“Chống xâm lược phương Bắc”




Chống xâm lược, muốn cho có hy vọng thành công, cần vài điều kiện. Điều kiện thứ nhất là ý chí chống xâm lược mạnh mẽ. Nhân Tàu đang lấn ta ở Biển Đông, thử nhìn lại ý chí chống xâm lược Tàu của nhân dân Việt Nam xưa nay.

Bình Ngô đại cáo: “Nước Việt ta từ trước, vốn xưng văn hiến đã lâu (...) phong tục Bắc Nam cũng khác”. Hịch kêu gọi đánh quân Thanh của vua Quang Trung: “Đánh cho để dài tóc. Đánh cho để đen răng...”. Nêu ra làm cái lý do để “đánh”, tức là tin tưởng văn hiến, phong tục, “tóc răng” mình dù chẳng hơn cũng chẳng kém người. Tức dân tộc Việt Nam chống xâm lược Tàu là để bảo vệ văn hóa tinh thần Việt Nam (ta bảo vệ của mình nhưng không hề bảo thủ mà “mềm như nước”, điều quan trọng là mọi thay đổi phải do ta tự ý chứ không phải do bất cứ ai áp đặt). Dân tộc Việt Nam chống xâm lược Tàu cũng vì lý do vật chất: giặc tàn bạo hoặc gây khổ sở cho đông đảo nhân dân. Giữa tinh thần và vật chất, đằng nào giữ vai trò quyết định?

Do nhân loại có bản năng thiên về vật chất, trong việc có chống xâm lược hay không, lý do vật chất giữ vai trò quyết định. Giặc mà hiền, rất khó dựng cờ khởi nghĩa! Ta nên “căm ghét” Tích Quang, Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp, vì đã tử tế với dân ta: nếu thái thú nào cũng như thế, thì làm gì còn có cơ hội cho Ngô Quyền đuổi quân Nam Hán, cho ít lâu sau đó nước Đại Cồ Việt ra đời! May, trong hơn nghìn năm Bắc thuộc, giặc Tàu nói chung là giặc ác, khiến khi có cơ hội việc kêu gọi dân Việt đánh đuổi Tàu thường dễ dàng. Dù không thành công, mỗi lần nổi dậy như một lần tinh thần dân tộc bừng cháy, có tác dụng giúp tinh thần ấy sau đó lại tiếp tục âm ỉ, dai dẳng chờ đợi cơ hội lớn... Ta nên nhớ “ơn”, chẳng hạn Tô Định thời Hán, vì chính nhờ hắn bạo tàn mà trong lịch sử dân tộc mới có Hai Bà Trưng! Sau Bắc thuộc, giặc Tàu lần nào qua cũng là giặc ác. Vì chúng đã được bắt đầu cai trị nước ta đâu, mà có dịp để hiền! Ngay cả giặc Minh cũng chưa thực sự có dịp đề hiền. Nghĩa là, từ Ngô Quyền cho đến mãi cuối thế kỷ 20, việc kêu gọi kháng chiến chống giặc phương bắc không lúc nào gặp khó khăn gì cả.

Nhưng tình hình đã khởi sự trở nên khác trước.

*

Trước ta trồng lúa ta ăn, đời sống vật chất của hầu hết nhân dân ta chẳng mảy may phụ thuộc vào bất cứ thứ hoạt động kinh doanh gì của Hoa kiều, nói chi người Tàu bên Tàu. Bây giờ nước Tàu là đối tác kinh tế số một của nước Việt Nam. Bao nhiêu người Việt Nam đang đi làm ở những cơ sở do người Tàu làm chủ. Bao nhiêu người Việt Nam đang có thu nhập bằng cách buôn bán với Hoa kiều và cả với người Tàu bên kia biên giới. Nếu suy nghĩ cho thực tế, tưởng phải lấy làm băn khoăn về quyết tâm chống Tàu xâm lược của những đồng bào ấy.

Trong số hình ảnh phổ biến về những cuộc biểu tình phản đối Tàu đặt giàn khoan trong vùng biển Việt Nam, có hình ảnh một người đứng trước cổng một hãng xưởng gì đó tay giơ cao tấm biển “Xin đừng làm hại miếng cơm manh áo của chúng tôi”. Đọc bài tường thuật đi kèm, được biết có những nhân viên Việt Nam của hãng Tàu cho hay tiếc đã không hết sức bảo vệ tài sản của chủ khi có người biểu tình xông vào đập phá. Chuyện có vẻ đơn giản, nhưng không. Dĩ nhiên đập phá tài sản là sai trái, nhưng thử tưởng tượng cái cảnh người Việt xung đột với người Việt để bảo vệ tài sản của người Tàu! (Công an bảo vệ tài sản của người nước ngoài thì không sao, vì việc ấy ý nghĩa hoàn toàn khác: họ làm thế là thi hành luật pháp chứ không phải nhân danh quyền lợi riêng của họ.)

Nước Việt Nam cần tìm cách hạn chế số người Việt bị “miếng cơm manh áo” (hoặc nhà tầng xe con) ảnh hưởng đến quyết tâm chống giặc. Cách nào? Chỉ có cách phát triển quan hệ kinh tế với những nước khác để giảm mức phụ thuộc vào quan hệ với Tàu. Những nước khác nào? A, phải coi chừng cái kẻ ngày đêm ra sức tái tạo văn hóa cả thế giới cho giống văn hóa nước mình đấy! Kẻ ấy chuyên môn xía vào nội bộ nước khác, xúi giục, ủng hộ thiểu số làm mất ổn định xã hội, thậm chí đảo chính, lật đổ chính phủ!

Giữ dân yêu nước và đoàn kết, chưa bao giờ khó như bây giờ.



Thu Tứ
Tháng 7-2014