“Trường hợp Phan Chu Trinh”




Hỏi: “Trường hợp” là có vấn đề…

Đáp: Xin nói ngay vấn đề không phải ở chính Phan Chu Trinh. Vấn đề là có một số người đề cao Phan Chu Trinh một cách không đúng sự thật.

Hỏi: Hết sức vắn tắt, sự thật về cụ Phan là…

Đáp: Đó là một người yêu nước chân thành nhưng theo đuổi một sách lược cứu nước sai lầm tận gốc. Yêu nước cụ không nhường ai, mà chọn cách cứu nước sai thì ai cũng phải nhường cụ!

Hỏi: Sách lược của Phan Chu Trinh là gì?

Đáp: “Ỷ Pháp tự cường”.

Hỏi: “Dựa vào Pháp mà mạnh lên”…

Đáp: Làm sao có thể ngây thơ hơn! Pháp đang chiếm nước, cướp tài nguyên, bóc lột sức dân ta. Pháp giúp ta mạnh lên, để ta không cho chiếm nữa, cướp bóc nữa hay sao!

Hỏi: Chủ tịch Hồ Chí Minh có lần nhận định…

Đáp: Rằng “Cụ (Phan Chu Trinh) sai lầm chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương”.

Hỏi: Cụ thể, Phan Chu Trinh muốn Pháp giúp điều gì?

Đáp: Khi Phan Chu Trinh mất, trong điếu văn của một bạn thân là Huỳnh Thúc Kháng có chỗ tóm tắt chính kiến của người quá cố:

“Chủ nghĩa tiên sinh đệ nhất là đánh đổ chuyên chế, làm cho dân quyền tự do”.

Chuyên chế bấy giờ là, theo chính lời Phan Chu Trinh: “Bảo hộ trau dồi nên tượng gỗ”.(1) Phải đánh đuổi bảo hộ, chứ đánh đổ tượng chi mà cứ muốn nhờ làm giúp cho!

Còn dân quyền, thì Phan Bội Châu nhận định sáng suốt: “Ôi dân chủ! Dân không còn nữa thì chủ vào đâu?”.(2) Nước không còn thì dân cũng không, chỉ có nô lệ. Nhờ xâm lược cho “nô” được làm chủ cái nước đã mất là nhờ làm sao! Nếu Phan Chu Trinh đã sống lâu mà đến xin mãi, có thể rút cuộc Pháp sẽ chiều ý, thay chuyên chế bằng dân chủ. Than ôi, ngồi trong dinh hay phủ đó cũng chỉ là một cái “tượng gỗ” và “dân” làm “chủ” đó cũng vẫn nguyên vẹn là nô lệ của giặc!

Hỏi: Tại sao Phan Chu Trinh muốn Pháp giúp cái chuyện vô nghĩa như thế nhỉ?

Đáp: Vì cụ ghét quân chủ và cụ nghĩ sai về dân chủ Tây phương.

Về lý do thứ nhất, Phan Bội Châu cho biết: “Cụ căm giận chế độ quân chủ một phần vì cha cụ xưa đi theo Cần Vương (...) nhưng sau vì có lỗi nên bị (...) xử tử”.(3) Lỗi đây là tội phản bội. Ta không biết sự thực thế nào. Nhưng dù cha có bị giết oan thì con cũng chỉ có thể thù người đã quyết định giết cha mình, chứ không thể đi thù chế độ! Đây là Phan Chu Trinh đã để việc riêng “một phần” ảnh hưởng đến việc chung.

Về lý do thứ hai, Phan Chu Trinh định “dựa vào Pháp mà mạnh lên”, rồi muốn nhờ Pháp dân chủ hóa, tức cho rằng dân chủ tạo sức mạnh. Thế là nghĩ sai vô cùng.

Hỏi: Tại sao sai?

Đáp: Hãy ôn nhanh lịch sử Âu, Mỹ và Nhật. Năm 1492 các nước Âu bắt đầu chinh phục thế giới, khi ấy tất cả đều theo chế độ quân chủ. Ba thế kỷ sau, dân chủ mới ra đời ở Pháp nhưng sống èo uột, có lúc quân chủ trở lại (thời vua Nã-phá-luân III), mãi đến năm 1870 dân chủ mới đứng vững. Ở các nước Âu lớn khác, quân chủ sống còn lâu hơn: Anh đến năm 1832, Bồ-đào-nha 1910, Nga 1917, Đức 1918, Ý 1946, Tây-ban-nha tận năm 1975! Cũng như ở Pháp, dân chủ ở những nước đó điển hình bắt đầu rất yếu ớt và lớn rất chậm, chẳng hạn ở Anh năm 1832 chỉ có 7% đàn ông được bỏ phiếu! Mỹ dân chủ không lâu sau khi ra đời năm 1776, nhưng phụ nữ cũng phải đợi đến năm 1920 mới được bỏ phiếu chọn tổng thống. Nhật mạnh lên từ thời Minh Trị Thiên hoàng mà dân chủ như Tây thì mãi đến năm 1947 do Mỹ ép mới trở nên.

Hỏi: Đúng là Âu, Mỹ, Nhật trở nên cường quốc không phải do dân chủ. Vậy thì do cái gì?

Đáp: Do khoa học. Khoa học tạo vũ lực áp đảo, vũ lực ấy giúp xâm lược thắng lợi, tài nguyên cướp được giúp khoa học tiếp tục phát triển, tạo vũ lực áp đảo hơn nữa v.v. Mỹ khác Âu ở chỗ Âu đã ở chật hết châu Âu nên phải bành trướng tới các châu khác, trong khi Mỹ chỉ việc tiếp tục lấn đất của người da đỏ mà bành trướng ngay tại chỗ. Nhật cơ bản giống Âu, cũng phải vượt biển đi cướp đất tuy không cần đi xa.

Hỏi: Tố Hữu có câu thơ “Phan Chu Trinh lạc lối trời Âu”.(4) Cụ qua châu Âu, thấy giàu mạnh quá mà không rõ lịch sử chính trị ở các nước bên ấy, nên… Cái điều cụ xin Pháp làm là vô hại cho nó, sao nó không chiều cụ nhỉ?

Đáp: Chẳng những vô hại cho giặc, thậm chí theo Phan Bội Châu nếu ý Phan Chu Trinh mà được thi hành thì sẽ là “một việc tai hại” cho ta, vì cuộc kháng chiến do nho sĩ lãnh đạo sẽ mất đi sự ủng hộ của một số người bảo hoàng. Nhưng thực dân đang đàn áp rất hiệu quả cuộc kháng chiến ấy. Vì không thấy có nhu cầu, nên nó không làm, thế thôi.

Hỏi: Ông nghĩ sao về việc Phan Chu Trinh kêu gọi dạy trẻ em Việt Nam bằng tiếng Pháp?

Đáp: Việc này thì đến ngay Phạm Quỳnh cũng phải gay gắt phê phán: “Thái độ bất ngờ của nhà ái quốc Phan Chu Trinh (...) hoàn toàn ủng hộ tiếng Pháp và hy sinh hẳn tiếng Việt Nam (…) Ông nói ông phản đối sự dạy bằng quốc ngữ ở các trường tiểu học (...) Ðối với một việc dễ dàng như việc này mà còn có người ngộ nhận như thế (...) nghĩ cũng tiếc và cũng ngán thay! Việc nhỏ, việc dễ còn thế, việc lớn, việc khó thời thế nào?”.(5)

Hỏi: Phan Chu Trinh xa cách tâm sự của số đông học sinh Việt Nam…

Đáp: Huy Cận hồi tưởng: “Trong chương trình của ban học thành chung, mỗi tuần chỉ có một giờ dạy tiếng Việt (...) chúng tôi yêu quốc văn với tấm lòng người con thương mẹ, yêu thương người mẹ đẻ bị rẻ rúng, bị xem thường. Lòng yêu quốc văn của chúng tôi lúc đó (…) là một biểu hiện của lòng yêu nước”.(6)

Đáp: Học sinh còn thế, huống chi nhà văn…

Hỏi: Nguyễn Tuân: “Nghĩ về sự (…) đẹp đẽ (…) sang giàu của tiếng nói Việt Nam, có những lúc tôi (…) lặng cúi xuống mặt trang giấy trắng tinh (…) mà nói bật lên những lời biết ơn đối với đất nước, ông bà, tiên tổ (…) đã truyền cho tôi thứ tiếng nói đậm đà (…) Trong hương hoa thừa hưởng đấy, lẫn vào với vô số thanh âm từ điệu, thấy như biểu hiện lên không biết bao nhiêu là mồ hôi và máu huyết của đời sống ông bà khai rừng, vỡ ruộng, mở cõi, giữ nước chống giặc, tiến lên tới đâu là xây dựng ngôn ngữ tới đó. Nay mỗi lần đụng tới di sản nhiệm màu ấy, thấy bổi hổi bồi hồi, như vấn vương với một cái gì thật là thiêng liêng, vô giá (…) không, không thể nào quên được cái tiếng Việt Nam hữu cơ, cái tiếng Việt Nam linh diệu ấy được”.(7)

Hỏi: “Thái độ bất ngờ” này của Phan Chu Trinh có ý nghĩa gì?

Đáp: Hiển nhiên cụ không biết quý cái biểu hiện quan trọng nhất của văn hóa Việt Nam. Người ta phải tự hỏi liệu cụ có biết quý bất cứ tinh hoa nào của văn hóa ta hay không, hay là tuy cũng có lần tỏ ra có tự hào dân tộc, thực ra cụ khá xa lạ với những thành đạt về đường tinh thần của dân tộc ta. Biết cái dở của mình là cần. Nhưng biết cái hay cũng là cần. Nếu không biết mình hay thì có thể chịu đồng hóa với người một cách oan ức cho mình.

Hỏi: Rút cuộc, Phan Chu Trinh là nhân vật như thế nào?

Đáp: Tôi thấy đó là một người đi trên mây, xa cách tất cả các thực tế liên hệ đến công việc mình muốn làm.

- “Xin giặc rủ lòng thương” là xa thực tế lòng người.

- Muốn thay đổi chế độ là xa thực tế đất nước (đang bị giặc chiếm).

- Tưởng dân chủ tạo sức mạnh là xa thực tế lịch sử thế giới.

- Không quý tiếng Việt là xa thực tế văn hóa dân tộc.

Hỏi: Phan Chu Trinh có định sẽ đánh đuổi Pháp sau khi ta mạnh lên không nhỉ?

Đáp: Có thì cũng như không. Bởi làm theo ý cụ thì ta sẽ chẳng bao giờ mạnh. Cuộc chiến đấu phải là ở dưới đất mà cụ thì phiêu diêu trên cao nên làm sao tới đó được.

Hỏi: Cuối cùng, ông nghĩ sao về đám tang Phan Chu Trinh?

Đáp: Nó to vì nó được Pháp cho phép to. Không phải dân ta không quý bao nhiêu lãnh tụ kháng chiến đã hy sinh, nhưng họ có đám đâu mà đi! Ngoài ra, Phan Bội Châu mới vừa bị bắt, danh sĩ yêu nước hầu chẳng còn ai, dân khóc một người là khóc cho vận nước. Và khóc đây cũng là nhân dịp bày tỏ lòng phản đối thực dân.

Hỏi: Trong điếu văn của Huỳnh Thúc Kháng có đoạn đáng chú ý…

Đáp: Đoạn ấy là: “Tiên sinh thường nói rằng (…) nếu muốn cải cách thì cần liên lạc đoàn thể mới được. Tiếc (…) đồng chí với tiên sinh chẳng được mấy người. Vì vậy mà tấm lòng bị phân hóa ra uất ức, uất ức hóa nên đại bệnh (…) thương ôi!”.

Rõ ràng, dân đi đám là dân thương một “tấm lòng” thiết tha với nước, chứ đâu có phải là dân ủng hộ cái cách yêu nước của người có tấm lòng đó.

Hỏi: Tại sao Nguyễn Ái Quốc ghi đậm nét về đám tang Phan Chu Trinh?

Đáp: Lời ghi ấy nằm trong một bản báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản. Lúc ấy Nguyễn đang hết sức kêu gọi Quốc tế giúp dân tộc Việt Nam thoát ách thực dân. Hẳn Nguyễn đã lợi dụng “thời cơ”, cố ý nhấn mạnh lòng yêu nước của dân tộc mình để lời xin giúp thêm thuyết phục.



Thu Tứ
Viết tháng 9-2015
Sửa tháng 12-2023








_________
Phỏng vấn đây là hình thức trình bày. Hỏi và đáp đều là tác giả.
(1) Trong bài thơ “Hỏi Gia Long”.
(2), (3) Trong hồi ký
Tự phán.
(4) Trong bài thơ “Theo chân Bác”.
(5) Trong bài “Ông Phan Châu Trinh đối với chữ quốc ngữ”,
Nam Phong số 95, 5-1925.
(6) Huy Cận,
Hồi ký song đôi, tập 2, nxb. Hội Nhà Văn, 2003.
(7) Nguyễn Tuân, “Về tiếng ta”, đăng trên
Văn Học số 3, 1966, in lại trong Các nhà văn nói về văn, nxb. Tác Phẩm Mới, tập I, 1985.