“Xanh ơi, có nhớ...”




Viếng thành cổ Quảng Trị, lẽ nào không ra thăm bờ sông Thạch Hãn. Trong 81 ngày đêm của “Mùa Hè Đỏ Lửa”, biết bao nhiêu lượt quân ta đã phải vượt qua dòng “Mồ Hôi Đá”. Có lẽ nhiều trăm chiến sĩ đã không bao giờ sang tới bờ bên kia…

Quân tiếp viện phải qua sông để vào thành. Rồi đến khi ta quyết định bỏ thành thì toàn bộ quân còn lại cũng phải qua sông mà về. Đò giang sông nước luôn đầy nguy hiểm, đây lại là “quá giang” hết sức vội vã, có thể dưới mưa bom pháo hay trong lưới đạn bộ binh đối phương. Điển hình, có đò chở hay là tất cả chiến sĩ cùng hành trang đã xuống thẳng nước mà tự đưa mình qua?

“Đất nước”… Đất chỉ giúp thôi, vô cùng đắc lực. Chính nhờ có đất che chở mà lực lượng vũ trang ta mới chống được thứ hỏa lực ghê gớm của quân Pháp và nhất là quân Mỹ. Chiến hào ở Điện Biên Phủ đã giúp bắt sống Đờ Cát; địa đạo ở Củ Chi đã giúp duy trì được một khu căn cứ quan trọng rất gần Sài Gòn trong suốt bao nhiêu năm trời; địa đạo ở Vĩnh Linh đã giúp quân dân địa phương tồn tại mặc dầu từ năm 1965 đến năm 1972 mỗi người “được” lĩnh bình quân khoảng 7 tấn bom... Nước cũng có khi giúp chiến sĩ rất nhiều, nhưng dưới nước có Thủy Tinh, Hà Bá ưa làm hại loài người.

“Cuối tháng 8 đến giữa tháng 9 năm 1972 (…) ở Quảng Trị mưa rất dai. Nước sông Thạch Hãn dâng cao (…) cả thành cổ bị ngập lụt. Địch đã lợi dụng tình hình này tập trung bom pháo vào các trận địa của ta làm hầm hào sạt lở (…) các chiến sĩ giải phóng quân phải chiến đấu trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt (…) ngâm mình trong nước, ăn lương khô, uống nước lã (…) sức khỏe giảm sút rất nhanh (…) hàng trăm chiến sĩ và thương binh của ta khi vượt sông (sau quyết định bỏ cổ thành) không đủ sức chống lại với dòng nước đang chảy xiết”.(1)

Trận cố thủ bi tráng đã kết thúc với tổn thất cho bộ đội vào phút chót bị nâng cao thêm bởi sự tác quái đồng lõa của bọn Tinh Nước, Thần Sông.

*

Cái đoạn này của sông Thạch Hãn hay được gọi là “nghĩa trang nước”. Thành cổ là nghĩa trang không mộ, còn đây là nghĩa trang không xác, vì nước chảy không giữ xác tại chỗ mà đưa xác đi ngay. Như vậy, thực ra không phải là nghĩa trang. Mặt khác, ta vẫn có tục ghi nhớ chỗ mà người qua đời đã gặp nạn. Dù xác đi đâu, thì hồn cũng không đi đâu cả mà cứ tiếp tục quanh quẩn gần “hiện trường”. Vậy nên:

“Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”
.(2)

Nhưng “tuổi xuân” mà cứ “nằm lạnh cút côi nước này” thì không ổn. Phải lập trai đàn cầu siêu cho các anh:

“Chiều tàn nổi gió trên sông
Khói nhang quyện tỏa xoay vòng u minh
Thuyền bè đèn sáng lung linh
Nhẹ chèo, kẻo động bóng hình các anh
Rưng rưng nước mắt lăn nhanh
“Mùa hè đỏ lửa” máu tanh ngập vùng
Án ma ni bát mê hồng
Mõ kinh trì tụng rền vang khắp trời
Hoa đăng sóng vỗ nổi trôi
Tuổi xuân nằm lạnh cút côi đất này
Chiêu linh hồn phách, cỏ cây
Có thiêng về chứng theo mây tụ quần
Lập đàn chung thủy tri ân
Đêm huyền ảo, tiếng chuông ngân ấm lòng”
.(3)

Chắc chắn anh linh liệt sĩ siêu thoát rồi vẫn mãi mãi không quên phù hộ cho đất nước.

*

Hơn 900 năm sau ngày Kinh Kha qua sông Dịch, Lạc Tân Vương bảo nước sông vẫn còn lạnh. Thi sĩ tưởng tượng giỏi quá. Chứ “mới” 43 mùa hè sau cái mùa bao nhiêu chiến sĩ ta qua sông Thạch Hãn, chúng tôi ra đứng bên bờ đã không sao hình dung nổi dòng nước “ác ôn” năm xưa. Cái buổi trưa ngày 25-10-2015 ấy, giữa hai đài tưởng niệm xây đối diện nhau trên hai bờ chỉ thấy có nước xanh xanh chảy lơ thơ y như sông Cầu. Đoàn mỗi người hai tay một chiếc hoa đăng, bước xuống đến bậc cấp cuối cùng, thả rất khẽ… Kìa, đa số hoa đăng đang trôi tấp vào một góc kẹt ở chân đài. Ra nhanh ngoài kia mà xuôi đi chứ! Thôi, cứ tưởng tượng rằng đã như thế rồi:

Viếng thành xong bước thăm sông
Hoa đăng lững thững xa trông ngậm ngùi
Yên bình êm ả dòng trôi
Xanh ơi, đỏ lửa một thời nhớ chăng…



Thu Tứ
Viết tháng 12-2015
Sửa tháng 6-2022












__________
(1) Theo Lê Lương Thọ, trong ban Quản lý Di tích Thành cổ.
(2) Lê Bá Dương, “Lời gọi bên sông”.
(3) Trần Hữu Dũng, “Trai đàn trên sông Thạch Hãn”.