Hữu Thỉnh - Thanh thản, buồn tênh




Nhắc thơ Hữu Thỉnh, có lẽ nhiều người nghĩ ngay tới cảm nhận của một chiến sĩ Quân đội Nhân dân về những sự việc có liên quan đến cuộc chiến tranh chống Mỹ. Quả thực đó là nội dung chính, nhưng ngay trong khói lửa, Hữu Thỉnh cũng đã có sáng tác để diễn những nội dung khác. Hai tập Đường tới Thành phố (1979) và Thương lượng với thời gian (2005) chứa coi như đủ các loại nội dung trong thơ ông, nhưng không phải là gần hết những bài hay nhất. Có lẽ khi có dịp ông nên in tất cả thi phẩm giá trị của mình vào chung một tuyển để người muốn thưởng thức dễ tìm đọc.

Khi cho tái bản Đường tới Thành phố, Hữu Thỉnh tâm sự: “Tôi viết (trường ca này) ngay sau khi (ta) toàn thắng (...) tôi muốn giữ (...) như bản in lần đầu (...) vì (...) không muốn làm biến dạng cái cảm xúc tươi ròng”. Thiết tưởng thế là rất phải. Thơ mà chứa toàn cảm xúc, mà lại làm ngay sau sự việc, thì chữa đi chữa lại có thể làm giảm cái nhiệt độ cao nó giúp truyền cảm xúc. Lời “mộc mạc” càng hay chứ sao.

Đối với Thương lượng với thời gian “tập hợp những bài thơ tôi làm rải rác trong vòng hơn mười năm qua” (thực ra, có cả những bài làm năm 1962, 1980, 1981, 1982, 1983, không biết tại sao không được đưa vào Thư mùa đông in năm 1994), thì tác giả lại nghĩ khác: “(Khi cho tái bản, tôi) đã xem lại và sửa chữa theo góc nhìn của nhận thức mới”. Đây thiết tưởng cơ bản cũng là quyết định đúng. Vì thi tập này chứa nhiều chiêm nghiệm về “những điều trông thấy”. Đã là ngẫm nghĩ, thì ta có thể trăn trở nhiều lần cho tới khi cảm thấy đã thực sự xuống tới “đáy”. Một khi “góc nhìn” đổi, tất nhiên lời phải đổi...

*

Thơ Hữu Thỉnh đại khái “ba cảm, một nghĩ”. Cảm nhận về chiến tranh, quê hương, tình yêu. Nghĩ ngợi về thế thái nhân tình.

Thế còn những dòng chứa tình gia đình, nhất là tình mẹ con, thì sao? Chúng đan vào trong thơ chiến tranh, thơ quê hương, chứ hiếm khi đứng riêng.

Thơ chiến tranh của Hữu Thỉnh chứa rất nhiều vần diễn thành công cảm xúc “tươi ròng” trong những tình huống cụ thể ở trận địa, trên đường hành quân, tại nơi trú quân v.v., những vần ấy chúng tôi xin sẽ bàn vào dịp khác. Trong bài viết tổng quan này, xin chỉ trích dẫn một số ít câu “khái quát” mà cùng nhau có lẽ đủ cho ta thấy cái ý nghĩa cao đẹp của cuộc chiến tranh mà ông đã tham gia.

“Yêu Tổ quốc mình, Tổ quốc bị chia đôi / Nỗi đau ấy góp đời mình để xóa” (“Cửa mở”), “Chúng tôi đi với một niềm tin” (“Chuyến đò đêm giáp ranh”), “Còn ao ước nào hơn / (...) Đoàn tụ / (...) / Thương mẹ và yêu em / Còn hạnh phúc nào hơn / Tổ quốc!” (“Những người mới đến”), “Thành phố càng gần / Càng không dám nghĩ nhiều đến mẹ / Phải cố quên mẹ ngồi đứng không yên” (“Tờ lịch cuối cùng”), “Với một người lính như con / muốn gặp mẹ phải vượt lên phía trước” (“Ngôi nhà của mẹ”), “Đất bận quanh năm điệp khúc mùa màng / Chị búi tóc cao hơn, chịu thương chịu khó / Mẹ vẫn đong bữa ăn bằng chiếc lon nho nhỏ / Quá nửa những cánh đồng dành cho đứa con xa / Sức lực nào từ mạch đất ông cha / Chuyền đến tận chiến hào hăm hở thế” (“Sức bền của đất”).

*

Hữu Thỉnh là một người con của Quê yêu Quê tha thiết. Nên khi ông ngoái nhìn về hậu phương, thì không chỉ thấy có bà với mẹ với chị với em, mà còn “nhận vào một lúc / Cả không gian hồn hậu rất thơm tho” (thơ Huy Cận). Không gian đặc biệt ấy có dáng màu mùi tiếng thay đổi theo mùa. Trong bốn mùa, có lẽ mùa thu vào thơ nhiều nhất. Thơ thu quê của Hữu Thỉnh gợi cảm cách riêng:

“Đi suốt cả ngày thu / vẫn chưa về tới ngõ / dùng dằng hoa quan họ / nở tím bên sông Thương / (...) / nắng thu đang trải đầy / đã trăng non múi bưởi / bên cầu con nghé đợi / cả chiều thu sang sông” (“Chiều sông Thương”).

“Bỗng nhận ra hương ổi / Phả vào trong gió se / Sương chùng chình qua ngõ / Hình như thu đã về / Sông được lúc dềnh dàng / Chim bắt đầu vội vã / Có đám mây mùa hạ / Vắt nửa mình sang thu / Vẫn còn bao nhiêu nắng / Đã vơi dần cơn mưa / Sấm cũng bớt bất ngờ / Trên hàng cây đứng tuổi” (“Sang thu”).

Cảm chớm thu, không biết có ai cảm kỹ hơn, nhậy hơn thế này không nhỉ?

*

Tình yêu. Ai có làm thơ mà chừa được nó. Ít ra cũng phải một vài... chục bài. Mà như Xuân Diệu, Huy Cận nêu gương, dù tuổi có hơi cao khi gieo những vần yêu, thì thi nhân cũng không hề cần phải giấu đi những cảm xúc lãng mạn chân thành của mình. Khi viết mấy dòng rất tình tứ sau đây, hình như Hữu Thỉnh ngoài năm mươi:

“Anh xa em / Trăng cũng lẻ / Mặt trời cũng lẻ / Biển vẫn cậy mình dài rộng thế / Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn / Gió không phải là roi mà đá núi phải mòn / Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím” (“Thơ viết ở biển”).

Trong bài “Một mình” sáng tác khi ông mấp mé lục tuần, có hai câu này:

“Xa em đói tiếng đói hình / Trời xanh với chỉ một mình trời xanh”.

Đọc rồi nhớ lời đắm đuối Huy Cận viết khi cũng đã khá lớn tuổi:

“Mới gần đã lại cách xa / Giá anh nuốt được thân ngà em yêu!”.

“Đói”, “nuốt”! Các nhà thơ ta, tâm hồn họ sao mà trẻ được lâu đến thế!

*

Thế thái nhân tình thì thời Nguyễn Công Trứ đã “gớm chết thay”. Thực ra chắc vào đời An Dương Vương cũng đã khá “gớm” rồi. Ấy vậy mà bây giờ ai có than thế thái nhân tình, tưởng cũng không phải sợ là... cổ quá. Trong “cuộc bể dâu chưa từng” xã hội Việt Nam đang trải qua, mới đến đây mà cơ hồ toàn bộ giá trị đạo lý truyền thống đã bị đào thải coi như xong rồi, ít nhất ở các vùng đô thị lớn. Hết sức nhanh chóng, thị dân ta trở nên “tiền tiếng” (chỉ biết có tiền bạc, tiếng tăm) y hệt như người bên Tây. “Những điều trông thấy” bây giờ, cách nay chưa lâu, người Việt Nam đã thấy bao giờ đâu mà ngại rằng nhắc thì nhàm.

Xa xôi là mấy, “Những năm Trường Sơn bạn bè trong trẻo quá” (“Tiếng hát trong rừng”), “Đồng đội của ta / (...) / Nụ cười mát lành như mây trắng bay qua” (“Sức bền của đất”). Vậy mà “trong” với “lành” đã biến đi đâu mất cả rồi, khiến người chiến sĩ vô tư một thời nay sống giữa thanh bình lúc nào đó chợt “Nghẹn”: “Có gì bền? Nhân nghĩa có còn đây?”, bởi vì vừa “Thấy”: “Đụng một kẻ ngấm đủ mặt cái ác / Sống một ngày lội qua cả kiếp người”. Kiếp người không ra làm sao, bèn nghĩ đến kiếp cây, tưởng tượng cây mới “Một thoáng làm người” đã xin trở lại làm cây: “Bão trời ta coi khinh / Bão người không chịu nổi”. Cây lành lắm, nên có “Lời mẹ” dặn: “Đến với ai gặp nạn / Xong rồi, chơi với cây!”! Nào dám quên, nhưng quán tính khiến ngày ngày lại cứ “Buổi sáng lo kiếm sống / Buổi chiều tìm công danh / Buổi tối đem trí khôn ra mài rũa / Tỉnh thức / Những hàng cây bật khóc” (“Thương lượng với thời gian”)…

Sực nhớ những dòng thơ chiêm nghiệm này tác giả đã viết ra trễ nhất là năm 2005, mà bây giờ là năm 2017! Hình như từ bấy tới nay, xã hội Việt Nam đổi thay vẫn theo y nguyên chiều cũ.

*

Từ quê xanh nồng ấm tình gia đình gia tộc, tình làng nghĩa xóm, người trai quê đi vào rừng xanh. Tuy sau những cơn “mưa” nhân tạo kinh khủng, rừng sẽ từng vùng bùng bùng đỏ rồi hóa đen, hay lặng lẽ vàng rồi hóa nâu (“Cây cối thưa dần / Màu ngụy trang cuối cùng là màu của đất”), nhờ tình đồng đội, đồng chí, rừng cũng ấm áp gần như quê. Nhưng sau khi người chiến sĩ đi hết “Đường”, “tới Thành phố”, hoàn thành nghĩa vụ, thì cái nhiệt độ của tình người nó rút cuộc bắt đầu giảm, và giảm siêu nhanh! Trong khoảng đại khái mười lăm năm đầu hậu chiến, nước ta rất nghèo nên các loại tội hình sự lan tràn, nhưng đạo lý truyền thống vẫn vững chắc. Thế rồi ưu tiên tuyệt đối được dành cho phát triển kinh tế, đất nước mở tung cửa tiếp xúc ngày càng sâu rộng với thế giới Tây phương. Đạo lý nói riêng, văn hóa tinh thần nói chung, của dân tộc Việt Nam bắt đầu phá sản với một tốc độ chóng mặt.

Chợt nghĩ người bộ đội năm xưa lúc nào đó coi như đã trở lại chiến đấu rồi, trong một cuộc đấu tranh ác liệt không hề kém khác. Bây giờ không có ai chết, chỉ có những giá trị tinh thần thi nhau gục ngã...

Thành phố tới rồi, đường đi chưa hết
Ra khỏi đạn bom, nhập trận nhân tình
Lòng thanh thản chân xông pha vững bước
Nhưng “đánh giặc” lần này, đôi lúc buồn tênh...

Cuối cùng, có lẽ cần nhắc câu chuyện của Quê. Quê đang bé lại và đang hóa Tỉnh. Người chiến sĩ đã từ quê ra đi nay không còn quê như mình biết nữa để mà trở về. Lại cũng không vui!

Tuy vậy, thiết nghĩ người ấy chắc chắn vẫn có ít nhất một niềm vui, là khi đi qua cuộc đời đã cảm nghĩ về một số điều được có chiều sâu và diễn cảm nghĩ của mình ra thành lời được có hiệu quả.

*

Đã định thôi, nhưng đọc lại bài thơ “Thấy”:

“(...)
Đố kỵ gian manh thấp khớp tháo dạ
Tháng ba đầu cành hoa bưởi còn kia”
.

Ơ này, cái câu thứ sáu nó có ăn nhập gì với năm câu trên nó đâu nhỉ? Ờ, có lẽ bất chấp vô số cái gây “tháo dạ”, sẽ mãi mãi còn hương hoa bưởi thơm...

Nhớ “Sang thế kỷ”:

“(...)
Hoa hồng sang, gai nhọn cũng sang”
.

Hoa giờ hiếm lắm rồi. Nhưng biết đâu sẽ có một mùa hoa mới và cây sẽ rụng bớt gai...



Thu Tứ
Viết tháng 6-2017