“Thắng đẹp như thơ!”




Suốt chiến dịch Biên Giới (1950), Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có mặt ở chỉ huy sở. Trong hồi ký Đường tới Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: “… hôm lên đài quan sát theo dõi trận Đông Khê, Bác đã làm một bài thơ chữ Hán”.

Bài “Đăng sơn” nguyên văn như sau:

“Huề trượng đăng sơn quan trận địa
Vạn trùng sơn ủng vạn trùng vân
Nghĩa binh tráng khí thốn ngưu đẩu
Thệ diệt sài lang xâm lược quân”
.

Nghĩa là:

“Cầm gậy lên núi xem trận địa
Lớp lớp núi đỡ lớp lớp mây
Quân nghĩa khí mạnh nuốt sao Ngưu sao Đẩu
Thề diệt quân xâm lược tham tàn”.

Câu đầu diễn phong thái cương quyết mà điềm tĩnh của người lãnh tụ. Câu thứ hai “vẽ” khí thiêng sông núi. Câu thứ ba hình dung ý chí quyết chiến của quân ta. Câu thứ tư là lời thề quyết thắng của các chiến sĩ.

Bài thơ như báo trước chiến thắng thật huy hoàng!

Chiến dịch Biên Giới thắng lợi to đến nỗi Chủ tịch Mao Trạch Đông bên Trung Quốc cũng gửi thơ chúc mừng, trong đó có hai câu:

“Thanh niên đích Việt Nam quân
Nhất minh kinh nhân”
.(1)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp dịch là:

“Quân đội Việt Nam trẻ tuổi
Cất một tiếng người người kinh sợ”.

*

Thực ra, đến năm 1950 Quân đội Nhân dân Việt Nam mới có 6 tuổi. Ta đã lớn nhanh như thổi, như Thánh Dóng mà hóa “thanh niên”! Thanh niên thôi, trong khi quân đội Pháp là một lão già hết sức từng trải.

Quân ta vừa còn rất ít kinh nghiệm về chiến tranh hiện đại, vừa vẫn thua địch không biết bao nhiêu về cả chất lẫn lượng vũ khí. Chiến dịch Biên Giới tiến hành chính là để thông đường cho ta nhận viện của bạn mà giảm bớt chênh lệch trang bị.

Đã thế, “nhìn chung, ta không có ưu thế về quân số”.

Thế mà nó đại bại! Quân đồn trú Đông Khê, binh đoàn Lơ-pa-giơ, binh đoàn Sạc-tông, và cuối cùng một tiểu đoàn trên đường bỏ Thất Khê, đã lần lượt bị xóa sổ, tổng cộng hơn tám ngàn tên địch bị loại khỏi vòng chiến, cả hai bộ chỉ huy binh đoàn đều bị bắt sống! Một khu biên thùy rộng mênh mông bỗng chốc sạch không còn một mống thù!

Chiến dịch Biên Giới thành công to hơn hẳn dự kiến!

Vốn ta chỉ nhằm giải phóng tỉnh Cao Bằng. Nhưng sau khi quân kháng chiến lấy Đông Khê và đánh tan hai binh đoàn Lơ-pa-giơ và Sạc-tông, thì địch hốt hoảng bỏ Thất Khê, Na Sầm, Đồng Đăng, thị xã Lạng Sơn v.v., rút luôn một mạch ra tận gần bờ biển! Trong hồi ký, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Điều này (tức việc Pháp bỏ Lạng Sơn) nằm ngoài dự kiến của chúng ta (...) Nếu địch không rút (...) Chắc chắn chúng ta lại phải có một chiến dịch nữa để đẩy quân địch ra khỏi đường số 4”. Cái chiến dịch “Biên Giới II” ấy không bao giờ phải mở. Ta đã đánh một mà được đến hai!!!

Bây giờ mọi người đều biết những suy nghĩ của bộ chỉ huy Pháp lúc ấy. Ngay sau “thảm họa ở Cao Bằng”, “Công-x-tăng (chỉ huy Khu Biên thùy Đông Bắc) đề nghị với Các-păng-chi-ê (Tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương) cho toàn bộ lực lượng của Khu (...) rút lui khi còn có thời gian. Bức điện báo cáo của y đã khiến Các-păng-chi-ê nhận xét: “Những tin tức mà chúng ta nhận được (...) thật kinh hoàng” (...) và quyết định cho Công-x-tăng rút”.

Nó đã vắt giò lên cổ, bỏ chạy gấp tới mức gần như nơi nào cũng để lại nguyên vẹn kho tàng!

Vừa tiêu diệt được rất nhiều sinh lực địch, giải phóng được thật nhiều đất, ta lại vừa thu được một lượng chiến lợi phẩm to đến bất ngờ! Theo chính tài liệu của Pháp, khi rút khỏi Lạng Sơn, địch đã để lại “1.500 tấn trang bị, 2.000 tấn quân nhu, 4.000 khẩu tiểu liên, 10.000 viên đạn pháo, 150 tấn thuốc nổ, ước tính đủ trang bị cho tám trung đoàn đối phương”! Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết “Số đạn pháo lấy được ở Lạng Sơn đã rất có ích cho ta sau này”. Sau này là ở Điện Biên Phủ đó. Quân Công-x-tăng bỏ đạn chạy lấy người, nộp hàng vạn viên pháo 105 ly cho ta để dành đợi ngày trút như mưa xuống đầu quân Đờ Cát!

*

Trong chiến dịch Biên Giới, quân ta thế mạnh hơn cả chẻ tre: “cây tre” đường số 4 bị chẻ một nửa, nửa còn lại tự tách!

Nhờ đâu mà được thế?

Trước tiên, nhờ tài của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng đã chọn đúng điểm đột phá mở đầu chiến dịch, là cụm cứ điểm Đông Khê thay vì thị xã Cao Bằng như Tổng quân ủy đề xuất. Và điều binh cực nhanh để trong từng trận phía ta có được ưu thế quân số. Và tận dụng địa hình rừng núi để giảm hiệu quả của phi pháo địch.

Kế đến, nhờ tinh thần của bộ đội. Tinh thần hết sức cao dẫn tới độ cơ động ngoài mọi ước lượng của địch, mặc dù ta chỉ sở hữu duy nhất phương tiện “chân” và đường thì phải phát bụi chặt cây mới có. “Vừa đi vừa ăn, vừa đi vừa ngủ”! “Quân Tiên Phong” hăng đến nỗi khi nghe tin Lơ-pa-giơ tới Khâu Luông, những người yếu mệt đang tạm nghỉ ở những góc rừng xa cũng vùng dậy cầm súng chạy về phía giặc. Chiến đấu dĩ nhiên cực kỳ dũng cảm. Trong trận Đông Khê, anh hùng La Văn Cầu bảo chặt bỏ cánh tay bị thương cho khỏi vướng mà tiếp tục ôm bộc phá lao tới, anh hùng Trần Cừ bị thương nặng còn cố lết tới, nhoài lên lấy thân mình bịt lỗ châu mai v.v.

Thứ ba, nhờ tổ chức hậu cần đặc biệt hiệu quả. Tướng tài, quân hăng, mà thiếu đạn, thiếu gạo, thiếu muối, thì cũng không thể đánh được giặc. Trong Hội nghị Tổng kết Chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biểu dương người phụ trách công tác hậu cần là Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp Trần Đăng Ninh.

Thứ tư, nhờ công tác tuyên truyền vận động quần chúng đã thành công tốt đẹp. Làm công tác hậu cần thiếu phương tiện cơ giới mà không có quần chúng gồng gánh giúp thì chỉ có kế hoạch tiếp tế chứ không có đồ tiếp tế tới tay chiến sĩ! Và sau khi chiến sự bắt đầu mà không có quần chúng giúp tải thương thì tinh thần bộ đội sẽ bị ảnh hưởng. Trong Hội nghị Tổng kết Chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh ca ngợi: “Chưa bao giờ có những đoàn phụ nữ Kinh, Mán, Thổ, Nùng v.v. đi tiếp tế vận tải đông như vậy. Khó nhọc, khổ sở, nguy hiểm, mà vẫn hăng hái, vui vẻ, dũng cảm. Thật là đáng khâm phục”. Hồ Chủ tịch gửi thư khen riêng đồng bào ba tỉnh Cao - Bắc - Lạng. Đồng bào tích cực như thế chính là kết quả của công tác chính trị kiên trì thực hiện trong suốt hàng chục năm trước Đông Khê bởi bao nhiêu cán bộ dân vận, trong đó có nhà văn - liệt sĩ Nam Cao.

Thứ năm, nhờ sự có mặt của người lãnh đạo tối cao. Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể, suốt 52 giờ “dằng dặc” của trận đánh “phải thắng” (tức trận Đông Khê): “Bác ngồi trên đài quan sát (…) tỏ vẻ xúc động khi có tin vui từ mặt trận báo về. Khi trận đánh gặp trắc trở, Người bình thản để cán bộ chỉ huy giải quyết công việc”. Lúc thuận lợi thì lộ cái vui cho mọi người thêm vui. Lúc trắc trở thì giấu cái lo để trấn tĩnh mọi người, chứ không giành làm tướng! Ngồi đó, ung dung, tự tại, vững vàng như núi, như hiện thân của “linh hồn của chiến dịch, linh hồn của chiến thắng”!

Cuối cùng, cũng cần có lời cảm ơn kẻ bại trận. Đại tướng nhận xét: “Chúng chủ quan, quá coi thường lực lượng ta, khi thất bại thì chúng quá hoảng hốt”. Nếu ngay từ đầu, giặc đã biết sợ, tập trung cố thủ các nơi, ép bộ đội luôn phải đánh công kiên là loại hình chiến đấu ta còn rất thiếu kinh nghiệm và không sở hữu hỏa lực cần thiết... Nếu bộ chỉ huy Pháp đã không cho Lơ-pa-giơ và Sạc-tông dẫn quân đi vào rừng để bị Quân Tiên Phong đánh theo lối vận động... Nếu thế, thì phiền phức vô cùng!

*

Đây là lần thứ hai mùa thu núi rừng phía bắc Tổ quốc chứng kiến quân ta đại thắng quân xâm lược. Lần đầu là năm 1427, tại Chi Lăng.

Ở Đông Khê mấy hôm Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi trên đài quan sát, khí thiêng sông núi hòa quyện với tráng khí nghĩa quân thành một vùng dày đặc sát khí. Hẳn ở nơi Liễu Thăng và Lương Minh rơi đầu năm xưa cũng thế. Đất nước có những địa điểm mà vào dịp “đặc biệt”, nói chi sao, tưởng đến trăng rằm cũng phải mờ!

Nhưng “vạn trùng sơn” cụ thể là thế nào?

Năm 1947 Nam Cao trèo lên tận “thế giới bí mật” của người “Mán”, đứng trên đầu non mà ngắm non, rồi tả: “Núi lại núi. Núi kế tiếp nhau, cuốn những đợt sóng (… ) Chỉ có trời với núi”.(2) Năm 1949 Nguyễn Tuân theo bộ đội hành quân dọc đường số 4, ghi: “Núi (…) nhấp nhô như sóng bể cứng sững đông đặc lại”(3); sau 1954 Nguyễn lại đăng sơn, lên “Mỏm Lũng Cú tột bắc”, để ghi nữa: “Ngồi trên núi cao (…) nhìn ra sóng núi tứ bề, cứ thấy nhớ biển”.(4)

Núi mà như sóng biển! Mà có khi ngay bên trên cái “biển” núi đầy sóng ấy, lại là cả một biển mây cũng đầy sóng! Người “đăng sơn” thấy tự nhiên như thể đã dựng sẵn sân khấu chờ đợi quân ta và quân xâm lược diễn một màn “kịch” cực kỳ bạo liệt!

*

Trở lại bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi thử dịch ba lần:

Chống gậy trèo non xem thế quân
Trùng trùng núi sóng đỡ mây giăng
Quân ta khí mạnh mờ tinh tú
Cướp nước phen này lũ giặc tan!

Gậy tay trèo núi xem quân
Trùng trùng non lượn đỡ trùng trùng mây
Khí hăng mờ cả sao trời
Hẳn loài cướp nước phen này tan xương!

Núi cao cứ trèo xem trận
Rừng non dựng dưới bể mây
(5)
Quân nghĩa khí hăng sao nhạt
Tan xương lũ giặc phen này!



Thu Tứ
Viết tháng 7-2016




















________
(1) “Nhất minh kinh nhân” là lời Sở Trang Vương thời Đông Chu.
(2) Trong
Nhật ký ở rừng.
(3) Trong bút ký “Tình chiến dịch”.
(4) Trong bút ký “Mỏm Lũng Cú tột bắc”.
(5) Vì núi nhiều quá, có thể hình dung mỗi ngọn núi là một “cây”, tất cả hợp lại thành một “rừng”.