“Ta xưa so với Tây xưa”




Để thay đổi không khí, sau đây chúng tôi xin trình bày cảm nghĩ của mình dưới dạng một bài phỏng vấn.

Hỏi: Ông cảm nghĩ ra sao về văn hóa Việt Nam truyền thống?

Đáp: Tôi cảm thấy vô cùng tự hào, cùng lúc xiết nỗi ngậm ngùi. Ông cha ta đã xây dựng được một nền văn hóa mà có những phương diện là nhất thế giới! Nhưng nó coi như đã thôi rồi!

Hỏi: Ông có thể giải thích vì sao ông thấy tự hào được chứ?

Đáp: Vâng, tôi xin cố gắng.

Một nền văn hóa có thể được đánh giá bằng kết quả trong ba phạm trù Chân, Thiện, Mỹ, hay Thật, Tốt, Đẹp. Tôi sẽ lần lượt so sánh thành tích của văn hóa Việt Nam truyền thống với thành tích của văn hóa Tây phương truyền thống trong từng phạm trù.

Xin bắt đầu với phạm trù Đẹp.

Văn hóa không phải chỉ có duy nhất một hướng phát triển! Ta có thể cải tạo tự nhiên vừa phải, rồi cảm nhận miên man, mỗi lúc mỗi sâu sắc hơn. Hoặc ta có thể cải tạo tự nhiên vô giới hạn, bỏ hầu hết thì giờ bóp trán nặn óc, suy luận mỗi lúc mỗi lung hơn. Hai hướng phát triển nhất thiết dẫn tới hai kết quả khác nhau. Cảm nhận là khởi đầu của nghệ thuật, còn suy luận thì dẫn tới kỹ thuật. Cộng đồng nào chủ cảm thì sẽ có nghệ thuật cao, còn cộng đồng nào chủ nghĩ thì sẽ có kỹ thuật cao. Bởi không ai có thể vừa chủ nọ vừa chủ kia, không ai có thể xuất sắc về cả nghệ thuật lẫn kỹ thuật. Nghĩa là, Tây hơn ta về kỹ thuật, nhất thiết phải với cái giá là thua ta về nghệ thuật!

Nói đến đây, tôi sực nhớ bây giờ hay thấy người ta khen một bài thơ một bức tranh là tinh xảo! Xảo nghĩa là khéo. Khen máy móc thì mới khen khéo. Nghệ phẩm là do tâm hồn làm ra một cách hồn nhiên, chứ không phải do trí óc tính tính toán toán thiết kế! Khen nghệ phẩm, thì phải khen là tinh tế. Với nghệ phẩm, phải lấy tâm hồn mà cảm cái mức tinh tế, chứ không lấy trí óc mà phân tích cái độ tinh xảo.

Nghệ phẩm là cái gì đó mà ta tạo ra để thể hiện cảm xúc của mình trước thực tại. Nghệ phẩm đích thực cũng hữu cơ, toàn thể như chính thực tại. Ta không khen núi nọ sông kia là tinh xảo, sao ta lại đi khen thơ vịnh núi sông, tranh vẽ núi sông, là tinh xảo?!

Hỏi: Xin ông trình bày nhận định về một số bộ môn nghệ thuật tiêu biểu.

Đáp: Vâng, tôi xin trình bày nhận định của mình về ba ngành, là nghệ thuật tạo hình, âm nhạc và văn học.

Về tạo hình, trong suốt bao nhiêu thế kỷ từ Cổ Hy-lạp cho đến sau khi phát minh ra máy ảnh, khi tạc khi vẽ người Tây phương luôn lấy cái giống làm đầu. Vẫn biết rằng chẳng dễ chút nào, việc tạc tượng một lực sĩ cho chân tay đầu mình tỉ lệ chính xác như thật, cho từng bắp thịt từng sợi gân nổi bật lên, hay việc vẽ tranh một đám đông cho kích thước tương đối của từng người hoàn toàn phù hợp với khoảng cách xa gần. Công phu vô kể thì mới giống, nhưng giống đâu có phải là đẹp! Nói thật, những tượng Cổ Hy-lạp, những tranh Trung cổ và Phục hưng Âu châu, chúng tôi thấy rằng khéo thì thật là khéo, nhưng rằng đẹp thì chỉ đẹp một cách tầm thường. Mãi đến sau khi máy ảnh ra đời, họa sĩ Tây phương mới dứt được ám ảnh hiện thực. Họ bắt đầu vẽ khác. Tranh của họ khá nhanh chóng trở nên đẹp ở một trình độ cao hơn.(1) Điêu khắc thì không bị máy ảnh trực tiếp ảnh hưởng, nhưng đại khái cũng thay đổi theo khi hội họa chuyển biến. Nghĩa là, về tạo hình Tây phương truyền thống, ta phải phân biệt ra thời kỳ dài dằng dặc trước máy ảnh và thời kỳ tương đối rất ngắn sau máy ảnh và trước hiện đại. Chỉ trong thời kỳ thứ hai, mới thấy thành tích thực sự đáng kể.

Lịch sử tạo hình bên Tây đại khái là như thế. Còn bên ta thì như thế nào?

Trước tiên, chúng tôi xin giới hạn nhận định của mình trong khung thời gian từ sau thời Bắc thuộc, vì cho đến nay ta vẫn chưa biết được bao nhiêu về mỹ thuật bản địa trong thời Bắc thuộc, còn mỹ thuật Đông Sơn thì tuy về tinh thần cơ bản có liên hệ với về sau nhưng hiển nhiên thuộc vào một mô hình khác. Với giới hạn như vậy, chúng tôi xin phát biểu:

Về hội họa, tổ tiên ta ít vẽ trên giấy trên vải, mà hay vẽ trên đồ gốm. Tranh trên gốm của ta là biểu hiện của một thẩm mỹ quan rất cao. Đồ gốm Lý - Trần có hoa văn trang trí điển hình đường nét mềm mại, bố cục thưa thoáng, màu sắc đạm nhã, lắm khi chỉ vài nét đơn sơ, một màu men nâu bình dị, mà thật ưa nhìn.

Về điêu khắc, tổ tiên ta nặn rất nhiều đồ gốm, tạc, khắc, chạm, trổ rất nhiều đồ gỗ đồ đá. Gốm cổ ta vừa đẹp về hoa văn như nói trên vừa đẹp dáng; tượng cổ ta trong chùa, đền, lăng, miếu, nhiều pho hiện thực vừa phải tuyệt đẹp; cũng trong chùa, đền, lăng, miếu, có nhiều bức phù điêu mỹ thuật thật là tinh tế, ngay những chạm trổ trên các cánh cửa cũng có nét đẹp riêng rất lôi cuốn; điêu khắc trong các đình làng thì có đặc điểm giản phác, mới nhìn tưởng như vụng về, ngây ngô, nhưng ngắm kỹ thấy nhiều bức sinh động, gợi cảm lạ lùng.

Tạo hình không phải chỉ là hội họa và điêu khắc. Khi xây nhà, may áo váy, quấn khăn v.v. tổ tiên ta cũng đều thể hiện thành công cái thẩm mỹ quan vừa nói. Từ mái đình mái chùa cong vút đến áo tứ thân nâu non nâu già nền nã, váy thâm buông chùng cửa võng rập rờn như sóng, khăn mỏ quạ chít tài tình làm tôn dáng mặt, tất cả đều toát ra vẻ duyên dáng tuyệt vời…(2)

Trong đại khái một nghìn năm, tạo hình Việt Nam không chuyển biến, lúc nào cũng là một lối sáng tạo nhấn mạnh cái đẹp hơn hẳn cái thực, với kết quả là tác phẩm của ta nói chung không khéo bằng nhưng lại đẹp hơn tác phẩm của Tây.

Hỏi: Về âm nhạc, ông so sánh thành tựu của đôi bên như thế nào?

Đáp: Để bắt đầu, chúng tôi xin nêu ra một phân biệt cơ bản giữa khả năng tạo hình và khả năng tạo âm thanh. Trong khi ta có thể cố vẽ tạc cho giống hệt như mắt ta thấy, thì ta nói chung lại không thể mong tái tạo chính xác bằng giọng hát hay bằng nhạc cụ những âm thanh mà tai ta nghe! Cái thực tế bất khả ấy nó buộc âm nhạc phải làm nghệ thuật thuần túy, tức là không xao nhãng vào việc mô phỏng âm thanh mà tập trung hoàn toàn vào việc sáng tạo âm thanh sao cho gợi lên được những cảm xúc trong lòng người.

Người Tây phương tuy cảm ít hơn ta nhiều, nhưng cũng có cảm chứ. Khi sáng tác nhạc, nhờ bị bắt buộc phải làm nghệ thuật thuần túy, họ làm được tốt hơn hẳn khi tạc tượng vẽ tranh. Chúng tôi cho rằng họ đã thành công trong âm nhạc hơn trong tất cả các ngành nghệ thuật khác.

Cổ nhạc Tây phương hay lắm. Tuy vậy, chắc chắn không hay hơn cổ nhạc ta.

Giá trị của một nghệ phẩm là ở cái mức gợi cảm của nó. Cổ nhạc Việt Nam gợi lên được trọn vẹn những cảm xúc rất đỗi tinh tế của con người Việt Nam bao đời sống giữa Quê. Nghe một bài quan họ, ta cảm thấy được tất cả cái nền nã, đằm thắm của một nền văn hóa rất lâu đời. Nghe hát chèo cũng thế. Nghe hát chầu văn, ta mê mẩn với những âm thanh lung linh huyền ảo như từ một cõi xa xăm nào. Nghe một “giọng hò đưa vút lên không (ta) cảm thấy được hết cái buồn man mác của trời dài sông rộng”(3)… Về khí nhạc, nhạc cụ Việt Nam tương đối đơn giản về kỹ thuật nhưng khả năng gợi cảm cao không thua bất cứ thứ nhạc cụ phức tạp nào. Hãy lắng nghe tiếng sáo trúc véo von bay bổng thanh thoát, tiếng nhị réo rắt xé không gian, tiếng nguyệt thánh thót “mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân”(4), tiếng tranh được nhấn nhá tinh tế làm sinh động tuyệt vời. Và dĩ nhiên “rưng rưng”, “thon thả giọt đàn bầu”: “Một dây nũng nịu đủ lời, nửa bầu chứa cả một trời âm giai”!(5)…

Hỏi: Thế còn về văn học ông nhận định ra sao?

Đáp: Trước tiên, chúng tôi xin nêu rằng nếu tính chung cả ta và Tây, thì đa số tác phẩm văn học không thuộc vào phạm trù Đẹp. Chỉ một thiểu số tác phẩm có giá trị văn chương mới thuộc vào phạm trù Đẹp.

Thế nào là lời có giá trị văn chương? Đại khái, ấy là thứ lời có khả năng gợi lên được một nội dung gì đó mà không lời nào có thể tả ra được. Ví dụ: “Buồn trông cửa bể chiều hôm / Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa / Buồn trông ngọn nước mới sa / Hoa trôi man mác biết là về đâu”, hay “Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách / Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu”. Trong cả hai ví dụ, nghĩa thì đơn giản, chỉ có thế, nhưng cái câu chữ như thế nó gợi lên được tâm trạng của Thúy Kiều nơi lầu Ngưng Bích, của quan Tư mã Giang Châu đêm khuya ra sông tiễn bạn... Cái phần nghĩa trong lời văn chương nó thậm chí không tuyệt đối cần thiết đâu, chẳng hạn nhiều câu thơ của Hoàng Cầm tuy nghĩa khá mơ hồ nhưng vẫn rất gợi. Nghĩa là, lời mà văn chương thì đôi khi có thể khiến cho nội dung đến thẳng với ta mà không thông qua nghĩa chính xác.

Tác phẩm văn học có giá trị văn chương điển hình là thơ. Nhưng có rất nhiều thơ không có giá trị văn chương gì cả, chẳng hạn những bài vè. Và ngược lại, tuy hiếm nhưng vẫn có văn xuôi có giá trị văn chương, chẳng hạn văn Nguyễn Tuân.

Về văn chương, thành tích ta xưa so với Tây xưa thế nào?

Ta ăn đứt Tây. Ấy thứ nhất là nhờ tiếng Việt có đặc tính toàn thể, trong khi tiếng Tây có đặc tính biệt lập (chuyện này chúng tôi đã bàn trong sách Cảm nghĩ miên man, quyển I). Tiếng toàn thể thì lời mới có thể gợi, chứ tiếng biệt lập thì lời điển hình trơ như máy! Lý do thứ hai khiến ta hơn Tây là, các cụ ta coi như chỉ làm thơ, là thứ văn thể đặc biệt khuyến khích sáng tạo ra những lời gợi. Người Tây phương xưa cũng có làm thơ, nhưng thơ của họ rất kém về khả năng gợi. Họ viết vô số văn xuôi, nhưng thơ Tây còn kém giá trị văn chương thì văn xuôi Tây mong gì.


Xin nhấn mạnh văn chương chỉ là một phần của văn học. Trong phần còn lại của văn học - cái phần không thuộc vào phạm trù Đẹp -, thì ta lại thua đứt Tây.

Hỏi: Bước qua phạm trù Thật, ông so sánh thành tích của ta và của Tây ra sao?

Đáp: Một số người cho rằng dân tộc Việt Nam không có triết lý. Trong sách Cảm nghĩ miên man (quyển I), chúng tôi đề xuất triết Đông xuất phát không phải từ chủng Hoa mà từ chủng Việt. Cốt lõi của nó, mà các thánh nhân xưa đã trực giác ra, là: “Tất cả là một. Một là tất cả”. Nếu ứng dụng nhận thức cơ bản ấy vào đời sống, thì ta nên tập trung vào cái mắt thấy hơn là lao đi tìm tất cả những cái mắt chưa thấy. Suốt từ nghìn xưa, dân tộc Việt Nam đã một cách hoàn toàn hồn nhiên sống đúng như thế, sống theo cái triết của chủng tộc mình.

Về triết Tây, trước tiên chúng tôi xin nêu rằng tuy bề ngoài sinh hoạt ở Tây phương nay rất khác xưa, nhưng thực ra thì vẫn theo cùng chính xác một tinh thần như xưa, cho nên khi đưa ra nhận định chúng tôi sẽ nói luôn qua thời hiện đại.

Cốt lõi của triết Tây là có một Đấng hay Cái gì đó Tối Cao. Trong một thời gian dài, Tối Cao là Thượng Đế. Sau khi khoa học ra đời, Tối Cao dần dần biến thành bộ luật tự nhiên “cuối cùng”. Hệ quả của niềm tin có Tối Cao là xu hướng hành trình để gặp cho được. Trước, là từng linh hồn trong một đời hành trình lên nước Chúa. Nay, là tất cả mọi người, hết thế hệ này sang thế hệ khác, hành trình khám phá vũ trụ.

Từ quan điểm triết Đông, cuộc hành trình bất tận của Tây phương mang đầy tính tuyệt vọng. Bởi cái nghĩa lý của thực tại nó nằm trong mọi vật và từng vật. Biết nhìn thì ngắm một vật cũng thấy. Còn không biết nhìn, thì có ngắm đủ “vạn vật” cũng không thấy! Ta cũng có thể hình dung nghĩa lý thực tại như một mùi hương mà bất cứ vật nào cũng đều có tỏa. Hễ mũi thính thì ngửi một vật đã thấy thơm, còn mũi điếc thì bay khắp vũ trụ ngửi đến mòn mũi sẽ vẫn không thấy mùi gì cả! Điều nên làm là luyện mũi chứ không phải là chế tạo phi thuyền.

Dĩ nhiên triết lý là một chuyện, còn thực tế là chuyện khác. Hiện nay, để sống còn ta buộc phải bay theo Tây.

Hỏi: Cuối cùng, trong phạm trù Tốt, ông so sánh truyền thống Việt Nam với truyền thống Tây phương như thế nào?

Đáp: Tôi xin đáp thật vắn tắt, rồi xin có lời tổng kết toàn bài luôn.

Xã hội Việt Nam truyền thống có thành tích gì ư? Hãy nhớ quan hệ gia đình gia tộc trước kia là như thế nào, tình làng nghĩa xóm như thế nào. Hãy nhớ là xưa kia con người Việt Nam hết sức lành mạnh, trong xã hội không hề có những hiện tượng bạo động bệnh hoạn. Và cũng xin chớ quên rằng không biết bao nhiêu gương hy sinh cao cả giúp dân tộc lập được thành tích chống ngoại xâm có một không hai trên thế giới là chính đã đúc nên trong cái khuôn văn hóa truyền thống!

Về xã hội Tây phương truyền thống, tôi xin dẫn lời Đào Duy Anh viết năm 1938 trong Việt Nam văn hóa sử cương: “từ trong gia tộc ra ngoài xã hội việc gì cũng lấy pháp trị làm chủ, là thói khắc bạc phi nhân tình”. Và tôi xin nhắc rằng ở bên Tây, bạo động bệnh hoạn đã xuất hiện từ rất lâu, chứ không phải đến bây giờ mới có. Về số lượng những anh hùng, mà ta quan niệm là người hành động dũng cảm vì dân vì nước, thì tôi chắc chắn ở bên Tây không có nhiều bằng ở Việt Nam. Người Tây phương rất ưa trầm trồ hero (tiếng Anh), nhưng đó là một quan niệm lỏng lẻo hơn nhiều, bởi cơ bản cứ hễ xuất chúng thì được xem là hero, không nhất thiết phải có động cơ vị tha.

À, có lẽ cũng cần nhắc đến tôn giáo. Chúa dạy bác ái, thì Phật dạy từ bi, có kém tốt chút nào đâu. Mà đấy là mới là so lý thuyết. So đến thực hành, thì ở Tây phương từ ngày Chúa giáng sinh đã xẩy ra không biết bao nhiêu lần máu sông xương núi vì tôn giáo, trong khi ở ta Phật, Đạo, Nho và tín ngưỡng dân gian đã cùng tồn tại hoàn toàn hòa thuận trong suốt bao nhiêu đời, chỉ đến khi người Tây phương qua truyền đạo Chúa là tôn giáo đòi độc tôn thì mới lần đầu tiên nẩy sinh bạo động vì tôn giáo, nhưng hết sức hạn chế so với bên Tây.

Thiết tưởng so thành tích về Tốt, ta xưa hơn hẳn Tây xưa chứ!

Tóm lại, văn hóa Việt Nam truyền thống về Thật thì chứa triết lý cao thâm, về Tốt thì tạo được hòa khí từ trong gia đình ra ngoài xã hội, giữ được cá nhân lành mạnh, đúc nên rất nhiều cá nhân cao cả, còn về Đẹp thì giúp ra đời vô số nghệ phẩm giá trị.

Do “cuộc bể dâu chưa từng”(6), văn hóa truyền thống không thể tiếp tục. Ta phải xây dựng một văn hóa Việt Nam mới. Nhưng ta phải xây cái mới với niềm tự hào về cái cũ, vì chỉ như thế thì mới khỏi xẩy ra chuyện đi bắt chước người một cách nô lệ, mới mong xây được văn hóa mới thực sự có bản sắc chứ không phải chỉ là một bản sao của văn hóa đâu đâu!



Thu Tứ
Viết tháng 9-2016
Sửa tháng 5-2017




















________
(1) “Đầu năm 1839, sau khi dự cuộc thông báo về thành công của máy ảnh tại Viện Hàn lâm Khoa học Pháp, họa sĩ cung đình Horace Vernet đã thất vọng kêu lên: “Thế là hết. Hội họa chết rồi!”. Khi đó, hội họa (Tây phương) đang ở trình độ tả thực, lấy cái giống làm đầu. Và, sự ra đời của máy ảnh đã buộc hội họa phải tìm con đường khác” (Thái Bá Vân,
Tiếp xúc với nghệ thuật, Viện Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội, 1997).
(2) Cái góc mái cong vút là đặc điểm của kiến trúc Việt tộc, thấy nhiều ở Hoa Nam. Có người nhầm tưởng đây là đặc điểm Hoa tộc. Thực ra, kiến trúc truyền thống của Hoa tộc có góc mái tuyệt đối thẳng.
(3) Nguyễn Hiến Lê,
Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười.
(4) Lời Xuân Diệu năm 1978, in trong
Các nhà văn nói về văn, nxb. Tác Phẩm Mới, 1985.
(5) Thơ Văn Tiến Lê dẫn theo
Hồi ký Trần Văn Khê.
(6) Tên một bài viết trong
Cảm nghĩ miên man (2015, TT).