“Thơm mãi nghìn năm”




Lên xe lửa ở ga Đồng Hới, xuống ở ga Hương Phố (Hà Tĩnh). Ngồi quán nước ngoài ga ăn kẹo cu đơ uống nước chè xanh. Kẹo còn bán nhiều, nhưng nước chè xanh bây giờ ít thấy, nên gặp đây… Đằng kia, chiếc xe buýt đi thị trấn Khe Giao đậu sát vệ đường như đang chờ đợi. Thôi đi kẻo nó đợi lâu, chạy mất! Xuống Khe Giao lại vào hàng nước, ngay ngã ba. Bên kia đường là sườn đồi phủ một rừng thông cao vút, những ngọn cây non mởn sáng rực lên dưới nắng trưa. Cách hàng nước dăm mét có tấm bảng vẽ Ngã ba Đồng Lộc đi thẳng, thành phố Hà Tĩnh thì rẽ phải. “Đây đi Đồng Lộc, chỉ có xe thồ thôi anh ạ”, chị chủ hàng nước bảo thế. Ờ, cái phương tiện này vẫn là cơ bản nhất. Ngồi sau lưng chị, xe chạy phăng phăng, gió thổi mạnh có làm dịu bớt gay gắt của nắng hè. Cái nắng rực rỡ sao. Nhiều đám mây trắng to đang trôi rất chậm.

“Trời mô xanh bằng trời Can Lộc
Nước mô xanh bằng dòng nước sông La
Ai về Hà Tĩnh mà quê ta…”
.(1)

*

“Khăn thêu những dấu tay gầy
Thành mây Đồng Lộc bay bay trắng trời…”
(2)

Đến rồi đây. Đi trong thơ văn nhạc lâu lắm, giờ mới tới thực địa. Nhìn qua cảnh lớn, nhớ ngay tác phẩm viết rất công phu và thật cảm động của Nghiêm Văn Tân.(3) Cuối quyển truyện ký viết xong năm 2004, tác giả kể đã mơ thấy mình về thăm Đồng Lộc vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày mất của các nữ liệt sĩ. Giấc mơ thật đẹp, với những tượng đài, kiến trúc hoành tráng, không khí hành lễ đặc biệt long trọng… Khi trở về thực tại, nhà văn “ứa nước mắt, thầm tự đặt câu hỏi: - Đây chỉ là một giấc mơ hão huyền, hay một giấc mơ thiêng?”. Còn gần hai năm nữa mới đến cái ngày lễ ấy, nhưng trưa nay đứng đây, dám xin thưa rằng: “Cơ bản là thiêng đấy, nhà văn ạ”.

Khu tưởng niệm rộng mênh mông bát ngát, đồi núi hai bên, đất bằng ở giữa. Trên cái diện tích đại khái hình tam giác này là cả một quần thể tượng đài và kiến trúc và nơi triển lãm di vật ngoài trời: nào cột biểu tượng lưu niệm của ngành Giao thông Vận tải, nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Thanh niên Xung phong toàn quốc, nào khu mộ mười nữ liệt sĩ, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ngành GTVT, nào tượng đài Chiến thắng, cụm tượng mười nữ liệt sĩ đang thi hành nhiệm vụ, nào nhà trưng bày truyền thống TNXP toàn quốc, phòng trưng bày truyền thống Ngã ba Đồng Lộc (gọi chung là Bảo tàng Đồng Lộc), nào nơi trưng bày xác máy bay địch, pháo phòng không của ta, xe tải, xe ủi đất v.v. Dưới chân các tượng đài, có nhiều bức phù điêu, cả đài và phù điêu ngoài hình ảnh người rất linh động còn tạc khắc cả khói lửa và mây. Trên đỉnh núi Mũi Mác sừng sững một tháp chuông bảy tầng, cao 37 mét, với quả chuông nặng 5,7 tấn. Và việc xây dựng vẫn chưa xong: gần đỉnh một ngọn đồi thấy có công trình còn dang dở. Cây cối thì tuy nói chung chưa lớn lắm, nhưng dưới chân núi Trọ Voi gần nhà bia cũng đã xanh thật mát mắt, có đoạn cây hai bên giao cành che rợp cả mặt đường. Đây đó phấp phới những lá quốc kỳ đỏ tươi...

*

Tại sao Ngã ba Đồng Lộc trở thành “thánh địa” của thanh niên xung phong?

“Sau Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân (1968) nhu cầu tăng viện cho chiến trường Miền Nam (…) trở nên cấp thiết (…) Tuyến đường quốc lộ 1A đi qua địa bàn Hà Tĩnh bị bom đạn Mỹ phá hỏng hoàn toàn (…) bắt buộc phải chuyển hướng qua con đường 15A (…) chạy qua Ngã ba Đồng Lộc (…) Địch lại tập trung đánh phá ác liệt khu vực này (…) Chỉ tính riêng từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1968 chúng đã đánh trên 2.000 trận, thả xuống 50.000 quả bom các loại, chưa kể bắn rốc-két và đại liên. Bình quân mỗi tháng địch đánh 28 ngày, ngày đánh nhiều nhất là 103 lần với trên 800 quả bom (…) Đất đá bị cày đi xới lại, sạch hẳn bóng cây ngọn cỏ”.(4)

Địch đánh ác thế, chắc đã thắng to, ta lại phải tìm đường khác cho xe đi chứ gì? Dĩ nhiên lịch sử là ngược lại. Để đối phó với “giặc trời”, ở đoạn đường này ta bố trí cả một trung đoàn pháo phòng không và huy động có lúc đến 16.000 thanh niên xung phong. Hố bom đào đâu lấp đấy, những con chim sắt lao xuống nhiều con không bao giờ lên, cứ thế, những dòng xe chở viện cho Miền Nam không bao giờ ngừng chảy qua Đồng Lộc. Tất nhiên cái giá chiến thắng không lực hết sức ghê gớm của một siêu cường không thể rẻ: nơi đây, cùng với khoảng 400 chiến sĩ của trung đoàn pháo 210 (sư đoàn 367) hy sinh hoặc bị thương nặng, “hàng ngàn thanh niên xung phong đã gửi lại tuổi thanh xuân tươi đẹp”.

*

Mất “hàng ngàn” sau hơn 2.000 trận bom, tức bình quân cứ hai trận ta mất một thanh niên xung phong. Tổn thất điển hình là lẻ tẻ, cộng lại nên to. Hy sinh đến mười người một lúc, mà lại toàn nữ, thì cho đến thời điểm ấy chỉ mới xảy ra có đúng một lần.

Thiệt hại sinh mệnh do bom đại khái có ba lối. Hoặc là bị “đánh đáo”, tức bị bom rơi xuống chính xác vị trí của mình. Hoặc là bị mảnh bom bay trúng. Hoặc là bị đất do bom đào bay lên rơi xuống, vùi. Chuyện xảy ra ngày 24-7-1968 là trường hợp thứ ba. Lúc nó đánh, mười chị em của A4 kịp nhảy xuống một cái hầm, nhưng hầm ngay sau đó bị đất rơi lấp mất cửa. Loạt bom ác liệt làm xáo trộn cả địa hình, nên khi mọi người đổ xô đi tìm A4 không thấy mẩu thịt xương nào, biết là không phải đã bị đánh đáo, nhưng không nhận ra được vị trí của các hầm để tập trung đào cứu. Cứ đào lung tung mãi mới tình cờ gặp: “Trần Triện lật nhát cuốc đầu tiên tìm thấy cửa hầm. Mấy hòn đất sụt xuống. Một mái tóc đen hiện ra (…) Chân tay Tần còn mềm nhưng tim đã ngừng đập, mặt tím ngắt (...) Minh Châu cắn răng, xốc nách tiếp đồng chí thứ hai đang cúi đầu sát vách hầm. Châu thấy chiếc phong bì màu hồng cài trên mái tóc còn nguyên (...) Xuân ơi! Xuân ơi! (...) Châu nâng cằm Xuân lên. Hai dòng máu nhỏ trong mũi Xuân từ từ ứa ra. Đôi mắt Xuân vẫn mở, nhưng đờ dại”.(NVT) Cứ thế, lần lượt... Tưởng tượng sau ánh chớp và tiếng nổ, trời đất vụt tối đen. Mình còn sống đây, nguyên vẹn, nhưng ở trong một cái huyệt đã lấp!

Để ý liệt sĩ Võ Thị Tần ngay giữa lúc sinh tử vẫn giữ đúng cương vị thủ trưởng, xuống hầm sau tất cả các đồng đội của mình. Không phải là chị không biết sợ đâu! Nhiếp ảnh gia Hoàng Văn Sắc, người đã ngẫu nhiên chụp bức ảnh A4 đang làm việc chỉ 20 ngày trước cái ngày định mệnh, kể: “Tôi hỏi chị Tần: - Làm việc nơi này có sợ không? - Sợ chứ. Ai đi qua nơi cửa tử này cũng phải chạy, không dám đi thong thả. Địch có thể đến bất cứ lúc nào...”. HVS còn thuật lại lời của đại đội trưởng 552 về A4: “Tuy sợ nhưng các cô luôn có trách nhiệm với công việc. Nhiều hôm vào lúc nửa đêm, địch đánh ác liệt, để giúp xe cộ qua các cô mặc áo trắng ra đứng xếp hàng làm dấu hiệu chỉ đường”.(6) Biết sợ mà vẫn làm nhiệm vụ hết sức nghiêm túc, cái làm ấy mới càng đáng quý.

Cũng không phải là các chị không có gì để thiết tha trong đời sống riêng nên liều mình thế! Đây lại chút ít về liệt sĩ Võ Thị Tần: “Nguyễn Đình Hồng (chồng chưa cưới của chị Tần) vào bộ đội. Cuộc chia tay diễn ra bên ngọn đèn dầu trong gian bếp nhà Tần (…) - Anh đi, khi mô hoàn thành nhiệm vụ về thì ta mần lễ cưới (…) Tần tiễn Hồng ra sân, dúi vào tay anh một hộp giấy cỡ hộp diêm, màu đỏ, xinh xắn. Trong hộp là tấm ảnh chân dung của Tần và một lọn tóc mềm, đen nhánh (…) Hồng đi được hai tháng thì Tần gia nhập Thanh niên Xung phong”.(5) Cái hộp đỏ xinh ấy đã theo chiến sĩ Hồng bao lần xông pha vào khói lửa mịt mù, và khi chiến tranh kết thúc đã theo anh về quê, để được đặt lên bàn thờ khói hương nghi ngút của người vợ không bao giờ cưới!

Nếu đếm lạnh lùng, mười xác chết có là gì đâu. Nhưng nếu biết nghĩ rằng đó là những cô gái còn rất trẻ, chịu đựng gian khổ không biết bao nhiêu mà vẫn rất hồn nhiên, trong sáng, tích cực, vừa ấp ủ trong lòng ước mơ hạnh phúc lứa đôi, lại vừa thiết tha với lý tưởng vì nước vì dân, sẵn sàng hy sinh vô bờ bến, thì hình ảnh mười cái thi thể tím ngắt lấm lem bụi đất giữa ngổn ngang nón lá áo mưa cuốc xẻng cáng tải thương hộp thuốc cấp cứu kia, sao khỏi làm cho tâm tư chấn động.

Nghiêm Văn Tân kể, đêm hôm ấy: “Đơn vị báo tin là hết cả quan tài rồi, xin phép lãnh đạo cho được bó các thi hài bằng ni-lông để chôn cất như ở ngoài mặt trận. Anh Nguyễn Xuân Linh lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, nói như gào lên: “Không thể được! Phải làm lễ an táng cho trọng thể. Phải đợi áo quan về, khâm liệm cẩn thận đã” (…) Nói xong, anh Linh quay lưng lại, vai rung lên, lấy khăn thấm nước mắt…”.

*

Hình ảnh người đi gây xúc động mãnh liệt. Hình ảnh người thay người đi cũng gây xúc động thật là sâu sắc.

A4 thiếu mười người, nhưng A4 lại ngay lập tức đủ quân số, và A4 lại ra làm việc ở Ngã Ba y như ngay trước khi xảy ra mất mát. Chẳng bao lâu, tiếng súng lệnh thông xe lại nghe nổ vang trên đường qua Đồng Lộc. Cách đường xe chạy không xa: “Lễ hạ huyệt (...) Mọi người chỉ còn chờ A4 mới đi làm về. A4 mới đã về. Các cô đi theo hàng một, mỗi người vác hai ba thứ dụng cụ (...) để dụng cụ mũ nón ở bên ngoài, rồi xếp hàng một đi vào. Mười sáu cô gái trẻ, mặt trang nghiêm đầy xúc động (...) cố nén những giọt nước mắt (...) dàn thành hàng ngang thẳng tắp, mặt hướng về phía những người vừa nằm xuống”.(NVT)

Nhớ bài thơ “Giao ban” của Huy Cận. “Năm 1967 Mỹ liên tục đánh phá cầu Hàm Rồng (…) Tháng 9 tôi vào Thanh (…) Bom đánh sập mấy hầm liền, hơn 30 đồng chí (...) hy sinh (...) Đồng chí bí thư có một sáng kiến rất xúc động (...) Trước thi hài những người đã mất (...) phân công những ai phải làm việc thay (...) Ðào suốt hai ngày đêm / Mới đủ xác anh em / Dẫu chết rồi cũng phải cho đủ mặt / Ðồng chí bí thư giao ban trong nước mắt, phân công thay những người đã mất / Ai làm thêm phần việc của ai / Nuốt nước mắt, cuộc chiến đấu ngày mai còn tiếp tục / Ở đâu cái chết ghê rợn / Ở đâu người chết vụt biến hư vô / Ở đây cái chết có cuộc đời ở cạnh / Một cuộc giao ban bi thiết biết chừng mô”.(7)

Trên đất nước này, mọi mất mát đều biến thành sức mạnh tinh thần. Ở Đồng Lộc trong những ngày sau đó, khắp nơi nhan nhản “những khẩu hiệu bướm dán trên mũ, nón, thành xe, trên lá chắn thép của mỗi khẩu pháo”, với lời ghi hai dòng chữ đậm: “QUYẾT ĐÁNH VÀ QUYẾT THẮNG - TRẢ THÙ CHO A VÕ THỊ TẦN”.(NVT)

Người sống tiếp tục chiến đấu kiên cường, và cả người chết cũng vẫn tận tụy thi hành nhiệm vụ! Lại Huy Cận, khi viếng Hà Tĩnh năm 1971: “... Ngã ba Đồng Lộc làm bằng xương máu / Khi con về quê con nhớ viếng thăm / Mộ người cô kề bên đường đỏ / Các cô như còn đứng đó / Chờ lấp hố bom / (...) thông xe các cô mới đi nằm”.(8)

Chỉ ít lâu nữa, các anh linh sẽ thôi phải lo lắng cho đường mà yên giấc nghìn thu. Nhưng hễ là liệt sĩ thì “nằm” mà không “khuất”: “Nước chúng ta / Nước những người chưa bao giờ khuất / Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất / Những buổi ngày xưa vọng nói về…” (“Đất nước”, Nguyễn Đình Thi).

*

Tha thẩn dưới nắng lâu làm ly nước mía uống trong căn-tin gần nhà bia ấy ngon quá. Cũng muộn rồi, ra ngã ba chờ xe buýt về thành phố Hà Tĩnh là vừa. Ngồi nhờ cái ghế thừa bên một bàn bán hương và hoa gần trạm xe, thấy có mấy bọc sim, bèn hỏi mua. Lần trước mình ăn sim, bao giờ nhỉ? Sim là các chị thích lắm đây. Ngày ấy, ngay ngã ba thì tan nát chứ trên các đồi xung quanh hẳn cây cối vẫn mọc đầy, đến mùa tha hồ ăn sim, sim nhiều đến tận bây giờ vẫn còn cơ mà. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng nếu còn sống thì các chị cũng mới xấp xỉ bảy mươi chứ mấy... Lẩn thẩn sim, rồi bỗng nhớ: “Xung quanh phần mộ tập thể mới là những bụi mua đang nở đầy hoa tím. Những cánh hoa về chiều tím sẫm lại. Một vài chiếc nụ vừa hé. Đàng sau (…) mấy khóm hoa chạc chìu điểm nhiều bông trắng rung rinh, đang nhè nhẹ dâng hương…”.(NVT) Chiều nay ở Ngã Ba, không ngửi thấy mùi hoa chạc chìu. Nhưng hương của hoa lúc có lúc không, chứ cả khu vực này bất cứ lúc nào cũng tỏa đầy hương của hy sinh cao cả. Thứ mùi hương thơm mãi nghìn năm!


Viết tháng 9-2016















__________
(1) Lời ca khúc “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” của Nguyễn Văn Tý.
(2) Mai Văn Phấn, “Mười nén nhang ở ngã ba Đồng Lộc”.
(3) Nghiêm Văn Tân,
Mười cô gái ngã ba Đồng Lộc, trang quansuvn.net.
(4) Trang
hatinh.gov.vn.
(5) Đức Ban và Trần Huy Quang,
Chuyện mười cô gái Đồng Lộc, nxb. Hội Nhà Văn, 2013.
(6) Trang
cand.com.vn.
(7) Huy Cận,
Hồi ký song đôi, tập II.
(8) Huy Cận, “Ngã ba Đồng Lộc”.