Chồng đi tù, vợ gánh vác giang sơn nhà chồng. Đời bố Khắc thế, đến đời Khắc cũng y như thế. Vợ Khắc chết sớm, em gái Khắc không đi lấy chồng mà ở nhà để thay chị dâu đảm đương việc nhà.

Nhìn em “một mình quán xuyến mọi việc”, “Khắc nhiều lúc có cảm tưởng Quyên cũng là một nữ tướng gan dạ đang chiến đấu ở một mặt trận im lặng”.

Phụ nữ ta vốn xưa kia còn cưỡi voi xông ra những chỗ rất ồn nữa kia! Gái Việt oai nhất thế giới!(1)

Trở lại chuyện con theo bố đi tù. Không phải là bố với con đã ăn cướp của ai, mà là đã dám tìm cách đánh đuổi cái đứa nó ăn cướp đất nước mình.

Tự nghìn xưa đất này vẫn vậy
Giặc nước, phải đánh đuổi nó đi!
Gái trai chia nhau cùng ra sức
Tình riêng, vì nghĩa cả sá chi!...


(Thu Tứ)

(1) Xem bài Oai Như Gái Việt (xin bấm vào chỗ in màu xanh).



Nguyễn Đình Thi, Vỡ bờ (3)



Khắc về đến nhà thấy em gái đang lúi húi lót lá dâu cho tằm ăn. Trong nhà im ắng.

- Mẹ đã ngủ chưa em?

- Hình như mẹ mới chợp đi xong. Thuốc của anh được một nước rồi, em để trên bàn anh ấy.

Quyên ngước mắt lên trả lời anh rồi lại cầm ngọn đèn hoa kỳ soi những nong tằm. Sọt lá dâu dưới đất chỉ còn lưng lửng. Trong những chiếc nong phủ kín lá dâu tươi, những con tằm trắng cất cao đầu len lỏi, tranh nhau ngoạm lá. Nong nào chưa đến lượt thì tằm còn ngủ say im lìm, nhưng hễ tay Quyên bắt đầu rải lá đến là cả cái thế giới tí hon ấy động đậy rồi chỉ trong giây lát đã rào rào tiếng tằm ăn rỗi như tiếng mưa. Nom những con tằm nhỏ háu ăn, Quyên thấy vui vui và thương chúng nó. Được ăn no là chúng nó lớn như thổi, chỉ cách một đêm đã khác hẳn. Nhưng dâu nhà đã gần hết lá, đêm nay chúng nó phải ăn đói một tí đây.

Bàn tay Quyên vẫn đều đều rải lá, nhưng tai Quyên lắng nghe xem anh Khắc làm gì. Đã lâu lắm, không hiểu sao bác Hội lại sang bất thình lình như thế. Thấy Khắc đi về có vẻ suy nghĩ, Quyên hơi lo, và muốn hỏi anh xem có chuyện gì không. Khắc uống bát thuốc xong, đã vào trong cái phòng nhỏ ngăn liếp. Không thấy động tĩnh gì, Quyên đoán Khắc mệt, đã ngủ, nên cô nhẹ nhàng xuống bếp.

Khắc nằm lim dim mắt, người mệt mỏi. Gió ngoài cửa sổ thổi hiu hiu vào đầu giường, anh ngủ lúc nào không biết.

... Choàng tỉnh dậy, Khắc có cảm tưởng đã ngủ lâu lắm. Ngoài buồng khách tối om, nhưng dưới bếp còn ánh lửa. Cũng như mỗi tối, Quyên thu dọn nhà cửa xong còn đun nồi cám cho lợn mới lên nghỉ.

Giấc ngủ ngon làm cho Khắc dễ chịu. Tuy còn muốn ngủ nữa, Khắc ngồi nhỏm dậy cho tỉnh hẳn. Bên ngoài cửa sổ, bóng mấy cành nhãn đầu nhà in lên nền trời sáng mờ. Đêm tĩnh mịch, thỉnh thoảng u ơ vài tiếng chó cắn xa hoặc rì rào tiếng gió thổi trong mấy cây xoan, cây khế ngoài bờ ao.

Khắc bỗng nhận thấy mỗi bóng cây, tiếng động ấy gắn bó với đời mình đến chừng nào. Từ những ngày lên bốn, lên năm, Khắc đã nghe mẹ kể chuyện trên cây nhãn ấy, một bà cô của cha Khắc ngày xưa vì buồn duyên phận kém đã thắt cổ chết. Những đêm nằm ngủ với mẹ, bỗng tỉnh dậy trong bóng tối mịt, chú bé Khắc sợ hãi nhìn ra bóng cành nhãn, lại ôm chầm lấy lưng mẹ. Rồi chú bé lại nằm mê thấy bà cô ấy khi thì thắt lưng xanh, khi thì cầm quạt hồng, vẫy chú đi theo đến bao cảnh thần tiên. Năm Khắc học vỡ lòng cùng với Hội, ông tú Mai trồng cây khế ở bờ ao. Có lần nhà có con mèo chết, hai anh em Khắc tranh nhau đem ra gốc khế chôn, cho hồn nó nhập vào trong cây, làm ngọt quả. Cái cây đã lớn trước người, bóng mát của nó đã che cho hai anh em Khắc mê mải họp những phiên chợ náo nhiệt, hoặc bày những cỗ bàn linh đình bằng các thứ lá cây, hoa quả hái trong vườn. Cho đến bây giờ, vẫn cái cây ấy lại che bóng mát cho đứa con gái nhỏ của Khắc lủi thủi chơi bán hàng, bày cỗ suốt ngày.

Khắc đã nghĩ xong: ngay đêm nay, phải chạy vào bí mật. Thời kỳ công khai đã chấm dứt, Khắc không thể trù trừ được nữa. Ở Hà Nội, không biết lờ đờ thế nào, để nó tóm mất cả Ngân, cả Toản. Đấy là mới nghe qua lời Hội, không biết còn ai bị bắt nữa? Những tin tức đầu tiên mà Hội kể lại làm cho Khắc vừa bực tức, vừa lo. Hơn một năm nay, theo lệnh của Đảng nằm chữa bệnh và chịu quản thúc ở nhà, Khắc cảm thấy mình như tàn tật. Bây giờ đã tới lúc trở lại cuộc chiến đấu, mặt đối mặt với kẻ thù. Những ý nghĩ ấy dồn dập, náo nức trong lòng Khắc, suốt trên dọc đường về, sau khi chia tay với Hội. Khắc lại thấy mình khỏe khoắn, hăng hái hơn bao giờ hết. Đêm nay, Khắc hẵng lên bến Gốm, đến chỗ “xê quy” (cơ quan) nằm chờ nhà đồng chí Dần, rồi ở đó sẽ chắp mối với trên.

Nhưng bây giờ, đến lúc phải đứng dậy ra đi, Khắc bỗng xao xuyến nhớ lại từng kỷ niệm nhỏ, và nẫu ruột thương mẹ, thương em. Từ khi ông cụ tú bị bắt và mất đi, bà mẹ Khắc ròng rã mười mấy năm đầu tắt mặt tối, nhịn nhục nuôi cho Khắc ăn học. Bắt đầu lớn lên, Khắc đã được đối xử là người con cả, thay quyền cha mẹ trong gia đình. Bà tú vừa thương vừa nể con giai, việc gì quan trọng trong nhà cũng hỏi Khắc và chiều theo ý Khắc. Lần đầu tiên Khắc đưa mấy người bạn lạ mặt về nhà thì thào, hội họp, bà chỉ ứa nước mắt khóc thầm. Bà biết con bà sẽ giống như ông tú, nhưng bà không căn vặn gì Khắc, cũng không hề ngăn cản. Bà chỉ càng lo sớm nhắm cho Khắc một người vợ, hình như nếu việc ấy chưa thành thì vong hồn ông tú chưa yên được. Nỗi lo sợ ám ảnh bà ghê gớm nhất là nếu Khắc không có con trai thì dòng máu nhà ông tú đến tuyệt mất. Và nếu như vậy thì bà lỗi mất đạo làm vợ, làm mẹ, dù bao nhiêu công lao gì khác cũng không thể nào chuộc lại được. Đến năm Khắc hai mươi thì bà tú nhất định ướm vợ cho con. Khắc chưa muốn lấy vợ, và cũng chưa biết mặt người vợ tương lai nhưng vì thương mẹ và hiểu lòng mẹ nên anh cũng vâng lời. Chàng thanh niên cộng sản bấy giờ vẫn là người con hiếu thảo theo nề nếp đạo nho đã in sâu từ mấy đời trong gia đình anh. Lấy vợ chưa được hai năm, Khắc bị bắt, lúc ấy Tâm, vợ Khắc, mới có mang. Trong những năm Khắc ở tù, Tâm nhẫn nại nuôi con và gánh vác giang sơn nhà chồng. Bà cụ tú rất thương con dâu, nhưng bà ngấm ngầm đau khổ về nỗi Tâm không đem lại cho gia đình bà một đứa cháu trai. Còn Tâm thì cố âm thầm chờ đợi cũng như không biết bao nhiêu người vợ Việt Nam từ xưa đến nay. Nhưng Tâm đã không được gặp lại chồng. Tâm ngã xuống, để lại đứa con gái nhỏ chưa biết mặt bố.

Những năm ở tù rèn luyện cho Khắc biết vật lộn dày dạn và khôn khéo với kẻ thù (...) Khắc đã quen nói trước đông người và đã viết được những bài báo, đôi khi cao hứng Khắc cũng làm thơ như hầu hết anh em chính trị phạm.

Trở về quê sau hơn bảy năm xa cách, nom thấy cái đầu hồi nhà nhô lên bên trên vòm lá nhãn, hai mắt Khắc hoa lên. Con bé Thu theo người lớn chạy ra đón bố, nhưng vẫn ngỡ ngàng trước người lạ mặt xanh mét, râu tua tủa và đôi mắt hốc ghê rợn kia. Khắc bế con lên, nhìn nó không mỏi mắt, như vẫn không hiểu được rằng mình đã có đứa con bằng ngần nấy.

Nhà Khắc sa sút hơn xưa, có sáu sào vườn đã bán mất bốn. Bà cụ tóc gần bạc hết, đôi mắt can đảm ngày trước nay nhìn mệt mỏi. Quyên cũng đã lớn. Tuổi hăm ba, hăm bốn như Quyên mà vẫn đứng không, ở làng Chẩm đã cho là muộn lắm. Khắc hiểu Quyên không nỡ bỏ mẹ và cháu đi lấy chồng. Một mình cô quán xuyến mọi việc, từ cấy hái mẫu ruộng nhà còn lại đến trông nom vườn tược, lợn gà, trồng dâu chăn tằm. Cuộc sống phải luôn luôn thiếu thốn chạy vạy làm cho Quyên ít nói cười, tất cả những vui buồn, suy nghĩ như dồn vào hai con mắt. Người Quyên không đẹp, mặt đen rám, chân tay cứng và hơi thô, nhưng hai con mắt thông minh, to và sáng, làm cho nét mặt Quyên nhiều khi có một vẻ đẹp riêng, như từ bên trong tâm hồn tỏa ra. Khi buồn hay vui, đôi mắt lặng lẽ ấy càng như to thêm, giàn giụa ánh sáng.

Mấy tháng Khắc mới về, còn lết giường chiếu, vẫn một tay Quyên lo thuốc men, chạy chữa. Từ chăm nom miếng ăn giấc ngủ của Khắc, cho đến đối phó với bọn hương lý, kỳ hào, để Khắc đỡ bị hạch sách, Quyên khi mềm mỏng, khi cứng rắn như một con gà mẹ sẵn sàng xù lông đánh nhau cho đến chết với bất cứ kẻ thù nào dòm ngó đàn con của nó. Nằm trên giường bệnh, sát gần với cái chết dần mòn đe dọa, Khắc bị dằn vặt thấy mình đã ăn tranh vào miếng cơm của mẹ, của em của con, không những thế cái bệnh lao quái ác còn có thể gieo tai vạ cho cả nhà nữa. Mấy tháng ấy nhà càng túng, Quyên gầy rạc hẳn đi, cái Thu cũng hay nhìn trộm những bát cháo thịt, những thứ hoa quả mà cô nó đã dành riêng cho bố và cấm không cho nó ăn. Mỗi khi nhìn thoáng thấy cái Thu thèm ăn như thế, Khắc lại như bị dao cắt ruột. Nhưng hễ anh gọi con đến thì nó lại lảng tránh. Có lần Khắc gắt ầm lên và không chịu ăn nữa, đòi phải chia đều cho cả nhà. Nhưng cũng chỉ một hai bữa, rồi sau đó cả nhà vẫn rau cháo để chữa cho Khác.

Trong những tháng gieo neo, vật lộn gay go với bệnh, lòng tin sắt đá của Quyên đã giúp cho Khắc không kém gì thuốc men. Thời ấy người ta sợ bệnh lao một cách kinh khủng, nhưng Quyên vẫn tin nhất định sẽ chữa cho anh khỏi. Và Quyên chạy từ thuốc tây đến thuốc ta, Quyên đi hỏi kinh nghiệm mọi người, ở đâu có người đẻ là Quyên mò đến xin rau về làm cho anh ăn. Quyên thu xếp cho trong hoàn cảnh nghèo túng bấp bênh, Khắc vẫn được ăn đều, thuốc đều, và được nghỉ ngơi. Nhìn em gái chạy vạy, Khắc nhiều lúc có cảm tưởng Quyên cũng là một nữ tướng gan dạ đang chiến đấu ở một mặt trận im lặng.

Bắt đầu nhúc nhắc được, Khắc nghĩ ngay đến việc đỡ đần chút đỉnh cho mẹ và em. Lần đầu Khắc cởi trần lội xuống ao vớt bèo, bà cụ tú và Quyên cùng làm ầm lên. Không những họ lo Khắc còn ốm, mà việc làm của Khắc có cái gì không phải lẽ, theo nếp nghĩ của bà mẹ và cô em gái đã quen suốt đời làm lụng để cho người đàn ông trong nhà được ngồi không, lo những việc lớn, cao xa. Nhưng Khắc cứ “lấn dần”, từ việc nhỏ này qua việc nhỏ khác. Bà cụ tú ngạc nhiên thấy Khắc lợp lại chuồng gà, lót ổ cho con lợn nái, không có vẻ bỡ ngỡ lắm. Rồi Khắc trồng cà chua, trồng đu đủ, cam, na, Khắc rào vườn, mua vôi và tỏi về làm thuốc chống gà toi, Khắc rắc bèo và thả cá ở ao.

Công việc nhà làm cho mấy mẹ con gần nhau hơn. Bà cụ tú và Quyên đã có nhiều chuyện hàng ngày bàn bạc với Khắc. Về phần Khắc, ngoài những chuyện làm ăn, anh cũng bắt đầu dạy em học chữ quốc ngữ và dần dà giảng giải về cách mạng cho gia đình nghe. Những buổi tối, Khắc ngồi viết bài cho các báo công khai của Đảng ở Hà Nội (ký tên khác), hoặc dịch sách cho mấy nhà xuất bản để kiếm tiền thêm, Quyên cũng hì hụi tập đọc cùng với cái Thu. Không bao lâu Quyên đã một mình đọc lấy được sách báo. Được rảnh rang hơn, Quyên tươi lên, đôi má ửng hồng, Quyên hay cười nói như trở lại với tuổi trẻ của mình.

Nhà Khắc dần dần thay đổi, không còn vẻ hiu hắt ngậm ngùi của những cảnh giữa đường đứt gánh. Cái sân nhà bây giờ thường vang lên tiếng bà gọi cháu, tiếng trẻ bi bô, tiếng người hỏi han, cười nói với nhau. Và Khắc khỏe lên thì lại có khách luôn. Dân làng nhiều người thường đến bàn với anh về mọi việc trong thôn xóm. Đám thanh niên càng hay thích đến nghe chuyện của Khắc, có khi họ rủ nhau từ làng Táo, làng Gàng sang. Cho đến bọn kỳ lý, từ chánh hội San trở xuống, cũng có ý nể Khắc. Nhưng chỉ có bà cụ tú và Quyên biết thỉnh thoảng đêm khuya, lại có người lạ mặt đến tìm Khắc rì rầm nói chuyện rồi lại đi trước khi trời sáng. Bà cụ và Quyên quý nể nhất là các anh ấy, nhưng hai mẹ con không khỏi thấp thỏm lo âu. Nhiều buổi tối, nhà đã xong mọi việc, bé Thu đã ngủ say trong lòng bà, mấy mẹ con ngồi kể lại cho nhau những chuyện đã qua. Bà cụ tú còn nhớ đinh ninh nhiều việc từ thời Tây mới sang. Qua lời mẹ, Khắc như thấy hiện lên cả một thời loạn lạc, thống khổ. Khắc cũng hỏi mẹ được lai lịch nhiều gia đình ở vùng sông Lương, nhà nào tốt, nhà nào xấu, ai đã làm phản, ai chịu tù tội. Khắc ngạc nhiên được biết ông cụ Tư Gạch bán nước ở đầu cầu Lương lúc trẻ là người nấu bếp của vua Hàm Nghi, sau này ông cụ làm bồi và đã dự vào vụ đầu độc ở trại lính Hà Nội, may trốn thoát, không bị mất đầu. Người ta gọi ông cụ là Tư Gạch do một lần, đánh đố với trai làng, ông cụ chồng gạch lên, đấm một đấm vỡ liền bốn viên. Còn lão tuần Vĩ trước kia xuất thân làm thông ngôn. Bố nó là lão chánh Nham, năm Nhâm Ngọ đã dắt Tây lê-dương về đánh úp quân bãi lau của ông lãnh Cừ ở dưới làng Chuông, sau lão chánh bị một người lạ mặt chém chết ngay giữa chợ Gành. Thằng nghị Khanh thì là con lão cả Hoạt, một tên đầu trộm đuôi cướp chuyên nghề gá bạc đã nổi tiếng ở vùng sông Lương. Mỗi câu chuyện ấy ghi sâu trong trí nhớ của Khắc. Quyên cũng đã được mẹ dạy thuộc lòng nhiều bài vè, bài hát cũ, và hay đọc lại cho Khắc nghe, với một giọng đều đều, bài vè thất thủ Hà Nội, hay bài ca lính tập của cụ Phan Bội Châu. Khắc thỉnh thoảng kể lại những năm tù đày của mình. Những lúc ấy, trong nhà nín lặng, mấy mẹ con như cảm thấy cơn giông bão còn nặng nề chưa qua, vẫn đang lởn vởn đe dọa...

Và bây giờ, cơn giông đã kéo đến. Những đám mây đen đã cuồn cuộn tới, che tối sầm đất nước quằn quại. Trong cái xóm nhỏ của những người tăm tối, suốt ngày đánh vật với đất để làm ra hạt thóc nuôi béo đám kẻ cướp đè đầu cưỡi cổ họ, đêm nay lòng Khắc đang bị cấu xé bởi nỗi thương xót, oán hờn. Khắc đứng dậy, gấp mấy cái quần áo, bọc lại. Trên tường, đầu giường, treo tấm ảnh chụp sau ngày hai vợ chồng mới cưới ít lâu. Nhìn ảnh nhưng Khắc không còn hình dung được dáng điệu, nét người của người vợ khuất nữa... Anh phụt đèn, rón rén ra nhà ngoài. Từ gian phòng nhỏ đầu bên kia lọt ra tiếng cái Thu đang ngáy đều đều. Tiếng bà cụ tú trở mình trằn trọc. Chân Khắc muốn run lên. Khắc muốn gọi mẹ dậy, nói cho mẹ biết và ôm hôn con, nhưng rồi lại thôi, bước khẽ ra sân.

Quyên đang ríu mắt ngồi bên nồi cám lợn sôi đều trên bếp, bỗng giật mình thấy anh cắp gói quần áo tới ngồi bên. Qua một thoáng ngạc nhiên, Quyên hốt hoảng hiểu ra. Khắc nói khẽ.

- Anh phải đi đây, em ạ.

Khắc giảng nghĩa cho Quyên, nhưng cổ anh nghẹn lại. Quyên mở to mắt nhìn anh, đôi mắt làm sáng cả gương mặt bỗng run rẩy nhòa đi, nước mắt chảy ra.

- Em liệu lời nói với mẹ cho anh. Anh sẽ tìm cách tin về cho em.

Khắc đã đứng dậy. Quyên bỗng giật tay anh, thì thào:

- Anh đợi em một tí.

Quyên đi nhanh lên nhà trên, rồi trở xuống, giúi vào túi áo Khắc một gói tiền. Ra đến ngoài vườn, Quyên nắm lấy cánh tay Khắc, khóc thút thít.

Gần nửa đêm, bà cụ lên tiếng gọi:

- Quyên ơi, khuya rồi, lên đi ngủ con.

Không thấy trả lời, bà cụ lẩm bẩm:

- Con bé lại ngủ quên rồi.

Bà lần dậy xuống bếp gọi con, thấy Quyên ngồi nức nở, nước mắt ướt đầm trên mặt.


(Lược trích
Vỡ bờ, quyển I)