Phá anh Ba chút cho vui,
Anh gan đánh giặc, mê tơi anh hoài!
Nghe anh, em đã “chấm” rồi
Đợi ngày chiến thắng đi mời bà con...

Dĩ nhiên đâu phải ai ra đi cũng có những lý do cụ thể như Thảo. Dĩ nhiên ngày chiến thắng chắc gì Liên, Thảo sẽ gặp lại nhau mà cùng đi mời ai... Đất nước nào còn cũng là nhờ có đông đảo những đứa con biết quên mình.
(Thu Tứ)



“Nắng mùa xuân”

Lê Vĩnh Hòa




Ra gần tới đường, Thảo đứng nép lại sau bụi tre, dần dừ. Liên vẫn còn ngồi giặt dưới tàng cây vú sữa bên kia rạch, mấy sợi tóc đen nhánh lòa xòa rủ trên trán. Thảo đứng một lúc lâu, nhìn chiếc cầu bắc qua trước cửa nhà Liên, nơi mà mấy tháng nay mỗi lần đi qua, lòng anh thường thấy gợn lên một chút xao xuyến êm đềm. Ngày mai, anh rời khỏi nơi đây chắc lâu lắm mới có dịp trở lại đi trên cầu này. Gió tháng chạp thổi qua bụi tre, lá lăn tăn bay chấp chới trên con sông ngập nắng vàng. Một con chó chạy qua. Thấy anh, nó đứng lại sủa gâu gâu. Thảo hốt hoảng bước vội ra đường lừng khừng lưỡng lự. Liên chợt ngẩng đầu lên. Đôi mắt to, trong vắt, long lanh như cười. Liên hỏi:

- Anh Ba đi đâu vậy?

Thảo ấp úng:

- Đi... ờ, thả bậy ngoài xóm một lát.

Vừa nói xong, Thảo chắc lưỡi tức mình. Sao không nói phứt là đi qua từ giã Liên để đi bộ đội? Có một chút vậy mà cũng lính quính trả lời lạc đề.

Liên cười:

- Qua bên này ghé uống nước rồi đi, anh Ba!

Thảo cảm thấy hai bên màng tang nóng ran. Anh nghĩ thầm: chắc mặt mình đỏ rần lên rồi. Anh lúng túng nửa muốn bước qua cầu, nửa e ngại. Mồ hôi ra ướt áo. Thảo lắp bắp hỏi bậy một câu cho có chuyện:

- Chú Ba có ở nhà không cô?

- Ba em đi ra ruộng rồi. Có chuyện chi không anh?

- Ừ... cũng không có chuyện chi... à, thôi tôi đi đằng này nghe cô Hai.

Thảo vội vã đi làm như đang có việc gì gấp rút dữ lắm. Từ trong thâm tâm, anh thấy thất vọng rã rời. Thế là hỏng bét cả một chương trình. Thảo giận mình sao nhút nhát vô lý quá. Thì qua nhà Liên cho hay mình sắp tòng quân, từ giã gia đình Liên cũng như hồi sớm mai tới giờ từ giã bà con khác trong xóm, có gì đáng mắc cỡ đâu, mà đã tới đầu cầu rồi, đã được Liên mời rồi, còn có mấy bước nữa, rốt cuộc nói lập bập lòng dòng không ăn nhập vô đâu hết rồi trớt lớt luôn. Hết còn dịp nào khác. Thôi, kể như huề. Thảo tiếc rẻ, quay đầu lại nhìn Liên một lần nữa. Vừa lúc Liên ngước mặt lên, bắt gặp anh đang nhìn lén! Thảo vội vàng quay lại đi gấp qua chỗ quẹo cho khuất.

*

Nhớ lại đêm đi phá hoại về, cách đây mấy tháng, Thảo rút sau chót. Tới điểm tập trung thì mấy chiếc xuồng còn lại đều khẩm mẹp, chỉ có xuồng của mấy chị nữ du kích còn chỗ thêm được một người.

Vợ anh Sáu Tiên kêu:

- Xuống đi Thảo. Ngồi phía trước đó, bơi mũi.

Thảo dùng dằng, tiến thối lưỡng nan. Anh vốn nhát gái. Ngồi chung một xuồng toàn là phụ nữ không, anh ngại quá. Có tiếng cô Liên cười khúc khích:

- Xuống đại cho rồi đặng đi. Lựng xựng một hồi ô-buýt nó bắn “tiêu xương mạng” hết bây giờ. Ai ăn thịt ăn cá gì mà anh sợ. Thanh niên mà nhát hích hè.

Bị chạm tự ái quá, Thảo làm gan bước đại xuống mũi xuồng, lấy dầm cắm cổ bơi. Qua khỏi vàm Rạch Tra là tới vùng giải phóng, mấy cô trên xuồng cười nói om sòm. Thảo chẳng biết chen vào nói một câu gì cho nó đỡ cô độc. Chợt anh nghe có tiếng cô Điều nói:

- Chị Liên làm đám tuyên bố với Sáu Còn nhớ cho tụi này hay sớm sớm nghe.

Tiếng Liên trả lời dấm dẳn:

- Chừng nào tui mới tuyên bố với Sáu Còn lận? Ai nói với mấy chị đó?

- Vậy chớ Sáu Còn không có hỏi chị sao? Anh đó coi cũng được lắm chớ.

- Được thì chị chịu thằng chả đi.

- Đồ quỉ!

Thảo nghe có tiếng cười, tiếng đấm nhau trên nón lá thùm thụp. Anh mỉm cười vu vơ. Một lát lại có tiếng của Liên.

- Nói nhỏ mà nghe chớ Sáu Còn tệ quá, hễ kêu đi công tác hay phá hoại thì không đau bụng cũng nhức đầu.

Chị Sáu Tiên bơi lái, lên tiếng hỏi:

- Liên à, vậy chớ mầy chịu cỡ nào? Tao nghe thằng Hai Quì, Sáu Đăng, Tám Cao cũng rục rịch hỏi ý kiến mầy mà mầy tính chấm đứa nào chưa?

Có tiếng cô Điều trả lời hớt:

- Chấm rồi chị. Mới nói nhỏ với tui, dặn đừng nói lại cho ai nghe hết.

- Dóc, dóc. Ai nói cái gì với mầy hồi nào?

- Có, có thiệt mà. Chỉ nói nhỏ với tui, chỉ chấm... anh Ba Thảo rồi.

Cả xuồng cười cái rần. Thảo chết điếng vì thẹn. Xuồng nghiêng qua nghiêng lại muốn chìm vì các cô lại thụi, đấm nhau bình bịch.

- Ở... ờ, chìm xuồng, mấy cái đứa này – Chị Sáu Tiên la lên rồi nói tiếp – để tao hỏi đàng trai coi cái mà. Tính sao chú Thảo?

Liên vùng vằng:

- Con Điều nó nói tầm bậy mà chị cũng cứ...

- Coi, coi. Người ta hỏi đàng trai mà con Liên nó cũng muốn ra thay mặt trả lời nữa chớ.

Chị Sáu Tiên lại giục:

- Nảy giờ sao không mở miệng vậy Thảo? Tụi nó cười chú chết còn gì.

Thảo nghe lỗ tai nổ lùng bùng. May ban đêm nên không ai thấy được mặt anh nó sượng sùng bẻn lẻn tới cỡ nào. Anh trả lời lúng búng trong cổ họng:

- Tui nghèo quá... Vợ con nỗi gì!

Sau câu trả lời của Thảo, trong một lúc lâu cả xuồng im lặng. Mỗi người trầm ngâm theo đuổi ý nghĩ riêng của mình.

Tiếng xuồng rẻ nước ồ ồ trước mũi, hai cái dầm bỏ không đều nhau kêu lõm bõm. Một con chim ăn đêm bay xẹt qua tàu dừa nước gây tiếng động lào xào. Trong cái không khí đột nhiên rơi vào chỗ nặng nề buồn bã, Thảo ngậm ngùi nhớ tới những ngày gia đình đoàn tụ vui vầy. Những ngày đó không còn nữa kể từ khi Thuận, anh thứ hai của Thảo bị lính ruồng bắt được, đem đập chết trước sân trường làng. Bốn tháng sau bác Năm, ba của Thảo lại bị bắt. Rồi nghe tin ổng bị kêu án 20 năm khổ sai, sắp bị đày ra Côn Đảo, hai mẹ con bán con heo lớn lấy tiền đi thăm. Thảo không thể quên được đêm đầu tiên sau khi đi thăm về tới nhà. Đêm đó, Thảo trằn trọc không ngủ được. Anh cứ thấy dật dờ hình ảnh của người anh mình le lói máu, nằm dãy dụa trên mảnh sân đầy cát bụi, lờ mờ khuôn mặt xanh mướt của người cha lâu ngày xa cách, hiện lên ngắn ngủi sau hai lần lưới sắt. Nửa khuya, nghe tiếng hỉ mũi, Thảo quay lại rờ lên mặt mẹ thấy nóng hổi, nước mắt đầm đìa. Mủi lòng, Thảo cũng bật khóc. Người mẹ đưa tay vuốt tóc con. Ngoài đường chó sủa râm ran, bọn lính đi tuần đã tới giữa xóm. Gió cuối năm thổi rào rào trên mái lá. Có tiếng con chim bìm bịp kêu sát sau hè.

Rồi tới những ngày tưng bừng. Các chú, các anh tới lui thăm hỏi gia đình. Thảo theo anh Sáu Tiên đi công tác trong đội xã. Ở nhà chỉ còn bác Năm gái cui cút làm ăn. “Nhà tui nghèo quá... Vợ con nỗi gì!”. Quả thật, nhà Thảo nghèo.

*

Cầm gói giấy bằng nửa bàn tay mà bé Tư em của Liên vừa chèo xuồng theo đưa, Thảo phân vân, hồi hộp. Cái gì đây? Còn một giờ nữa là đoàn tân binh bắt đầu lên đường về huyện. Thảo vội vàng ra sau bếp ngồi tháo dây, mở lớp giấy bao ngoài. Một cái khăn trắng thơm mùi dầu Huê Lạc. Năm tờ giấy 20 đồng. Một mảnh giấy gấp làm tư ở giữa khăn rớt xuống đất, Thảo chụp lẹ vào tay. Trống ngực đánh liên hồi, mặt nóng ran, mắt hoa lên, choáng váng. Anh nhìn ra phía trước. Anh em còn đang rửa chân dưới sông, Thảo nhét hết đồ vô túi, ra bàn thờ lấy tờ báo của anh chủ nhà, kẹp lá thơ vô giữa, ngồi sát vách hấp tấp đọc:

“Anh Ba thân mến,

Anh đi mà không cho em hay một tiếng. Anh tệ quá. Chắc là anh giận em bữa hôm đó nói anh thanh niên mà nhát hích phải không? Em nói chơi mà, anh đừng hiểu lầm. Thanh niên nhát với phụ nữ mà dám đánh giặc như anh thì đâu có sao. Đêm hôm tới chỗ lễ thấy anh, em muốn nói chuyện cho anh hiểu rõ hơn mà chỗ đông người em ngại. Nhớ đêm hôm trước, anh than nghèo nên không tính việc cưới vợ làm cả xuồng chị em ai cũng bùi ngùi. Anh Hai đã hy sinh. Bác Năm trai bị bắt. Nhà đơn chiếc mà anh vẫn đeo đuổi theo phận sự, ai cũng có lòng nể anh. Nhưng thấy anh hiền tụi em hay phá anh chớ đâu có phải vì anh nghèo mà ai dám coi rẻ anh đâu. Anh yên tâm đi với anh em. Ở nhà tới mùa lúa, em và chị em lo tiếp với bác Năm, không sao đâu.

Chừng nào học rồi, ra đơn vị, anh nhớ viết thư về cho em biết địa chỉ. Thôi vắn tắt vài hàng, em chúc anh mạnh giỏi học hành, đừng để thua sút anh em. Em ở nhà cũng ráng theo chị em công tác.

Em muốn thêu cho anh một cái khăn mới mà gấp quá làm không kịp, để kỳ sau. Anh lấy cái khăn cũ của em, cất làm kỷ niệm. Tiền anh để dành khi có bịnh hoạn đặng thuốc men. Anh đi, bà con xóm mình chắc nhớ anh nhiều lắm.

Em: Liên”.

*

Thảo gấp thư lại. Tay anh không còn run nữa.

Trên khung trời khói lửa hiện ra trong óc anh, có gương mặt tròn trịa của Liên, mắt trong vắt, long lanh chứa những niềm vui.

Nắng mùa xuân đang chiếu trên quê hương. Những người tân binh đã sửa soạn lên đường.