“Lê Thị Mây - Dịu dàng, uy nghi”




“Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” là truyền thống Việt Nam. Nhưng do trời sinh nữ “yếu” hơn nam nên phụ nữ ta điển hình nhường việc giết giặc cho phái nam, mà “đánh” theo lối khác. Ở lại hậu phương thì tích cực tham gia sản xuất, công tác hậu cần, còn ra đi theo bộ đội thì làm đường làm ngầm, đứng chỉ đường, lấp hố bom, đánh dấu bom, phá bom... Bom nổ liền, bom nổ chậm, rốc-két, đạn đại liên, ở gần đường cái chết lúc nào cũng lởn vởn. Tại Ngã ba Đồng Lộc, “hàng ngàn thanh niên xung phong đã gửi lại tuổi thanh xuân tươi đẹp”, có ngày mười nữ thanh niên đồng loạt trở thành liệt sĩ. Ra đi là dễ dàng gặp đe dọa sinh tử. Ra đi là chắc chắn gặp chất chồng thử thách cả về vật chất lẫn tinh thần. Tưởng tượng bao nhiêu cô gái rất trẻ quanh năm suốt tháng thui thủi giữa rừng xanh xa mẹ xa em và xa cách hẳn cái môi trường thuận tiện cho phát triển ước mơ đôi lứa!

Câu chuyện của những nữ thanh niên xung phong đã được kể bằng rất nhiều thơ văn giá trị. Riêng về thơ, thiết tưởng thi phẩm Lửa mùa hong áo của Lê Thị Mây đáng xem là tiêu biểu nhất. Bài thơ dài (17 khúc, tổng cộng 75 đoạn) này không hẳn là anh hùng ca, vì anh hùng ca chủ yếu phản ánh những thành tích đấu tranh. Đây thơ chứa cả con người trong đấu tranh cực kỳ ác liệt lẫn con người trong sinh hoạt bình thường với tất cả những tình cảm điển hình. Qua vô số câu thơ đoạn thơ đặc biệt gợi cảm, người đọc được đến sát bên những cô gái Việt Nam vừa vượt qua mọi thử thách dũng cảm làm nhiệm vụ thiêng liêng, vừa phát huy hết sức tốt đẹp truyền thống chị em của văn hóa dân tộc, lại vừa ấp ủ những giấc mơ lãng mạn cách thiết tha đến không ai khỏi động lòng. Những người phụ nữ trẻ ấy của dân tộc ta, họ thật đáng khâm phục, họ dịu dàng dễ yêu vô cùng, nhưng cùng lúc họ lại có thể uy nghi như những cô tướng tận thuở Hai Bà!

Lửa mùa hong áo có chứa cả những vần đầy xúc động về người lính mà vào dịp khác chúng tôi sẽ xin nhắc đến, trong bài này xin tập trung vào người nữ thanh niên xung phong. Sau đây là một phác họa chân dung, như được thấy qua “trường ca”. Các tiểu đề đều là tạm đặt.

Lên đường

“Giặc đến nhà gái trai đều ra trận
Em theo anh nối bước dặm Trường Sơn”


Nghe “tiếng núi sông thăm thẳm rầm rì”, “ai không nao nức”, cứ gì phải là nam thanh niên. Này chị em ơi, “cởi khăn quàng, (đội) mũ tai bèo (thắt) bím đuôi sam”, ta cùng nhau tiến về phía “con đường”!

Tưởng tượng “liền chị liền em san sát (…) qua sông áo điệp điệp rừng”. Tưởng tượng một sư đoàn “toàn con gái” mặc áo xẻ tà, vừa đi vừa hát: “Ðỉnh Ba Rền giọng hò xứ Thanh vang dội”.

Cứ thế, bất chấp tổn thất xảy ra rất sớm, ngày ngày đêm đêm bền bỉ “tiếng hát át tiếng bom cõng đường băng đèo Mụ Giạ / (Qua) Cua Cổng Trời gấp khuỷu / (...) / Chân nối chân bước gấp phía Trường Sơn”...

Mức độ khó khăn ác liệt chưa từng có của cuộc kháng chiến 30 năm giành lại độc lập và thống nhất xứ sở đã làm một truyền thống Việt Nam độc đáo phát huy vô cùng rực rỡ!

Ngoái lại

Chân bước tới, mặt hướng thẳng về phía trước, nhưng trên lưng áo “chiếc ba-lô mảnh vá (còn) mang ánh nhìn mắt mẹ rưng rưng”, nên lòng người mới lên đường “ngoái lại với sông làng”, cái con “sông quê ơi xanh quá đỗi dịu dàng, tưởng có thể búi lên mượt mà xanh hồn tóc”.

Làng nào đây gần biển nên có “cát lùa gót sóng”, “cỏ lông chông gió thổi cuối chân trời”“xao xác nhớ xao xác vàng cát mặn”

Tất nhiên trong những thứ làm lòng ngoái lại có mơ ước lứa đôi. Giặc làm mơ ước bỗng hóa xa vời quá. Nhưng “mắt liếc lá răm (cứ) hẹn hãy còn xuân”

Thường người đi về phía khói lửa, mỗi khi ngoái lại là thấy yên bình tương đối. Nhưng nếu đi từ Quảng Trị thì khi ngoái lại cũng thấy khói lửa tơi bời y như khi nhìn về phía trước. “Hậu phương” đây: “… pháo bầy, tọa độ / Thủy lôi, từ trường, bến bờ bom khoan rỗ / Hầm cột hầm kèo núng cát ngổn ngang…”. “Phong cảnh” y hệt tiền tuyến, nhưng thêm: “Những tã lót nôi tre tàn tro đen nhẻm / Tiếng trẻ khóc nín trong cát âm âm”

“Em áo lính” ngoái lại nữa đi. Để chân thêm cứng trên đường “cùng anh áo lính”. Em ngoái lại, rồi em tưởng tượng anh cũng ngoái lại. Anh thấy làng y như em thấy, rồi thấy “em đi sau nối bước mỗi ngày (…) thương nhớ đuổi theo anh”

“Bàn chân ướm bàn chân bàng hoàng trang giấy”
, có biết cho chăng hỡi “binh đoàn con trai trước mặt”?

Nhập “dòng sông xanh”

“Sông xanh vào sắc áo tân binh”. Nước chảy nên sông, mà lính “chảy” cũng nên “sông”!

Sông lính gặp cản trở đủ loại chập chồng và dĩ nhiên biết bao lần từng đoạn của cái “dòng xanh” độc đáo đã bất ngờ hóa đỏ.

Nhưng bất chấp bao “giọt nước” vĩnh viễn nằm lại bên bờ, sông này nhất định chỉ cạn khi “khúc ruột mẹ nghèo” không còn bị cắt chia. “Thác dội thác vào lưng ba-lô con cóc nhấp nhổm / Cây khuất cây điệp điệp mũ tai bèo”.

Người đi trùng trùng có khi trong gió Lào “(hơ) da phơi quần cộc”, trong gió bấc “lùa từng rẻ xương sườn”, đi bên bờ “vực chông chênh gió hú”, đi lâu đến nỗi “bật máu ngón chân”... Nhớ đoàn “quân xanh màu lá dữ oai hùm” trong “Tây tiến” năm xưa...

Trạm đây. “Lính trẻ” nào bị “sốt rừng phục kích” thì vào dưới “lùm bùm”, vào trong “hõm đá đong mưa dầm” ngay bên cạnh “theo leo thác đổ trận cười, mù xô nghẹn vực”, mà nằm nghe “gió bấc lùa chăn”. Còn lính không bị sốt thì nghỉ tí rồi tiếp tục đi, cài đem ít lá theo cho “lá cong mặt lá”, coi chừng “sau gót chân”“chuối rừng chín bói chùng chiềng mùa hạ”.

Ờ, đi hay ở trong rừng lâu, dù gian khổ, chiến sự ác liệt, làm sao làm ngơ được thi vị của rừng: “Bậc suối cành mai nở báo sang xuân / Góc bếp khói thở mờ gân đá…”. Rừng có chỗ âm u, mũi ngửi thấy “hương lẩn khuất”, ngửa mặt nhìn lên thì không thấy hoa đâu, chỉ chút “phấn ong tan theo nắng tinh khôi”...

Làm nhiệm vụ

“Cõng thân pháo chạy hỗn hễn lên dốc”, “không chịu thay ca, (tiếp tục) đứng làm cọc đường (trong nắng trong gió Lào)”, “chống lầy cõng khuyết vừng trăng”, khiêng đá hộc (lấy) xương cốt đỡ đường lên”, “dập lửa na-pan, cứu xe gạo, cứu xe thư” v.v.

Những dũng sĩ mình đồng da sắt nào vậy?

“Em Xoan (…) ăn chưa no”, “Em Quế gầy nhom thân sậy”, “Em Nết (…) Em Ngò (…) sốt rét da xanh vào mặt đá”, “Em Mận (…) mắt thâm quầng (vì thiếu ngủ)” v.v. đó. Quý mấy cho vừa, ới các chị Xoan ơi, Quế ơi, Nết ơi, Ngò ơi, Cải ơi, Mận ơi, Nụ ơi, Ngân ơi, Thảo ơi, Cúc ơi, Hoa ơi, Đào ơi, ơi!...

À, trông thấy “người xinh bé bỏng vai gầy, chơi vơi trọng điểm”, nếu những “trái tim của lính (lái xe)” có tạm quên đập cũng chỉ là thường thôi, nhưng xin người “thương người quá người ơi” chớ có “rời buồng lái”! Khẩn trương giao hàng đến chốn là cách “đưa em về” tốt nhất.

Xe lại xe suốt ngày suốt đêm, làm “núi như bụng chửa” vì đầy ắp hàng, nhưng những mắt cú vọ đừng hòng soi thấu nhé, bởi những “bàn tay con gái” đã “cài kín áo ngụy trang” cho núi rồi.

Dĩ nhiên trong các công việc thường xuyên của thanh niên xung phong, căng nhất là việc quan sát, đánh dấu, xử lý những thứ quái ác mà giặc trời thả xuống, bắn xuống.

Lạ thay, trường ca lại kể việc chết như chơi ấy bằng lời cháu thủ thỉ với bà, hồi ức tuổi thơ chơi ô ăn quan, đánh chuyền đánh chắt: “Lũ bom cháu đếm từng tên / Bà ơi nghe thấu đừng rên hỡi bà / (...) / Vén mây vạch lá đếm này / Từ trường tọa độ bom day đất bầm / (...) / Chòi quan sát đứng chênh vênh / Bom xô bom giật gập ghềnh những đâu / (...) / Bom chùm bom tấn (...) / Đầu bom cờ cắm bời bời dọc ngang / (...) / Rốc-két tọa độ bom khoan...”!

Cháu đếm, cháu cắm cờ, cháu vẽ sơ đồ, rồi vì “đường phải thông”, cũng chính cháu đem mìn đi phá những quả bom không biết phát nổ lúc nào!!!

Ước mơ đôi lứa

Nơi “nắng hoang hanh”, “mưa lũ giăng thành”, “lau sậy mịt mùng”, núi nhấp nhô như sóng, mà lại có những “đôi mươi mười tám (…) vừa hoa” không phải là sơn nữ!

Chị em, người thì đã “tranh thủ” được một “nụ hôn nghẹn lời” với ai đó, người thì mới mắt nhìn mắt chứ “tay chưa kịp cầm” tay ai, và dĩ nhiên có những người chưa từng nhìn vào mắt bất cứ ai cho lâu cả.

Quan hệ càng sâu xa, xa cách càng khó chịu đựng. Nhé, đã ba năm rồi, mà nhớ anh chỉ có cách “viết (thư) về đêm” trong ngách hầm, trong tiếng bom rơi rền. Chữ nào chở cho hết nỗi lòng, nên thư gửi đi phải “gấp với”“dán với” cả bầu trời và cánh rừng nơi em ở... Chao ơi, những dòng “chữ xô chữ vỡ” một người “biền biệt” gửi một người “biền biệt”, đem soi, “có khi nắng cũng khóc òa”!

Oái ăm, nắng có khóc thì khóc, chứ những “tuổi thanh xuân” kia dù nhớ “anh” đến đâu thì “mặt (cũng) không được sầu”, do phải giữ khí thế để cùng nhau tập trung khắc phục hậu quả một thứ mưa kỳ lạ: “Chiều nay nối những chiều nào / Miếng cơm nuốt vội bom ào ào bom”...

Mặt tuy giữ được không sầu, nhưng tay hễ sờ đến “ba-lô (có) áo cưới” thì cứ “buộc đây mở lại cầm đây”!…

À, những chị em nào may mắn nhất, được gặp anh, rồi cũng là khổ sở nhất, bởi vừa mới “ríu rít anh ríu rít xanh / hai người một lối gập ghềnh đón đưa”, thì bỗng anh đâu mất, chỉ còn “cỏ may găm nắng hoang hanh (…) lối rừng”. Và bởi thoắt có lại thoắt không, nên ai mới đang cười giòn bỗng “hờn chi thắt ruột nửa vời lặng im”.

Những “giấc mơ ban ngày” thi thoảng nắng tắt lâu rồi chợt tác động: “Vòng tay ôm lửa không dưng / Mồ hôi da thịt nóng bừng nửa đêm”. Bừng mấy cũng chỉ có cách “ôm trọn” lấy chính mình mà “thẫn thờ Trường Sơn” thôi.

Ước mơ đôi lứa không phải lúc nào cũng xôn xao. “Lính vỗ nước rùng mình ngấm lạnh / Triền lau lũ xô tím ngắt mùa thu...”. Nước thu trong vắt lấp lánh nhắc mặt gương. “Quân trang lính gái chưa chồng / Mảnh gương soi lạc má hồng ngẩn ngơ...”. “Má hồng” Trường Sơn làm nhớ “má hồng” Việt Bắc: “Mùa xuân đào nở khắp vùng / Dừng chân soi bóng suối trong thoáng buồn / Áo nâu chỉ bạc, vai sờn / Má hồng chị nhạt gió sương núi đèo” (Anh Thơ).

Có lúc “thoáng buồn”, “ngẩn ngơ”, nhưng các chị em sau cũng như trước đã một dạ sắt son, luôn sát cánh cùng các anh, để rút cuộc đưa dân tộc tới một mùa xuân cờ bay khắp nước.

Tình chị em

Phụ nữ trẻ Việt Nam rủ nhau ra đi làm nhiệm vụ thiêng liêng. Nhiệm vụ đầy khó khăn, muốn làm tốt trước tiên phải giữ tinh thần cho thật vững vàng. Mẹ thì ở xa, người yêu nếu có cũng ở xa. Chỉ có đồng đội là ngay bên mình, có thể giúp mình... Tình đồng đội dưới dạng đặc thù Việt Nam là tình chị em “đỡ dìu nâng niu (...) tựa lưng nhau” đã giúp họ ngay cả giữa “rét (…) ngập trắng (…) bốn bề” chẳng những thấy hang đá vẫn cứ ở được, lại còn hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ.

Cái tình chị em trong văn hóa Việt Nam truyền thống nó đặc biệt lắm. Chị, nhất là chị cả, là phụ tá rất đắc lực của mẹ, và nếu mẹ qua đời sớm thì chị điển hình sẽ “lên chức”, đảm đang tất cả công việc của một người mẹ, vô số trường hợp vì các em mà chấp nhận hy sinh hạnh phúc riêng của mình. Hình ảnh người chị cao quý đã từ lâu đi vào văn học nghệ thuật Việt Nam. Trong “Ngôi mả cũ” của Nguyễn Tuân có “một người mẹ rất trẻ”: “Cô Tú nhất định không đi lấy chồng và vui lòng sống vậy cho đến lúc nào cậu Chiêu em (…) làm nên (…) ngày ngày dệt vải và khâu thuê vá mướn”. Trong “Vào lửa” của Nguyễn Đình Thi có một “bà chị ăn khoai thần tình”: “Nói thật, mình cũng có hư, được chiều từ bé mà, nhà có miếng gì ngon là bà cụ mình với chị mình toàn nhường cho mình cả, ăn khoai vài bữa liền là mình đã thấy bứ rồi. Còn chị mình thì cứ khoai đánh quanh năm”. Trong “Đò đưa” của Trịnh Đình Khôi có một người được “thương nhất nhà”: “Chị (…) đã thay mẹ chăm sóc đàn em, mùa đông đánh tranh rải ổ cho chúng tôi nằm, mùa hè tuốt đay kết võng ru lũ em ngủ. Tối tối chúng tôi ngồi học bài, chị ngồi vá áo vặn chổi, đợi lũ em vào màn, soi đèn, đốt muỗi mới chịu đi nằm” v.v. Và thơ và nhạc...

Nhưng đồng đội đâu phải là chị em, đồng đội có quan hệ máu mủ gì với nhau đâu? Đúng vậy. Tuy nhiên, hình như cái nền nếp gia đình in rất đậm trong lòng nó dễ dàng khiến người nữ thủ trưởng của một đơn vị thanh niên xung phong rất tự nhiên xem đồng đội cấp dưới như em của mình, và “các em” cũng do nền nếp ấy mà tự nhiên xem thủ trưởng là chị. Chị thì “người lớn” hơn em, nên “thường đi trước về sau” và tuy không giấu nỗi nhớ mẹ nhớ nhà hay giấc mơ lãng mạn của mình, chị ít khi bộc lộ mà chỉ thi thoảng lặng lẽ ướt mắt thôi, “chưa lần nào (...) khóc để em nghe”. Cứ cho đó là tác phong gương mẫu của một cán bộ chỉ huy đi, nhưng cán bộ đâu có cần phải “rũ áo cả tiểu đội đem phơi” hay “miếng cơm sẻ nửa lá rau nhường phần”... Tưởng chỉ tình cảm yêu thương rộng rãi dịu dàng của một người chị đối với các em mình mới khiến làm thế. Đáp lại lòng quan tâm săn sóc, “chị ngã em nâng” và em “chị ơi” chị hỡi suốt những năm tháng Trường Sơn không bao giờ quên được ấy...

Tình cảm thường vẫn hiện ra rõ nhất khi xảy ra chia ly vĩnh viễn. Ba khúc chót của bản trường ca bi tráng và độc đáo này được dành cả cho tưởng nhớ các liệt sĩ, với những lời khóc chị khóc em vô cùng xúc động.

Mất mát

Chị em cất bước chưa lâu, chưa kịp gặp con đường” thì đã gặp “chúng quăng bom tọa độ / Bến Lũy Thầy chị Luống hy sinh”. Buổi chiều ấy, “tiểu đội mười hai người / (...) mâm cơm thừa đũa thừa bát / Nhìn xuống bếp thừa một chỗ ngồi hong áo / (...) / Ba-lô kỷ vật im lìm giường chiếu...”. Bao nhiêu “thừa” làm “tiểu đội mười một người” thấy thiếu đến ngẩn ngơ. Thực tế tàn nhẫn “rùng rùng xô” lòng chị lòng em, làm “tay (phải) bện níu bàn tay” cho khỏi ngã. Nhưng mất mát chỉ mới bắt đầu...

Người ra đi có khi để lại dấu vết cực đau lòng. Sau một lần giặc đến đánh phá, một người chị đi tìm các em mình. Em đây:

“Lai quần đánh giặc còn trong cỏ
Rồi tóc (...) hiện xanh nguyên...”
.

Chị “nhặt nấc lên”... Trong khói bom chờn vờn sặc sụa, chị như trông thấy các em “hong tóc khoe hết dịu dàng”, thấy “tóc dài chấm gót (…) tóc nhiều mênh mang (…) tóc chảy xanh rì, búi lên vai đỡ”, và ngửi thấy hương “sả thơm” phảng phất...

Chị ơi, “em Phượng”, “em Ngân” đã hóa TINH THẦN BẤT DIỆT rồi chứ còn đâu nơi bất cứ mảnh di vật di hài nào. Ờ, nhưng mà chị ơi, chính chúng tôi bây giờ cũng không chặn được xúc động dâng đầy khi hình dung chị đang sững sờ, cúi xuống...

Dân tộc ta đánh giặc anh dũng phi thường. Có những trường hợp hy sinh không phải trong lúc bom đang rơi, mà sau đó. Giặc đi rồi nhưng đường chưa thông được, vì có bom nổ chậm. Phải đến bên bom, đặt mìn kích nổ. Công việc quá nguy hiểm, nên có lệ làm lễ truy điệu sống cho người ra đi. Đồng đội khóc trước cho trường hợp không may, còn người ấy có khi mặc một chiếc áo đặc biệt quý đối với mình.

“Lần ấy chị hong áo cưới nguyên hồ
Áo mặc khi phá bom cảm tử (...) anh chưa lần ngắm yêu thương (...)
(...) trong mộ chị có gì đâu, thân thể chị đã hòa trong núi sông”
.

Còn lại gì hay không, có những người đã đi thật xa mà không hề khuất, mà như vẫn đang ở ngay đây, tiếp tục làm nhiệm vụ.

“Chị đội đất đứng lên cùng cây súng bước ra khỏi hầm bom dập, tóc còn búi cao, còn nguyên áo bà ba”. Nghĩ đến Võ Thị Tần ở ngã ba Đồng Lộc…

“Con đường trong bom (…) con đường cháy rực / (…) / bùng lửa đuốc sống chị”. Đuốc thành tro rồi, nhưng “Người lái xe đi suốt đời còn lanh lảnh trong tai tiếng còi gọi dừng xe đêm ấy / Nghìn tấn bom giội xuống người con gái giao thông toàn thân thành đuốc cháy / Chị vẫn đứng sững bên đường điều khiển chuyến xe đi” (Chế Lan Viên, “Nghĩ suy 68”).

*

Trong số đồng đội sống sót của những nữ liệt sĩ anh hùng có người có tài làm thơ. Nỗi nhớ thương “nén giữ trong lòng” người ấy suốt mấy chục năm trời rút cuộc hiện ra thành vần:

“… Quờ sang tay nắm lấy tay
Những choòng những cuốc những ngày gian nan
Kiểng vang tiểu đội xếp hàng
Phía sau vắng chị gió tràn lạnh lưng
(…)
Ðường đêm khe khẽ nhịp tim
Vừng dương rồi mọc chị nhìn thấy không
(…)
Chị ơi mây trắng ấp mây
Ðỉnh U Bò vọng đá gầy thác cao
Lắng trong nguồn mạch xôn xao
Hình như máu chảy lệ trào chưa ngưng
Chớp đằng đông muối cay gừng
Bát cơm gác đũa nghẹn từng ngọn rau
(…)
Chị ơi cơn lũ tháng ba
Chân hương trôi dạt đã ba bốn ngày
Một tuần trăng một tháng này
Trường Sơn nhô núi rừng dày bóng râm
Cho em khóc chị một lần
Rồi ba-lô cõng hành quân vội vàng…”.

“Chị ơi hãy về / Mùa hong áo / lửa uy nghi...”
.

Đọc thơ thấy như bước vào nhà tưởng niệm. Trong nhà đáng treo đôi câu đối:

“Ai mà chẳng sống? Sống như các chị, thật là đáng sống!
Ai mà chẳng chết? Chết như
các chị, chết là sống mãi!”
.(1)

Xin kính cẩn nghiêng mình trước vong linh những người chị Trường Sơn.



Thu Tứ
Viết tháng 10-2016











_________
(1) Bản dịch khuyết danh điếu văn của vua Lê Thần Tông khóc Giang Văn Minh đi sứ qua Tàu bị vua Minh sát hại, với chữ “ông” thay bằng chữ “chị”.