“Lê Vĩnh Hòa - Thời sự một thời”




Sáu truyện ngắn sau đây của Lê Vĩnh Hòa chứa năm nội dung: sự dã man của giặc Pháp, tình yêu Tổ quốc, tình đoàn kết Bắc - Nam, tình quân dân cá nước và tình lứa đôi tích cực. Trong khung thời gian liên hệ, tất cả các nội dung đó đều là “thời sự”.

Về nội dung thứ nhất, chúng tôi đã một số lần trình bày cảm nghĩ của mình và ở đây lại xin có đôi lời nữa. Kẻ thù của ta đã là những nhà vô địch đạo đức giả! Vừa om sòm xưng bác ái, nhân đạo, chúng vừa xua quân đi làm những việc dã man ngoài sức tưởng tượng! “Sự nghiệp vĩ đại” của chúng có vô số nhân chứng và “được” rất nhiều ngòi bút ghi lại rành mạch, trong số đó có cả những người không theo kháng chiến.

Đọc “sự” thấy phẫn nộ bao nhiêu, thì đọc “tình” thấy phấn khởi bấy nhiêu. Thấy rõ ràng người Việt Nam là một dân tộc có văn hóa cao và được đoàn kết lại bằng cái văn hóa ấy. Có điều này tưởng cũng ngộ. Ta cơ bản là thế, nhưng sở dĩ các tình trở nên tha thiết, mãnh liệt đến thế, chắc chắn có một phần chính do sự dã man kia! Giặc ác thế mà cũng có chỗ hay.

Lê Vĩnh Hòa là người miền Trung nhưng vào Nam từ nhỏ nên viết tiếng Việt miền Nam cực chuẩn. Thỉnh thoảng ông viết tiếng Việt miền Bắc, thì cũng “giống” lắm; ông có gặp được bao nhiêu người Bắc đâu, nên hẳn mỗi lần gặp đều để ý rất kỹ. Người có tấm lòng yêu thương rộng rãi, có văn tài, lại tận tụy với nghề văn, mà lại chẳng được ở đời lâu để hành nghề vì đời và vì văn...

“Chiếc áo thiên thanh”

““Thôi thì bỏ học mẹ nó cho rồi!”. Mẹ tôi vùng ngó sững. Em tôi cũng ngưng chày (...) Ngọn đèn dầu mù u leo lét (...) Bỗng em tôi (...) mắt sáng lên: “Em có tiền!” (...) Nó chạy vào trong buồng (...) đem ra một chiếc áo dài màu khói nhang chưa cũ lắm (...) “Không. Em cất để mặc (...)” (...) Tôi biết nó quí cái áo đó lắm. Chiếc áo dài độc nhứt của nó. Nhưng nó không nói rằng, lách mình ra cửa, chạy vội đi (...) Sáng hôm sau (...) Tôi cầm mấy tờ giấy bạc, nước mắt lưng tròng (...) “Em thích màu xanh. Xanh da trời đó anh. Sau này anh làm có tiền mua cho em chiếc áo màu xanh da trời nghen”. Tôi mỉm cười: “Ừ! Anh sẽ mua cho em chiếc áo màu xanh da trời...” (...)

Một chiều ly loạn (...) có người từ chốn quê hương lửa đỏ ra báo tin rằng: làng tôi đã bị giặc chiếm, nhà tôi đã bị giặc đốt, mẹ tôi phiêu bạt lang thang, em tôi đã tự vận để giữ toàn trinh tiết”
.

Chuyện khiến “em tôi” quyết định thôi sống đã xảy đến với vô số phụ nữ Việt Nam. Xâm lược, bị đánh đuổi, bèn giở đủ thứ trò vô nhân đạo: tra tấn dã man, giết cả người già trẻ em, cưỡng hiếp phụ nữ, có khi hiếp xong rồi giết... Người Pháp đem ánh sáng văn minh đi soi sáng cho nhân loại chậm tiến mà! Vẫn biết không thể để chuyện xưa cản trở việc nay, nhưng ta phải vừa phát triển quan hệ vừa coi chừng: bằng cách vẽ mặt vẽ mày cho trí thức có quan điểm sai trái và tài trợ nghiên cứu trong các ngành khoa học xã hội, cựu thù có tham vọng dần dần bóp méo sự thật lịch sử, rút cuộc đổi đen thay trắng đấy. Giặc từ phương Tây không phải đánh thắng xong là xong như giặc Tàu xưa kia đâu!

“Một chuyến đò xuôi”

“Con sông Trèm Trẹm buổi chiều vắng lạnh, mặt nước phẳng lì, in đậm bóng dừa nước nối tiếp nhau đi xa, xa mãi (...) Nước sông ửng hồng. Má người con gái chèo đò cũng hây hồng. Thân hình đều đặn uyển chuyển theo bước chân nhịp nhàng (...) Chiếc tam bản (...) quay mũi vô con kinh nhỏ xíu, dài thăm thẳm. “Kinh gì đây cô?”. “Đây là kinh Dê-rô đó cậu à”. Ông già cũng ngặt. Người ta hỏi con gái ổng mà cơn cớ gì ổng ra miệng trả lời (...) Bóng chiều ngả xuống sắc tím âm u. Nước đổi màu đen thẫm (...) “Cũng đã nửa đêm rồi phải không cô?”. “Dạ chắc cỡ chín, mười giờ thôi. Tại ở miệt rừng coi vắng”. Dữ hông! Hồi chiều tới giờ mới chịu mở miệng, giọng thanh tao nghe ngọt xớt (...)

(Một lúc lâu sau, ghe ghé gần bờ đậu nghỉ) Ông già cất tiếng: “Nguyên chỗ này hồi đó có một ngôi nhà (...) Rồi chiến tranh nổi lên (...) nhà này bị trúng bom, vợ chồng con cái chết sạch. Ít tháng sau, có một gia đình (...) tản cư xuống ở. Có một bà già, một cô chừng hăm ngoài, một đứa con nhỏ (...) sẵn nền, họ kiếm lá che một cái tum nhỏ (...) Nhưng chỉ được vài tháng thì làng này bị bố. Lính Pháp kéo đến chòi, bắn bà già chết, kéo chị nọ đi. Chị ôm cứng con trong tay, một thằng rút bả-don-nết lụi đứa nhỏ rồi giựt quăng vô cái chòi đương phựt lửa. Chị nọ kêu lên được có một tiếng “Con ơi!” là ngất xỉu, bị bọn lính thay phiên làm nhơ nhuốc. Chiều, Tây rút đi (...) Bà con ráp nhau chở chị ra chợ Thới Bình (...) Nửa đêm hôm đó, chị sực tỉnh (...) “Con ơi! Má ơi! Anh ơi!” (...) Ba hôm sau (...) chị lẻn trốn đi mất (...) Xóm đó (...) trở thành chỗ hoang vu (...) Ban đêm (...) nhứt là những đêm trăng mờ, ở tận xa người ta nghe rõ nổi lên những tiếng hú não nùng kéo dài (...) Ghe thương hồ qua lại quả quyết thấy trên nền gạch đó có một bóng ma, xõa tóc ngồi kêu khóc than vãn, có khi nói cười sằng sặc, chửi bới lung tung, có khi hát đưa võng ru con...”.

Ông già nín lặng (...) Một con chim kêu mấy tiếng khắc khoải (...) Lâu lắm, tôi vẫn còn ngồi nhìn sững những mô đất nhấp nhô trên bờ... Tiếng người con gái trong trẻo cất lên: “Nước lớn rồi”. Chiếc ghe lại tiếp tục trườn trên dòng sông đen thẫm lờ đờ hơi khói”
.

Nhớ

“… Bao đồng chí của ta bay đã giết
Chặt đầu cắm cọc phơi khô
Chị em ta, bay căng thịt lõa lồ
Con em ta bay quẳng chân vào lửa…”
(Tố Hữu),

“… Mẹ tôi, em có gặp đâu không
Bao xác già nua ngập cánh đồng
Tôi nhớ một thằng con bé nhỏ
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông...”
(Quang Dũng),

“… Thân ta hoen ố vì mày
Hồn ta cùng với đất này dài lâu...”
(Hoàng Cầm) v.v.

Những vần thơ ấy không phải từ trên trời rơi xuống, mà đã bay lên từ không biết bao nhiêu cảnh địa ngục xảy ra trên khắp quê hương một thời.

Đây vài “thành tích” được ghi chép chắc chắn:

“Nghe tiếng súng bắn dữ dội và tiếng giày đinh nện rầm rập, tôi vội chạy lên gác hai trông xuống thì thấy lính Tây đầy đường. Hễ nhìn thấy bóng người là chúng xả súng. Có em bé 3 tuổi bị chúng xọc lưỡi lê xuyên qua bụng, có cụ già bị chúng bắn vỡ đầu chết gục ngay giữa cửa...” (Thảm sát Hàng Bún - Yên Ninh, Hà Nội, ngày 17-12-1946),

“Năm giờ sáng, chúng xông vào làng (…) trong gần ba tiếng đồng hồ, đốt phá nhà cửa, hãm hiếp phụ nữ, bắn giết bừa bãi (…) Nhiều trẻ em bị xé xác (…) cả đứa bé chưa đầy tháng tuổi” (Thảm sát Mỹ Trạch, Quảng Bình, ngày 29-11-1947),

“Bót bến đò (…) Trong số lính Pháp, nổi cộm nhất là một tên có biệt danh “Tây Búa” do trong người lúc nào cũng có lận một cây búa nhỏ. Ông Tốt là người dân đầu tiên bị Tây Búa chặt đầu, xẻ thịt, bắt dân và ghe buôn phải mua với giá cái đầu là 50 đồng bạc Đông Dương, mỗi xâu thịt một ký giá 5 đồng. Đồng bào đành mua rồi đem đi chôn” (Tội ác ở bến đò Phú Mỹ, Tiền Giang, 1945-1947).

Chợt nghĩ đến tài trợ của cựu thù. Nhận tiền dễ sinh nể kẻ cho tiền. Nếu mỗi người nể một tí, mỗi lần nể một tí, thì sự thực lịch sử từ đen thui sẽ dần hóa xám, rồi xam xám, rồi có khi trắng! Ta không nên để “ma” ám ảnh. Nhưng ta cũng không được quên “ma”.

“Chim kia có cánh thì bay”

“Thầy giáo Liêu (...) biết yêu nghề từ (...) cái ngày bà con bận quần áo bố vác hèo gậy hô khẩu hiệu đánh Tây đuổi Nhật kéo đi rần rần (...) Từ đó mắt ông thường sáng rực lên mỗi khi nghe lũ học trò nhỏ cất giọng trong trẻo, đọc ăn rập từng chữ một: “Chim kia có cánh thì bay / Con ơi! Có nước thì mày phải thương / Chẳng thà chết ở chiến trường / Còn hơn chết ở trên giường thê nhi / Nghe lời mẹ cố lên đi! / Nước không độc lập, sống làm gì con ơi!”. Những chữ giản đơn ấy từ những đôi môi thơ trẻ đọc lên nghe sao thấm thía tận đáy lòng” (trích “Nước cạn”).

Giặc thương nước giặc lắm, thương tới nỗi chở đại bác đi khắp thế giới nã đùng đùng, bắt nước người ta phải nhận làm “con” nước mình!!! Mày thương nước mày kiểu đó thì nghĩa vụ của tao là ngày đêm chuẩn bị, chờ ngày đánh bỏ mẹ mày! “Chim kia có cánh...”. “Những chữ giản đơn” coi vậy mà không phải ai cũng “thấm”. Rồi trong số có thấm, không phải ai cũng sẵn sàng “chết ở chiến trường”. Nhờ đông đảo người Việt Nam không thuộc hai thành phần ấy, nước Việt Nam mới rút cuộc trở lại độc lập.

“Bên rặng tre già”

“Từ kinh xáng, giọng ngâm Kiều của ai vẳng lên (...) À, ghe chài của anh Thìa (...) Thìa không phải là tên riêng (...) Nguyên hồi năm ngoái có mấy người Bắc chở lá cất nhà (...) đi ngang qua đây, ghé lại mua mấy trái dừa tươi. Uống nước xong, họ bổ dừa ra rồi nói: “Các bác cho mượn cái thìa”. Chủ nhà hỏi lại: “Cái gì?”. “Cái thìa”. “Thìa là cái gì?”. “Là cái thìa chứ còn là gì?”. Vẫn không hiểu, chủ nhà đáp đại: “Tui không có cái đó”. “Lạ! Không thìa thì lấy gì múc canh? Các bác không ăn canh à?”. “Sao lại không? Húp canh bằng muỗng chớ”. Nói xong, chủ nhà sai con cầm cái muỗng đem ra. Mấy người khách phá lên cười: “Ối giời ơi! Cái thìa mà bảo là cái gì? Ờ cái “muỗm””. Đáp lại, vợ chồng con cái chủ nhà cũng cười ngắt nga ngắt nghẻo: “Quỷ thần ơi! Cái muỗng của người ta mà kêu bằng cái “thìa”. Thìa gì mà thìa, ông nội?” (...)

Năm Theo (...) đi ra mé sông (...)
(Trên chiếc ghe anh Thìa đang đậu dưới kinh) Khói trắng nhà ai tỏa lên, vướng vít ở rặng tre cao mịt bên này bờ. Trời im gió, nhưng khói vẫn uể oải bay đi... Nhìn theo làn khói mất hút, anh Dần – người chồng – thấy lòng nằng nặng (...) quay lại bảo vợ: “Giá có đôi dãy núi đằng kia, u nó nhỉ?”. Chị Dần ngơ ngác: “Thày nó bảo núi gì?”. Anh (...) bật cười: “Nhỉ! Tôi như người mất hồn. Tôi định bảo giá có dãy núi ở sau cánh đồng kia nữa thì giống tuyệt”. “Thày nó bảo giống làng mình ấy à?”. “Chứ gì”. Cả hai im bặt, thẫn thờ. Lúc sau chị Dần bảo: “Nhưng người không giống”. Anh chậc lưỡi: “Thì cũng người Việt Nam với nhau cả”. Chị Dần nhìn chồng, ái ngại: “Thầy nó tương tư cái rặng tre rồi, thảo nào hễ cứ đi qua đây là đòi nghỉ lại”. “U nó không biết. Ngủ ở đây, nửa đêm thức giấc nghe tiếng lá tre xào xạc, thân tre nghiến vào nhau kĩu cà kĩu kịt lắm lúc mơ màng tôi tưởng như đang ngủ ở quê nhà. Lúc tỉnh lại, biết không phải, tự dưng nước mắt trào ra ướt má...” (...) giọng người chồng nghẹn hẳn đi (…)

Năm Theo cũng thấy xốn xang trong lòng (...) Mười mấy năm về trước (...) Nhựt bắt thanh niên lên Hà Tiên đào phòng tuyến, đắp sân bay (...) Chiều nào anh cũng (...) ngồi nhìn rặng dừa đằng mé biển (...) như thấy cả mái nhà xơ xác quạnh hiu (...) bầy gà con lạc mẹ kêu chíu chít ở dưới giàn bầu (...) bầy dơi quạ chớp cánh chập choạng bay ngang (...) Và thương ơi! (...) mẹ già lọm khọm ra vào (…)

Năm Theo (…) đưa tay lau nước mắt (…) nhìn dáng ngồi của anh dân chài không quen anh nghĩ có lẽ mười mấy năm về trước mình cũng đã ngồi y như vậy. Con người ngồi dưới ghe kia không có gì xa cách (...) Năm Theo đứng lên kêu: “Anh Hai! Anh Hai à! Chưa đi chài ghé lên bờ uống nước, nói chuyện chơi cho đỡ buồn, ở đâu cũng bà con hết mà, đừng ngại...”. Và anh mỉm cười sung sướng khi bắt gặp đôi mắt u ám vừa rực sáng lên của người bạn mà anh mới vừa nói chuyện câu đầu...”


Bằng cách chia nước Việt Nam thành ba “kỳ”, giặc Pháp đã cố chia rẽ dân tộc ta, với kết quả là thất bại hoàn toàn!

Dĩ nhiên lãnh đạo kháng chiến đã sáng suốt, hết sức nhấn mạnh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết!”. Nhưng sở dĩ kêu gọi mà thành công, ấy là nhờ ý thức thuộc vào cùng một dân tộc đã sẵn tồn tại rất đậm đà trong lòng đông đảo người Việt Nam từ Bắc chí Nam: “Thìa hay muỗng đã có sao đâu?”, “Thì cũng người Việt Nam với nhau cả”, “Con người ngồi dưới ghe kia không có gì xa cách”, “Ở đâu cũng bà con hết mà”…

“Tình cá nước”

“Đơn vị dừng lại (...) chờ ban chỉ huy hội ý. Sông rộng, xuồng khẳm, đêm nay lại gặp sóng to gió lớn, nếu cho xuồng đâm ngang qua sông nhứt định chìm (...) Khó khăn này chỉ có dựa vào nhân dân mới giải quyết được, nhưng nhân dân đâu trong đêm tối ở ngoài bờ sông cái (...) Vậy mà có. Đó là một cô gái chở bà má già trên chiếc ghe gắn máy đang đậu khuất trong lá. Thấy bộ đội dừng xuồng lại hồi lâu, đoán là các anh muốn qua sông (...) cô gái chống ghe ra hỏi thăm để tìm cách giúp đỡ. Thật là đúng như câu “Buồn ngủ lại gặp chiếu bông” (...) Ghe nổ máy (...) Ba chuyến, rồi bốn chuyến… Tới chuyến cuối cùng thì trời đã về khuya (...) Anh em bộ đội ngỏ lời cám ơn, ban chỉ huy đề nghị gởi tiền xăng. “Bộ đội đánh giặc cho dân ngày đêm cực khổ, máu xương không tiếc. Em đưa các anh vài chuyến qua sông có gì mà nói chuyện ơn nghĩa tiền nong?”. Cô gái trả lời rồi từ giã. Rốt cuộc không biết tên em”.

Cô gái đó biết nghĩ. Biết nghĩ như cô chắc chắn rất nhiều người, nhưng nghĩ đúng rồi khi gặp dịp có làm đúng hay không thì lại là chuyện khác. Cho nên “Phước” mới nhớ mãi “người em gái vô danh xã Đông Yên”. Bộ đội vì dân, dân vì bộ đội. “Tình cá nước” là nguyên nhân cơ bản khiến kẻ thù sẽ không được toại nguyện.

“Nắng mùa xuân”

“Thảo đứng nép lại sau bụi tre (...) Liên vẫn còn ngồi giặt (...) bên kia rạch (...) Gió tháng chạp thổi qua bụi tre, lá lăn tăn bay chấp chới trên con sông ngập nắng vàng (...) “Anh Ba đi đâu vậy?” (...) “Đi... ờ, thả bậy ngoài xóm một lát” (...) “Qua bên này ghé uống nước rồi đi, anh Ba!”. Thảo cảm thấy hai bên màng tang nóng ran (...) “(...) thôi tôi đi đằng này nghe cô Hai”. Thảo vội vã đi làm như đang có việc gì gấp rút dữ lắm (...) Thế là hỏng bét (...) Thảo giận mình sao nhút nhát vô lý quá (...)

Nhớ lại đêm đi phá hoại về, cách đây mấy tháng (...) Tới điểm tập trung thì mấy chiếc xuồng còn lại đều khẩm mẹp, chỉ có xuồng của mấy chị nữ du kích còn chỗ (...) Thảo dùng dằng (...) Anh vốn nhát gái (...) Có tiếng cô Liên cười khúc khích: “Xuống đại cho rồi đặng đi (...) Thanh niên mà nhát hích hè” (...) Tới vùng giải phóng, mấy cô trên xuồng cười nói om sòm (...) Chợt anh nghe (...) “Chị Liên làm đám tuyên bố với Sáu Còn nhớ cho tụi này hay sớm sớm nghe” (...) “(...) Ai nói với mấy chị đó?”. “Vậy chớ Sáu Còn không có hỏi chị sao? Anh đó coi cũng được lắm chớ”. “Được thì chị chịu thằng chả đi”. “Đồ quỉ!”. Thảo nghe tiếng cười, tiếng đấm nhau trên nón lá thùm thụp (...) Một lát lại có tiếng của Liên: “Nói nhỏ mà nghe chớ Sáu Còn tệ quá, hễ kêu đi công tác hay phá hoại thì không đau bụng cũng nhức đầu” (...) “Liên à, vậy chớ mầy chịu cỡ nào? (...) tính chấm đứa nào chưa?”. Có tiếng cô Điều trả lời hớt: “Chấm rồi chị. Mới nói nhỏ với tui, dặn đừng nói lại cho ai nghe hết”. “Dóc, dóc. Ai nói cái gì với mầy hồi nào?”. “Có, có thiệt mà. Chỉ nói nhỏ với tui, chỉ chấm... anh Ba Thảo rồi”. Cả xuồng cười cái rần. Thảo chết điếng vì mắc cỡ (...) Chị Sáu Tiên (...) “Để tao hỏi đàng trai coi cái mà. Tính sao chú Thảo?”. Liên vùng vằng: “Con Điều nó nói tầm bậy mà chị cũng cứ...”. “Coi, coi. Người ta hỏi đàng trai mà con Liên nó cũng muốn ra thay mặt trả lời nữa chớ” (...) “Nảy giờ sao không mở miệng vậy Thảo? Tụi nó cười chú chết còn gì”. Thảo nghe lỗ tai nổ lùng bùng (...) “Tui nghèo quá... Vợ con nỗi gì!” (...) Một lúc lâu cả xuồng im lặng (...)

Thảo ngậm ngùi nhớ (...) anh thứ hai của Thảo bị lính ruồng bắt được, đem đập chết trước sân trường làng. Bốn tháng sau (...) ba của Thảo lại bị bắt (...) hai mẹ con bán con heo lớn lấy tiền đi thăm (...) Về tới nhà (Thảo) trằn trọc không ngủ được, cứ thấy dật dờ hình ảnh của người anh mình le lói máu, nằm dãy dụa trên mảnh sân đầy cát bụi, và lờ mờ khuôn mặt xanh mướt của người cha (...)

Cầm gói giấy (...) mà bé Tư em của Liên vừa chèo xuồng theo đưa, Thảo hồi hộp. Cái gì đây? (...) Một cái khăn trắng thơm mùi dầu Huê Lạc. Năm tờ giấy 20 đồng. Một mảnh giấy gấp làm tư (...) “Anh Ba thân mến, anh đi mà không cho em hay một tiếng. Anh tệ quá. Chắc là anh giận em bữa hôm đó nói anh thanh niên mà nhát hích phải không? Em nói chơi mà, anh đừng hiểu lầm. Thanh niên nhát với phụ nữ mà dám đánh giặc như anh thì đâu có sao (...) Nhớ (...) anh than nghèo (...) làm cả xuồng chị em ai cũng bùi ngùi (...) Nhà đơn chiếc mà anh vẫn đeo đuổi theo phận sự, ai cũng có lòng nể anh (...) Anh yên tâm đi với anh em. Ở nhà tới mùa lúa, em và chị em lo tiếp với bác Năm, không sao đâu (...) anh nhớ viết thư về cho em biết địa chỉ. Thôi vắn tắt vài hàng, em chúc anh mạnh giỏi (...) Anh lấy cái khăn cũ của em, cất làm kỷ niệm (...) Em: Liên”. Thảo gấp thư lại. Tay anh không còn run nữa”
.

Chọc anh Ba chút cho vui
Anh gan đánh giặc, mê tơi anh hoài!
Nghen anh, em đã “chấm” rồi
Đợi ngày chiến thắng đi mời bà con...

Dĩ nhiên ngày chiến thắng chắc gì Liên, Thảo cùng còn mà đi mời ai... Kể ra, Thảo ra đi như vậy là được động viên đặc biệt mạnh mẽ: ngoài nợ nước, có thù nhà và cả tình yêu tích cực của “em”. Vô số Giải phóng quân trẻ tuổi khác chịu đựng gian khổ, chiến đấu can trường, chỉ vì có nợ nước thôi.



Thu Tứ
Viết tháng 5-2017




















_________
(1) Trích, theo thứ tự, “Đôi mắt người Sơn Tây” của Quang Dũng, “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm, “Mối tình nghệ sĩ” của Nguyễn Hiến Lê,
Thềm hoang của Nhật Tiến.