“Phong Kiều dạ bạc”

của Trương Kế




Trong số những bản dịch Phong Kiều dạ bạc sang tiếng Việt, phổ biến rộng rãi hơn cả là bản không biết của Nguyễn Hàm Ninh (1808-1867) hay của Tản Đà (1889-1939). Nếu là Nguyễn Hàm Ninh, thì bài thơ này của Trương Kế đã được dịch rất sớm, đại khái cùng thời với Thu hứng của Đỗ Phủ và Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị.

Nguyên văn

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.


Dịch nghĩa

Trăng lặn, quạ kêu, sương đầy trời
Hàng phong bờ sông và những đèn câu “đối” giấc ngủ buồn
(Từ) chùa Hàn San bên ngoài thành Cô Tô
Nửa đêm tiếng chuông vọng đến thuyền khách.

Dịch thơ

Bản 1:

Quạ kêu trăng xế trời sương
Đèn lu cây tối, chập chờn tỉnh mê
Nửa đêm thức giấc nằm nghe
Chùa đâu chuông đánh xa đưa tận thuyền.


Bản 2:

Sương giăng quạ réo trăng tà
Lom đom chài lửa lờ mờ bến cây
Ngủ đêm thuyền đỗ buồn ơi
Nửa khuya nghe tiếng chuông rơi, ngỡ ngàng...


Bản 3:

Quạ kêu, trăng rụng, sương mù
Đìu hiu bến bãi chia sầu người mơ
Nửa đêm chuông nổi chùa xa
Mui bồng tiếng lọt, ngẩn ngơ khách nằm…


Bản 4:

Trăng tà, quạ réo, sương rơi
Đèn câu, cây bến, buồn ơi ngủ đò…
Nửa đêm ai thỉnh chuông chùa
Nằm nghe tiếng vọng, nửa ngờ chiêm bao…


Bản 5:

Trăng đâu mất, quạ kêu, sương bủa
Bến đìu hiu, khách ngủ buồn sao
Thật chăng hay giấc chiêm bao?
Nửa đêm nghe tiếng chùa nào chuông vang!


Bản 6:

Trăng đâu? quạ réo, sương lùa
Quạnh hiu bến nước thêm sầu giấc ai
Chuông chùa mấy tiếng chơi vơi
Dư âm dứt đã, chưa thôi bàng hoàng…


Bản 7:

Đìu hiu bến quạnh, mộng sầu
Trăng rơi khuất bóng, quạ gào, sương sa
Chùa đâu chuông bỗng ngân nga
Nửa đêm vòng sóng lan xa tận thuyền…


Bản 8:

Lửa chài soi giấc ngủ côi
Quạ kêu trăng xế, kín trời sương sa
Nửa đêm chuông thỉnh chùa xa
Dở mê nghe tiếng ngân nga, giật mình.


Bản 9:

Trăng xế, quạ kêu, sương kín trời
Đèn lu, cây tối, ngủ buồn ơi
“Nửa đêm” chuông đánh, chùa đâu lạ
Tỉnh giấc ai ơi, sắp sáng rồi!
(1)

Bản dịch thơ khác

Trăng tà chiếc quạ kêu sương
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
(Nguyễn Hàm Ninh / Tản Đà)



Thu Tứ



















_______
Tên bài nghĩa là “Đêm đỗ thuyền ở Phong Kiều”.
(1) Trong
Thơ Đường - Tản Đà dịch (nxb. Trẻ, 1989), Nguyễn Quảng Tuân nhận xét: “... nửa đêm không làm gì có tiếng chuông chùa (...) nguyệt lạc (...) là cảnh lúc về sáng rồi. Tác giả đi nằm lúc nửa đêm song cứ mơ màng (...) khi chợt tỉnh (...) bị ảo tưởng thời gian nên cho là mới có nửa đêm”. Đúng là chuông chùa hiếm khi thỉnh lúc nửa đêm, nhưng chắc nếu có lý do vẫn thỉnh được, còn về thời điểm trăng lặn thì trăng thượng huyền mọc ban ngày, lặn lúc nửa đêm. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhân đọc ý kiến này mà dịch thêm một bản.