vơi đầy, cho đến khi “lão lai tài tận”, gàu xuống thật sâu chỉ đụng đáy trơ.

Văn xuôi và thơ

Nhà thơ hơn người là cái thế ở trên lưng ngựa
Không cương
Mà lại con xích thố
Ðang giăng bờm bão tố
Còn anh văn xuôi thì đang tản bộ
Ðường trường
Rồi lại còn cái thế trên yên mà ta đà đao,
                                                 múa kiếm
Tung kiếm lên trời
Rồi đưa tay đón
Thế mới là hảo hán!
Nhưng coi chừng khi nhà văn xuôi đến đích
Thì nhà thơ ta đã rơi cái ịch
Giữa đường.


Văn xuôi như ngựa thồ cắm đầu cắm cổ chạy tới chỗ đang đợi hàng. Thơ như thứ ngựa vừa chạy vừa múa. Ngựa chạy múa có thể cũng có chở một món gì, nhưng dù thế thì giao cái món ấy cũng không phải là “đích” thứ nhất của nó. Đã múa thì trước tiên cần múa cho đẹp. (Vấp “cái ịch”, chẳng hạn, dĩ nhiên là không đẹp!)

Ba lần

Hoan hô! Hoan hô! Hoan hô!
Ðả đảo! Ðả đảo! Ðả đảo!
Kiên quyết! Kiên quyết! Kiên quyết!
Thành công! Thành công! Thành công!...
Tại sao lại phải ba lần?
Chúng ta bỗng dưng thành vẹt!
Nếu một lần thì sao?
Nếu hai lần, tôi muốn dừng, suy nghĩ
Hoặc có thể không hô lên lần nào
Mà tôi ủng hộ đến hồng cầu sau chót của tôi
Thế nhưng hoan hô thì phải là nắm tay và
                                                hô đến ba lần
Ðả đảo cũng như thế nốt
Ai bày ra trước?
Luật nào?
Thế nhưng hễ hoan hô thì ba lần ta phải
                                                    hoan hô
Người người làm như vậy
Cứ mỗi ngày như thế
Mà ý các câu thơ mòn dần
Mà ta không thấy lộc cây ra tán lá
Mà ta với hồn thơ thành xa lạ
Dần dần...


Chế Lan Viên, hình như chuyện gì ông cũng đem ra thơ được, kể cả chuyện người bỗng dưng... May quá, rõ ràng vậy mà không phải ai cũng hóa vẹt.

Thế kỷ

Những thế kỷ đông người mà nhân loại vắng tanh
Uổng công con công thơ xòe cái đuôi ngôn ngữ của mình
Sao bằng khi nhân loại còn ở hang tiền sử
Chưa có thơ gì nhưng giọt lệ đã long lanh.


Khi lệ “long lanh” mà chưa có lời thì mới chỉ có ruột thơ mà chưa có thơ. Rồi đến khi cảm xúc “vắng tanh” thì lại chỉ có vỏ thơ mà không có ruột. “Những thế kỷ đông người mà...” hẳn bắt đầu từ thế kỷ 21!

Quả bàng vàng

Hiệu lệnh điểm rồi
Quả bàng vàng đầu tiên rơi xuống đất
Con sông thời gian yên lặng mà tất bật
Chúng ta vào thu.
Quả bàng của nhành cây một năm kiên nhẫn cần cù
Qua một mùa đông khắc nghiệt
          một mùa xuân đầm ấm
          một mùa hè dục vọng
Ðể vào thu trái bàng chín mọng
Anh giật mình nỗi chi?
Anh để bốn mùa qua như nước xiết
Không đọng được câu thơ nào đầu ngọn viết
Anh buồn chi?


Ðâu phải ai cũng bàng
Mà thu quả chín vàng
Cây không nhìn cây có
Giật mình biết mùa sang.

Ngày trống không

Với những ngày trống không mờ mờ trắng mây
Cái nhạt nhẽo mù mờ vô vị
Anh làm nên kim khí
Làm nên thỏi vàng nhấp nhánh trên tay
Phải rồi, mỗi tháng, mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây
Ðều có những hạt vàng chảy qua kẽ bàn tay
Lẫn với trống không mà anh chẳng biết
Những lúc thời gian ồ ồ nước xiết
Lại càng gay.
Chỉ cần yêu, cầm lấy cái trống không vô vị tháng ngày
Yêu nó đi, cho nó thành báu vật
Chắt bóp nó trước khi ngày tan, tháng mất
Thì vẫn còn lại một chút gì anh không thể trắng tay
Một vết thương thành sẹo lâu ngày
Một chút nhớ đầu mày cuối mắt
Một chút nắng như con sóc đầu cây rồi khuất
Một điệu hát mơ hồ nghe thoáng đâu đây
Hãy cầm lên, bắt lấy
Có vàng lẫn trong dòng thác ấy.


Trong lịch sử thi ca Việt Nam đến nay chưa có ai để lại nhiều di cảo như Chế Lan Viên. Di cảo là cái đã viết, đã ra đời, mà chưa xuất hiện giữa đời. Không rõ tại sao Chế Lan Viên để lại nhiều thế, chỉ biết trong thi nghiệp đồ sộ của nhà thơ cái phần chính thức vào đời sau khi tác giả đã ra khỏi đời không hề chỉ có giá trị thêm thắt. Ðọc di cảo, thấy “người làm vườn”(1) chăm chỉ có lẽ đã không bắt sót bao nhiêu những “hạt vàng (…) lẫn với trống không”.

Thơ thế kỷ 21

Thơ không thể cù lần
Các chữ hóa thần
Các chữ thành thiêng
Mà thơ cần cà chớn
Ðấy là một cách đa nghi thơ.
Ưng bay trên đầu người, trong khí quyển
Ta lôi thơ xuống bùn, chạm vào đất đen
Nói chuyện thường ngày, vặt vãnh quàng xiên
Lột trần áo bào và mũ triều thiên
Thơ cầm bị gậy đi ăn xin ở bên đường
                                                 nhân loại trẩy...
Thơ thế kỷ 21 mà!
Làm sao có thể hồn nhiên
Sau hai ngàn năm tìm tòi phá phách
Râu dưới cằm và lông trong nách
Tóc trên đầu hay bóng người trên vách...
Thơ cũng nói hết rồi!
Hàng ngàn năm nghiêm trọng đủ rồi!
Giờ thơ thử chơi!
Chơi! Nghịch. Ðùa. Thế tục.
Thượng đế có tên: Cậu Huế.


Hồ Dzếnh từng cầu:

“Phút linh cầu mãi không về,
Phân vân giấy trắng chưa nề mực đen” (“Ðợi thơ”).

Ấy là bảy thập kỷ trước, là nghìn xưa! Bây giờ, đến ngay thần thánh cũng đã hết thiêng thì thơ còn “linh” với ai!

Chế Lan Viên đề nghị “Giờ thơ thử chơi!”… Ở chỗ nào không biết chứ ở ta thực ra thơ đã “Chơi! Nghịch. Ðùa. Thế tục” lâu lắm rồi, từ trước cả Hồ Xuân Hương.

Thơ “thế tục” xưa luôn hồn nhiên, đùa đùa triết triết (tí triết đời). Thơ “thế tục” nay lắm bài như ẩn ức, không triết, không đùa. Thế kỷ 21 đã mười năm rồi, ới anh hồn thi sĩ có về mà đọc thử thơ.

Ví dụ

Ví dụ anh sinh ra trong miền đất không hoa văn,
Miền biển vắng thủy triều,
Khu rừng không trầm hương, di chỉ,
Trời vắng mây tình yêu
Thì anh có làm thơ không đấy?
Có chứ! Càng phải làm nữa chứ!
Anh sẽ là nhà thơ có trái tim nhịp gấp
Có đôi mắt vạn hoa
Có bàn tay tung bắt
Ðược những câu tình cờ
Anh sáng tạo vì không sao phản ảnh
Anh cho đời những cái đời không cho.


Cái hoa xương rồng nở giữa sa mạc, màu sắc rực rỡ của nó có phản ảnh cái gì quanh nó đâu. Hoa lời cũng thế, cuộc sống dù toàn màu xám thì nó vẫn nở ra xanh đỏ tím vàng. (Lấy đâu ra màu sắc, là bí mật của các loài hoa!)

Ngàn lau

Xao xác ngàn lau, ngàn kỷ niệm bạc đầu, bạt ngàn xao trong gió
Miền hoa lau ấy là miền xưa, miền quá vãng, đến làm chi?
Tất cả những nơi cư trú khi người không về đấy nữa
Thì biến thành rừng hoang kỷ niệm, hóa lau le.


Không về lâu ngày quá, ngoái trông chỉ thấy dập dờn trắng. Những gì đó hóa lau le, nhưng lau le không bao giờ hóa ngược lại thành những gì đó được...

Bàng năm khác

Sắp năm khác rồi
Cây bàng lá đỏ
Cây bàng năm trước đó
Nhưng tháng ngày khác rơi.
(1986)

Cây bàng hơn ta vì rụng lá đỏ rồi lại mọc lá xanh. Đời người “xuân bất tái lai”, đời cây xuân có tái lai. Ờ, nhưng thực ra không phải là “xuân cũ” về mà là “xuân mới” đến. Mới, mới, mới…, thời gian trôi đó, cho nên ngay bàng rút cuộc cũng phải vĩnh viễn thôi xanh.

Hoa sữa

Trăng sáng màu hoa sữa
Mùi hương rọi khắp trời
Nằm một mình anh sợ
Hương và trăng đến soi.
(1988)

Chỉ trăng thôi đã nhớ
Thêm mùi hương soi nữa
Bao ma cũ hiện hình
Ai một mình chẳng sợ.



Thu Tứ
Viết năm 2013
Sửa năm 2016




















___________
(1) Trần Mạnh Hảo có bài viết về Chế Lan Viên nhan đề “Người làm vườn vĩnh cửu”.