“Xuân Diệu nghĩ về thơ”




Xuân Diệu chỉ có “lặng chuồi theo dòng cảm xúc” thôi ư? Không phải đâu. Đúng là thi sĩ đã như thế rất nhiều lần, với kết quả thật tốt đẹp cho nghệ thuật thơ. Nhưng ngoài ra, người còn những lần lặng chuồi theo một loại dòng khác, trầm tư về nghệ phẩm và sáng tạo, với kết quả cũng đầy giá trị.

Nghĩ về thơ… Nếu người nghĩ là một nhà thơ, thì hẳn điển hình cái tập hợp những đề tài người ấy chọn nghĩ nó có liên hệ mật thiết với cái tập hợp thơ mà người ấy đã sáng tác. Quả thực, đọc những nhận thức thơ sâu sắc của Xuân Diệu, ta dễ nhớ ngay đến Thơ thơ, Gửi hương cho gió và các thi phẩm thời sau.

Bùi Xuân Phái có lần viết: “Tôi nghĩ rằng không phải là cứ hùng hục vẽ là tốt mà còn phải năng suy nghĩ đến nghệ thuật”.(1) Dĩ nhiên thơ cũng y như thế. Thơ rồi nghĩ trước khi thơ nữa thì tốt cho thơ hơn.

Sau đây là một số nghĩ ngợi của Xuân Diệu mà chắc chắn đã có giúp cho trong một cõi thơ “vĩnh viễn chim ca, vĩnh viễn nắng cười”, giúp cho một “cây thơ mãi mãi xanh tươi” đến tận những đóa hoa cuối cùng.

*

“Một trứ tác nghệ thuật lớn (...) bản thân (...) là sự sống”.

Người sáng tạo nghệ phẩm thì cũng như Chúa sáng tạo người. Ðâu phải chỉ nặn cục đất, mà còn phải hà hơi, thì cái tượng ấy nó mới thành ông A-đam. Hà được hơi mình vào tượng, không phải chuyện dễ. Cho nên không phải nghệ phẩm nào cũng là sự sống, mà chỉ một số rất ít thôi.

“Trong một tác phẩm (...) cái (...) cần trước hết là cuộc sống (...) Tuy nhiên (...) muốn có tác phẩm hay thì còn phải biết đến (...) nghệ thuật (...) Tự nó (tức nghệ thuật), nó không là cái gì hết nếu không có (...) cuộc sống. Nhưng khi đã có (cuộc sống) mà không có (nghệ thuật) thì đó là (...) chất cuộc sống ở ngoài đời (...) nào phải đâu là chất cuộc sống (...) trong bài văn”.

Người viết ở giữa, cuộc sống đi vào, bài văn đi ra. Nếu bài văn y như cuộc sống, người viết rỗng như cái ống! Nếu anh không rỗng mà có một tâm hồn thì cái ra sẽ khác cái vào. Tất nhiên có tâm hồn mà không có cái gì vào thì không thể có cái gì ra.

“Thực tế phong phú, ngồn ngộn, mạnh mẽ đến đâu cũng chỉ mới là quặng quý (...) phải đem tất cả (...) bỏ vào trong tâm trí mình (...) mà nhào luyện lại, tái tạo (…) Không nên thần bí hóa (...) “thơ là tiếng nói của thần linh”, cũng không nên tầm thường hóa (...) coi là một sự phô phang những tài liệu đã lấy được như khoe những “pô” ảnh chụp được”.

Thực tế gây ấn tượng nơi lòng người. Rồi ấn tượng “hiện hình” thành nghệ phẩm. À, nhưng mà không phải luôn luôn thế đâu. Thực ra ít khi lắm. Chỉ trong trường hợp những người có năng khiếu sáng tạo nghệ thuật thôi. Họ không phải thần linh, nhưng cũng không phải là “người thường”.

“Cuối cùng của thơ là lẽ đời, là chuyện sống, là lòng yêu. Bạn muốn làm thơ, bạn muốn làm thơ hay, mà bạn yêu cuộc sống như thế nào? Yêu qua loa, cảm xúc cạn như đĩa đèn, thì thơ không thể hay được. Cái phải bồi dưỡng trước nhất là tình cảm (...) phải có cái hồn”.

Yêu đời hay chán đời đều có thể nên thơ hay, miễn là cảm xúc sâu như giếng. Không chỉ riêng làm nghệ thuật, bất cứ làm gì mà hờ hững thì cũng không thể nên hay. Cũng có ngoại lệ: mua vé số hờ hững vẫn có thể trúng độc đắc.

“Cảm xúc của nhà thơ thì nhất định không được già mà phải trẻ luôn luôn. Cái trẻ luôn luôn của cảm xúc, của yêu thương, chính là lực của (sáng tác) đó (...) Xúc cảm gắn liền (...) với cơ thể; bởi vậy nên phải đề phòng với tuổi tác, và bởi vậy nhà thơ phải chăm sóc cho sự nhạy bén lâu dài của xúc cảm ngay trong khi nó hãy còn tràn đầy (...) nhà thơ có thể vô tâm với sức xúc cảm của mình được sao? Cứ để cho nó tự nhiên nhi nhiên sớm nở tối tàn hay sao? (...) Nhà thơ nhận thức được, tự giác được về sức trẻ của (thơ) mình, thì có thể đẩy lùi được sự tàn phai và chọc thủng được sự bao vây của tạo vật. “Hãy nhìn đời bằng đôi mắt xanh non, hãy để trẻ con nói cái ngon của kẹo, hãy để cho bà nói má thơm của cháu, hãy nghe tuổi trẻ ca ngợi tình yêu…”. Nhà thơ đừng đứng yên chỗ để bị động với tuổi mà phải tìm chỗ đứng di động thế nào để cho sự vật lồ lộ cái góc độ nào có lợi nhất, trẻ nhất, đẹp nhất của nó”.

Xuân Diệu không chỉ nói, mà hăng hái “nêu gương”: đọc những dòng tình tứ, đầy đam mê trong “Đứng chờ em”, “Dấu nằm” v.v., ai ngờ tác giả thơ đã ngoại lục tuần! Nhớ “Ẩm tửu khán mẫu đơn” của Lưu Vũ Tích. Nhà thơ Trung Quốc đời Đường ấy ngắm hoa đẹp cao hứng uống hơi nhiều rượu, rồi ngại hoa lên tiếng bảo “Không nở cho người già”. Thiết tưởng nghệ sĩ già nên như Xuân Diệu, chớ ngại. Mình yêu hoa, bất kể hoa gì, là vì nghệ thuật. Yêu để có cảm xúc chân thành, mãnh liệt mà sáng tạo cho thành công. Yêu hoa vì thơ vì tranh vì nhạc... Còn hoa có yêu được mình hay không là chuyện khác. “Đẩy lùi được sự tàn phai và chọc thủng được sự bao vây của tạo vật”... Phát biểu sôi nổi quá. Không chỉ trong thơ mà ngay cả trong tâm sự về làm thơ, Xuân Diệu cũng nêu gương!

“Nghệ thuật luôn luôn là một thế quân bình linh động: quân bình giữa cái mới và cái bền, giữa cái tự do và cái gò bó. Nghệ thuật (...) sống nhờ mâu thuẫn mà chết trong sự (...) nhác lười”.

Từ khi dân tộc Việt Nam tiếp xúc với văn hóa Tây phương, trong mọi sinh hoạt chứ không chỉ riêng làm nghệ thuật, một vấn đề “quân bình linh động” luôn luôn đặt ra: đâu là biên giới giữa tiếp thu tự chủ và bắt chước nô lệ? Đứng ở bên này và sát biên giới là tiếp thu tự chủ ở mức cao nhất, học được nhiều cái hay nhất mà vẫn là mình. Quá bước sang bên kia là bắt đầu thành... nô lệ. “Nhác lười” sẽ dần chết khô. Còn ngược lại thì... chết ướt, nghĩa là xác tươi rói đấy nhưng bên trong hồn Việt đã đi rồi.

“Không lấy hiện thực làm nền tảng của nghệ thuật thì chẳng ai muốn nghe, muốn gần cái trò chơi trống rỗng của những kẻ nhàn cư, nhưng không có cái tinh thần lãng mạn nhào nặn vào thì nghệ thuật ngột ngạt, khô khan, không có cánh!”.

Làm nghệ thuật cần phải “nhào nặn” hiện thực... Tức vo tròn bóp méo, xuyên tạc hiện thực! Thì sao? Đừng tưởng làm khoa học không xuyên tạc. Kìa mặt trăng. Nhà thơ dùng tâm hồn mình vẽ vời thêm thắt cho nó nên “vú mộng”. Nhà khoa học dùng trí óc mình đơn giản hóa nó thành... cục đất. Tưởng trăng không vú, mà cũng chẳng đất! Không đừng được, làm là xuyên tạc. Vậy chỉ cần lo xuyên tạc thế nào cho có kết quả. Làm thơ, hãy để cái “tinh thần lãng mạn” nó tha hồ nhào nặn cho đến khi thơ “thoáng, ướt và có cánh”!

“Tác phẩm nghệ thuật là một sản phẩm rất cá thể hóa, không thể họp những đầu, mình, tay, chân đẹp ở nhiều nơi để thành một con người đẹp được”.

Chắc chắn không lâu lắm nữa, ra đường ta sẽ gặp những “người” mà ta cứ tưởng là người, trong khi đó thực ra là máy! Có máy giống hệt người, có lời giống hệt thơ... Thưởng thức nhầm một bài thơ lắp ráp giống như yêu nhầm một người máy.

“Mọi lý thuyết đều màu xám, và cây đời vĩnh viễn xanh tươi / Vĩnh viễn chim ca, vĩnh viễn nắng cười / Vĩnh viễn anh yêu em, như yêu sự thật / Và cây đời mãi mãi xanh tươi / Mãi mãi em ơi / Cây đời trĩu trái / Gió trong lá mùa thu rồi trở lại / Rì rào đôi ta tình ái muôn đời / Trong mắt đen em mãi mãi ánh trời / Ngời qua một sợi tóc buông rũ trán / Mãi mãi môi em nhụy đời vô hạn / Và cây đời ôi! sáng lạn xanh tươi”.

Mọi lý thuyết đều đầy khái niệm. Khái niệm là thực tại sau khi đã đi qua trí óc ta. Thực tại vốn sống động, nhưng trí óc ta lọc hết chất sống, cho nên mọi khái niệm đều cứng đờ. Nếu trông “cây đời” mà ta không nghĩ gì hết, chỉ tập trung cảm, thì trong ta sẽ có một cái gì đó cũng “mãi mãi xanh tươi”...

“Chúng ta yêu cái thật đẹp, yêu cái đẹp thẳng cánh thẳng tay, yêu cái đẹp được diễn tả với một khiếu thẩm mỹ chắc chắn và đồng thời chúng ta rất sợ cái đèm đẹp...”.

“Khiếu thẩm mỹ chắc chắn” mấy ai có, nên đèm đẹp bao giờ cũng nhiều hơn hẳn đẹp. Vốn cái ít luôn nổi bật, bây giờ nó bị lẫn vào cái nhiều. Bây giờ muốn gặp cái “thẳng cánh thẳng tay”, phải xông pha giữa hằng hà sa số cái “rất sợ”.

“(Phải) làm thơ vì sự thúc đẩy bên trong, vì nhu cầu của tâm hồn. Thắt lại đến cùng vẫn phải có cái động cơ ấy: Tôi cần làm thơ, như tôi cần yêu người yêu! Nếu ta không có cái nguyên cớ cuối cùng ấy thì ta không làm thơ nổi (…) Khi người thi sĩ xông vào con đường thăm thẳm của thơ, họ mơ ước những hạt ngọc Lam Điền mới đông và sáng mãi mãi”.

“Tôi cần làm thơ”, không phải làm lấy có, mà làm hết sức nhằm sáng tạo ra thơ tuyệt tác. Tốt, phải có cái mơ ngọc thì may ra mới có ngọc. Ờ nhưng tại sao ta lại đi mơ làm được thơ hay, nhỉ? Xuân Diệu bảo vì “cái sự dứ ghê gớm: (thơ hay) sẽ sống mãi”. Nghĩa là vì cái rất chóng “tắt” là ta muốn để lại một cái gì “sáng mãi mãi”… Bể dâu rồi, người xưa ơi. “Mãi mãi” là trong tâm hồn, mà tâm hồn thì đang hấp hối! “Ngọc Lam Điền” đông dưới mắt thờ ơ, rồi sẽ thôi đông.

“Việc sản xuất thơ không thể bảo đảm chất lượng đều luôn như sản xuất ở nhà máy. Làm được mười bài thơ hay hoặc khá, đến bài thơ thứ mười một vẫn cứ có thể dở. Hai mươi năm thơ nở như hoa tươi và ướt, đến năm thứ hai mươi mốt thơ có thể gạn (gạo?), khô!...”.

Đại khái, giống như đẻ con với làm bánh bít-quy. Mỗi con mỗi khác, bánh nào cũng y như bánh nào.

“Cá nhân (...) rất quan yếu. Văn nghệ không phải cứ mãi là phong trào mà được; văn nghệ không chịu được cái sàn sàn. Phải có những tài năng, những thiên tài (...) những thiên tài này do quần chúng, do phong trào đẻ ra, nhưng (...) cất lên những tiếng hát thật đặc biệt, thật cá tính, thật bản sắc”.

Mỗi phong trào văn nghệ nó như một cái cây hoa mới. Phải liệu đơm hoa, chứ không thể cứ toàn lá mãi! Hoa văn nghệ cũng như hoa thật, không giống lá. Hoa văn nghệ, ngoài ra, còn không giống nhau: chẳng hạn cùng nở trên cây Thơ Mới, nhưng đóa Xuân không giống đóa Huy, đóa Chế…

“Trong văn học nghệ thuật, chúng ta phải thực hiện cho thành một quy luật cái câu “càng già càng dẻo càng dai”; mặt khác, chúng ta cũng hướng về những bạn làm thơ trẻ để tìm những tài năng mới khơi ra được những dòng suối xuân trong xứ thơ, đem đến những giọng điệu mới mẻ. Là vì ở trong tuổi bắt đầu cuộc đời, người ta có trăm nghìn cảm xúc mới lạ, người ta có cái sức trẻ rất cần thiết cho thơ...”.

Xuân Diệu “trò chuyện với các bạn làm thơ trẻ” mà như ôn chuyện chính mình: vừa tiếp xúc sơ sơ với cuộc sống, ông đã nẩy ngay “trăm nghìn cảm xúc mới lạ”; vừa tập sáng tạo, ông đã đem đến ngay cho thơ Việt Nam một “giọng điệu mới mẻ” có sức hấp dẫn lâu dài. Nhưng như ông là hết sức ngoại lệ. Lệ là, phải từng trải cuộc sống, phải lăn lộn với việc làm thơ, thì thơ may ra mới nên hay. Không phải càng trải càng lăn càng hay. Có khi trải quá hóa chua, đắng, chai đờ…, lăn quá hóa máy móc. Thơ hay nhất ra đời khi nhà thơ vừa cảm xúc đậm đà, đằm thắm, vừa chưa thành dây chuyền lắp ráp chữ nghĩa. Trẻ là tương lai. Ta nên hướng về những bạn trẻ nhưng chớ nên tán thưởng họ dễ dãi quá, kẻo khiến thơ không có tương lai. (Trong tình hình văn hóa diễn biến hiện nay, đằng nào thơ cũng không có tương lai!)

“Trong văn nghệ, trong thơ phải chân, nghĩa là mình có bao nhiêu tâm hồn thì viết bấy nhiêu, đừng gắng hơi, đừng cố mượn hơi ở đâu người khác mà thổi cái bong bóng của mình; phải chân chứ đừng định lừa người đọc, phải chân như cái hương tự nhiên của tâm hồn”.

Khoảng cuối thập kỷ 1950, đầu thập kỷ 1960, ở Miền Nam có ví dụ đáng chú ý. Thi sĩ nổi tiếng ấy thực ra khác hẳn Tây. Thế mà tự ép mình suy tư y hệt như thanh niên Tây bấy giờ đang suy tư, rồi đem cái nội dung thiếu hẳn chân thành ra làm thơ. Kết quả nghệ thuật dĩ nhiên thê thảm. Ờ, nhưng mà tại sao hồn phải thật thì xác mới có thể đẹp, nhỉ? Chắc Thật, Tốt, Đẹp là một, như có người đã nghĩ.

“Thơ không phải chỉ là một nội dung tư tưởng, tình cảm, thơ còn là cái thần của ngôn ngữ nữa”.

Không phải ngôn ngữ nào cũng nhiều “thần” như ngôn ngữ nào. Lời tiếng Việt gồm những từ rất gợi cảm được gắn bó tự nhiên, hữu cơ, thành một toàn thể liền lạc, giống như một sinh vật. Lời tiếng Tây gồm những từ gần như trơ trơ được lắp ráp lại với nhau theo một ngữ pháp cứng nhắc, thành một tập hợp bộ phận, giống như một cái máy.(2) Tuy khi làm thơ, Tây có linh động phần nào cách lắp từ, nhưng kết quả thường cơ bản vẫn “chỉ là một nội dung” thôi. Oái ăm, chính nhờ đó “thơ” Tây có thể được dễ dàng “chuyển” qua đủ thứ ngôn ngữ khác cho cả thế giới đua nhau trầm trồ!

“Người nghệ sĩ (...) cần tu dưỡng cái khả năng biểu hiện lại sự sống”.

Vào là “sự sống” mà mọi người đều thấy, ra là một “sự sống” khác mà chưa ai từng thấy, đó không phải một diễn biến tất yếu. Cái tâm hồn của người nghệ sĩ nó phải làm việc cho giỏi thì mới… Tay nghề cần được trau dồi, bất cứ nghề nào.

“Nhà thơ mang nhược điểm của mình như một cây đàn mang hạn chế của nó: đàn nguyệt gảy bằng ngón tay: tiếng tròn, đàn nhị kéo bằng vĩ tơ: tiếng dài, nguyệt không réo rắt xé không gian được như nhị, nhị không thánh thót “mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân” được như nguyệt; vấn đề ở chỗ: nguyệt hay đến độ cao nào? nhị hay đến đỉnh chót nào?”.

Đàn nhiều loại. Nhà thơ càng nhiều loại: mỗi nhà thơ là một loại! Có loại Thiều, loại Điểm, loại Du, loại Trứ, loại Quát, loại Khuyến, loại Xương, loại Hiếu, loại Xuân, loại Huy, loại Bính, loại Chế v.v. Bất cứ loại nào cũng vừa “không (...) được như” bất cứ loại nào khác, lại vừa có cái hay riêng không loại nào khác có được. Hành trình sáng tạo nghệ thuật là cố đi cho đến cái “đỉnh chót” của “cây đàn” mình. Chẳng hạn, “con chim đến từ núi lạ”(3) có một lối hót riêng chưa ai từng nghe, nó đã cứ thế mà “dào dạt với âm thanh” suốt đời, để lại cho ta những “tiếng lòng” say sưa chót vót!

Đàn nào chả có hạn chế
Đừng ôm nguyệt mà réo rắt
Hay kéo nhị cho thành giọt!
Sáng tạo
Là cố đi
Sao cho đến đỉnh mình.



Thu Tứ
Viết năm 2014
Sửa mới nhất tháng 4-2023
















_________
Tất cả trích dẫn lời Xuân Diệu đều từ:
- Nhiều tác giả,
Các nhà văn nói về văn, nxb. Tác Phẩm Mới, 1985
- Xuân Diệu,
Ba thi hào dân tộc, nxb. Thanh Niên, 2000.
(1) Bùi Xuân Phái,
Viết dưới ánh đèn dầu, nxb. Mỹ Thuật, 2008.
(2) Xem “Tương lai từ vựng tiếng Việt”, “Tương lai ngữ pháp tiếng Việt” (TT).
(3) Trong “Lời thơ vào tập…” ở đầu tập
Gửi hương cho gió.