Ờ nhỉ, nghệ sĩ như con ong. Xuân Diệu say sưa “hút nhụy của mỗi giờ tình tự”, rồi làm ra những dòng “mật” đọc rất dễ say... Mỗi khoảng thời gian sống, có thể một cái hoa! Thời gian sôi nổi tình tự với “em”, thời gian rạo rực cảm nghe đất trời, thời gian đau đáu nhớ quê, thời gian dạt dào yêu nước, thời gian rưng rưng trước bất hạnh v.v., hiển nhiên đều hoa cả. Nhưng thời gian uống rượu quay thìa ở Khâm Thiên, thời gian nằm canh ngọn đèn dầu lạc, thời gian đi thăm dân cho biết sự tình v.v., cũng hoa chẳng kém, như Nguyễn Tuân tiền chiến đã chứng tỏ bằng những trang “mật” gợi cảm lạ lùng...

Trời sinh làm ong
Thì anh phải bay tìm hoa hút nhụy
Không phải để về ngủ kỹ
Mà để trăn trở, thao thức, tìm cách
                      biến tinh túy của hoa
                  thành tinh túy của mình
Giọt nhụy trót vào rồi
Phải làm sao cho ra giọt mật, nhé anh.
(Thu Tứ)

Về giống côn trùng “hao hao giống ong” nhưng ưa thọc vòi bừa bãi, thế mà cũng vẫn khen được đấy: nó biết thân, nên không làm mật. “Mật nhặng”, không rất hơn có!



“Loài ong không cánh”

Chế Lan Viên




Muốn có thơ hay thì phải sống, phải trải, phải chiêm nghiệm (...) Nghĩa là cái đầu vào phải nặng, phải khá. Chớ suốt ngày trà lá nói dóc, tán phét mà đòi thơ hay thì không có đâu (...) Con ong (...) cho đời (...) mật, còn con nhặng (...) có khi cũng hao hao giống ong (...) bay qua cả một mùa hoa cũng chẳng làm được trò trống gì, có khi lại làm thối hoa ra cũng chưa biết chừng.


(“Chế Lan Viên nói về thơ”, báo
Văn Nghệ, số 15/11/2003. Nguồn của bài này là những trang ghi chép của một học viên khóa 3, 1968-1969, Trường Bồi dưỡng những người Viết văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam. Nhan đề tạm đặt.)