“Nam Cao - Cái viết trong kháng chiến”




Nhắc Nam Cao tiền chiến, ai nấy nghĩ ngay đến “Chí Phèo”. Rồi đến một số truyện ngắn khác có nội dung chủ yếu là cái khổ của nghèo. Cũng rất hay được nhớ là tiểu thuyết Sống mòn mà mới nghe cái tên, đã thấy… bế tắc. Sau bao nhiêu thập kỷ đất nước bị ngoại nhân cai trị, xã hội Việt Nam đã trở nên băng hoại cực điểm. Những cái quái thai của làng quê khủng hoảng, những nông nỗi của đại đa số nhân dân, tâm trạng chán nản của trí thức trẻ không có lối thoát, tất cả được ngòi bút Nam Cao “vẽ” hết sức linh động…

Trong khoảng hai năm sau Cách mạng tháng Tám, Nam Cao sáng tác ít. Mùa thu năm 1947, Nam Cao lên Việt Bắc, bắt đầu viết nhiều hơn. Nếu trong thời Pháp thuộc văn chương Nam Cao có giá trị phản ánh tình trạng xã hội, thì từ đây nó lại có giá trị lời ghi nhân chứng lịch sử.

*

Cần nói ngay rằng trong kháng chiến, phần lớn thì giờ cầm bút của Nam Cao phải dành cho nghĩa vụ công dân.

Trong Nhật ký ở rừng, Nam Cao có ghi lại cụ thể công việc mình làm sau khi lên rừng: “Mỗi ngày ngồi cặm cụi viết bài (…) cố viết sao cho thật ngắn, thật dễ hiểu, viết xong đưa cho một chú giao liên Thổ đọc trước, hỏi xem có hiểu cả không”, và mục đích của nó: “làm cho người đọc hiểu biết hơn, tin tưởng vào chính nghĩa của ta hơn (…) khiến họ thấy hăng hái và gợi cho họ những việc họ có thể làm để giúp ích cho cuộc kháng chiến của toàn dân”.

“Người đọc” đây gồm rất nhiều đồng bào các dân tộc anh em mà phần lớn vốn liếng tiếng Việt hãy còn rất ít ỏi. Nhờ yêu nước nồng nàn nên Nam Cao đã “làm rất chăm chú, rất ham thích cái công việc mà giá bốn năm trước đây người ta bắt tôi làm, tôi có thể điên người lên được”.

Chẳng những không bị làm sao cả, mỗi khi viết được một bài đăng “báo i tờ” “thật ít lời nhưng vẫn đủ ý và đọc lên đàn bà, trẻ con nghe cũng hiểu”, “tôi” lại còn cảm thấy “sung sướng như viết được một truyện ngắn chính tôi ưng ý”!

Tuy bận rộn với công tác tuyên truyền, Nam Cao vẫn còn thì giờ để viết nhật ký và bút ký. Không biết ông có định rồi sẽ phổ biến nhật ký chăng, chỉ biết văn đây cũng y như văn truyện, văn bút ký.

Như vậy, trong kháng chiến Nam Cao viết hai loại tác phẩm khác hẳn nhau.

Loại thứ nhất không có giá trị văn chương, nhưng giúp làm nên lịch sử. Loại thứ hai vừa có giá trị văn chương, vừa có giá trị lời ghi của một nhân chứng về cái lịch sử đang được làm nên!

*

Nhật ký và bút ký Nam Cao bổ túc nhau tuyệt vời.

Nhật ký ở rừng ghi chép đủ thứ chuyện trong đời sống hàng ngày khi Nam Cao còn ở trên đỉnh núi với người “Mán” hay dưới chân núi với người Thổ người Nùng. Trước khi Nam Cao từ châu thổ sông Hồng đi ngược lên tới tận những đỉnh núi cao chót vót phía bắc, thì nơi người “Mán” ở còn là “một thế giới hoàn toàn bí mật” đối với hầu hết người miền xuôi. “Mán” “bí mật” hơn Thổ, Nùng nhiều, nhưng ngay chính Thổ với Nùng ta điển hình cũng đã biết mấy đâu! Đọc Nam Cao, ta thấy gần hơn với các anh em này…

Những lời nhật ký còn cho thấy bề sâu của cái quan hệ đã phát triển hết sức tốt đẹp giữa cách mạng và các dân tộc ít người ở núi rừng phía bắc. Cuộc “Dâu Bể Trên Non”(1) tới Trường Kỳ Kháng Chiến mới ồ ạt xảy ra, nhưng cái mầm của nó thì đã được gieo từ lâu trước ngày Nam Cao đặt chân lên những ngọn đỉnh trời. Ông và các đồng chí được đối xử tốt đến thế ở xứ “Mán” xứ Thổ xứ Nùng, đó chính là nhờ tấm gương sáng ngời của lớp người cách mạng đã lên núi những năm xưa. Hóa ra đồng bào trên ấy, ai cũng biết “cụ Hồ”, đồng chí Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp), đồng chí Tống (Thủ tướng Phạm Văn Đồng)! Nhìn xa hơn kháng chiến, nhờ “ơn” giặc Pháp, quan hệ miền xuôi miền ngược đã thay đổi lớn lao, từ rất lỏng lẻo trở nên khắng khít, từ đây mới thực đồng bào!

Bút ký Nam Cao giúp ta thấy kháng chiến trên bề rộng.

Trước tiên, có phần tường thuật những chuyện Nam Cao mắt thấy tai nghe ở nhiều nơi khi đi công tác trong chiến dịch Biên Giới (1950). Đọc, ta mới thấy được rõ một số “quả” của cái “cây” quan hệ đã được công phu trồng: bao nhiêu là những biểu hiện đoàn kết đầy ấn tượng xảy ra trên khắp khu biên thùy Đông Bắc. Đông đảo đồng bào miền núi đã ủng hộ quân kháng chiến với tình cảm vô cùng nồng ấm!

Ngoài ra, Nam Cao kể cho ta nghe rất nhiều chuyện khác, chẳng hạn, trước ngày nổ súng bộ đội đã tổ chức “hội nghị nói thẳng” như thế nào, bộ đội đánh trận Đông Khê anh dũng ra sao, quang cảnh thị xã Cao Bằng sau khi quân Pháp rút, cách quân ta đối xử với tù binh Pháp ở Thất Khê, tinh thần hăng hái lập công chuộc tội của một đội tân binh gồm toàn ngụy binh mới hàng, tâm trạng của một phụ nữ Nùng có chồng theo giặc, thảo luận gay go khi định mức cho các xã trong “hội nghị tạm vay” ở huyện kia v.v., và cả tình hình kháng chiến ở dưới đồng bằng nữa (sau khi lên rừng ông đã có dịp về xuôi). Đặc biệt, có lần Nam Cao viết về phụ nữ đánh giặc sau khi tiếp xúc với một số nữ du kích hình như ở Bắc Ninh.

Có lẽ đa số những chuyện ông kể nếu bỏ công tìm ta có thể thấy trong tác phẩm nghiên cứu lịch sử, trong quân sử, trong hồi ký các cấp chỉ huy. Nhưng nói chung khi đọc những sách ấy, ta chỉ thấy có “xương” thôi. Phải là một nhân chứng kể lại cách “dân dã” thì mới giúp ta hình dung ra “da thịt”, diện mạo của sự việc được. Chẳng hạn, phải là một người thường xuyên đi công tác miền núi dài ngày lẫn lộn với hàng vạn dân công đủ sắc tộc, thì mới vẽ ra được cho thật là linh động cái bức tranh “Quân Dân Sát Cánh” kỳ vĩ trong Chiến dịch Biên Giới.

Dĩ nhiên không phải bất cứ ai được thấy tận mắt nghe tận tai sự việc cũng cảm giác cảm xúc bén nhạy và diễn được cái cảm của mình thành những trang văn lôi cuốn như Nam Cao. Tiếc không biết ngần nào.

Cuộc chiến tranh chống ngoại xâm trong thế kỷ 20 đích thực là “ngàn năm một hội tao phùng”.(2) Nó chứa vô số cái đáng được tất cả văn tài hàng đầu của nước ưu tiên ghi chép cho thật truyền cảm để lưu lại lâu dài trong óc trong lòng dân tộc.

Nam Cao mất năm 1951, mới 34 tuổi. Ngày toàn thắng nếu còn sống ông chỉ mới 58. Sao ông lại không được ở đời thêm hai mươi bốn năm nữa để “ký” về bao nhiêu “sự” đầy ý nghĩa đã xảy ra trong quãng ấy trên đất nước quê hương…

*

Cuối cùng, đã đọc nhật ký làm sao khỏi thấy chuyện riêng, tình riêng:

“Làng tôi, địch chiếm rồi. Liên đã tay bồng tay dắt, bỏ nhà cửa vườn đất, đưa con nhỏ và một bị quần áo ra đi (…) Nhớ đến Liên, nhớ các con (…) Những ngày nghèo khổ sống bên nhau. Ngày trở về, gặp nhau... Khao khát được ôm chặt lấy thằng Thiên gầy một cái. Ngoạm cái chân múp míp của thằng Thành đang chúi mặt vào vú mẹ. Vuốt ve mái tóc mềm của con Hồng…”.

Sực nhớ Nam Cao vốn còn một người con nữa. Tô Hoài kể trong cái năm Ất Dậu chết đói:

“Một hôm, Nam Cao nhận thư vợ. Thư kể mấy tháng nay mẹ con chỉ ăn rau sam. Con bé út (…) Con Bình Yên chê nhà đói khó, đã bỏ đi rồi. Cái thư đau đớn đọc xong, biết làm thế nào, anh thờ thẫn nuốt nước mắt, để xuống”.(3) Chỉ mong con mình được bình yên, mà có được đâu.

Biết chuyện riêng tình riêng làm sao khỏi nghĩ đến con người.

Qua những trang văn của Nam Cao, qua hồi ức của những người biết Nam Cao, và qua tư liệu văn học sử, thấy đây là trường hợp một lòng nhân ái rộng rãi được thể hiện đặc biệt tích cực.

Nam Cao yêu đông đảo đồng bào vô cùng khổ sở xung quanh mình, nên tham gia những hoạt động của cái tổ chức đang chứng tỏ có nhiều triển vọng đưa đồng bào ra khỏi cảnh khổ nhất là đảng cộng sản.

Cái tham gia của một người nó mới nhiệt liệt sao! Vẫn Tô Hoài kể trong năm Ất Dậu:

“Nam Cao đi vay nhà xuất bản nào được một trăm bạc (…) Một trăm đồng lúc ấy chẳng còn giá trị lắm, nhưng cũng không phải nhỏ, đối với cảnh bữa cơm bữa cháo của chúng tôi (…) Vợ con mù mịt trong cơn lốc, sống chết thế nào. Thế mà trăm đồng ấy, Nam Cao đã góp quỹ đoàn kịch (thực hiện công tác văn hóa của Đảng)”.

Tinh thần tham gia nhiệt liệt đó lại bền bỉ bất chấp mọi thách thức của hoàn cảnh.

“Ở rừng” vất vả đến mức rất dễ làm nhiều người nản chí, nhưng Nam Cao thấy “càng phải vất vả, càng vui”! Vừa di chuyển bằng cả chân và tay “thật là cơ cực” trên những con đường núi “hoàn toàn không có”, ông vừa náo nức “những ngày kiến thiết sau này vui biết mấy”...

Nam Cao ca ngợi “tấm lòng bằng thép tôi già” của những chiến sĩ ăn cháo đánh giặc trong mưa tầm tã. Tưởng lòng thương dân yêu nước của chính ông cũng chẳng khác gì.

“Tinh thần Nam Cao” biểu hiện lần chót:

“Năm 1952 một số anh đi vào vùng địch hậu (...) đáng ngại nhất là cuộc đi của anh Nam Cao về Hà Nam. Chúng tôi rất lo vì vùng này cơ sở kháng chiến còn yếu, bọn phản động khá nhiều. Tôi nói: “Anh nên đợi một thời gian để ta tạo ra một số xã mạnh làm bàn đạp”. Anh liền nói: “Chính vì còn nhiều khó khăn nên mới cần đến đó, để hiểu được tinh thần dân mình thế nào chứ! (...)”. Thế là anh đi (...) Chỉ mấy tuần sau chúng tôi được tin dữ”.(4)

Con người quý hóa như thế, thế mà…

Vẫn hay “phận thủy có, phận chung (…) chẳng có”(5) cũng là số phận của không biết bao nhiêu người rất xứng đáng khác trong cơn binh lửa cực kỳ ác liệt, nhưng tay mình đang giở những trang thơm của một người, thì trong một lúc hãy cứ bâng khuâng nhớ tưởng xót xa riêng người ấy vậy.



Thu Tứ
Tháng 7-2016
Sửa tháng 10-2023





















_________
(1) Tên một bài viết của TT.
(2) Trong “Văn tế trận vong tướng sĩ” của Nguyễn Văn Thành. “Nghìn năm một hội tao phùng” là “tình cờ gặp nhau nhân một dịp hết sức hiếm hoi”. Dùng để chỉ cuộc chiến tranh 30 năm chống ngoại xâm trong thế kỷ 20 thì mới thật là ý nghĩa!
(3) Tô Hoài,
Tự truyện, nxb. Văn Học, 1985.
(4) Tố Hữu,
Nhớ lại một thời, nxb. Hội Nhà Văn, 2000.
(5) Cũng trong “Văn tế trận vong tướng sĩ”. Ý nói người xông pha khói lửa, sao đến lúc thanh bình lại chẳng thấy đâu.