“Dâu bể trùng khơi”




Biển Đông ngày càng “nóng”. Vừa rồi chúng tôi có tham gia “Đoàn công tác số 6” ra thăm quần đảo Trường Sa.(1) Sau đây là đôi điều mắt thấy tai nghe nơi phần Tổ quốc đang nằm trong tim bão này.

*

Trường Sa gồm đảo nổi và “đảo chìm”. Đảo nổi là đảo thực sự, còn đảo chìm là rạn san hô với một chút xíu diện tích đất cát nhô lên khỏi mặt biển (có nơi khi chưa bồi đắp cải tạo, lúc thủy triều lên chẳng còn nhô được chút nào!). Trên bản đồ, đảo chìm thường ghi là “Đá”.

Diện tích nổi của Đá điển hình chỉ vừa đủ lớn để xây một cái đồn tiền tiêu. Công trình phòng ngự đồn một phần nằm chìm dưới mặt biển: chẳng hạn, nhìn quanh có thể thấy lố nhố những đầu cột vuông xi-măng cốt sắt trồng xiên ra phía ngoài. Kiến trúc nổi bật là một hay hai tòa nhà đôi ba tầng xây gần kín đảo; bao quanh dưới chân, sát mé nước, là lô-cốt. Lầu trông rất vững chải, khang trang. Vào bên trong, trèo lên tầng, bước loanh quanh từ phòng nọ sang phòng kia, thăm chỗ nghỉ ngủ, làm việc, sinh hoạt của chiến sĩ, nhìn qua cửa lớn cửa bé, có thể thấy trời xanh mây trắng biển xanh được khung thành tranh đẹp mê hồn! Có bức được phết thêm một ngọn hải đăng xinh như đồ chơi. Trên bao lơn, nơi chân vách thấy rải rác những chậu hoa giấy đỏ, hoa mười giờ hồng, hoa gì màu tím lá giống lá rau răm… Nổi bật trên nền vôi vàng, mà khi có đoàn viên sáng kiến bê một chậu đặt tạm lên lan can để chụp ảnh, thì trên nền biển xanh ngọc những màu hoa lá ấy trông cũng thật hay… Qua lại trên sàn bóng lộn, ngắm “tranh” và hoa, chợt ngẩn ngơ: giá không có kẻ nào nhòm ngó biển đảo ta, để đồn Đá Tây B, chẳng hạn, có thể hóa thành một cái nhà nghỉ du lịch trùng khơi!

Trên chút ít diện tích Đá còn lại, thấy những ô chữ nhật bằng nhựa hay gỗ đựng đất trồng rau xanh. Có đồn tranh thủ xây được cả chuồng nuôi lợn. Nước ngọt chứa trong bể dưới hầm, nhưng dĩ nhiên phải rất tiết kiệm. Điện thì ngoài máy phát chạy xăng, có thêm điện gió, điện mặt trời, cũng tạm đủ dùng. Khá nhiều chó. “Bạn” chống đặc công biển tốt, mà trông lại vui. Bỗng có tiếng hát tiếng đàn…

Đoàn công tác có văn công đi theo. Trên các Đá, nhờ diện tích “hội trường” khiêm tốn và chiến sĩ ít, văn công biểu diễn thật là thân mật, nhiều khi ngồi xen kẽ với chiến sĩ trên những mảnh chiếu trải ngay dưới sàn. Nữ ca sĩ người Quảng Bình ấy có giọng hát truyền cảm và phong cách dễ mến quá. Và khi những khuôn mặt dày dạn nắng gió bỗng sáng bừng lên, tất cả mọi người cùng hân hoan vừa vỗ tay giữ nhịp vừa hát to những bài ca yêu nước theo giọng dẫn cực khỏe của nam ca sĩ N.V.D., thì lòng mình thấy như trẻ lại hàng mấy mươi tuổi! Vẫn hay tuy ở đây giặc Buồn luôn rình rập, nhưng thấy rất vững tin rằng các chiến sĩ ta sẽ luôn đánh bại được nó.

Đồn trên Đá là một thứ kỳ đài tuyệt vời. Ngồi trên ca-nô chạy về phía Đá, cứ ngắm mãi. Rồi ngồi trên ca-nô chạy về tàu, lại ngoái đầu lại mà ngắm mãi. Kìa, cả một biểu tượng chủ quyền quốc gia đang phấp phới giữa trời nước mênh mông!

*

Đảo nổi được thăm chuyến này gồm Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Phan Vinh, Trường Sa Đông, Trường Sa Lớn.

Tuy mỗi đảo điển hình chưa được là một xã, đảo nào cũng xây dựng trông giống như những trung tâm hành chính cấp huyện, với những tòa nhà ba bốn tầng đồ sộ. Có tòa nếu đem về đặt ở một tỉnh lỵ, chắc cũng vừa! Lênh khênh khắp nơi là những cột điện gió, đây đó lấp lánh những tấm pin mặt trời…

Từ nơi tàu đỗ thường đã thấy cây cối xanh um, nhưng đổ bộ, “hành quân” vào, mới thấy đúng cái độ xanh của đa số đảo. Ngoài bàng vuông nổi tiếng, có những loài thân mộc khác không biết trồng từ năm nào mà nay đã thành cây cao bóng cả, che mát được những khoảng sân rộng, những nhà ở, nhà làm việc và dĩ nhiên, bao nhiêu là công sự. Có đoạn đường cây lớn hai bên giao cành, thành viên đoàn lững thững dưới vòm lá xanh trông như đang đi dạo giữa công viên. Bóng mát ở đây là cần lắm, vì hóa ra đảo nằm giữa biển khơi thoáng vô cùng, mà lại nóng dữ dội! Trên các đảo cũng có thứ cây này tuy không giúp chống nắng được bao nhiêu nhưng lại chứa thật nhiều giá trị gợi nhắc quê hương lớn xa cách nghìn trùng, là cây dừa. Trông những dáng dừa, có phải ta hay cảm giác thanh bình?

Rất thanh bình tất nhiên là những “vườn rau thanh niên” “xanh ngắt một màu”, những trại chăn nuôi với chuồng có đủ màu lợn: trắng hồng, trắng đen, cả nâu rám trông giòn như đã quay rồi, và chuồng gà, vịt, ngan… Trên đảo có dân ở, bước ngang khu nhà dân mắt ta dễ dàng gặp những “giậu mồng tơi xanh rờn”, những quả bầu nậm quả mướp đắng treo lủng lẳng trên giàn che mảnh sân con. Chúng tôi đã vô phép bước qua cổng để mở của một nhà có sân như thế, còn đang đứng ngơ ngẩn trước cửa cũng để mở thì một thằng bé đã lon ton chạy ra, liền theo sau là mẹ nó. Đề nghị cho thăm vườn, chị vui vẻ dẫn đi. Diện tích khiêm tốn thôi nhưng mà xanh lắm, à, cả đỏ tươi nữa, nhờ một bụi ớt hiểm đầy trái chín. Trông thấy một đống lưới to, hỏi, thì ra chồng chị chuyên nghề đánh bắt cá, hiện đang ở ngoài khơi. Vốn gia đình ta cư ngụ ven biển tỉnh Khánh Hòa, mới ra huyện đảo được mấy năm nay. Hỏi chị sống thấy thế nào. Chị đáp đã khá ổn, ngoại trừ nước ngọt và điện còn hạn chế. Hai cái khoản này thì đành xin dân chia sẻ khó khăn với quân thôi, chị ạ. Thằng cháu bé lẵng nhẵng bám mẹ không rời được lấy nửa phút. Nếu không có mẹ ở nhà hôm nay thì nó đang chơi với các bạn ở nhà trẻ đây. Hỏi luôn đường đi nhà trẻ. Đến nơi, thấy độ chục công dân nhí và một cô giáo, với thật nhiều đồ chơi. Thuyết phục một cháu gái xinh xắn ra sân cưỡi một con mèo sắt sơn cũng xinh ơi, chụp tấm ảnh cháu với mèo, tiếc thật, trong túi lại không có chút kẹo bánh gì để đãi bạn nhỏ dùng cho vui. Gặp cháu sớm cũng là “duyên ảnh”, bởi lúc sau quay lại thì đoàn đã tụ tập đông đảo quá và cô bé kháu khỉnh không hiểu sao lại mặt mũi tèm lem mà chưa được ai chùi hộ cho…

*

“Tiếng chuông chùa thả vào ráng chiều…”.(2) Chùa thì tất cả các đảo nổi được thăm đều có, chùa nào cũng đẹp, ráng thì chiều nào cũng thấy, nhưng rút cuộc không được nghe “thả” lần nào. Vì cứ hễ đến chiều thì tàu đã rời xa đảo. Trời ơi, nếu được đứng ở dưới mái tam quan sát bờ biển của chùa Sơn Linh (trên đảo Sơn Ca), chẳng hạn, mà ngước nhìn những dáng mây trời kỳ lạ nhuộm những sắc đỏ cam hồng rực rỡ, cả dáng lẫn sắc đều thay đổi liên tục, mà lắng nghe “Boong… Boong… Boong…”, chắc dễ thoát tục lắm!

Suốt hơn hai ngàn năm Phật giáo phát triển ở nước ta, bây giờ là lúc chùa xông pha nhất, mọc lên ngay giữa Biển Đông! “Phật giáo (…) đi cùng dân tộc”(3), dân tộc vượt sóng ra khơi mở mang đất nước thì chùa cũng ra khơi theo.

Một nét văn hóa truyền thống khác là tục thờ các anh hùng dân tộc. Đi thăm đảo Nam Yết, khi ca-nô còn khá xa bờ đã thấy tượng Hưng Đạo Vương sừng sững đứng chỉ tay ra biển. Lên bờ, bước qua cổng chào, luồn dưới cây cối xanh um, đến nơi thấy tượng không những to mà còn rất đẹp. Tượng Thánh đầy ấn tượng dựng lên ở nơi đầu sóng ngọn gió này, còn gì hợp hơn! Trên đảo Trường Sa Lớn, có Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Gọi “nhà” cho khiêm tốn chứ đáng gọi đền, vì đằng trước có bia rùa đội và cả kiến trúc treo chuông. Chúng tôi đã ngắm khá nhiều rùa bia, chưa thấy ở đâu có dáng dữ như ở đây! Bên trong Nhà, tượng Hồ Chủ tịch màu đen tuyền, nét mặt tượng nghiêm nghị khác thường chứ không tươi cười như điển hình. Tinh thần Việt Nam có nhiều vẻ. Đây là cái vẻ sẵn sàng đấu tranh quyết liệt để bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Không xa Nhà là Đài tưởng niệm liệt sĩ Trường Sa. Chắc chắn là một trong những đài to và đẹp nhất nước. Cao, dáng vuông, thẳng, nhưng được trang trí với văn sóng nước, văn mây của điêu khắc cổ. Hiện đại và truyền thống kết hợp hài hòa. Phía trước là một khoảng sân rộng. Trên mặt sân gạch hoa bóng lộn, bóng Đài lung linh... Ngắm hình ngắm bóng, chợt nghĩ: xưa kia chỉ có đền thờ vua, tướng lãnh đạo kháng chiến, chứ đâu có kiến trúc ghi công hay tưởng nhớ chiến sĩ, vậy bao nhiêu đài và tượng đài khắp nước bây giờ là một nét văn hóa tinh thần Việt Nam mới rất hay! Có nơi xây hoành tráng, có nơi khiêm tốn, cái chính là tấm lòng. Trên đảo Phan Vinh, “đền” liệt sĩ chỉ là một gian phòng thôi, nhưng bước vào ta vẫn cảm thấy xúc động.

Sau cùng, nhớ sinh hoạt văn nghệ trên các đảo. Văn công biểu diễn tuyệt vời (các văn công nữ đều… đẹp ơi là đẹp). Đêm hội Trường Sa Lớn huy hoàng. Nhưng khó quên nhất là cái hình ảnh này trên đảo Sơn Ca: đông đảo chiến sĩ mặc đồng phục thủy quân xúm nhau vừa rước cao trên đầu một lá quốc kỳ đặt nằm ngang, vừa hát hết sức rộn rã bài “Như có Bác trong ngày đại thắng”. Dưới trời xanh cao, trong nắng rực rỡ, một làn sóng đỏ chở sao vàng nhấp nhô ngay bên trên những khuôn mặt hân hoan!

*

Trường Sa vốn không mảy may giống như vừa kể! Đảo trùng khơi đã “trải qua một cuộc bể dâu”!

Trên các Đá, trước kia chưa có lầu đẹp như nhà nghỉ du lịch biển, mà chỉ có “xập xòe một lều bạt (…) như lều vịt (…) mái lều trũng xuống vì phân chim”. Chỗ nghỉ lưng cho chiến sĩ ư? “Mỗi người lính (…) một khối giường (…) ba, bốn tầng giường xếp chồng lên nhau. Tầng cuối cùng chọc lên tận nóc bạt (…) Tôi ngạc nhiên (…) Sau mới hiểu (…) thủy triều lên (…) sóng vỗ chóp chép vào (…) sắt gầm sàn như bầy lợn bú. Rồi ào một cái, nước ngập mặt sàn. Rồi tầng giường thứ nhất chìm nghỉm trong nước. Lính ôm chăn chiếu lên tầng hai, rồi tầng ba…”!(4) Điều kiện vật chất ở các đảo chìm đã cải thiện chắc chắn hoàn toàn ngoài sức tưởng tượng của tất cả anh em năm xưa sống trong những “lều vịt” mái đầy phân chim sàn khi lộ khi chìm dưới sóng!

Về tình hình trên các đảo nổi một thời, một thi sĩ sống trong vùng kiểm soát của chính quyền Sài Gòn và từng có dịp ra Trường Sa đã kể lại bằng thơ: “Lính thú mươi người lạ sóng nước / (…) / Đảo hoang (…) / (…) / Ngày. Ngày trắng chói chang như giũa / Ánh sáng vang lừng điệu múa điên…”.(5) Hỡi những người “lính thú” “mái tóc sầu nung từng sợi đỏ” năm nào, hãy đăng ký đi thăm “Trường Sa Mới” một chuyến để mái đầu hoa râm hay bạc được “vui nấu” cho xanh lại ít nhiều!

Ở Trường Sa, từ 1956 đến 1974, chính quyền Sài Gòn chỉ chở ra đặt mấy tảng bê-tông có khắc chữ làm bia chủ quyền chứ không hiện diện liên tục; mãi đến sau sự kiện Hoàng Sa, mới bắt đầu bố trí một lực lượng đồn trú bé nhỏ.

Hiện nay, nhà nước Việt Nam đang kiểm soát 21 đảo chìm đảo nổi, khẳng định chủ quyền quốc gia hết sức mạnh mẽ bằng hiện diện thường trực của đông đảo chiến sĩ cùng cả một số hộ dân, và bằng một tổng thể cơ sở vật chất đủ loại đầy ấn tượng trong đó có cả sân bay và âu tàu!

*

Biết bao nhiêu gạch, ngói, gỗ, sắt, xi-măng, cát, đá v.v. đã cưỡi sóng ra khơi! Biết bao nhiêu công lao động, không phải chỉ cơ bắp mà cả trí tuệ, nghệ thuật, đã được “thi”! Trường Sa ơi, “… những điều trông thấy mà vui sướng lòng”!

Vui sướng và ngậm ngùi. Mừng mừng và tủi tủi.

Sao lại có tủi?

Vì đâu phải đất nước thống nhất xong thì ngay lập tức quần đảo cất cánh! Thực ra, riêng gì Trường Sa, chính đất liền Tổ quốc cũng đã ì ạch với muôn vàn khó khăn. Hậu quả của ba mươi năm chiến tranh, nhu cầu giải quyết tận gốc vấn đề Pôn Pốt, áp lực quân sự ở biên giới phía bắc, chính sách cấm vận của Mỹ, mô hình kinh tế cần đổi mới, bấy nhiêu thứ đã xúm lại cản trở ta cải thiện điều kiện vật chất. Nhưng rồi cuộc “Trường kỳ Cải thiện” cũng bắt đầu, để đến bây giờ thì “đất nước ta (đã trở nên) đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” nhiều lắm, từ Lũng Cú xuống tận Năm Căn, từ Trường Sơn ra tận Trường Sa….

Trở lại với riêng Trường Sa.

Đọc tiếp thơ cũ của người thi sĩ “lính thú”: “Đất liền, ta gọi, nghe ta không? / Đập hoảng Vô Biên, tín hiệu trùng / Mở, mở giùm ta khoảng cách đặc / Con chim động giấc gào cô đơn”!

Rồi đọc thơ mới tinh của một thi sĩ Khánh Hòa: “(...) / Trải qua giông tố bạc đầu / Xô từng ngọn sóng khổ đau dường nào / Đảo khô uống trận mưa rào / Bung lên hào khí rạn trào, mạch khơi… / Con ơi trong gió có lời / Lời ru của mẹ dưới trời cố hương / Kẽo ca kẽo kẹt mà thương / Đong đưa tiếng biển quê hương ngàn trùng”.(6)

“Khoảng cách đặc” đã được “mở” thông hoàn toàn! “Ngàn trùng” nay không còn cô đơn chút nào, mà hết sức dễ dàng nghe được “lời ru của mẹ”!



Thu Tứ
Thăm Trường Sa tháng 4-2016
Viết tháng 5-2016




















_______
(1) Đoàn do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức với sự hỗ trợ của Bộ Tư lệnh Hải quân. Đoàn có thăm cả các nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía nam.
(2) Lê Tú Lệ, “Hòn đảo hình mũi giáo”.
(3) Mai Quốc Liên, “Phật giáo Việt Nam trong lòng dân tộc”,
Thời sự và suy ngẫm, 2011.
(4) Trần Đăng Khoa,
Đảo chìm.
(5) Tô Thùy Yên, “Trường Sa hành”, sáng tác tháng 8-1974.
(6) Trần Vạn Giã, “Tiếng biển”.