Bài thơ này làm năm 1952, nhưng cái câu “Mi cứ đi đi!” Chế Lan Viên đã được nghe lâu trước đó. Vì trong bài “Canh cá tràu” viết khoảng 1975-1977 có câu: “Ba mươi năm trở lại nhà, nước mắt xuống mâm cơm!”, nghĩa là nhà thơ đã lên đường theo kháng chiến trong khoảng 1945-1947. Sau thống nhất, nước mắt đã “xuống” bao nhiêu là “mâm cơm”. “Con mẹ đây rồi!”, mà đâu rồi, “Mẹ mến thương ơi!”... (Thu Tứ)



Chế Lan Viên, “Gửi mẹ trong vùng giặc chiếm”




Mẹ ở dưới thành phố đó
Lô-cốt ngời vôi, mái đồn máu đỏ
Con đi đây trên chót vót đỉnh rừng
Nghĩ đến mẹ nhiều, nước mắt rưng rưng!
Mẹ con ta trong thành Bình Ðịnh cũ
Cái giếng, vườn rau, căn nhà nho nhỏ
Chị em con như trái ngọt sây vườn
Mà mẹ là gió dịu đưa hương
Mẹ thương con như sữa nồng, như nước mắt
Càng nhỏ xuống, lòng con càng thắt chặt
Ôi buổi xưa kia biết mấy ngọt ngào
Nhớ cho nhiều, kỷ niệm cắt như dao!

Nay mẹ bị cầm chân nơi đất giặc
Bốn phía là gươm, bốn bề là sắt
Họ kể con nghe:
- Bà nhắc đến anh nhiều
“Không biết đời cán bộ khổ ra sao?
Mỗi bận Tây đem người ra chợ bắn
Thì vợ chồng tôi nhớ hắn!”
Rồi buổi chiều, trong tiếng niệm Nam mô
Bà cầu cho anh, cho sức khỏe Cụ Hồ
Cho súng ống nhiều, nước mau thắng lợi...
“Hắn cứ an tâm, anh gặp, nhờ nói với!”.

Mẹ mến thương ơi!
Con mẹ nhớ nhiều
Những buổi cầu kinh hương lạnh, nến nghèo
Án Phật đỏ ngời bài vị
Mẹ nhắc cha ghi từng tên anh đồng chí
Những buổi tiễn đưa cán bộ lên đường
Mẹ theo chân, cho bát nước, củ gừng...
Con nói mẹ thương mình nên thương họ
Cho đến buổi giặc về, súng nổ
“Mi cứ đi đi! Việc nhà kệ đó
Ðừng nghĩ lo chi, tau đã già rồi...”
Rồi mẹ hôn con, con vùng hiểu mẹ
Con sẽ nói: Ô! mẹ mình là thế!

Mẹ mến thương ơi! Con mẹ đây rồi!
Nhưng mắt con không khóc nữa
Chừ có khóc cũng khóc thành ra lửa
Có ngã đau cũng dậy cho mẹ cười
Con sống hiên ngang và nếu chết sẽ nên đời
Cho đến lúc bắn nát đầu bọn giặc
Ðộc lập hẳn hòi, mẹ coi tận mắt
Mẹ ôm con: “Chao! Tau khổ mấy năm trường!”
Con sẽ khóc ròng, mẹ sẽ thương hơn.


1952