“Ai đã hóa ai”




Căn cứ vào nghiên cứu sử học, có thể hình dung hiện diện thống trị của người Tàu ở nước ta xưa kia như một đám chốt sắt đóng xuống một cái thảm lúa xanh mênh mông. Mỗi chốt là một lỵ sở của guồng máy cai trị, là một cái “tỉnh Tàu” có quân viễn chinh Tàu đồn trú, có tướng Tàu chỉ huy quân, có quan lại Tàu lo việc hành chính, có thương nhân Tàu qua làm ăn, có một số người Việt phục vụ người Tàu... Bên ngoài chốt, trong tre giữa lúa là xóm làng nơi hầu hết người Việt sinh sống. Trong khu vực lỵ sở và trong những xóm làng gần đó, có thể có một số không nhiều di dân Tàu. Ngoài đàn áp khởi nghĩa và lo thu để chở về Tàu những thứ tài nguyên, sản vật giá trị, các chốt còn có nhiệm vụ khai hóa dân bản xứ, giúp họ thành người văn minh như người Tàu.

Năm 231, trong sớ tâu lên vua Ngô, thái thú Tiết Tổng đánh giá tình hình cai trị từ đầu đến lúc ấy: “Dân như cầm thú (...) đến nay (...) hơn 400 năm mới hơi nên người”.(1) Hừm, tưởng sau bao nhiêu công “hóa” của các thái thú Tích Quang, Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp, bọn “cầm thú” nay đã “đồng” với cư dân Trung Nguyên xong xuôi rồi kia chứ. Dù sao, được các quan Tàu tiếp tục dạy dỗ cẩn thận, độ ba thế kỷ nữa thì ta nên người hẳn chứ gì?

Lịch sử không chịu đơn giản. Năm 541 Lý Bí khởi nghĩa, năm 544 xưng Nam đế. Năm 549 Triệu Quang Phục kế nghiệp, xưng Việt vương. Ô hay, làm loạn cứ làm, sao lại danh hiệu linh tinh thế này? Sao lại phân biệt Nam với Bắc, Việt với chẳng Việt? Sao đến giờ này, hàng bảy trăm năm sau ngày đất Giao Chỉ bắt đầu được ánh sáng văn minh Trung Nguyên rọi xuống, mà vẫn còn có những kẻ lạc hậu ngoan cố?! Tuy đất phương Nam, đất của người Việt, chẳng bao lâu lại Bắc thuộc, nhưng cái chuyện xưng đế xưng vương nó nói lên rất gọn sự thất bại của âm mưu đồng hóa và nó báo trước ngày tàn của quân xâm lược.

Năm 679, nhà Ðường đổi Giao châu thành An Nam đô hộ phủ. Tên mới nghe oai vệ, nhưng thực ra mang ý nghĩa không hay chút nào cho nhà nước Trường An. Vì đã gọi là đất “đô hộ” thì tức là đất ấy không phải một phần lãnh thổ nước mình.(2) Ðổi tên như thế là đã vô tình xác nhận một bước lùi nghiêm trọng trong cuộc bành trướng về phương Nam của chủng Hoa Hạ. Như một định mệnh, cái “đô hộ phủ ở phía Nam đã bình định” vừa chào đời xong bèn từng bước dứt khoát bước ra khỏi vòng kiểm soát của kẻ đô hộ. Trần Quốc Vượng cho biết: “Buổi đầu (...) trực thuộc chính quyền trung ương Trường An, nhưng từ năm 757 trở đi thì trực thuộc tiết độ sứ Lĩnh Nam ở Quảng Châu và đến nửa cuối thế kỷ IX thì An Nam có chức tiết độ sứ riêng”.(3) Chẳng bao lâu sau đó, nơi đô hộ phủ bỗng nẩy “kẻ” Khúc Thừa Dụ lợi dụng tình hình chính trị suy sụp ở Trường An mà tự xưng làm tiết độ sứ luôn, không thèm đợi vua Ðường phong. An Nam đã “bất an” đến mức này thì cái việc Ngô Quyền đánh quân Nam Hán, giết thái tử Hoằng Tháo, rồi xưng vương hiển nhiên chỉ còn là vấn đề thời gian.

*

Cuộc “khai hóa” đất phương Nam của người Tàu thất bại không phải là vô cớ.

“Dân như cầm thú” là dân thế nào? Ðại khái, là “búi tóc (...) mặc áo chui qua đầu cài khuy bên trái (...) nam nữ thích nhau bèn thành vợ thành chồng, cha mẹ cũng không ngăn được”.(4) Ơ hay, người mà như thế thì chỉ khác người không búi tóc, mặc áo không chui qua đầu cài khuy bên phải, bắt con cái lấy vợ lấy chồng theo ý cha mẹ, chứ đâu có giống gà, vịt, sáo, quạ, diều, chó, mèo, trâu, bò, ngựa gì đâu!

“Dân như cầm thú”, dân ấy còn có cả luật pháp hẳn hoi! Hậu Hán thư chép năm 43 Mã Viện tâu lên vua Tàu: “... luật người Việt khác với luật Hán hơn mười việc”. Thành ngữ Tàu có câu “Khác mười điều, có nghĩa là mỗi - mỗi mỗi khác”.(5) Tức khi vào đất Cổ Việt, Mã Viện thấy đó là một nơi đã tổ chức thành xã hội có luật pháp và luật ấy khác hẳn luật Tàu. (Đây là tướng đem quân đi chiếm lại thuộc địa nên cứ sự thực mà tâu, khác thái thú Tiết Tổng chịu trách nhiệm về việc cai trị thuộc địa nên cố ý tâu xuyên tạc sự thực để được vua Tàu khen cai trị giỏi!)

Và như ai nấy đều biết, “dân như cầm thú” đã từ lâu bước vào thời đại kim khí, đã đúc ra được vô số sản phẩm đồng đặc sắc mà nổi bật nhất là những trống đồng đồ sộ với hoa văn phức tạp chứng tỏ một trình độ kỹ thuật rất cao. Tập hợp đồ đồng Đông Sơn còn cho thấy một quan niệm mỹ thuật độc đáo, khác hẳn thẩm mỹ quan của tác giả đồ đồng Thương - Chu.

Rõ ràng khi kẻ “cưỡi ngựa đội mũ đúc đỉnh” hung hăng kéo xuống quá Lưỡng Quảng, hắn đã gặp người “cưỡi đò đội nón đúc trống”, chứ không phải gặp cầm thú chi cả!

*

Trong Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, Bình Nguyên Lộc đã căn cứ vào chỉ số sọ mà kết luận sau hơn 1000 năm Bắc thuộc người Việt không lai Tàu đáng kể. Người Tàu tuy chê các giống người khác là “(Nam) man”, “(Ðông) di”, “(Tây) nhung”, “(Bắc) địch”, thậm chí là “quỷ” (Tây Dương bạch quỷ!), nhưng không hề kỳ thị chủng tộc mà từ chối kết hôn với bất cứ ai. Tàu không chê lấy ta, mà ta ít lai Tàu, như thế nghĩa là thời Bắc thuộc trên đất nước ta có ít người Tàu. Tức tuy đô hộ Giao Chỉ rất lâu, trước sau họ không hề có di dân xuống ở đông đảo.

Tiếng Việt không phải là tiếng Tàu. Cứ so những từ căn bản, so cái cách ráp chữ lại cho thành câu, thì biết. Có thể tưởng tượng được chuyện người Tàu xua quân xuống chiếm Cổ Việt, rồi xua dân xuống ở um sùm, rồi hơn một ngàn năm sau trên đất ấy cư dân không nói tiếng Tàu hay không? Dĩ nhiên là không. Tức cái sự kiện ta nói một thứ tiếng khác hẳn tiếng Tàu, nó cũng bảo dứt khoát rằng không hề có chuyện dân Tàu ồ ạt kéo nhau xuống ở đất ta.

Cái sọ và cái tiếng nói “hai mặt một lời”, làm sao sai được?

*

Cư dân Cổ Việt vừa có văn hóa cao vừa chiếm tỉ lệ dân số áp đảo so với kẻ xâm lược. Đó mới là hai yếu tố làm nỗ lực đồng hóa của người Tàu thất bại. Còn nữa:

Yếu tố thứ ba là, việc cai trị của người Tàu nói chung gây nhiều khổ sở cho dân bản địa, lòng căm thù khiến họ không hăm hở bắt chước văn hóa phương Bắc. Yếu tố thứ tư là, do thiếu kỹ thuật truyền thông tiến bộ, người Tàu đã không thể tiến hành xâm lăng văn hóa hiệu quả: để văn hóa Tàu được đông đảo dân bản địa biết đến, họ chỉ có cách đích thân vào tận từng làng xóm mà tuyên truyền lâu dài, nhưng đó là chuyện hoàn toàn không thực tế. Yếu tố thứ năm là, người Tàu đã không làm thay đổi đáng kể môi trường sống của cư dân Cổ Việt: đây là yếu tố căn bản nhất giúp truyền thống địa phương tiếp tục tồn tại dưới sự cai trị của ngoại nhân.

Có lẽ cần nói rõ hơn về yếu tố thứ nhất. Một mặt, văn hóa Đông Sơn tuy tiến bộ nhưng về kỹ thuật không cao bằng văn hóa Trung Nguyên, cụ thể bấy giờ ta còn ở sơ kỳ đồ sắt trong khi người Tàu đã biết chế tạo đồ sắt từ khá lâu; mặt khác, đó không phải là một chênh lệch thật ấn tượng có thể gây tự ti mặc cảm sâu đậm. Hơn nữa, việc thiếu kỹ thuật truyền thông khiến hầu hết những thành quả về văn hóa vật chất của Trung Nguyên không có cách nào đến được trong tầm mắt của cư dân Đông Sơn mà hòng lung lạc tinh thần họ.

“Năm thuận lợi” cùng nhau giữ vững hãnh diện Văn Lang, Âu Lạc. Chính nhờ hãnh diện ấy còn mà rồi mới có cái ngày lịch sử trên sông Bạch Đằng.

*

Năm 939, do thế còn yếu Ngô Quyền chỉ xưng vương, nhưng chưa đầy ba mươi năm sau Ðinh Bộ Lĩnh đã xưng đế (của một nước Việt “Đại Cồ”), rồi đến thời Lê Đại Hành hay Lý Thường Kiệt thì xuất hiện “tuyên ngôn độc lập”: “Nam quốc sơn hà, Nam đế cư...”. Nhớ nhé, người Tàu ở phía Bắc, người Việt ở phía Nam, nước ai người nấy ở, hễ giở trò xâm lược là sớm muộn sẽ bị đánh văng! Vua Lê hay tướng Lý làm thơ vắn tắt để động viên quân sĩ đánh giặc Tống nên không giải thích. Vài trăm năm sau, Bình Ngô đại cáo (1427) nêu rõ cái cớ căn bản khiến phải đuổi cho được giặc Minh: “Sơn hà cương vực đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác...”. Phan Ngọc nhận xét: “Bình Ngô đại cáo (...) là bản tuyên ngôn đầu tiên về quyền tự quyết dân tộc và định nghĩa đầu tiên của nhà nước dân tộc trên thế giới”.(6) Lập nước riêng vì mình là một dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, đơn giản thế thôi, vậy mà phải đến đầu thế kỷ 15 trên thế giới mới có người Việt Nam xung phong tuyên ngôn!

Tại sao chuyện này ta hăng hái làm trước mọi người? Thiết tưởng trước tiên bởi tình trạng ngoại nhân cai trị đất Việt quá lâu mà không xóa được văn hóa Việt làm cho trong óc tổ tiên ta ý thức dân tộc cứ mỗi lúc mỗi thêm sôi sục (khiến hễ có dịp là lại lập tức khởi nghĩa, cho đến khi rút cuộc thành công). Sau đó, đe dọa bị tái xâm lược lúc nào cũng sờ sờ đã giúp cho ý thức dân tộc không bị nguội đi. Ðầu thế kỷ 15 ta mới tuyên ngôn trắng đen, có sớm gì đâu. Vì vào thế kỷ 6, như Ðào Duy Anh nhận định, “cuộc vận động độc lập của Lý Nam Ðế (đã) là một cuộc quốc gia vận động phôi thai”.(7) Phôi thai, rồi sẩy thai, nhưng vẫn mang thai nên bốn thế kỷ sau “bưng đầu mà ra”(8), để vài thế kỷ nữa thì dõng dạc lên tiếng thay cho tất cả những nhà nước dân tộc khác trên mặt địa cầu!

Oái ăm cho người Tàu, chính cuộc đô hộ của họ đã xúc tiến quá trình hình thành quốc gia dân tộc Việt Nam. Rồi chính ý đồ tái thiết lập đô hộ của họ đã khiến dân tộc Việt Nam có cái vinh dự độc đáo.

*

Lịch sử ưa chơi những trò ngộ nghĩnh.

Có kẻ thấy người khác mình, “chụp mũ” người là chim với thú. Rồi thấy người yếu hơn mình, xông qua đè đầu cưỡi cổ. Vừa đè cưỡi, vừa hăm hở đòi giúp “chim thú” tiến lên người, giúp “Nam man” hóa đồng với Trung Quốc nhân.

Than ôi, càng ở lại giúp lâu, kết quả càng tệ hại. Lý Nam Ðế gốc Tàu, rất nhiều lãnh tụ kháng chiến khác cũng gốc Tàu. Tức cháu chắt của những ông quan Tàu được vua Tàu tín nhiệm sai đi đồng hóa giống mọi phía Nam lại tự thấy mình là một với giống mọi ấy! Những cái chốt sắt Hoa đen sì đóng xuống nền lúa Việt xanh tươi tưởng sẽ bền muôn năm, nào ngờ chỉ ít lâu sau đã gỉ nát lẫn vào đất ruộng!

Từ Lộ Bác Ðức đội mũ xông vào đất Cổ Việt năm -111 cho tới Hoằng Tháo rơi đầu trên sông Bạch Ðằng năm 938, hơn mười thế kỷ ánh sáng văn minh phương Bắc đòi rọi cho “đồng” mảnh đất nhỏ phương Nam. Rút cuộc, người quả đã đồng với người rồi, nhưng trông lại mà xem, kìa chính ai mới đã hóa ai!



Thu Tứ
Viết năm 2008
Sửa năm 2015



















___________
(1) Nguyễn Duy Hinh,
Văn minh Lạc Việt, nxb. Văn Hóa - Thông Tin, 2004. Đây hẳn Tiết Tổng tính từ năm -208 là năm Triệu Ðà thôn tính nước Âu Lạc, gom mở ra nước Nam Việt. Trong sử ta, thời Bắc thuộc lại được đa số xem là bắt đầu từ năm -111, là năm quân Hán chiếm nước Nam Việt.
(2) Hội đồng Khoa học Xã hội TPHCM,
Lịch sử Việt Nam, tập 2, nxb. Trẻ, 2005, tr. 191: đô hộ phủ là “ngoại địa”.
(3) Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh,
Lịch sử Việt Nam, tập I, nxb. Ðại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp, 1983.
(4) NDH, sđd.
(5) Bình Nguyên Lộc,
Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, Sài Gòn, 1971.
(6) Phan Ngọc,
Bản sắc văn hóa Việt Nam, nxb. Văn Hóa - Thông Tin, 1998.
(7) Ðào Duy Anh,
Việt Nam văn hóa sử cương, 1938, nxb. TPHCM tái bản năm 1992.
(8)
Cung oán ngâm khúc, câu 56: “Ðã mang tiếng khóc bưng đầu mà ra”.