Thu Tứ, “Anh linh hiển hiện”







Cuối tháng 10 năm 2015, chúng tôi có dịp nhập đoàn của Hội Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh trong một chuyến tham quan di tích lịch sử ở miền Trung. Đoàn đi bằng máy bay ra Huế, rồi lên xe đã hợp đồng sẵn…

Nơi ghé đầu tiên là nghĩa trang Trường Sơn. Đoàn xuống xe, mỗi người bưng một nón lá nhỏ đựng mấy bông sen tươi cắm vào một cục nhựa xốp đẫm nước đặt ở đáy nón. Bưng vào nhà khách nghĩa trang, bưng theo khi qua đền liệt sĩ thắp hương, bưng ra đặt lên thềm đài tưởng niệm, bưng xuống đem tới từng ngôi mộ… Hơn ba chục cái nón, hơn trăm đóa sen, bay và chạy từ mãi Thành phố xa tít phía nam cũng có góp được thêm chút sinh khí vào khu trung tâm của chốn âm phần mênh mông. Nói “thêm”, vì nơi đây vốn đã tưng bừng màu sắc. Ở mỗi ngôi mộ, thấy đều có đặt một lọ hoa nhựa. Nghe nhựa chắc nhiều người đắn đo, nhưng tươi không thực tế, mà thiếu hoa thì trông buồn quá. Đến gần ngắm kỹ từng lọ, thoạt tiên cũng hơi ngần ngại, song khi lui ra xa trông vào toàn cảnh, lại cảm thấy khá chắc chắn rằng nhựa vẫn hơn không. Viếng mộ, hoa xong rồi đến hương. Mỗi người ba bốn que hương nghi ngút khói cầm đem đi cắm… Đã thấy ấm áp hẳn lên, cái chỗ hàng hàng lớp lớp những khối xi-măng vuông vức này!

Tạm tách đoàn thơ thẩn đi thăm những cái tượng đã để ý từ khi mới tới. Nước ta có vô số tác phẩm điêu khắc tưởng nhớ chiến sĩ. Thế mới được. Cũng có những cái quấy quá, nhưng có nhiều cái là đẹp thực sự. Tượng ở đây rất có hồn. Kìa, những tư thế, những vẻ mặt làm ta như nghe được tiếng bom, ngửi được mùi thuốc súng!...

Chợt vang “Hát mãi khúc quân hành”. Đoàn kia rồi, dưới gốc một cây đa sau lưng đài tưởng niệm. Còn chỗ nào tốt hơn để cùng nhau hát những “bài ca đi cùng năm tháng”. Các anh ơi, có dậy mà nghe!

Ngồi lẫn với đoàn bây giờ có một phụ nữ đứng tuổi lạ mặt. Quản lý nghĩa trang. Một cựu chiến binh! Chị vui vẻ trò chuyện với mọi người. Công tác đây suốt bao nhiêu năm, bây giờ con gái chị sắp về đây nối nghiệp mẹ...

Lúc đoàn lên xe, có mấy đứa trẻ con dân tộc ít người đứng bên đường chào tiễn khách. Cứ một câu “Chúc bác về mạnh khỏe” rất lễ phép lặp đi lặp lại. Hình như là dân tộc Bru - Vân Kiều. Chúng không hề chìa tay xin. Không thấy ai cho tiền. Nên cho hay là không? Không cho, chỉ là vì sợ giúp phát sinh một nếp sinh hoạt không hay. Trong cuộc chiến tranh 30 năm, các dân tộc thiểu số đã giúp người Kinh thật nhiều. Chính phủ ta vẫn có những chương trình biệt đãi để trả ơn anh em và để củng cố đại đoàn kết. Nhưng chẳng biết cái việc thi hành có được kiểm soát chu đáo và đều đặn đúng mức hay không…

*

Quá ngọ đoàn mới về tới Đông Hà. Ngạc nhiên và vui quá. Cái thị trấn bé nhỏ chìm trong khói lửa mịt mờ năm xưa nay là thành phố khang trang, hiện đại, có cả khách sạn bốn sao…

Khoảng 2 giờ chiều, đoàn lên đường đi thăm khu di tích địa đạo Vịnh Mốc.

Xét qui mô tổng thể thì khu di tích này rất khiêm tốn so với ở Củ Chi. Nhưng về độ sâu và chiều cao của từng đường hầm thì đây lại trội hơn. Vì địa đạo Vịnh Mốc không nhằm chống càn quét của quân bộ địch, mà đào là để quân dân địa phương xuống cư trú tránh những cơn mưa bom pháo cực kỳ ác liệt của Mỹ. Ở huyện Vĩnh Linh, từ 1965 đến 1972, tính bình quân mỗi người dân đã “gánh” khoảng bảy tấn bom pháo! Địa đạo cũng là chỗ quân ta cất vũ khí, đạn dược, là kho hậu cần cho cả chính Vịnh Mốc lẫn đảo Cồn Cỏ ngoài khơi.

Địa đạo Vịnh Mốc giáp với bãi biển Cửa Tùng. Năm xưa Nguyễn Tuân đã “ký”: “Cửa Tùng là một bãi tắm biển đặc biệt nhất ở nước ta (…) Từ trong bờ lội ra thấu ngoài xa cách đến 600 thước, nước biển (…) chỉ sâu đến ngang ngực, ít có nơi (…) địa thế lại (…) thuận lợi như vậy cho mọi người đi tắm biển”, và than: “Cửa Tùng thiếu người vô nghỉ mát”.(1) Khi ấy, bãi hấp dẫn mà hoang vu là do chiến tranh. Bom Mỹ thôi rơi pháo hạm đội Mỹ thôi nã lâu lắm rồi, nhưng Cửa Tùng vẫn cứ tiếp tục vắng ngắt. Trông biển xanh cát trắng rừng dương xanh mà ngẩn ngơ, bao giờ mới thôi “thiếu”, xinh đẹp kia ơi!

Khu di tích còn để lại nơi trí nhớ của người thăm những đám lau trắng tinh giữa cỏ xanh rực sáng nhờ ánh mặt trời chiếu từ phía sau. Lau ở đây thấp bé, trông xa xa như những con cò…

*

Xe tới cầu Hiền Lương lúc gần năm giờ chiều. Cầu đã thôi sử dụng nhưng được phục chế nguyên bản để nhắc nhở lịch sử một thời đất nước bị ngoại bang chia hai.

Gần hai đầu cầu, phía nam xây tượng đài, còn phía bắc xây kỳ đài. Cờ đỏ sao vàng phấp phới nơi đầu cột cao vút trồng chính giữa nền cao rộng. Đã giơ máy ảnh định chụp cờ, nhưng rồi lại nghếch ống kính lên nữa mà chụp một cảnh mây. Trời đang có những vùng mây sẫm màu, có chỗ mây thủng, nắng chiều muộn chiếu qua tạo thành những lỗ sáng hình dạng kỳ dị. Chụp mây lạ xong, hạ máy bấm ghi ảnh cờ bay. Phải năm, sáu lần mới được một tấm tương đối, vì gió làm cờ biến dạng liên tục. Còn định chụp nữa cho đến khi được đủ năm cánh sao, sực nhớ mây, ngửng nhìn lên, thì cái lỗ sáng ấy đã khác hẳn đi rồi. Tranh áo trắng chó xanh mà…

*

Đêm ấy ngủ, có lúc chợt thức giấc, nhớ câu thơ Trần Hữu Dũng:

“Chạng vạng ở nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn mờ mờ sương khói / (…) / Đâu đó từng gương mặt thân thương các anh vụt trôi qua bầu trời đêm”.(2)

Nhớ tượng. “Những gương mặt thân thương” có khi trôi vào những tâm hồn nghệ sĩ điêu khắc, để qua đá qua đồng qua sắt tái hiện khắp nơi trên mảnh đất mà vì lòng yêu các anh đã hy sinh đến cả tính mệnh mình…

“Chợt sợ mọi điều thiêng liêng bay vèo theo cơn bão thời gian lãng quên…”.

Không, thời gian không hề làm cho dân tộc quên những người có công với nước!

*

Cái tấm ảnh chụp lỗ sáng trong mây chiều ngày 24 tháng 10 năm 2015 ở bờ sông Bến Hải!!!

Sau khi trở về Thành phố, chuyển ảnh từ máy ảnh qua vi tính để cất, chuyển xong bắt đầu xem lại ảnh trên màn hình lớn của vi tính, xem đến cái ảnh ấy thì sững sờ. Trời ơi, rõ ràng gần nơi nắng chiều xuyên mây có hình một người lính đang xông vào khói lửa!


Viết tháng 11-2015
In trong sách
Cảm nghĩ miên man, q. II, 2017






__________
(1) Nguyễn Tuân, “Bãi biển Cửa Tùng”,
, nxb. Văn Học, 1986.
(2) Bài “Ở nghĩa trang Trường Sơn”.