“Sao bé biết đòi”? Các bé Việt Nam đã quen lắm với “các anh, các chú” mà. Khoảng 20 năm trước ngày “anh bộ đội” đánh Mỹ này “dừng chân bờ sông nhỏ” nào đó trong Nam, được một “bé đưa tay mếu miệng đòi bồng”, một anh “lính râu ria” đánh Pháp đã vào một quán bờ sông ngoài Bắc hỏi bà chủ: “Chị ơi! Cháu ngủ đâu / Rồi anh bế con chị / (…) / Cô bé cười chúm chím / Mắt non nhìn như sao / (…) / Má hồng như trái mận” (Quang Dũng). “Cỏ non mềm (…) trên nấm mồ nho nhỏ / (...) / Nếu mai đây anh về không gặp mẹ”, tâm tình ấy cũng từng đã hóa thơ: “Mẹ tôi, em có gặp đâu không / Bao xác già nua ngập cánh đồng / Tôi nhớ một thằng con bé nhỏ / Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông” (QD). Chúng nó đứa trước thì chiếm nước, đứa sau thì chia hai nước, ta đánh đuổi thì chúng giở đủ thứ trò vô nhân đạo với nhân dân ta. “Anh đâu khóc, bởi vì…”. Phải. Chỉ có “hành quân” mới “làm vơi được nỗi thương đau” này. (Thu Tứ)



Lê Vĩnh Hòa, “Anh bộ đội”




Anh bộ đội dừng chân bờ sông nhỏ
Bé đưa tay mếu miệng đòi bồng
Tóc như tơ, mắt rực sáng, má hây hồng
Ôi thương quá mấy cái răng mới nhú
Thương bàn chân như bột nặn trắng ngần
Khi bé cười là có cả mùa xuân.

*

Sao bé biết đòi “Anh bộ đội”?
Đơn vị hành quân chiều nay quá vội
Bé đưa tay tiễn các chú đi
- “Cháu bé ơi, mai lớn thích súng gì?
Theo đánh giặc cùng các anh, các chú”.

*

Anh bộ đội qua bờ sông cũ
Bé đâu? Tro xám phủ nền xưa
Cỏ non mềm như mái tóc tuổi thơ
Đã xanh mướt trên nấm mồ nho nhỏ

Ôi em bé môi cười như hoa nở
Sương đêm nay thấm đất lạnh thân em
Đường hành quân sao nhấp nháy thâu đêm
Như đôi mắt bé còn đang ứa lệ

*

Nếu mai đây anh về không gặp mẹ
Mái nhà xưa không còn giữa vườn cau
Anh đâu khóc, bởi vì những giọt lệ
Đâu thể làm vơi được nỗi thương đau!


7-1966
























004