“Nguyễn Bính - Thơ giữa quê”




Từ năm sinh 1918 đến khoảng năm 1940, Nguyễn Bính ở miền Bắc. Từ khoảng 1940 đến năm 1954, ông ở miền Nam.(1) Sau 1954, ông lại ra ở Bắc cho đến khi mất năm 1966. Ba giai đoạn của một cuộc đời ấy có thể gọi là Giữa Quê, Đi Xa và Trở Về. Giai đoạn nào Nguyễn Bính cũng làm được nhiều thơ hay.

Nguyễn Bính sinh trưởng ở nông thôn, nên “thơ Giữa Quê” dĩ nhiên là về quê. Ở đâu thì cũng có “tình” và “cảnh”. Như để phối hợp với Đoàn Văn Cừ “chuyên trị” cảnh quê, Nguyễn Bính khi sáng tác tập trung vào tình quê, với quan tâm đặc biệt đến tình yêu giữa những gái quê và những trai quê. Quan tâm ấy không hề “vô tư”, bởi chính ông đang là một người trong cuộc rất tích cực! Cảm xúc sâu sắc kết hợp với thi tài đã khiến ra đời bao nhiêu thơ như những lời hát lên thật thiết tha cái ước mơ lãng mạn nơi thôn dã… Tình yêu trai gái quê vốn đã được ghi lại bằng không biết bao nhiêu ca dao rồi, nhưng như thể đến khoảng ấy nó linh cảm sắp có một “cuộc bể dâu chưa từng”, nên nó tìm trao cho một người thích hợp nhiệm vụ gấp rút ghi thêm nhiều lần nữa, để “mai sau dù có bao giờ” thì “chút của tin” được càng to càng tốt. Thơ Giữa Quê có thể xem là những bài ca dao dài có ký tên tác giả. Đáng chú ý, Nguyễn Bính không nệ cổ, chỉ biết có lục bát với song thất lục bát thôi đâu, mà đã sáng tác theo cả lối thơ Mới bảy chữ nhịp 4/3 xuất phát từ thơ Đường luật. Cái nhịp Tàu này chưa hề phổ biến trong văn học dân gian, nhưng “ca dao Mới” của ông bài nào bài nấy vẫn cứ nghe tự nhiên, dân dã y như lời người quê!

Chàng trai xuân mơ chuyện vợ chồng”, bình thường quá, nhưng đây mơ nhất định không chịu hóa thực. Một cái đám cưới cứ mãi là một ảo ảnh! Tình yêu đã gặp cản trở ghê gớm gì? Đại khái, là tình trạng thiếu trầm trọng “gạch Bát Tràng” cho “nàng rửa chân”. Thử tưởng tượng một con bướm xôn xao bay giữa vườn quê đầy những hoa thơm. Bướm đến bên hoa, chờn vờn muốn đỗ, có những lần đỗ được giây lát, nhưng hoa hay mẹ hoa cân “gạch” xong, không chịu lấy chỉ đỏ buộc chân bướm, mà mời vỗ cánh đi thăm hoa khác! Cứ thế, thất bại chồng chất, khiến giữa bao nhiêu bản tình ca say đắm của một tâm hồn cực kỳ lãng mạn dần có chen vào ngày càng nhiều những lời trách móc, than thở, chán đời, kêu giời, “kêu chị”...

“Dở dang cho đến thế thì…”. Buồn cho nhà thơ, nhưng lại vui cho thơ nhờ đó mà có thêm được nhiều tác phẩm giá trị về một quan hệ tình cảm căn bản vào cái thời Việt Nam hãy còn chưa “thôi một nước quê”. Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh bảo thơ Nguyễn Bính nhắc ta “một điều quý vô ngần: hồn xưa của đất nước”. Hồn quê nghìn năm hiện hình, tất nhiên là mộc mạc và tinh tế. Sau đây chúng tôi xin được chia sẻ chút cảm nghĩ khi thưởng thức một ít vần tiêu biểu.

“Hội xuân”

“Chiều xuân mưa bụi nghiêng nghiêng / Mưa không ướt áo người xem hội làng / Khen ai nhuộm áo tam giang / Ðánh dây xà tích cho nàng chơi xuân / (...) / Ðường thôn hoa bưởi trắng ngần / Hoa xoan tím nhạt vân vân rụng đều / Làng quê dìu dịu sương chiều / Tưởng đâu khói pháo hạ nêu hôm nào... / Cỏ non sườn núi phơi màu / Lúa đồng con gái rì rào lá tơ / (...)”.

“Hội làng nô nức gái trai” nhất định có Bính “mê mải sớm trưa đi về”. Sớm, trưa, chiều, tối, nhất là đêm, “mong đêm quên sáng cho dài ngày xuân”! Xuân tỉnh Nam, trống chèo thâu canh, vui quá thể. Bính hẳn xem chèo cũng có, mà tíu tít “khen ai tròn áo tứ thân” với “mịn quần lĩnh tía” lại càng chắc có. “Gió loạn đuôi cờ”, ơ hay, trong ngực ai không gió mà sao tim cũng cứ đập loạn cả lên thế này!

“Xuân về”

“Ðã thấy xuân về với gió đông / Với trên màu má gái chưa chồng / Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm / Ngước mắt nhìn trời, đôi mắt trong / Từng đàn con trẻ chạy xun xoe / Mưa tạnh, trời quang, nắng mới hoe / Lá nõn, ngành non ai tráng bạc? / Gió về từng trận, gió bay đi... / Thong thả nhân gian nghỉ việc đồng / Lúa thì con gái mượt như nhung / Ðầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng / Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng / Trên đường cát mịn, một đôi cô / Yếm đỏ, khăn thâm, trẩy hội chùa / Gậy trúc dắt bà già tóc bạc / Tay lần tràng hạt miệng “nam mô”.

Một bức tranh xuân quê rất... Bính. Thoạt vừa mở cuộn, thấy ngay một cô gái “mắt trong”, “má màu chưa chồng”. Mở đến gần cuối cuộn, lại thấy một đôi cô khác “yếm đỏ, khăn thâm” hẳn cũng chưa chồng... Cái lúc trong năm hay quá nhỉ. Cây “lá nõn, ngành non”, lúa vào “thì con gái”, đến nắng cũng “mới”. Đã thế, “hoa bưởi hoa cam” lại thả “hương bay ngào ngạt” khiến “bướm vẽ vòng” trông sốt cả ruột. Cảnh xuân gợi quá, mà gái quê mơn mởn lại trang phục trang điểm thật quyến rũ kéo nhau “trẩy” trên đường làng, trai quê chịu làm sao nổi, riêng lòng một người bỗng cứ muốn bay! Tưởng ai, chứ người ấy thì các hoa biết nói có lạ gì đâu: Chúng em đi guốc trong bụng anh Bính, nào, mời anh cứ... vẽ vòng đi!

Xuân sang thôn nữ nghỉ việc đồng / Yếm khăn cho đáng gái chưa chồng / Làng xóm đua tươi hoa biết nói / Rộn lòng ai lắm, thấu cho không?

“Tương tư”

“Thôn Ðoài ngồi nhớ thôn Ðông / Một người chín nhớ mười mong một người / Gió mưa là bệnh của giời / Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng / (…) / Bảo rằng cách trở đò giang / Không sang là chẳng đường sang đã đành / Nhưng đây cách một ngọn đình / Có xa xôi mấy mà tình xa xôi / Tương tư thức mấy đêm rồi / Biết cho ai, hỏi ai người biết cho? / Bao giờ bến mới gặp đò / Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau? / Nhà em có một giàn giầu / Nhà tôi có một hàng cau liên phòng / Thôn Ðoài thì nhớ thôn Ðông / Cau thôn Ðoài nhớ giầu không thôn nào?”.

“Tôi” mắc bệnh cũng đã lâu. Giá có đủ điều kiện vật chất thì đã chữa dứt nọc được rồi. Nhưng, cho nên bệnh cứ trở đi trở lại, thành một cái bệnh rất “thân”. Điển hình, “ốm tương tư” có nặng lắm thì cũng chỉ làm rụng tóc (4), đây lại làm rơi ra bao nhiêu là câu thơ thật tình tứ! Bài này đề tặng “Ch.”. Dường như không ai biết Ch. là ai. Dẫu có biết, chắc chắn là mới “biết một mà chưa biết mười”. Vì Nguyễn Bính ai cũng biết rất đa tình... nhân.

“Người hàng xóm”

“Nhà nàng ở cạnh nhà tôi / Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn / Hai người sống giữa cô đơn / Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi / (…) / Cái gì như thể nhớ mong? / Nhớ nàng? - Không, quyết là không nhớ nàng! / (…) / Hồn trinh còn ở trần gian / Nhập vào bướm trắng mà sang bên này”.

Trong văn chương Việt Nam, dễ đây là người hàng xóm nổi tiếng nhất! Cũng lạ. Hàng xóm, chứ có phải “hàng phố” đâu, mà bỡ ngỡ nhau thế. Chắc “tôi” mới dọn về hoặc “nàng” mới dọn về... Tôi buồn vì “ân ái nhỡ nhàng”, rồi tôi tưởng tượng người ta cũng như tôi... Tôi tuy “riêng nhớ bạn vàng ngày xưa”, nhưng thấy con “bướm trắng thường sang bên này” thì cũng không nhịn được mà phải gọi vào “hỏi nhỏ (…) chút thôi”, hỏi xong bướm “về bên ấy rồi” thì “bỗng dưng tôi thấy bồi hồi (…) hay tôi (lại) yêu” không biết là lần thứ mấy đây?! Tự hỏi rồi chối, lại tự hỏi, lại chối, nhưng rút cuộc đành nhận “quả” là như thế. Yêu nhiều, tốt thôi người ơi.

“Qua nhà”

“Cái ngày cô chưa có chồng / Ðường gần tôi cứ đi vòng cho xa / Lối này lắm bưởi nhiều hoa... / (Ði vòng để được qua nhà đấy thôi) / Một hôm thấy cô cười cười / Tôi yêu yêu quá nhưng hơi mất lòng / Biết đâu rồi chả nói chòng: / “Làng mình khối đứa phải lòng mình đây!” / (...) / Từ ngày cô đi lấy chồng / Gớm sao có một quãng đồng mà xa / Bờ rào cây bưởi không hoa / Qua bên nhà thấy bên nhà vắng teo / Lợn không nuôi, đặc ao bèo / Trầu không dây chẳng buồn leo vào giàn / Giếng thơi mưa ngập nước tràn / Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều”.

Hoa thơm bướm lượn. Em thơm Bính lượn. Lượn vòng, vòng, vòng, rồi hơi mất lòng khi thấy hoa, à em, cười cười chế giễu... Ai chòng mặc ai, “một năm đến lắm là ngày”, làm thân con bướm chẳng ngày nào không bay! Bướm Bính bay mỏi gần rụng cánh mà chẳng nên công cán gì. Có chăng, biết đâu, cái bông hoa người ta đã đánh vào chậu đem đi xa, có hôm hoa ấy ra đứng ngõ sau trông về quê mẹ, chợt thấy hơi nhơ nhớ một cánh bướm thấp thoáng bên rào.

“Mưa xuân”

“(…) / Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay / Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy / Hội chèo làng Ðặng đi qua ngõ / Mẹ bảo: “Thôn Ðoài hát tối nay” / Lòng thấy giăng tơ một mối tình / Em ngừng thoi lại giữa tay xinh / Hình như hai má em bừng đỏ / Có lẽ là em nghĩ đến anh / (...) / Chờ mãi anh sang anh chẳng sang / Thế mà hôm nọ hát bên làng / Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn / Ðể cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng! / (…) / Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày / Bao giờ em mới gặp anh đây? / Bao giờ hội Ðặng đi qua ngõ / Ðể mẹ em rằng hát tối nay?”.

“Em nghĩ đến…”, rồi em nghĩ rằng “thế nào anh ấy chả sang xem!”, rồi “em xin phép mẹ vội vàng đi”, rồi “em mải tìm anh chả thiết xem”, thế mà anh đâu, anh đâu?! Vẫn “một thôi đê” ấy, đi ngắn sao về thấy dài thế, mưa bây giờ nặng hạt thế, canh khuya “lạnh lùng” thế... Chao ơi sốt ruột, bao giờ, bao giờ? Lòng em mà anh đọc vanh vách cứ y như lòng anh! Chẳng những đoán được hết những ý nghĩ thầm kín liên hệ đến mình, anh lại còn hình dung ra cả những cử chỉ vu vơ của em như “ngửa bàn tay trước mái hiên”, để “mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh”… Tưởng tượng tỉ mỉ xong đâu đấy, ngon trớn, anh đặt luôn lời anh vào miệng em. Nghe cứ y như em thật, nhưng không có thể! Vì đây là thơ bảy chữ nhịp Tàu, mà em thì bao giờ cũng sáu tám hay bảy bảy sáu tám thôi.

“Lòng mẹ”

“Gái lớn ai không phải lấy chồng / Can gì mà khóc, nín đi không! / Nín đi! mặc áo ra chào họ / Rõ quý con tôi! Các chị trông! / Ương ương dở dở quá đi thôi! / Cô có còn thương đến chúng tôi / Thì đứng lên nào! lau nước mắt / Mình cô làm bận mấy mươi người / Nào áo đồng lầm, quần lĩnh tía / Này gương này lược này hoa tai / Muốn gì tôi sắm cho cô đủ / Nào đã thua ai đã kém ai? / Ruộng tôi cày cấy, dâu tôi hái / Nuôi dạy em cô tôi đảm đương / Nhà cửa tôi coi, nợ tôi trả / Tôi còn mạnh chán! khiến cô thương! / Ðưa con ra đến cửa buồng thôi / Mẹ phải xa con, khổ mấy mươi! / Con ạ! đêm nay mình mẹ khóc / Ðêm đêm mình mẹ lại đưa thoi”.

Nữa, nhà thơ lại đoán lòng rồi đặt lời giúp người khác. Cả đoán lẫn đặt đều giỏi. “Tôi” nào đó nếu có nghe rất có thể tưởng mình đã thốt ra như thế thật cái hôm con gái đi lấy chồng. Ơ, nhưng lời thốt từ một cái miệng nhân dân… Đại Việt, sao nó lại nhịp như thơ Đường thế này nhỉ, mà nghe lại vẫn cứ tự nhiên y như ca dao!

“Lẳng lơ”

“Láng giềng đã đỏ đèn đâu / Chờ em ăn dập miếng giầu, em sang / Ðôi ta cùng ở một làng / Cùng đi một ngõ, vội vàng chi anh? / Em nghe họ nói mong manh / Hình như họ biết chúng mình... với nhau / Ai làm cả gió, đắt cau / Mấy hôm sương muối cho giầu đổ non”.

Đây là lục bát, nên có thể là lời “em” mà Nguyễn Bính nghe xong chép xuống, bảo là thơ mình! Đùa thôi, chứ tuy lục bát cực thân thiết với dân tộc Việt Nam, đâu phải bất cứ ai cũng nói được bằng thơ cho ra thơ. Chính “anh” đã vận dụng năng khiếu có thể thao thao lục bát bất cứ chuyện gì mà đặt ra lời em nói thầm với em đó.

“Chân quê”

“Hôm qua em đi tỉnh về / Ðợi em ở mãi con đê đầu làng / Khăn nhung, quần lĩnh rộn ràng / Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi! / Nào đâu cái yếm lụa sồi / Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân / Nào đâu cái áo tứ thân? / Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen? / Nói ra sợ mất lòng em / Van em em hãy giữ nguyên quê mùa! / Như hôm em đi lễ chùa / Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh / Hoa chanh nở giữa vườn chanh / Thày u mình với chúng mình chân quê / Hôm qua em đi tỉnh về / Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều!”.

Bài thơ rất nổi tiếng này viết năm 1936. Năm ấy quê đã mấy nghìn tuổi mà vẫn hãy còn khỏe khoắn lắm. Thế rồi thêm có 80 năm nữa, trông lại quê “thôi đã thôi rồi”.(5) Ờ, mà thực ra không phải đã cần đến cả 80 năm đâu, đưa quê xuống suối vàng, chủ yếu là “bàn tay” của cái khoảng độ phần tư thế kỷ gần đây nhất. Chỉ từ khoảng năm 1990, 1991, quê mới bắt đầu chết ào ào, chết như rạ, chết “đại trà”. Có nơi quê mất hẳn “xác”, bị chính thức nhập vào tỉnh (tức thành phố) mở rộng; có nơi xác còn nhưng hồn mất, quê hóa thành những cụm phố giữa đồng! Dân quê bây giờ đêm đêm xem phim Tây phim Tàu phim Nhật phim Hàn. Gái quê bây giờ mặc những món tối tân hơn “khăn nhung, quần lĩnh, áo cài khuy bấm” không biết bao nhiêu mà không “làm khổ” trai quê nào cả. Dâu hóa hẳn bể rồi. Ðồng đó, nội kia, nhưng hương thơm gió mát “bay đi hết rồi”! “Những người muôn năm cũ / Hồn ở đâu bây giờ?”.(6)

“Đêm cuối cùng”

“Hội làng mở giữa mùa thu / Trời cao gió cả trăng như ban ngày / Hội làng còn một đêm nay / Gặp em còn một lần này nữa thôi / Phường chèo đóng Nhị Ðộ Mai / Sao em lại đứng với người đi xem? / Mấy lần tôi muốn gọi em / Lớp Mai Sinh tiễn Hạnh Nguyên sang Hồ / Tình tôi mở giữa mùa thu / Tình em lẳng lặng kín như buồng tằm”.

Đi xem chèo chả “đứng với người đi xem” thì đứng chỗ nào?! Tình “bướm” mở thì cứ mở nhé. Vì nở chỉ một lần, “hoa” đo đắn lắm, chưa mở tình đâu.

“Cô hái mơ”

“Thơ thẩn đường chiều một khách thơ / Say nhìn xa rặng núi xanh lơ / Khí trời lặng lẽ và trong trẻo / Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ / Hỡi cô con gái hái mơ già! / Cô chửa về ư? Ðường thì xa / Mà ánh chiều hôm dần một tắt / Hay cô ở lại về cùng ta? / Nhà ta ở dưới gốc cây dương / Cách động Hương Sơn nửa dặm đường / Có suối nước trong tuôn róc rách / Có hoa bên suối ngát đưa hương / Cô hái mơ ơi! / Chẳng trả lời nhau lấy một lời / Cứ lặng rồi đi, rồi khuất bóng / Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi...”.

Mặc “ta” khoe suối khoe hoa, rủ rê, cô con gái cứ lẳng lặng hái mơ già đầy rổ, rồi lẳng lặng cắp rổ ra về, “chẳng trả lời ta lấy một lời”! Không sao. Bởi đây “thấp thoáng đường thơ anh hái thơ” mới là cái chính. “Hương Sơn phong cảnh”(7) gợi cảm quá, lại có cả đại biểu của một loài hoa vốn tự nó là nguồn hứng bất tận cho tâm hồn thi sĩ, nên bất chấp đại biểu “rồi khuất bóng”, cảm hứng cứ hóa thành dìu dặt tiếng thơ rơi... Tán gái thất bại, làm thơ thành công, cũng đỡ!



Thu Tứ
Tháng 11-2016



















______________
(1) Trong mấy năm đầu, Nguyễn Bính thỉnh thoảng có trở ra Bắc.
(2) Ca dao: “Ba cô đội gạo lên chùa...”.
(3) Trong bài “Khóc Dương Khuê” của Nguyễn Khuyến.
(4) Trong bài “Ông đồ” của Vũ Ðình Liên.
(5) “Hương Sơn phong cảnh” là tên một bài thơ của Chu Mạnh Trinh.