“Nam Cao - Nhật ký ở rừng




Những dòng nhật ký này của Nam Cao có thể coi như một văn bản về diễn biến thay đổi lớn lao trong quan hệ giữa dân tộc Kinh với các dân tộc ít người ở Việt Bắc.

Sau đây là một số trích đoạn. Để độc giả tiện theo dõi, chúng tôi đặt những đoạn mà nội dung có liên hệ với nhau vào cùng một chỗ, với tiểu đề tạm đặt.

“Hoàn toàn bí mật”

“Mán còn là một thế giới hoàn toàn bí mật. Ngay người Thổ (tức Tày) cũng rất ít khi lên. Làng Thổ ở ngay dưới chân ngọn núi có làng Mán ở trên. Thế mà có những ông già Thổ ngoài sáu mươi chưa lên Mán một lần nào (…) Sườn núi dốc gần như dựng đứng. Không có đường đi. Cả đến lối mòn cũng gần như không có (…) phải cố tìm ra những vết trên lá rơi, cỏ rậm (…) Không có một cái mặt bằng bằng con dao nào để mà ngồi. Chỗ nào cũng là dốc cả. (…) (Mặt đất) lù lù ngay trước mũi (…) đằng sau chỉ trông thấy gót chân (…) đằng trước, nhưng nghe rất rõ tiếng (…) đằng trước hồng hộc thở (…) Cứ độ vài trăm bước (…) dừng lại, chân trước cong, chân sau thẳng (…) thở phì phì (…) Càng đi càng vào sâu trong rừng rậm. Đường càng rắc rối quanh co (…) Cành lá chồng lên nhau, che kín cả trời (…) Chân đã mỏi nhừ, cổ đã khô cháy thì may quá (…) đột nhiên gặp (…) Chị Pin (…) “chân tròn như cột” (…) vạm vỡ, mặt tròn vành vạnh, trán nhẵn thín dưới cái khăn xếp to vành bọc vải màu đỏ thêu chỉ trắng che cái đầu cạo trọc (…) cũng mặc áo dài quần Chàm như phụ nữ Thổ, nhưng cũ kỹ và rách rưới hơn. Cổ, cổ tay đeo vòng bạc, vòng đồng (…) Sẩm tối (…) vào nhà một ông già. Cái nhà bằng gỗ còn cả vỏ và bương, tre (…) Lại cơm với muối. Cơm xong, cả bọn lăn quay ra đất, chung quanh bếp lửa. Ông già nhường cái giường độc nhất (…) nhưng chúng tôi không chịu nhận (…) Tôi ngủ ngon lành (…) cả ngày lên dốc, ba-lô, bị gạo nặng ê vai (…) Nửa đêm, tỉnh dậy thấy (…) bên đống lửa, một thiếu phụ ngồi (…) Ánh lửa hồng hắt lên khuôn mặt trái xoan điểm một cái miệng nhỏ rất thanh và đôi mắt lá răm hơi xếch (…) Lửa chập chờn. Ánh lửa đỏ vờn nhau với những miếng tối lung linh”.

“Mán” là tiếng trước kia ta thường dùng để chỉ một số tộc người sống du cư du canh trên núi cao ở Bắc bộ, trong đó có người Mèo (tên mới là Mông). Vì từ “Mán” hàm ý miệt thị, nên ta đã thôi dùng.

Sóng núi vờn trời

“Tư vẫn chưa cho chỗ ông ké Nhàn là kín! (…) Lội suối chui rừng, vắt bám gỡ ra không kịp, qua hết rừng cây lớn, rừng lau, rừng chuối rồi lại rừng cây lớn, men, lách, leo, trèo bở hơi tai, chúng tôi đến Vàng Kheo (…) Ba nóc nhà như ba cái chuồng chim đeo lủng lẳng ở ngọn núi. Ðược cái quang đãng và nhìn ra một phong cảnh sáng sủa và tuyệt đẹp. Núi lại núi. Núi kế tiếp nhau, cuốn những đợt sóng mềm mại vờn trời. Chỉ có trời với núi (…) Những quả núi gần khoe những mảnh áo rất xinh. Từng miếng vàng tươi của ruộng. Những miếng khác màu vàng rơm. Và màu xanh. Ðủ các thứ xanh. Những buổi sáng, ửng hồng ria núi. Mây trắng ngập các thung lũng. Một cảnh bể, trong đó nhô lên những cù lao. Những buổi chiều, ánh sáng chiếu rọi đúng như đèn pha rọi những phong cảnh rạp hát. Phong cảnh đổi từng khắc một, đúng như trên sân khấu (…) Ðêm trăng. Một cây trụi lá, đen, rướn lên trời xanh phớt. Một nét đẹp đơn sơ. Núi đằng sau. Và trăng nằm giữa mây, mềm xốp như đệm gối”.

“Bở hơi tai” đáng quá! Bổ mắt quá! Nhất là mắt bỡ ngỡ của những người Kinh trèo lên “cao độ Mán” lần đầu. Non sông gấm vóc. Đã biết sông rồi, giờ đi cho biết cả non.

“Nắm chắc” và “chắc”

“Ở Vàng Kheo, người ta không biết tiếng Kinh. Tiếng Tày cũng biết ít thôi. Chúng tôi lại chẳng biết được bao nhiêu tiếng Mán. Họ nói hơi dài, ngoài mấy tiếng thường dùng, là mình ngẩn mặt ra. Mình nói, họ cũng lắc đầu: “Nắm chắc” (nghĩa là “Không biết”). Nhưng hỏi đến cụ Hồ thì ai cũng chắc. Chắc cả đồng chí Văn (tức là Ðại tướng Võ Nguyên Giáp), đồng chí Thạch (không thấy ghi chú là ai)”.

Mừng quá! Như đang chới với, chân bỗng dẫm lên một cái nền vững chãi. Tuy chưa ai hiểu ai nói gì cả, nhưng chỉ trông thấy mặt mũi nhau cùng rạng rỡ khi nhắc đến những cái tên nọ là đã đủ để cho người lên “Mán” thấy phấn khởi và người “Mán” thấy có cảm tình. Nền đã sẵn rồi, giờ ta bắt tay vào xây.

“Cần cách mạng khổ lai!”

“Nhắc đến chuyện những nhà cách mạng hoạt động ở đây hồi bí mật, người vợ Triệu Vân Hương luôn luôn bảo với Tư: “Cần cách mạng khổ lai!” (“Làm cách mạng khổ lắm!”)”.

Người “Mán” quen sống rất khổ, thế mà phải trầm trồ cái khổ của những người Kinh lên núi lâu trước Nam Cao, đủ biết lớp cán bộ hoạt động thời giặc khủng bố “trắng” đã chịu đựng đến mức phi thường.

Cùng hội cùng thuyền

“Người Mán (...) không bắt người cách mạng nộp cho Tây (...) cưu mang người cách mạng (...) nhịn ăn, giấu cơm, đem cho người cách mạng ăn. Tây mà bắt được (...) thì họ mất đầu. Có người đã mất đầu. Nhưng họ vẫn ủng hộ cách mạng như thường (...) Cứ xem cách họ săn sóc chúng tôi, đủ biết họ có cảm tình với cách mạng thế nào (…) Cả làng (...) trìu mến, săn sóc, bảo vệ, chia ngọt sẻ bùi với chúng tôi, cũng chỉ vì coi chúng tôi là những người cách mạng”.

Người Thổ cũng hết sức nhiệt tình với cách mạng. Tại sao? Chắc chắn không phải vì họ thấy cán bộ Kinh khổ. Do quan hệ với ta vốn từ lỏng lẻo (Thổ) đến không có (“Mán”), bình thường ra dù ta có khổ đến chết cũng không ai rơi nước mắt chứ nói chi chịu rơi đầu. Thiết tưởng cái nguyên nhân thứ nhất của nhiệt tình đây là tình trạng cùng chung số phận điêu đứng bởi giặc Pháp. Có bị giặc làm cho điêu đứng hay không ảnh hưởng rất lớn đến thái độ đối với người chống giặc. Hễ có, thì điển hình sẽ nảy sinh cảm tình dù khác tộc người. Hễ không, thì điển hình dù cùng tộc người sẽ xảy ra mâu thuẫn. Nhờ Pháp làm cho đại đa số người Kinh, người Thổ, người “Mán” điêu đứng mà người Kinh chống Pháp lên núi được đại đa số nhân dân trên ấy đối xử ngoại lệ. Nhưng đó mới là một nguyên nhân.

Gương mẫu, gương mẫu

“Dân chúng (ở núi rừng) rất chú ý nhìn (…) để phán đoán về tinh thần của người miền xuôi (…) Tư cách gương mẫu của chúng tôi khiến mọi người chung quanh rất mến phục (…) Nửa đêm, trong lúc chú giao thông ngủ, tôi lặng lẽ chui ra khỏi chăn, cầm lấy ống tre đi chân không lần từng bước xuống một cái dốc khá trơn để lấy nước ở một cái vũng nước nhỏ, ban ngày cạn vì nhiều người lấy quá. Từ chủ nhiệm, chủ bút, đến giao thông, tiếp tế, chúng tôi ăn ở với nhau thân mật và bình đẳng, hòa thuận hơn anh em ruột (…) Đồng bào ở chung quanh trông vào có lòng yêu”.

Người “Mán”, chứ nói chi người Thổ, không ngây ngô chút nào đâu. Họ quan sát kỹ và đánh giá chính xác. “Tư cách gương mẫu” khi tiếp xúc với họ và quan hệ trong nội bộ tổ chức cũng gương mẫu là nguyên nhân thứ hai khiến đồng bào ở núi rừng dành cho những người cách mạng một cảm tình hết sức đặc biệt.

Cách mạng nhất định hơn

“Ngồi bếp, hút thuốc lào, nói chuyện (...) Các anh kể lại những chuyện Pháp khủng bố ngày xưa (...) Người đi hoạt động khổ một phần, người ở nhà khổ mười phần. Nhưng đến lúc chúng nó đem gia đình các cán bộ tập trung cả vào một chỗ (...) thì các cán bộ không cần gì nữa. Không lo cho gia đình nữa. Càng hoạt động già”.

Người Kinh vì nước quên nhà, lên miền núi hoạt động cách mạng, không lo cho gia đình mình dưới xuôi nữa. Rồi người Kinh thuyết phục người miền núi cũng làm y như mình... Hy sinh lớn, tất nhiên thuyết phục không thể dễ! Tuy họ với ta cùng chung số phận, họ lại quý yêu cán bộ, nhưng vậy chưa đủ. Ta còn phải tạo được trong lòng đông đảo đồng bào dân tộc ít người cái niềm tin rằng theo ta thì đời sống của họ sẽ trở nên tốt đẹp hơn hẳn hiện tại. Niềm tin vào tương lai tươi sáng là nguyên nhân thứ ba của nhiệt tình đối với cách mạng.

Viết cho nhân dân

“Mỗi ngày ngồi cặm cụi viết bài (…) phải cố viết sao cho thật ngắn, thật dễ hiểu, viết xong đưa cho một chú giao liên Thổ đọc trước, hỏi xem có hiểu cả không. Chỗ nào chú không hiểu, viết lại. Chữ nào chú chưa quen thay bằng chữ khác (…) Tôi làm rất chăm chú, rất ham thích cái công việc mà giá bốn năm trước đây người ta bắt tôi làm, tôi có thể điên người lên được (…) Viết được một bài thật ít lời nhưng vẫn đủ ý và đọc lên đàn bà, trẻ con nghe cũng hiểu, tôi cũng thấy sung sướng như viết được một truyện ngắn chính tôi ưng ý (…) Những bài cỏn con của tôi (…) làm cho người đọc hiểu biết hơn, tin tưởng vào chính nghĩa của ta hơn; nó khiến họ cũng thấy hăng hái và gợi cho họ những việc họ có thể làm để giúp ích cho cuộc kháng chiến của toàn dân”.

Để tạo niềm tin vào tương lai tươi sáng, song song với cải cách có thể thực hiện được ngay, cách mạng phải tích cực tuyên truyền. Nhờ nhân dân bây giờ nhiều người biết chữ, tuyên truyền có thể không chỉ bằng lời nói mà cả bằng lời viết. Viết để tuyên truyền là một hình thức nghĩa vụ công dân đặc biệt dành cho các nhà văn. Hễ nhà văn biết nghĩ thì không “điên người” mà lại “thấy sung sướng” mỗi khi làm tốt!

“Mán” hóa quê rồi

“Hôm qua xuống núi, cả làng Mán quyến luyến tiễn đưa. Nhà đồng chí Chẩn cho chanh, đậu nành với trứng gà. Bà ké nhà đồng chí Quân chạy theo, đưa cho một bó rau cải thật to. Ði được một quãng còn thấy thằng con trai đồng chí Minh đuổi theo, gọi ơi ới. Tưởng quên gì. Nhưng không. Nó vừa thở hồng hộc, vừa đưa cho một xâu gừng. Tuy đã (...) nặng chết người (...) phải cầm tất (...) Mọi người dặn: bao giờ được rồi, các đồng chí lên chơi (…) Thỉnh thoảng anh, chị em Mán xuống thăm cho rau cải, nấm hương, hạt bí, sắn, gừng hay thịt gấu. Chúng tôi gọi đùa trên Mán là nhà quê của chúng tôi. Tết đến, Tư và tôi phải (…) “về quê” đi chúc tết cả mọi nhà”.

Mới ngày nào... “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở / Khi ta đi, Mán đã hóa quê rồi!” (“Tiếng hát con tàu”, Chế Lan Viên).

“Bao giờ được rồi...”

“Tối hôm nay, ngồi quây quần chung quanh bếp lửa với gần đủ mặt cả làng, chúng tôi hỏi họ về các đồng chí hoạt động bí mật hồi còn đế quốc. Họ nói đến đồng chí Văn, đồng chí Tống (tức Thủ tướng Phạm Văn Đồng). Họ tả lại mấy trận đánh đồn. Họ hát lại những bài hát cách mạng hồi ấy cho chúng tôi nghe. Chúng tôi nói với họ về miền xuôi, về Hà Nội, những ngày khởi nghĩa, về Trung bộ, Nam bộ, có ý cho họ hiểu nước mình rộng lớn thế nào, nhiều người nhiều của thế nào (...) Câu chuyện mỗi lúc thêm náo nhiệt. Mắt những người Mán ngồi với chúng tôi sáng và nhanh nhẹn hẳn lên. Một cái gì như vừa mới thức dậy trong những tâm hồn rừng núi âm u. Mấy người bảo nhau: khi nào kháng chiến thành công sẽ kiếm tiền may mấy cái áo tốt, về dưới xuôi chơi. Có người hứng chí nói toang toang sẽ cố bắn một con hươu, lấy da may áo để mặc về Hà Nội (…) Có phụ nữ rủ rỉ với Tư: “Kháng chiến thành công, đồng chí giú nảy au mê cần đông, thu mà” (ở đây rồi lấy vợ người Mán mà làm ruộng)”.

Cũng khá lâu rồi, mà những người những việc “hồi còn đế quốc” nhắc lại vẫn thấy say sưa! Nhờ cách mạng, đồng bào ở núi rừng lần đầu tiên biết đến khái niệm “nước mình”. Biết và yêu luôn! “Khi nào kháng chiến thành công”, các anh em nhất định xuống chơi nhé, mặc áo rách cũng không sao. “Bao giờ được rồi, các đồng chí lên chơi”. Phải lên lại chứ, không phải để chơi mà để đền ơn đáp nghĩa cho thật xứng đáng. Lên, rồi biết đâu sẽ chẳng có người miền xuôi “giú nảy au mê cần đông, thu mà”!

Tình riêng ai chẳng

“Lạnh ngay từ chập tối. Chúng tôi đốt một đống lửa to, nhưng về khuya tắt mất. Cái chăn hơi hẹp. Hai thằng nằm co quắp, xương đau mỏi. Thức giấc, nghe gió thổi ào ào. Trăng xiên qua kẽ mái, qua bức phên thưa, lọt vào nhà. Tôi dậy thổi lửa, mũi hít phải tro. Sờ bếp, lạnh. Ðành lại vào màn nằm đắp chăn, nhưng không sao ngủ được (…) Nghĩ đến Liên. Vợ tôi từ trước đến nay chưa bao giờ rời khỏi quê hương. Làng tôi, địch chiếm rồi. Liên đã tay bồng tay dắt, bỏ nhà cửa vườn đất, đưa con nhỏ và một bị quần áo ra đi (…) Những ngày nghèo khổ sống bên nhau. Ngày trở về, gặp nhau... Khao khát được ôm chặt lấy thằng Thiên gầy một cái. Ngoạm cái chân múp míp của thằng Thành đang chúi mặt vào vú mẹ. Vuốt ve mái tóc mềm của con Hồng. Nghĩ đến những lúc ở nhà, mình mắng mỏ con Hồng, thương nó quá... (…) Mưa dữ dội (…) Mưa đến từng đợt như đợt sóng. Ào ào rồi ngớt, rồi lại ào ào, rồi lại ngớt. Nước không gõ trống trên lá nữa. Nước chảy thành thác trên lá rậm. Dòng suối dưới gầm sàn như một cái nhọt vỡ mủ, ăn loang trong đêm tối (…) Lại nhớ đến Liên, nhớ các con”.

Đêm lạnh nhưng không mưa, nằm thương nhớ vợ con. Đêm lạnh và mưa, lại nằm thương nhớ vợ con. Bao nhiêu đêm... Thì người chứ có phải thánh đâu mà chẳng. Mà có sao đâu, vì đây tình riêng đâu có để hại đến việc chung. “Ngày trở về, gặp nhau...”, người tốt lành như thế sao lại không để có, hở ông Trời?... Dĩ nhiên sau cơn binh lửa ác liệt, vô số người xứng đáng khác cũng không có ngày trở về, nhưng tay mình đang giở những trang thơm của một người, thì trong một lúc hãy cứ bâng khuâng xót xa riêng người ấy vậy.

Tấm lòng bằng thép tôi già

“Vẫn mưa (…) Nhưng mỗi lúc ngớt mưa, lại nghe tiếng súng nổ ran. Tiếng súng đã nổ ran suốt ngày hôm qua, mặc dầu mưa. Trong cái đêm mưa tầm tã này, súng vẫn nổ như thường. Súng không biết có giời mưa. Lòng súng không ỉu xịu bao giờ. Ôi súng! Ôi những cây súng thép! Ôi những anh vệ quốc quân! Tôi biết các anh nhiều khi phải nhịn cơm ăn cháo, đứng dưới mưa suốt ngày, suốt đêm mà đánh giặc. Lòng các anh cũng là lòng súng thép. Mưa có bao giờ làm ỉu xịu một tấm lòng bằng thép tôi già (…) Súng vẫn nổ ròn. Tôi lắng tai, cố nghe tiếng súng”.

Làm sao mà khỏi thao thức. Thức thì nghe. Đây là một người nghe không phải thẹn với thứ âm thanh không phải tiếng mưa kia. Bởi người ấy khi công tác “càng thấy phải (…) vất vả, càng vui”, và thấy “ngày nào cũng ngắn, vì mình muốn làm việc nhiều quá”. Đêm nay, âm thanh của những lòng bằng thép tôi già từ góc rừng xa nào vọng đến “cơ quan” này đã qua tai lọt luôn vào và vang thật rộn rã trong một tấm lòng cũng bằng thép tôi già!



Thu Tứ
Tháng 7-2016