“Việc nước gian nan”




Những khó khăn khi đánh Pháp
Những thuận lợi khi đánh Pháp
Một ngày lịch sử như thơ
Làm nốt công việc còn lại
Tại sao phải làm việc ấy
Làm xong việc ấy vẫn chưa xong!
Đôi lời với những người bất mãn
Còn lắm gian nan…






Những khó khăn khi đánh Pháp

Nước Việt Nam mất vào tay giặc Pháp vì vua Tự Đức kém sáng suốt. Vua chủ trương “bế quan tỏa cảng”, thay vì mời tất cả cường quốc Tây phương vào buôn bán để vừa lấy Tây cân đối Tây vừa nhân cơ hội canh tân đất nước. Quân ta đã thua hết sức nhanh chóng, vì phương tiện chiến tranh quá đỗi lạc hậu.

Dân tộc Việt Nam đã lập tức tiến hành kháng chiến giành lại độc lập. Nhưng đó là việc khó khăn vô cùng. Khoảng mười năm sau khi khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc Dân Đảng thất bại, công cuộc bình định của giặc Pháp coi như đã thành công mỹ mãn. Tô Hoài kể: “Vào lứa tuổi chúng tôi lớn lên, những ngọn cờ hướng nghĩa đẫm máu của cha ông đã không còn nữa. Chúng tôi ngỡ từ trước đến giờ, Hà Nội vẫn ở yên như thế: phủ Toàn quyền... vườn hoa Con Cóc...”.(1)

May cho đất nước, bất chấp hoàn cảnh cực kỳ đen tối, một đảng phái khác vẫn tích cực hoạt động, bắt rễ sâu trong lòng quảng đại nhân dân, kiên trì chờ đợi ngày phất cao một ngọn cờ máu khác.

Khi cuộc trường kỳ kháng chiến do đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo bắt đầu ngày 19 tháng 12 năm 1946, phương tiện chiến tranh của ta vẫn thua sút địch hết sức nghiêm trọng. Đã thế, nội bộ ta lại lủng củng nặng nề. Do một hoàn cảnh lịch sử rất đặc biệt, trong lòng dân tộc đã nẩy sinh đến năm thành phần gây trở ngại cho nỗ lực kháng chiến. Năm thành phần này không tồn tại trong bất cứ cuộc chống ngoại xâm nào sau Ngô Quyền. Có ít nhất hai ngay thời Bắc thuộc cũng không có!

Thành phần thứ nhất là những người Việt Nam hợp tác với giặc, giúp giặc đàn áp kháng chiến và cai trị thuộc địa. Về cuộc bành trướng của Trung Quốc xưa kia, các nhà sử học đã có nhận định: “Nhiều thủ lĩnh Việt tộc (…) đầu hàng bọn bành trướng (...) làm quan, làm tướng cho bọn bành trướng (…) chống phá những cuộc trỗi dậy giành quyền tự chủ”.(2) Trong thế kỷ 19 và 20 ở nước ta, diễn biến phản bội đau đớn ấy lặp lại. Triều đình Huế mở ra cái thành tích ô nhục bằng cách sai “quan, tướng” Hoàng Cao Khải, Nguyễn Thân dẫn quân triều đình đi đàn áp phong trào Cần Vương. Nhanh chóng, khắp nước Việt gian sinh sôi nẩy nở, đua nhau lập công với giặc, tên tuổi như Trần Bá Lộc, vô danh như những “a-giăng” đi lùng bắt người cách mạng đem về tra tấn theo lệnh chủ Pháp. Việt gian đã vô cùng đắc lực cho thực dân trong công cuộc bình định đất mới chiếm. Đánh giết đồng bào là mức phạm tội nặng nhất, nhưng chỉ làm công chức cấp thấp cũng phải kể là có tội. Không hề nhỏ con số những kẻ không muốn gì hơn được suốt đời phục vụ trong guồng máy cai trị của giặc!(3)

Thành phần thứ hai là một số người Việt Nam bám theo giặc vì quyền lợi riêng. Họ là những thị dân buôn bán khá giả và những điền chủ có sản nghiệp đáng kể. Không phải ai cũng buôn bán với giặc. Không phải hễ giàu là do bóc lột. Nhiều người giàu cũng yêu nước, nhưng điển hình yêu đời sống vật chất thoải mái của mình hơn. Để thấy rõ nét tiêu cực của thành phần này, ta tạm đi nhanh tới chuyện sau Cách mạng Mùa Thu. Đất nước độc lập trở lại, họ cũng vui mừng lắm, bồng bột chia sẻ với tất cả mọi người, nhưng đến khi phải chiến đấu chống giặc Pháp xâm lăng lần nữa thì họ nhường việc ấy cho những công dân khác. Chẳng bao lâu sau khi Toàn quốc Kháng chiến bắt đầu, họ lục tục hồi cư, dinh tê… Vẫn những người Hà Nội ấy, mới ngày nào bừng bừng hoan hô cách mạng, mà bây giờ về ở với giặc, hoàn toàn dửng dưng với kháng chiến, có theo dõi thì chỉ để xem lúc nào nên làm gì cho có lợi. Trong Sống mãi với thủ đô, một nhân vật của Nguyễn Huy Tưởng chua chát: “Hà Nội là đất của tiểu tư sản, bấp bênh và quay quắt, cách mạng lên thì nó ào ào theo, cách mạng xuống nó sẽ quay lưng lại”. May thay, không phải ai có ưu thế vật chất cũng như họ, dù ở Hà Nội hay ở quê.(4)

Thành phần thứ ba là những người Việt Nam không thiết tha với kháng chiến hoặc vì ý thức quốc gia bị lung lay hoặc vì không cảm thấy hiện diện áp bức của giặc hoặc cả hai. Đây là do thực dân đã rất khôn ngoan. Tuy triều đình Huế hoàn toàn bất lực, nó muốn sao cũng được, nhưng nó không chính thức chiếm hết nước ta ngay mà cắt ra làm ba “kỳ”. Nam kỳ béo nhất, nó chiếm luôn; Bắc kỳ béo vừa, nó “bảo hộ”, bám rất sát; Trung kỳ xương xẩu, nó cho hưởng một mức độ tự trị. Cái trò “chia để trị” này sau một thời gian quả nhiên bắt đầu tác động tai hại đến ý thức quốc gia nơi một số người Việt Nam. Rồi trong mỗi “kỳ”, thực dân lại lộ diện ở mỗi địa phương mỗi khác. Đa số nhân dân dù không bị khổ sở vẫn giữ được lòng căm thù quân ngoại xâm, nhưng không tránh được, có một số người vì đã không thấy giặc đâu, nói chi giặc ác, lại thấy những tiện ích mới lạ như xe lửa, xe hơi, xe đạp, thuốc Tây v.v., dần dần đâm ra mơ hồ về nhu cầu kháng chiến.

Thành phần thứ tư là những người Việt Nam không thiết tha với kháng chiến vì nghĩ văn hóa của giặc ưu việt. Họ gồm một số thanh niên trí thức. Vừa bị giáo dục tuyên truyền về văn hóa Pháp, vừa bị vật chất áp đảo của giặc gây tự ti mặc cảm, họ trở nên hoang mang tới mức nghĩ nên để “mẫu quốc” tiếp tục cai trị, lúc nào chán, muốn trả lại độc lập cho thì trả! Để ý trong thời Bắc thuộc, giặc Tàu không hề tổ chức giáo dục, về vật chất Tàu lại không hơn ta nhiều như Pháp hơn ta, nhờ đó chắc chắn hãnh diện Đông Sơn đã còn rất cao và chính là lý do khiến tổ tiên ta bao lần vùng dậy cố giành lại độc lập. Thành phần thứ tư không có tiền lệ trong lịch sử!

Thành phần thứ năm gây trở ngại cho kháng chiến là những người Việt Nam chống cộng. Họ chống đảng cộng sản hoặc vì lý do tôn giáo hoặc do bất đồng chính kiến. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, kháng chiến chống ngoại xâm bị chia rẽ bởi tôn giáo và ý thức hệ. Có những người đồng thời chống giặc, nổi bật nhất là đảng viên của những hậu thân của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Đây cũng là những người yêu nước tích cực, đáng tiếc đã mâu thuẫn, xung đột với đảng cộng sản vừa yêu nước vừa làm việc nước hữu hiệu hơn rất nhiều. Họ dựa vào quân Tàu Tưởng, đã có gần 20 vạn quân Tàu sau lưng mà rồi phải nhanh chóng chịu thua một đối thủ chỉ có nhân dân Việt Nam! Khi cuộc trường kỳ kháng chiến bắt đầu thì quân Tàu đã rút hết ra khỏi nước ta và họ coi như không còn hoạt động.

Tóm lại, đối lập với đảng cộng sản Việt Nam được đại đa số nhân dân ủng hộ là một thiểu số phức tạp, trong đó không phải ai cũng xấu. Nhưng rất nhiều cá nhân đã lấy chiêu bài chống cộng để che đậy cái động cơ thực đằng sau thái độ hững hờ với kháng chiến hay hành động hợp tác với giặc của mình. Thực ra, cái chiêu bài ấy có giá trị gì đâu, vì nó đặt việc chống một chủ nghĩa lên trên việc chống ngoại xâm! Phải đánh đuổi giặc rồi sửa chủ nghĩa cho hợp với đất nước, chứ không thể đòi phải có một chủ nghĩa thật vừa ý trước rồi mới chịu tham gia! Và tuyệt đối không được theo giặc đánh giết quân kháng chiến!

Tất cả, trừ những người vừa chống cộng vừa chống Pháp, hợp lại thành cái lõi của một thứ “tiểu quần chúng” bám theo giặc, nuôi quân giặc, về sau giúp giặc dựng ngụy quyền thay thế cho triều đình Huế bị giải tán. Nói họ là lõi, bởi tiểu quần chúng còn gồm những người thân của họ. Chẳng hạn, một kẻ hợp tác với Pháp hoặc một nhà buôn chỉ biết lợi riêng dĩ nhiên có thể làm cha tốt, khi dạy con người ấy ngụy biện bênh vực cho thái độ ích kỷ của mình, đứa con vì yêu cha tin cha sẽ ghét những người cách mạng, sẽ xem việc theo Pháp là đúng. Tiểu quần chúng có lớp vỏ là những người bị lõi tuyên truyền. Rồi chính vỏ sẽ tuyên truyền thế hệ kế tiếp, gây lớp vỏ mới, cứ thế. Càng về sau, do lõi chết dần đi, tiểu quần chúng càng ít cá nhân xấu. Nhưng tuy bản chất không xấu, họ cứ tiếp tục chống cộng chằm chặp, do những lời ngụy biện truyền xuống từ đời ông!

(Thế còn ngụy binh? Họ điển hình không thuộc vào tiểu quần chúng, mà là nhân dân bị ngụy quyền ép buộc phải hành động chống lại kháng chiến. Họ chiến đấu uể oải, ngược hẳn với nghĩa binh chiến đấu hết sức hăng say.)

Những thuận lợi khi đánh Pháp

Công cuộc giành lại độc lập cũng gặp những yếu tố thuận lợi.

Thứ nhất, ách cai trị của giặc Pháp khiến đông đảo người Việt Nam ngày một thêm khổ sở. Trên giặc chỉ khai thác tài nguyên, bóc lột lao động, chứ không quan tâm đến hạnh phúc của nhân dân. Dưới quan ta thời ấy điển hình không còn là cha mẹ dân, không lo cho dân nữa, mà vừa ngay ngáy lo phục vụ giặc cho thật kỹ vừa ngày đêm tận tụy bóc lột dân! Dưới nữa, ở làng bọn hào lý cũng bận bịu “hai lo”: một phục vụ quan, hai bóc lột dân. Khi nước độc lập, vua ra vua, quan ra quan, lý trưởng ra lý trưởng. Nước mất rồi, vua hóa bù nhìn, dột từ trên dột xuống! Nông nỗi, lòng căm phẫn của đại đa số nhân dân chính là sức mạnh của kháng chiến.

Thứ hai, việc truyền thống Việt bị khinh rẻ làm đông đảo người Việt trí thức yêu nước hơn lên. Họ vốn đã yêu nước, như Đào Duy Anh nhận xét: “đại nghĩa dân tộc là cái tinh thần thấm nhuần sâu sắc vào tâm trí”.(5) Thời Pháp thuộc họ bị kích thích làm lòng yêu thêm đậm đà, như Huy Cận kể: “Trong chương trình của ban học thành chung, mỗi tuần chỉ có một giờ dạy tiếng Việt (...) chúng tôi yêu quốc văn với tấm lòng người con thương mẹ, yêu thương người mẹ đẻ bị rẻ rúng, bị xem thường. Lòng yêu quốc văn của chúng tôi lúc đó (…) là một biểu hiện của lòng yêu nước (...) Các em học sinh bây giờ học tiếng Việt trong một nước Việt Nam đã độc lập có thể không hiểu hết nỗi lòng chúng tôi yêu tiếng mẹ đẻ lúc bấy giờ như thế nào”.(6) Cho nên khi Toàn quốc Kháng chiến thì “bao nhiêu người trí thức không kể xiết đã không tiếc gì đời sống vật chất thừa thãi mà ra sống vất vả, nguy hiểm ở chiến khu, bưng biền, đáp tiếng gọi thiêng liêng của dân tộc”.(7) Sự tham gia của họ, nhất là những người đã du học Tây phương thành tài, góp phần quan trọng vào thắng lợi vẻ vang của kháng chiến Việt Nam.

Thứ ba, cuối Thế chiến thứ Hai ta bỗng có cơ hội “nghìn năm một thuở” để dựng lại nền độc lập. Ấy là hoàn cảnh giặc Pháp bị Nhật đảo chính, rồi Nhật đầu hàng Đồng Minh. Việc nước Việt Nam chính thức hồi sinh một cách hết sức tưng bừng ngày 2 tháng 9 năm 1945 đã có giá trị động viên toàn thể dân tộc cho cuộc trường kỳ kháng chiến cực kỳ khó khăn sắp sửa xảy ra, khi giặc Pháp trở lại cướp nước ta lần nữa. Không khí của Cách mạng Tháng Tám độc đáo vô song. Huy Cận ghi: “Đồng bào hô khẩu hiệu khản cả cổ (...) đồng bào và chúng tôi quyện lấy nhau trong một tình cảm thiêng liêng dào dạt (...) Nhiều người (…) nước mắt cứ chảy ròng ròng, chúng tôi cũng không cầm được nước mắt”.(8) Một người Hà Nội nhớ: “toàn quốc bừng lên trong ánh sáng huy hoàng của cuộc đấu tranh giành độc lập, những chữ tự do, dân chủ, giải phóng, giống như những trận cuồng phong quét sạch hết những đám mây u ám trên bầu trời thảm đạm, gom tất cả những ngọn lửa phấn khởi trong lòng hết thảy mọi người thiêu hủy hết những tàn tích cay đắng cũ, thắp sáng tới những xó xỉnh tối tăm nhất trong cuộc đời, đổi một đời mới, trong cái đêm trung thu tuyệt vời nhất thế kỷ của đất nước”.(9) Tố Hữu thơ hết sức say sưa: “Một dân tộc đã ào ào đứng dậy! (…) Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam muôn năm!”.(10)

Thứ tư, cũng cái hoàn cảnh đặc biệt cuối Thế chiến thứ Hai giúp ta bỗng nhiên có được một số vũ khí hiện đại. Quân kháng chiến Việt Nam cướp súng của quân Pháp và quân Nhật, rồi quyên góp mà mua thêm súng từ quân Nhật và quân Tàu Tưởng. Tuy về trang bị vẫn còn thua Pháp rất xa, nhưng đã hơn hẳn chính mình cách chưa lâu. Phải nhấn mạnh rằng sở dĩ cướp được vào lúc ấy, đó là nhờ trước đó quân ta đã bằng cách chủ động chọn mục tiêu và đánh thật hiệu quả mà “bồi dưỡng” mình bằng vũ khí của địch ít nhiều rồi.(11) Tức cũng như chính Cách mạng Tháng Tám, cái cuộc lấy súng đạn nó để chuẩn bị đánh nó này không phải là may mắn thuần túy mà là thời cơ gặp những người đã sẵn sàng để đón thời cơ.

Thứ năm, cuối năm 1950 ta khởi sự có nguồn ngoại viện. Được thế là nhờ: Mỹ và Liên Xô trở nên mâu thuẫn chí tử, bên Tàu quân Mao thắng quân Tưởng và bên ta chiến dịch Biên Giới thành công tốt đẹp mở cửa cho ngoại viện có thể chảy vào. Lại phải nhấn mạnh tuy đại bác và cao xạ của Liên Xô có giúp kháng chiến mau thắng lợi, nhưng kháng chiến đã phải tự lực tồn tại tới thời điểm ấy để nhận đại bác và cao xạ! Trong bốn năm trời ròng rã, quân ta đã phải “chiến đấu trong vòng vây”, cướp súng đạn địch để bắn địch, không phải chỉ “còn” mà đã thắng oanh liệt rất nhiều lần, bắt đầu với chiến thắng sông Lô. Chiến công trong thời gian ấy là kỳ tích thứ nhất mà lực lượng vũ trang cùng đông đảo nhân dân thi hành nghĩa vụ dân công đã lập được. Cũng cần phải nhắc, đóng góp rất đáng kể vào kỳ tích là những vũ khí “hiện đại thô sơ” mà các quân xưởng ta dưới sự chỉ huy của trí thức du học yêu nước Trần Đại Nghĩa đã sản xuất ra.

Thứ sáu, đúng vào lúc “ăn thua”, dân tộc Việt Nam đã vừa có lãnh đạo chính trị ngoại lệ, vừa có chỉ huy quân sự đặc biệt tài năng. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ lâu được quốc tế công nhận là chính trị gia và tướng lĩnh xuất sắc bậc nhất trong lịch sử thế giới. Đào Duy Anh trong hồi ký viết cuối đời khi nhìn lại giai đoạn lịch sử đất nước cực kỳ khó khăn đã gọi Hồ Chủ tịch là “người lãnh tụ thiên tài”.(12) Người lãnh tụ ấy đã vận dụng chủ nghĩa cộng sản mà tổ chức đông đảo nhân dân thành lực lượng hết sức lợi hại trong một cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn quốc, toàn diện, có phối hợp chặt chẽ, khác hẳn tất cả những cuộc khởi nghĩa trước nó. Thực ra cuộc kháng chiến đã được tiến hành trên khắp Đông Dương, ở đâu có quân Pháp đóng là ở đó ta tổ chức nhân dân địa phương đánh giặc. Có như vậy thì địch mới không thể tập trung quá đông quân ở những chiến trường ta quyết đánh thắng chứ, thì mới có chiến thắng Điện Biên Phủ được chứ. Những người lên án đảng cộng sản Việt Nam bành trướng chủ nghĩa không hiểu gì cả về thâm ý quân sự của lãnh đạo kháng chiến. Mọi hành động của ta ở Lào và Cam Pu Chia đều trước tiên là vì quyền lợi của chính nước Việt Nam. Tháng 8-1954, khi giao công tác cho Chính ủy Đại đoàn 316 là Chu Huy Mân, Hồ Chủ tịch dặn: “Trung ương (…) cử chú sang Lào (…) giúp bạn xây dựng lực lượng cách mạng, giúp nhân dân bạn tức là tự giúp mình”.(13) Tức sau khi đã vận dụng Lào để đánh bại quân Pháp, lãnh đạo ta chuẩn bị vận dụng Lào để “làm nốt công việc còn lại”. Đất nước thống nhất xong, Lào và Cam Pu Chia vẫn giữ vai trò rất tích cực trong kế hoạch quốc phòng của Việt Nam. Ta hết sức chăm bón tình hữu nghị với hai láng giềng phía tây, có khi bằng máu của quân mình, là để đối phó với láng giềng khổng lồ phía bắc! Xưa ta đợi giặc Tàu xâm phạm bờ cõi rồi mới đánh, nay ta đấu tranh sớm bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Cái chiến lược sáng tạo để đánh đuổi Pháp, Mỹ đã dẫn tới một chiến lược mới để đối phó với đe dọa Tàu!

Một ngày lịch sử như thơ

“Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”. Vì giặc Pháp tuy mạnh nhưng chỉ kéo theo được một tiểu quần chúng thành phần phức tạp và chỉ huy động được một số ngụy binh uể oải. Trong khi kháng chiến Việt Nam là đông đảo nhân dân thống nhất bởi lòng yêu nước, say sưa chiến đấu và phục vụ chiến đấu với tất cả sức lực và trí óc mình.

Ngày 10 tháng 10 năm 1954, khắp thủ đô vang lời bài “Tiến về Hà Nội” mà Văn Cao đã tiên cảm sáng tác sẵn từ năm 1950 (!): “Trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về (…) Năm cửa ô đón mừng…”.

Ngày ấy 40 năm sau còn làm Hoàng Cầm ngây ngất, nhớ rõ mồn một từ cảm xúc của mình đêm trước: “tôi cứ thao thức mãi (...) nhưng rồi cũng chợp ngủ đi, có lẽ cũng như giấc ngủ dân Việt sau những Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, trong ánh sao lung linh “Nam quốc sơn hà”, trong âm vang của Hịch tướng sĩ, trong ba hồi chín tiếng trống vang lừng Bình Ngô đại cáo (…) giấc ngủ sử thi”, đến từng chi tiết hôm sau: “Một không khí nhộn nhịp, tưng bừng chưa từng thấy (...) những phụ nữ, những bà cụ già, cả thanh niên học sinh cứ xông ra sờ mó quần áo bộ đội, có bà cụ cứ ôm riết một anh pháo binh bên cạnh chiếc xe chở cỗ pháo 105 ly mà suýt soa và khóc rất lâu. Chao ôi! Kể từ buổi trung đoàn Thủ Đô rút đi sau cái Tết chan hòa máu đổ, súng ran thay pháo đón xuân, tạm để lại Hà Nội cho địch chiếm (…) Chiến thắng rồi đây, giải phóng rồi đây (…) không khóc sao được, không gào thét lên sao được! (...) Bầu không khí lúc bình minh của Giải phóng Dân tộc ấy thật là một bầu trời phơi phới hoa nở, chim hót, toàn thủ đô (...) âu ca rộn ràng. Vào nửa đầu thế kỷ XV, khi Lê Lợi, Nguyễn Trãi kéo quân chiến thắng trở về chiếm lại Đông Quan, thì sắc mây, hương gió chắc hẳn cũng y hệt hôm nay (…) Đoàn quân đi thật không khác gì một dòng sông xanh mà hai bên là hai bờ hoa tươi cờ đỏ chập chùng (…) Phía sau (…) dân phố tràn ra lòng đường như thủy triều lên (…) lên mãi lên đến chân thành Hà Nội (nơi đoàn quân vào), nơi còn vết đạn đại bác của thực dân Pháp (bắn khi hạ thành năm 1882)”.

Thi sĩ xúc động “nói với cả loài người”: “Chúng nó mạnh, gây chiến, thất bại nhục nhã; chúng tôi yếu, chịu đựng, chiến thắng vẻ vang. Có thể gọi đó là đôi câu đối của thế kỷ 20, mà tác giả là dân tộc Việt Nam nhỏ mà cực mạnh, nghèo mà cực sang, trình độ kỹ thuật thấp mà tâm hồn cực cao”.(14)

Nhớ lời Phan Bội Châu kêu gọi thanh niên năm xưa: “Dựng gan óc lên đánh tan sắt lửa, xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ”. Nhớ lời đại tướng Võ Nguyên Giáp hơn mười năm trước, khi tuyên bố thành lập Đội Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng Quân: “Bao nhiêu căm hờn của dân tộc, bao nhiêu sự tàn khốc thê thảm đang chờ đợi một cuộc thanh toán”.

“Vết nhơ” đã được rửa rồi. “Cuộc thanh toán” với tên chủ nô đã xong rồi. Nhưng việc nước vậy mà lại chưa xong.

Làm nốt công việc còn lại

Chiến thắng Điện Biên Phủ của quân kháng chiến Việt Nam buộc đế quốc cổ điển Pháp phải chấp nhận mất một thuộc địa béo bở, sau khi đã tổn thất rất nặng nề.(15) Nó phải ngậm đắng nuốt cay mà cút, nhưng trước khi cút nó giúp đế quốc ý thức hệ Mỹ thực hiện một trò ma.

Trò ma diễn tiến như sau: hiệp định Giơ-neo qui định sẽ có tổng tuyển cử, nhưng ở Miền Nam bọn ngụy quyền “Quốc gia Việt Nam” tay sai của Pháp lấy cớ chúng không ký vào hiệp định để từ chối hợp tác tổ chức, xong chúng tuyên bố “lập quốc” trên nửa nước từ vĩ tuyến 17 trở vào, xong tổ chức bầu cử gian lận trên lãnh thổ “nước Việt Nam Cộng Hòa” để “hợp pháp hóa” chính phủ Ngô Đình Diệm. Tại sao thay “QGVN” bằng “nước VNCH”, thay Bảo Đại bằng Ngô Đình Diệm? Bởi cả tên “nước” lẫn tên người đều quá tai tiếng. Ai cũng biết “QGVN” chỉ là mưu mô của Pháp để lại dùng người Việt đánh người Việt y như trước kia, là bình mới đựng thứ rượu cũ rích vốn chứa trong cái nước An Nam chịu làm con đế quốc. Còn Bảo Đại thì tai tiếng vì hết làm vua bù nhìn đến làm quốc trưởng bù nhìn của hai cái nước không có thực.(16) Vừa chào đời, chính phủ Ngô Đình Diệm được cái thế lực đẻ ra nó và đồng minh lập tức công nhận. Sinh xong rồi dưỡng: Mỹ viện trợ toàn diện, Pháp chuyển giao vũ khí. Nó tức thì ra tay tận diệt tất cả mọi chống đối, biến Miền Nam thành một tiền đồn của khối tư bản theo đúng kế hoạch của Mỹ. “Miền Nam tự do”! Không có đảng cộng sản lãnh đạo nhân dân đánh đuổi Pháp thì trên toàn lãnh thổ nước Việt Nam làm gì có một tấc đất tự do! Bao nhiêu người đã hy sinh anh dũng mới có cái ngày một thiểu số theo giặc được cai trị nửa nước!

Ngay từ đầu, khi ký Hiệp định Giơ-neo, nhà nước Việt Nam đã biết dã tâm của địch. Nếu đủ sức, sau Điện Biên Phủ ta đã tiếp tục đánh cho đến khi giặc Pháp xô nhau xuống tàu cút thẳng, chứ đâu thèm nói chuyện với nó, chấp nhận bất cứ điều kiện nào của nó. Nhưng tương quan lực lượng, nhất là trong tình hình siêu cường Mỹ lăm le can thiệp, không cho phép làm thế. Lãnh đạo ta đành phải miễn cưỡng chấp nhận tạm ngừng nỗ lực chiến tranh ở đây, chờ gặp thời cơ thuận lợi hơn mới bắt tay làm nốt phần công việc còn lại là thống nhất đất nước.

Thời cơ không phải đợi lâu. Chẳng những không hề đại biểu cho toàn thể nhân dân Miền Nam, chính phủ Ngô Đình Diệm thậm chí cũng không đại biểu được cho gần trọn cái “tiểu quần chúng” ở Miền Nam (trong đó có những kẻ vốn ở Miền Bắc sau Giơ-neo vội vã di cư vào Nam). Chính vì chỉ nắm được có một phần của tiểu quần chúng mà chính phủ Ngô Đình Diệm bị phe nhóm khác lật đổ. Đảo chính rồi lại đảo chính, liên miên, mãi rồi mới tạm ổn định nhưng chính quyền Sài Gòn cũng vẫn chỉ là đại biểu của một thiểu số, đã thế lại tham nhũng nổi tiếng! Cái bản thân rất không xứng đáng của nó, cùng với tinh thần hy sinh cao độ của những người quyết tâm thống nhất đất nước, là lý do khiến “Việt Nam Cộng Hòa” không thể tồn tại lâu bất kể trời bom, biển đô-la và rất nhiều máu lính Mỹ mà nhà nước Mỹ qua mấy đời tổng thống đã đầu tư!

Trong tác phẩm Cuộc chiến tranh thực sự xuất bản năm 1980 mà nội dung là tình hình địa chính trị đương thời, cố Tổng thống Mỹ Richard Nixon khi nhắc đến Chiến tranh Việt Nam đã dùng mấy chữ “những quốc gia non trẻ”. Quốc gia non trẻ nào?! Ở khu vực ấy chỉ có một quốc gia lâu đời hơn chính nước Mỹ rất nhiều bị Mỹ ỷ mạnh xông vào cắt ra làm hai, dựng lên một chính quyền thiểu số cai trị một cái gọi là quốc gia! Năm 1997 khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ McNamara gặp nhau, Đại tướng bảo ông McNamara: “Các ông thua vì (…) không hiểu gì về văn hóa Việt Nam”.(17)

Sự dốt nát về lịch sử, văn hóa của một vùng đất khác trên thế giới đã làm một siêu cường phải đại bại dưới tay một nước nhỏ yếu.

Tại sao phải làm việc ấy

Chính quyền Sài Gòn có nguồn gốc ô nhục là cái ngụy quyền làm tay sai cho Pháp trong thời dân tộc Việt Nam đánh Pháp. Nó lại bản thân bất xứng. Thế là đã quá đủ lý do khiến nó phải thôi tồn tại. Nhưng thực ra trước tiên, trên tất cả, là cái đòi hỏi rằng đất nước phải thống nhất. Dân tộc Việt Nam suốt bao nhiêu thế hệ hy sinh xương máu mới mở được nước đến chừng này, không phải là để cho nước bị chia hai! Chỉ có một dân tộc Việt Nam, một đất nước Việt Nam. Gọi hành động thống nhất là “xâm lược” là có vấn đề cơ bản về ý thức quốc gia dân tộc! Đi mà hỏi người Pháp người Mỹ xem họ có chịu để cho nước Pháp nước Mỹ bị chia hai hay không! Đi mà hỏi nếu đất nước họ bị chia hai, khi một bên có cơ hội làm được cái việc thống nhất thì có nên cố hết sức làm hay không!

Bị chia lâu ngày sẽ rất khó nhập lại làm một. Thời Trịnh Nguyễn hai chúa nhưng chỉ một vua, hai Đàng nhưng chỉ một nước, vậy mà Ngoài Trong cũng đã sinh dị biệt không nhỏ. Huống chi sau 1954, Bắc Nam mỗi Miền một chính thể. Phải thống nhất trước khi thống nhất không còn có thể thực hiện được. Trò chuyện với vài bạn trẻ nhân dịp về nước ăn Tết Ất Mùi mới đây, có bạn đã hỏi chúng tôi không biết người Hàn Quốc với người Triều Tiên là một hay hai dân tộc! Nghe rồi nghĩ đến chuyện đất nước mình mà rùng mình, mà thấy dân tộc Việt Nam thật đã hết sức may mắn.

Chiến tranh Việt Nam đối với hai phía ngoại bang là chiến tranh ý thức hệ. Khối tư bản và khối cộng sản lấy đất nước ta làm bãi chiến trường. Như Tổng bí thư Lê Duẩn từng nhận xét: “Ta đánh Mỹ là đánh cả cho Liên Xô và Trung Quốc”. Nhưng đó là cái may mắn của Liên Xô và Trung Quốc, chứ chiến tranh Việt Nam đối với ta cơ bản không phải là chiến tranh ý thức hệ. Nhân dân Bắc Nam đánh Mỹ và chính quyền Sài Gòn là để thống nhất đất nước bị một đám thiểu số lấy lý do chống một ý thức hệ mà giành cai trị một nửa nước và sau đó rước quân ngoại bang vào để chống lại nhân dân.

Thiểu số chống cộng bảo những người cộng sản Việt Nam đặt ý thức hệ lên trên tổ quốc. Điều ấy không thể đúng được, vì chẳng hề có lúc nào những người cộng sản phải chọn giữa ý thức hệ và tổ quốc! Liên Xô không bao giờ và Trung Quốc trong khung thời gian ấy, không hề là một đe dọa đối với nước Việt Nam (vốn đã mất cho đến ngày 2-9-1945). Một số người Việt Nam yêu nước bôn ba hải ngoại tìm cách cứu nước, thấy tiềm năng nơi chủ nghĩa cộng sản nên đem nó về, tuyên truyền thuyết phục nhân dân Việt Nam theo nó, chỉ có thế thôi. Họ không rước quân Liên Xô quân Trung Quốc về, thậm chí trong một thời gian dài không nhận được chút giúp đỡ vật chất nào từ Liên Xô hay Trung Quốc. Sự thực là những người cộng sản Việt Nam đã vừa chọn chủ nghĩa cộng sản vừa làm tốt cả hai việc phục hồi tổ quốc đã mất và nối lại tổ quốc bị chia hai. Chính những kẻ nhất định chống cộng cho bằng được, cho đến nỗi trước không tham gia kháng chiến hoặc theo giặc đàn áp kháng chiến, sau rước hàng nửa triệu quân Mỹ và cả bao nhiêu quân chư hầu Mỹ vào cố giữ nước chia hai, chính những kẻ ấy mới đã đặt ý thức hệ (hay quyền lợi, niềm tin tôn giáo) lên trên tổ quốc!

Đơn giản, cái việc không thích một chủ nghĩa, việc ấy tự nó không sao cả. Ai không thích chủ nghĩa cộng sản thì cứ việc đi thuyết phục nhân dân đừng theo, thậm chí có thể đấu tranh tích cực với những người cộng sản. Nhưng nếu thuyết phục thất bại, đấu tranh thua, thì phải chấp nhận, chứ không được hành động phương hại đến quyền lợi đất nước!

Ngẫu nhiên, phát biểu súc tích nhất về bản chất của “Quốc gia Việt Nam” và “Việt Nam Cộng Hòa” lại do chính Tổng thống Dương Văn Minh của “VNCH” thốt ra ngày 30-4-1975 khi nghe tướng Pháp Va-nu-xem đề nghị rút về Cần Thơ cố thủ đợi Tàu can thiệp: “Hết Tây đến Mỹ, chẳng lẽ bây giờ còn đi làm tay sai cho Tàu nữa sao!”.(18)

(Trở lại với cái may của Liên Xô và Trung Quốc. Họ may vì đã được ủng hộ cái phía có hậu thuẫn của đông đảo nhân dân Việt Nam, nên chỉ phải viện trợ vũ khí mà thắng. So với Mỹ rủi vì đã đứng đằng sau cái phía thiểu số, nên phải tự mình lao vào đánh mà vẫn thua.)

Làm xong việc ấy vẫn chưa xong!

Đã nêu rằng trong cuộc đánh Pháp, số không ít những kẻ hợp tác với giặc là một khó khăn không gặp trong khoảng 1000 năm kể từ Ngô Quyền, phải đi ngược về thời Bắc thuộc mới gặp. Nhưng cái sự khó chịu xẩy ra sau tháng 4-1975 sắp nói tới sau đây thì trong lịch sử lâu dài của dân tộc chưa từng có: một số người Việt Nam chạy qua nước khác ở rồi chửi bới om sòm và tìm mọi cách lật đổ nhà nước Việt Nam! Họ là ai? Đại khái, đều ở trong cái tiểu quần chúng đã trình bày, nhiều người phục vụ trong chính quyền Sài Gòn, một số làm việc cho các cơ quan Mỹ ở Việt Nam. Họ chỉ là một thiểu số trong hàng mấy triệu đồng bào đang sống ở nước ngoài, nhưng ồn ào hơn hẳn bao nhiêu người khác.

Do đâu mà có mấy triệu Việt kiều? Ngoài việc trực tiếp di tản ngay một số người Việt Nam, nhà nước Mỹ trong một thời gian khá dài đã mở rộng cửa nước Mỹ cho những người “tỵ nạn chính trị”. Chính sách này kết hợp với chênh lệch kinh tế khổng lồ giữa Mỹ và Việt Nam rồi khiến xẩy ra hiện tượng hàng triệu người Việt bỏ nước mà trong đại đa số trường hợp động cơ đích thực là kinh tế chứ không phải chính trị. Gần một trăm năm Pháp thuộc, chiến tranh đánh Pháp đánh Mỹ, rồi chiến sự ở Cam Pu Chia, chiến sự và áp lực quân sự ở biên giới phía bắc, kinh tế chưa kịp đổi mới, quá khứ và hiện tại đã cùng nhau khiến điều kiện vật chất ở nước ta vào khoảng ấy hết sức khó khăn. Trong khi nước Mỹ nổi tiếng đặc biệt giàu có. Thế là bao nhiêu người liều chết ra đi. Ngoài cách vượt biên hết sức nguy hiểm, về sau có thêm hai cách bỏ nước an toàn là thông qua Chương trình Ra Đi Có Trật Tự và quy định “đoàn tụ gia đình” cố hữu của luật di trú Mỹ. Ngoài Mỹ, một số nước Tây phương khác cũng mở cửa, tuy không rộng như Mỹ, cho người Việt Nam vào định cư. Vào đầu thập kỷ 1990, khi Đông Âu và Liên Xô đại biến động, một số người đang học tập hay lao động trong khu vực ấy đã không trở về nước, làm tăng thêm số Việt kiều trên thế giới. Ngay cả sau khi kinh tế nước bắt đầu cải tiến, một số người Việt Nam tuy điều kiện vật chất đã khá dễ chịu, vẫn bỏ nước để qua ở chỗ sướng hơn. “Định cư ở nước ngoài” thì con cháu mình trở thành người nước ngoài, là việc đau đớn, thế mà… Có người bỏ nước vì lý do kinh tế rồi qua Mỹ huyên thiên về bất đồng chính trị. Nhưng đa số không nói gì cả và chắc chắn có những người lấy sự xa quê làm bất đắc dĩ, lòng vẫn luôn hướng về tổ quốc.

Trở lại với thiểu số Việt kiều nói trên. Họ ngày đêm tiến công nhà nước Việt Nam suốt 40 năm nay. Về quá khứ, họ xuyên tạc cơ bản diễn biến lịch sử và vu khống lãnh đạo thời đánh Pháp đánh Mỹ. Về hiện tại, những người này giả mù trước tất cả những thành quả tốt đẹp đạt được dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam mà tập trung hoàn toàn vào những tiêu cực do họ công phu sưu tầm, họ phê phán tình hình đất nước ta căn cứ vào những tiêu chuẩn của Tây phương, họ vu khống lãnh đạo đang tại chức. Trong một thời gian dài, những lời hết sức nặng nề chứa những lẽ hết sức vô lý cùng những trò thêu dệt “nước lã khuấy nên hồ” không đi tới đâu cả. Nhưng gần đây nó bắt đầu chứng tỏ có tiềm năng gây hại đáng kể cho đất nước.

Thoạt tiên kẻ thù “đánh” trên báo chí tiếng Việt ở nước ngoài do họ làm chủ hoặc kiểm soát. Rồi một số gia nhập những đài phát thanh quốc tế thù địch. Sau khi Liên Mạng ra đời, nhiều kẻ mở trang điện riêng để tự mình phổ biến những nội dung phản động. Cuộc cách mạng kỹ thuật thông tin cùng với vấn đề nhà nước Việt Nam dưới áp lực của các đối tác kinh tế Tây phương phải nới lỏng kiểm soát các phương tiện truyền thông làm cho kẻ địch bỗng nhiên có một cách hiệu quả để trực tiếp tuyên truyền nhân dân Việt Nam ở khắp mọi nơi trên lãnh thổ nước Việt Nam! Một thiểu số bé nhỏ bỗng nhiên được nói to hơn lên gấp trăm lần! Ngoài nhu cầu tiếp tục phát triển kinh tế, gần đây ta còn phải lo đối phó với áp lực lấn chiếm biển đảo của Trung Quốc. Không biết Mỹ đang ép nhà nước ta phải nhượng bộ những gì trong các vòng đàm phán về việc ký Hiệp định Đối tác Xuyên Thái bình dương. Kẻ thù ở hải ngoại đang lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của đất nước mà cấu kết chặt chẽ với một thiểu số bất mãn trong nước để bắt đầu kín đáo tiến công bằng cả sách báo quốc nội!

Cơ bản, những kẻ ấy mơ đánh lại một cuộc chiến tranh họ đã thua. Nhà nước Mỹ chắc chắn cũng muốn lật đổ cái chính quyền từng lãnh đạo nhân dân Việt Nam đánh bại quân đội Mỹ và dựng lên một chính quyền rập theo đúng khuôn Mỹ (Pháp đế quốc cổ điển nên thua, thôi luôn; Mỹ đế quốc ý thức hệ nên thua chiến tranh thì đánh bằng “diễn biến hòa bình”!). Nhưng nhà nước Mỹ hành động trước hết vì quyền lợi nước mình nên trong tình hình quốc tế phức tạp hiện nay có thể chưa muốn gây mất ổn định chính trị ở Việt Nam, trong khi kẻ thù hải ngoại luôn xem việc lật cho đổ nhà nước ta càng sớm càng tốt làm quan trọng nhất. Cùng ý đồ, nhưng hai “đồng minh” có thể bất đồng về thời điểm hành động.

Kẻ thù hải ngoại đang sống ở những quốc gia giàu mạnh. Họ vừa hưởng điều kiện vật chất tốt vừa được che chở, khuyến khích, giúp đỡ để hoạt động đánh phá nhà nước Việt Nam, họ sẽ rất vui vẻ tiếp tục đánh phá cho… đến chết.

Đôi lời với những người bất mãn

Áp lực từ Tây phương và cách mạng kỹ thuật thông tin dĩ nhiên cũng rất có lợi cho thiểu số bất mãn trong nước. Họ cũng được có cái tiếng to hơn hẳn kích thước mình. Và vì “kẻ thù của kẻ thù là bạn”, họ rất tự nhiên liên kết với kẻ thù hải ngoại. Ở đây có lẽ không cần phải nêu rõ từng thành phần, mà chỉ cần phân biệt động cơ xấu và tốt. Động cơ xấu là trả thù, tranh giành quyền lực. Động cơ tốt là quan tâm đến tình hình đất nước. Đối với những kẻ có động cơ xấu, chúng tôi không có điều gì đế nói. Chỉ đối với những người thực sự vì việc chung, chúng tôi mới xin có đôi lời.

Cơ bản, các ông muốn xóa bỏ vai trò lãnh đạo tối cao của đảng cộng sản Việt Nam, thay bằng chính thể dân chủ Tây phương. Các ông cần thôi ngay ảo tưởng về Tây phương! Ở phương ấy, văn hóa tinh thần đã xuống tới tầm cỏ, quan hệ cá nhân cực kỳ lủng củng, xã hội đầy bạo động, ngày càng đông những con bệnh tâm thần và chênh lệch giàu nghèo liên tục gia tăng. Cái ảo tưởng Tây cái gì cũng hay nó gốc ở thế thượng phong tuyệt đối về vật chất mà Tây phương đã đạt được. Nhưng thế thượng phong ấy là nhờ khoa học, chứ không phải nhờ chính thể dân chủ. Nên nhớ Âu châu thời đế quốc vàng son không hề dân chủ như bây giờ. Khoa học đã ra đời và lớn lên trong những chính thể từ độc tài tuyệt đối cho tới dân chủ hạn chế! Khoa học có lớn nhanh bất thường ở Mỹ sau Thế chiến thứ Hai, nhưng đó là nhờ rất nhiều tiền của và chất xám bên Âu châu dồn qua trong và sau chiến tranh, chứ không phải nhờ nước Mỹ thực thi dân chủ cực đoan. Dân chủ cực đoan chỉ có vai trò giúp xã hội Mỹ rất nhanh chóng trở nên sa đọa. Nay tinh thần đã hỏng, mà ưu thế vật chất của Mỹ cũng đang giảm mạnh, chủ yếu do cạnh tranh từ một Trung Quốc độc đảng hưng thịnh lên nhanh như phép lạ. Bên Âu châu dân chủ cực đoan cũng gây hại y như ở Mỹ. Cả Tây phương đang hết sức cần tự sửa mình, nhưng vẫn còn mù quáng tiếp tục hung hăng đi bắt cả thế giới lấy mình làm gương! Tây chỉ có một cái hay ta phải bắt chước là khoa học.

Các ông bất mãn yêu nước không được theo kẻ thù hải ngoại phê phán việc xẩy ra trong nước Việt Nam căn cứ vào những tiêu chuẩn của cái ý thức hệ mà một bộ phận nhân loại đang bằng mọi cách cố áp đặt lên toàn thể nhân loại. Đặt quyền cá nhân lên trên lợi tập thể là ý riêng của Tây chứ không phải là ý Trời! Các ông không được tìm cách thay đổi chính thể trong khi rõ ràng chưa có một chọn lựa nào ưu việt. Trong số các ông, chắc cũng có những ông thực ra không tha thiết lắm với dân chủ Tây phương mà chủ yếu sốt ruột muốn tìm một hướng giải quyết vấn đề quan chức tham nhũng. Sốt ruột là hoàn toàn chính đáng. Nhưng chống tham nhũng không thể bằng cách đi giúp kẻ thù hải ngoại xuyên tạc lịch sử dân tộc! Bất kể lý do, tuyệt đối không ai được làm việc ấy!

Còn lắm gian nan…

Sau thống nhất, do hậu quả của 30 năm chiến tranh, do chiến sự mới ở Cam Pu Chia, do tình hình ở biên giới phía bắc, do chính sách cấm vận của Mỹ, và cũng do mô hình chưa phù hợp, kinh tế quốc gia trì trệ. Đảng đã kịp thời quyết định đổi mới và sau đó đã liên tục đạt thành công tốt đẹp trong công cuộc “xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Tuy nhiên, việc nước không bao giờ hết và hiện tại đang đặc biệt khó khăn. Có năm việc lớn:

Thứ nhất, làm sao cho kinh tế phát triển nhanh hơn nữa.

Thứ hai, đối phó với áp lực lấn chiếm biển đảo của Trung Quốc.

Thứ ba, đối phó với áp lực đồng hóa chính trị của Tây phương.

Thứ tư, xây dựng văn hóa Việt Nam mới với bản sắc riêng.

Thứ năm, giải quyết vấn đề quan chức tham nhũng.

Bốn công việc đầu liên hệ mắc míu với nhau rất phức tạp. Muốn kinh tế tiếp tục phát triển thì phải tiếp tục giao thương với Tây với Tàu, mở cửa cho Tây vừa xâm lăng văn hóa vừa xúi giục “diễn biến hòa bình” lật đổ nhà nước ta, cho Tàu vừa lũng đoạn kinh tế vừa làm mềm ý chí chống Tàu của nhân dân ta thông qua công ăn việc làm, quan hệ mua bán. Muốn chống Tàu lấn biển đảo thì phải quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ, cho Mỹ thêm cơ hội can thiệp vào chính trị. Muốn giảm vai trò của Mỹ thì phải vui vẻ với Tàu, cho Tàu thêm cơ hội lũng đoạn kinh tế v.v. Mặt khác, cũng có một cái may lớn là Mỹ và Tàu đang kịch liệt tranh giành ảnh hưởng ở phía đông châu Á, nên cả hai đều cũng cần ta chứ không phải chỉ ta cần họ. Ngoài ra, việc quan hệ với Nga, Ấn, Nhật, Hàn cũng giúp giảm áp lực Mỹ, Tàu. Vừa đối ngoại sáng tạo, vừa tích cực cải tiến quốc phòng, ta có thể chống được cả diễn biến hòa bình lẫn làm kẻ thèm biển đảo của ta không dám ra tay cướp.

Về công việc văn hóa, phải xây dựng một văn hóa Việt Nam mới vì môi trường sống của người Việt Nam đang bể dâu, từ Quê hóa Tỉnh.(19) Làm sao để văn hóa mới của ta khỏi là một bản sao của văn hóa Tây? Nên nhớ việc xây dựng phải làm trong tình hình vừa Tây tích cực xâm lăng văn hóa vừa chính dân ta thấy Tây giàu mà tự ý xóa văn hóa mình, đua nhau bắt chước Tây như điên! Năm 2006 Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm đã nhận xét: “(Bây giờ là) thời kỳ (đại đa số nhân dân) chỉ lo làm giàu, đề cao người khéo xoay xở làm ăn, coi nhẹ đạo đức”.(20) Từ bấy đến nay, tình hình mỗi ngày mỗi trở nên tệ hơn. Ngoài tiền bạc, đông đảo dân ta giờ say cả tiếng tăm, bất kể tiếng tốt hay xấu! Cứ làm sao cho giàu và nổi tiếng là được! Xã hội Việt Nam vốn trọng đạo đức và chỉ quý tiếng tốt. Cái bệnh “Tiền Tiếng” quái quỷ là bệnh của xã hội Tây phương. Cứ đà này, Tây sinh bệnh gì ta sẽ lập tức lây ngay bệnh ấy. Văn hóa tốt đẹp là mục đích của chính trị, mà cũng là phương tiện cho chính trị nữa. Nếu cứ để quần chúng tiếp tục tha hóa, mong gì có thể kêu gọi hành động vì lý tưởng khi cần.

Tham nhũng làm mất của công. Tham nhũng làm quan chức mất uy tín đối với dân. Tham nhũng rút cuộc có thể đe dọa ổn định chính trị. Vấn đề đã tới mức trầm trọng, cần phải gấp rút bắt đầu giải quyết cho thật dứt khoát, phục hồi cho được tinh thần “cần, kiệm, liêm, chính” nơi tất cả cán bộ.

Làm năm công việc vừa kể, tạm gọi là “đánh giặc”. Đảng cộng sản Việt Nam liệu lần này có đánh được giặc hay không? Đảng đã thành công, ấy bởi đã biết linh động đổi mới. Để lại thành công, Đảng phải tiếp tục đổi mới.

Bao nhiêu xương máu mới độc lập và thống nhất. Hết sức mong Đảng sẽ tiếp tục làm việc nước cho xứng đáng với hy sinh to lớn của nhân dân.



Thu Tứ
Kỷ niệm 40 năm
ngày thống nhất đất nước















_________
(1) Truyện “Một người bạn”, in trong tuyển
Tiếng gọi ngàn (nhiều tác giả), nxb. Hồng Lĩnh, Mỹ, 1992.
(2) Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh,
Lịch sử Việt Nam tập 1, nxb. Đại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp, 1983.
(3) Thời chống Nguyên và chống Minh có Việt gian, nhưng chúng không đáng kể.
(4) Thời Minh thuộc chắc có thành phần thứ hai, nhưng cũng không đáng kể.
(5) Đào Duy Anh,
Nhớ nghĩ chiều hôm, nxb. Trẻ, 1989.
(6) Huy Cận,
Hồi ký song đôi, tập 2, nxb. Hội Nhà Văn, 2003.
(7) ĐDA, sđd.
(8) HC, sđd.
(9) Nguyễn Đình Toàn,
Áo mơ phai, Sài Gòn, khoảng thập kỷ 1960?
(10) Trong bài thơ “Huế tháng tám”.
(11) Đại tướng Võ Nguyên Giáp,
Từ nhân dân mà ra, nxb. Quân Đội Nhân Dân, 1964.
(12) ĐDA, sđd.
(13) Xem trang
btlsqsvn.org.vn.
(14) Viết năm 1994, in trong
Hoàng Cầm – văn xuôi, nxb. Hội Nhà Văn, 2002.
(15) Theo trang
vi.wikipedia.org, quân Pháp chết 75581, bị thương 64127, bị bắt 40000.
(16) Có nghĩa lý gì cái chuyện ngụy quyền được “quốc tế” công nhận! “Quốc tế” chẳng qua là bạn bè thân hữu, đối tác kinh tế, quan hệ chiến lược và chư hầu của đế quốc.
(17) Theo Trần Ngọc Thêm trong bài viết “Đánh giá của Đại tướng về vai trò của văn hóa Việt vô cùng đúng” đăng trên trang
vanhoahoc.edu.vn.
(18) Xem
Sài Gòn sự kiện và đối thoại của Nguyễn Hữu Thái, Trần Tuyết Hoa, Nguyễn Hữu Thái Hòa, Nguyễn Hữu Thiên Nga, nxb. Thế Giới, 2015. Như vậy, sau khi giúp kháng chiến Việt Nam suốt bao nhiêu năm, đến khoảng ấy Tàu lại đổi hẳn chiến lược, muốn giữ đất nước ta tiếp tục chia cắt. Hẳn là cho ta nhỏ yếu đi, cho dễ lấn.
(19) Xin xem bài “Thôi một nước quê” của TT.
(20) NKĐ,
99 góc nhìn văn hiến Việt Nam (nhiều tác giả), nxb. Thông Tấn, 2006.