“Lê Vĩnh Hòa - Tổng quan”




Tại sao ta chống ngoại xâm? Đơn giản, vì ta không chấp nhận để cho người ngoài cai trị nước mình. Lòng tự hào của dân tộc Việt Nam hiển hiện trong câu thơ Lý Thường Kiệt, trong Bình Ngô đại cáo, trong hịch kêu gọi đánh quân Thanh của vua Quang Trung, trong “Lời kêu gọi Hội Quốc Liên” (1926) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và trong vô số thơ văn yêu nước.

Về tự hào dân tộc ở miền tây Nam bộ nơi Lê Vĩnh Hòa lớn lên, tình cờ thấy hai lời ghi thật cụ thể. Một nhà trí thức từng “đi khắp miền Tây” viết:

“Đâu đâu tôi cũng thấy (...) hạng cựu học vẫn giữ được phong độ, được dân chúng kính mến và tin tưởng; nhờ vậy hạng tân trí thức chưa đến nỗi vong bản, và giữa các giới có một tinh thần đoàn kết ngấm ngầm chống lại Pháp; thành thử sau tám chục năm cai trị, ảnh hưởng của Pháp ở đây chỉ như một lớp sơn”.(1)

Tinh thần này một nhà trí thức khác khi đi thăm vùng Bảy Núi là nơi địa hình hiểm trở giúp nhiều nhà ái quốc cùng đường ẩn thân, đã thấy hiện ra thành lời một cụ già gặp trên đường:

“Những người trước tôi đã chết, đời tôi cũng coi như đã hết, vậy mà quân thù vẫn còn đầy dẫy trên đất nước ta. Các ông còn trẻ, sứ mạng của các ông là phải tiếp tục cho đến cùng công việc của tiền nhân!”(2)

Vẫn tinh thần này, lại xuất hiện rõ mồn một trong truyện ngắn “Đảng Cánh Buồm Đen” của Sơn Nam…

Cứ hễ chiếm là chống, nói chi giặc rất tàn bạo. Ở miền tây Nam bộ, trong dân gian vẫn còn lưu truyền ký ức về thời Nguyễn Trung Trực khởi nghĩa, như Sơn Nam ghi lại trong “Miễu Bà Chúa Xứ”:

“Đêm ấy cả xóm bị bao vây (...) Người chết quá nhiều. Người còn sống quá ít. Làm sao mà chôn? Ban đầu còn bó thây bằng chiếu, mỗi hầm chôn một người. Sau cùng, cứ chôn chung một hầm, đủ già trẻ bé lớn. Khiêng nhiều chuyến quá sanh ra mệt mỏi! Họ khiêng bằng võng, đặt hai xác chết trên một võng, người trở đầu phía trước, người trở đầu phía sau”.

Sau 1945 thì là cả một đại hội giết hiếp hết sức tưng bừng in rất đậm bóng trên thơ văn kháng chiến trong đó Lê Vĩnh Hòa có góp những vần và dòng đầy xúc động.

Ngoài hành động dã man, thực dân Pháp còn làm dân vô cùng điêu đứng. Lê Vĩnh Hòa không lạ chút nào, vì đã “sống với bà con nông dân (...) hiểu được cảnh đói khổ” (NQT), đã “chứng kiến cảnh (họ) bị tước đoạt ruộng đất, sống lam lũ với nghề khuân vác ở bến xe, bến tàu, chết dần chết mòn” (VTH), đã thấy tận mắt “cảnh sống cơ cực của người dân lao động trong vùng đô thị tạm chiếm cũ” (TXT).

Ngay từ khi còn là một thiếu niên, Lê Vĩnh Hòa đã tích cực tham gia hoạt động kháng chiến. Ông vận động học sinh, rồi xây dựng phong trào thanh niên, viết văn làm thơ tố cáo tội ác của giặc, cảnh khổ của dân, động viên tinh thần chiến sĩ, đồng bào. Khi về công tác ở Hội Liên Việt Sóc Trăng năm 1951, ông còn góp phần “tổ chức lực lượng quân sự để diệt ác, trừ gian (...) lập nhiều chiến công xuất sắc”.(TG)

Năm 1958, như một kết quả của chính sách đàn áp đẫm máu của ngụy quyền Ngô Đình Diệm, Lê Vĩnh Hòa bị bắt và trải qua 5 năm trong các trại giam Sóc Trăng, Chí Hòa, Thủ Đức, Phú Lợi...

Sau khi ra khỏi tù cuối năm 1963, ông lập tức trở lại tham gia hoạt động kháng chiến của quân dân miền Nam lúc bấy giờ đang bùng lên mãnh liệt. Vừa viết để phản ánh toàn diện thực tế cuộc chiến đấu, Lê Vĩnh Hòa “vừa chiến đấu cùng đồng đội (...) gan dạ, quả cảm”.(TG) Đầu năm 1967, ông nằm xuống vĩnh viễn khi mới 34 tuổi.

*

Lê Vĩnh Hòa viết sớm, nhưng những tác phẩm ra đời trước năm 1956 hình như đã thất truyền. Còn dễ dàng tìm đọc được bây giờ là hơn 60 bài văn xuôi cùng mười mấy bài thơ, sáng tác từ 1956 đến 1958 trong vùng địch chiếm và từ 1964 đến 1966 trong vùng giải phóng, tất cả in vào Tuyển tập Lê Vĩnh Hòa xuất bản lần đầu năm 1985, mới được tái bản năm ngoái (2016).

Trước sau, bất kể là ký hay truyện hay tùy bút hay thơ, nội dung tác phẩm Lê Vĩnh Hòa bao giờ cũng chủ yếu là con người Việt Nam trong những biểu hiện tinh thần cao đẹp nhất. Như thế là hết sức đích đáng!

“Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”
(“Đất nước”, Nguyễn Đình Thi).

Cả một dân tộc bao năm trong ách nô lệ đang vùng lên kiên cường chiến đấu trong điều kiện cực kỳ khó khăn, bao nhiêu gương hy sinh đang chói sáng, cả một truyền thống tinh thần rất lâu đời đang được dịp khoe ra những ưu điểm độc đáo của nó, cầm bút mà không phản ánh cái toàn cảnh tích cực có một không hai đó, mà đi “soi” chỗ nọ chỗ kia tìm khuyết điểm để xoáy sâu vào, phóng to lên, thì không thể nào là làm đúng được! Lê Vĩnh Hòa cũng có viết để nêu vấn đề, nhưng thay vì đi làm tội kháng chiến (!) thì ông chọn nêu cái “khuyết điểm” to hơn, đáng nêu hơn gấp vô số lần, là cái ác cái xấu của giặc cướp nước và bè lũ tay sai!

Chắc chắn ba năm 1964-1966 là khoảng thời gian say sưa nhất trong đời Lê Vĩnh Hòa. Đấu tranh vũ trang ở Miền Nam chưa bao giờ sôi động thế. Ông hăng hái lao vào, “xông xáo (...) để viết”(CA), với kết quả tốt đẹp:

“Thực tế chiến trường tây Nam bộ chưa có nhà văn nào phản ánh (...) giàu màu sắc và có sức mạnh như Lê Vĩnh Hòa (...) (ông) đã cùng ăn, cùng ở, cùng chiến đấu với bà con (...) tham gia phong trào bao vây đánh lấn giải phóng nông thôn, phá ấp khu tập trung của địch, công tác binh vận, đấu tranh chính trị (...) phản ánh sắc sảo và chính xác (...) cuộc sống bộ đội (...) Chiến sĩ đã gọi Lê Vĩnh Hòa là Nhà văn Quân đội”.(QK)

Nhờ viết với một “ngòi bút còn vương mùi thuốc súng”(NHT) mà những trang văn Lê Vĩnh Hòa có sức lôi cuốn đặc biệt. Nhưng sự xông xáo chắc cũng đã có vai trò trong việc ông sớm ra đi...

Trong văn nghiệp Lê Vĩnh Hòa có vài tác phẩm mà nội dung không phải là việc nước, như truyện ngắn “Chén trà thân ái”, tùy bút “Vắng bóng”… Và ngay cả khi viết về việc nước, ông vẫn thường ghi cả những cảm giác cảm xúc tinh tế của mình trước cảnh vật chung quanh. Những trang hay dòng văn ấy cho ta biết đầy đủ hơn về con người cùng văn phong.

Tháng 6 năm 2016, nhân dịp ra mắt Tuyển tập Lê Vĩnh Hòa tái bản ở Hà Nội, Nguyễn Hồng Thái đưa ra lời nhận định tổng quan:

“Bên cạnh việc phản ánh cái tàn khốc, dữ dội, cái anh dũng, đau thương của cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta ở miền Nam, (tác phẩm của ông còn) làm lay động con tim ta bởi vẻ đẹp của trang văn khi miêu tả những vàm sông, cánh đồng, những bờ mẫu lung năn, những vườn măng; và đặc biệt, khi miêu tả những con người chân chất (…) nhân ái, vị tha. Người và đất Nam bộ hiện lên mùi mẫn trong một lối văn chương mùi mẫn (...) Nếu nói “chất văn Nam bộ” thì đó chính là văn chương Lê Vĩnh Hòa (...) Lê Vĩnh Hòa đã để lại một phong cách văn chương đặc sắc (...) góp phần đáng kể định hình nên vóc dáng văn chương Nam bộ từ sau năm 1945”.

Về điểm chót được nêu, có thể nói rõ hơn một chút. Vốn ở miền Nam tuy chữ quốc ngữ La-tinh đã từ lâu được dùng để sáng tác, nhưng cái viết thường dễ dãi, theo Sơn Nam thì “ít (...) tác phẩm (...) khả dĩ thỏa mãn giới trí thức”.(3) Trên bối cảnh văn học đó, tác phẩm của Lê Vĩnh Hòa có vai trò, cùng với tác phẩm của vài nhà văn khác, đánh dấu sự trưởng thành của văn xuôi Nam bộ.

Cũng nhận xét về văn Lê Vĩnh Hòa, Võ Thành Hùng bảo thấy có “hàm lượng u-mua dồi dào”. Cái văn diễn nét ngộ nghĩnh đáng yêu của đồng bào Nam bộ, chính bản thân nó nhiều khi cũng ngộ nghĩnh làm sao!

Văn Lê Vĩnh Hòa kích thích lòng yêu nước vào cái lúc nước đang rất cần được yêu. Nguyễn Quốc Trung bảo nó còn “góp phần nâng cao phẩm giá con người”. Trong cái hoàn cảnh đầy cám dỗ khiến giá người rất dễ tụt, đóng góp ấy không thừa chút nào. Văn Lê Vĩnh Hòa lại giúp đồng bào miền khác mến cảnh mến người Nam bộ…

Văn như thế, tưởng đáng viết quá.

*

Ước có thể trích dẫn thật nhiều tác phẩm Lê Vĩnh Hòa để minh họa những nhận xét trên, nhưng cho thực tế, đành chọn chỉ vài đoạn văn xuôi và một đoạn thơ.

Đây tâm sự một thầy giáo: “Thầy giáo Liêu (...) biết yêu nghề từ (...) cái ngày bà con bận quần áo bố vác hèo gậy hô khẩu hiệu đánh Tây đuổi Nhật kéo đi rần rần (...) Từ đó mắt ông thường sáng rực lên mỗi khi nghe lũ học trò nhỏ cất giọng trong trẻo, đọc ăn rập từng chữ một: “Chim kia có cánh thì bay / Con ơi! Có nước thì mày phải thương / Chẳng thà chết ở chiến trường / Còn hơn chết ở trên giường thê nhi / Nghe lời mẹ cố lên đi! / Nước không độc lập, sống làm gì con ơi!”. Những chữ giản đơn ấy từ những đôi môi thơ trẻ đọc lên nghe sao thấm thía tận đáy lòng” (“Nước cạn”). Giặc thương nước giặc lắm, thương tới nỗi chở đại bác đi khắp thế giới nã đùng đùng, bắt nước người ta phải nhận làm “con” nước mình! Mày thương nước mày kiểu đó thì nghĩa vụ của tao là ngày đêm chuẩn bị, chờ ngày đánh bỏ mẹ mày! “Chim kia có cánh...”. “Những chữ giản đơn” coi vậy mà không phải ai cũng “thấm”. Rồi trong số có thấm, không phải ai cũng sẵn sàng “chết ở chiến trường”. Nhờ đông đảo người Việt Nam không thuộc hai thành phần ấy, nước Việt Nam mới rút cuộc trở lại độc lập.

Đây lời một người dân về việc con mình tham gia kháng chiến: “Vì nước tôi vui lòng cho nó đi (…) Đêm hôm tôi còn kêu riêng nó ra nói dứt khoát là nếu nó về nhà mà không có giấy phép của đơn vị là tôi không nhìn tới nó nữa, làm như vậy là nó làm nhục cha nó, làm mất mặt mẹ nó”. Vẫn người ấy, trong tư cách một người mẹ: “Con đứt ruột đẻ ra. Bây giờ (…) thế nào cũng phải buồn ít ngày”. Vài ngày sau: “Tôi qua được rồi cậu Hai à! (…) Cậu đi đây đi đó khi nào có gặp đơn vị nhớ kiếm nó cho được, nhắn cho nó hay: tôi với mấy đứa em nó mạnh giỏi, sống no đủ, nó đừng lo nghĩ gì hết. Ráng đánh giặc cho giỏi là bà con dòng họ vui rồi. Nhớ nghe!”. Đây “thư cậu Hai”: “Tôi không gặp thằng Nam của chị Bảy, nhưng tôi đã gặp rất nhiều thằng Nam khác (…) Những Giải phóng quân trẻ tuổi (…) đã chiến đấu anh dũng lạ thường. Cả nước ta, cả thế giới đều biết rõ điều đó. Khi nhìn (…) các đồng chí, tôi thấy lòng tự hào vô hạn. Vinh quang biết bao, những bà mẹ có được những người con như vậy. - Chị Bảy (...) tôi không gặp Nam. Nam đang ở miền đông. Chắc là trên con đường 13, con đường (…) mà sư đoàn bộ binh số 1 của Mỹ đang uy hiếp. Tôi đi cùng những đồng chí Nam của tôi ở miền tây, nghe được từng hơi thở tiếng ngáy, tiếng nói và giọng cười, tiếng chèo hành quân và tiếng vá đào công sự, tiếng đạn lên nòng và tiếng lê lắp vào đầu súng, tiếng hô xung phong và tiếng chân chạy trên rào bót (…) Tôi muốn gởi cho chị chút ít về những điều đó...” (“Trông ra tiền tuyến”). Đất nước độc lập và thống nhất là nhờ đã có vô số những mẹ và con như thế này. Đọc lời và lời, “thấy lòng tự hào vô hạn”. “Vinh quang biết bao”, Tổ quốc ta ơi.

Đây một trận địa chiến hào hình như ít người biết: “(Ngày 16-12-1965) (...) Tôi (…) đi tham quan (...) Thật ra đi dưới (...) này không thể nào nhìn bao quát được (...) những công trình (...) Không thể nào thấy được những chiếc cầu chướng ngại bắc ngang qua kinh xáng, những ụ đất chặn ngang từng khoảng lộ (...) những bãi lửa, hố chông trùng điệp trên các cánh đồng. Tất cả làm thành một hệ thống chằng chịt hàng mấy chục cây số thuộc ba xã vây quanh chi khu (...) không thể xem hết tất cả các mũi “râu tôm”, những ổ cá nhân chiến đấu (…) những điểm tựa tam giác (...) Đi như thế này chẳng qua chỉ là để “ngửi” một chút mùi của chiến hào mà thôi (...) Tại đây (…) 80 ngày đêm qua (…) du kích Vĩnh Thuận, Vĩnh Phong, Vĩnh Bình đã diệt và làm bị thương gần 400 giặc (…) 600 tên địch còn lại (...) đã biến thành 600 tên tù. Tôi bỗng nghĩ đến mối liên quan mật thiết giữa mặt đất và con người. Chưa bao giờ chúng ta khắng khít với đất (…) hơn lúc này”. Nhớ Điện Biên Phủ. Nhớ Vĩnh Linh, Củ Chi… Quân kháng chiến Việt Nam đã dựa vào đất mà đánh giặc. Các cô dân công chê “tôi” “giờ này lỏng nhỏng ngoài đường” thật là oan quá. Không có “tôi” đi “ngửi” thì bây giờ ai biết “mùi của chiến hào” ở một địa phương miền tây Nam bộ ngày ấy nó ra sao.

Đây một lúc chiến sự tạm ngưng: “(Ngày 17-12-1965) Những giờ tiền duyên im tiếng súng, bốn bên bỗng trở nên vắng vẻ một cách lạ thường. Nghe cả tiếng con chim kêu thỏ thẻ trên bệ cửa sổ một nhà hoang và tiếng gió thổi qua tấm lá rách tòn teng bên hông nhà (...) Con đường hào tự nãy giờ len lỏi giữa những đám chuối (...) tới đây bỗng xỉa một mũi “râu tôm” ra ngay mé lộ (…) Thật là lạ, giữa cảnh tàn phá làm sao vẫn còn một cây bông trang trụi lá nhưng hoa đỏ lấp cành, đứng bên đường như một niềm vui bỡ ngỡ (...) Tôi (…) đi giữa (…) vùng ấp chiến lược cũ. Tất cả đã tan hoang, đồng bào đã trở về với vườn ruộng (...) Trong buổi trưa vắng lặng, chi khu cô độc đang nằm hấp hối giữa cảnh hoang tàn đổ nát do chính nó gây nên (...)

Đây đôi vần chân chất: “Anh về có nhớ gì không?
Tôi đi tôi nhớ con sông xóm nghèo
Nhớ cây cầu khỉ cheo leo
Nhớ khói lam chiều nhẹ tỏa đầu thôn
Nhớ nắng vàng nhuộm cuối cồn
Nhớ tối trăng tròn, tiếng hát hò vang
(…)
Ta mong non nước an hòa
Ta mong đất nước một nhà anh em
Trời cao dang rộng cánh chim
Ta bay ngang dọc trên miền Tự do
Hò khoan cất tiếng ta hò
Ngợi câu: Thống nhất cơ đồ Việt Nam”
(“Anh về”).

Tại sao một con người “hiền lành, giản dị, khiêm tốn”(TG), có “nhân cách lớn” (NQT, VTH), một ngòi bút ghi lại hiệu quả cuộc chiến đấu có một không hai của dân tộc mình, lại không được sống tới ngày khải hoàn, hả ông Trời!

Nhưng thôi, ngay với riêng văn nghệ sĩ, đây đâu có phải là lần thứ nhất ông giở trò oái ăm, mà nếu nói rộng ra thì biết bao nhiêu người xứng đáng khác cũng đã hy sinh...

Sắp tới kỷ niệm 42 năm cái ngày lịch sử. Chợt nảy ý gieo đôi vần “chiêu hồn” quá đỗi muộn màng:

Xóm nghèo sông có nhớ không?
Nơi đây từng một tấm lòng bao la
Nước non nay đã an hòa
Hồn ơi, đã một, cơ đồ Việt Nam!

Ờ, mà chắc chắn trong ngày 30 tháng 4 năm 1975, hương hồn nhà văn Lê Vĩnh Hòa đã, cùng với bao nhiêu hương hồn liệt sĩ khác, hân hoan “bay ngang dọc” trên khắp quê hương vừa lại liền một dải!



Thu Tứ
Tháng 3-2017





















__________
CA: Cẩm Anh ghi buổi ra mắt sách
TTLVH, Hà Nội, 6-2016; NHT: Nguyễn Hồng Thái, buổi ra mắt sách; NQT: Nguyễn Quốc Trung, trang qdnd.vn; QK: Quốc Kiên, trang trieuxuan.info; TG: Trần Giang, trang vannghetre.com.vn; TXT: Trần Xuân Toàn, trang baobinhdinh.com.vn; VTH: Võ Thành Hùng, trang google.com/site/vothanhhunginfo.
(1) Nguyễn Hiến Lê,
Để tôi đọc lại, nxb. Văn Học, 2001.
(2) Nguyễn Văn Hầu,
Nửa tháng trong miền Thất Sơn, nxb. Hương Sen, SG, 1971.
(3) Sơn Nam,
Cá tính của miền Nam, nxb. Văn Hóa, 1992.