“Đào Duy Anh nghĩ về sử địa văn triết”




Sau khi tiếp xúc với văn minh Tây phương một thời gian, người Việt Nam bắt đầu chuyển từ cái học để làm người qua cái học tìm tòi chuyện nọ chuyện kia. Trong số những tài năng xuất chúng đầu tiên của nền học mới có Đào Duy Anh.

Đào Duy Anh “học” rất rộng, bao quát lịch sử, địa lý, văn hóa, triết lý. Ông là nhà nghiên cứu khoa học xã hội với tầm đề tài rộng nhất trong thế hệ mình, và cả về sau, vì càng về sau cái học càng trở nên chuyên môn. Trong các đề tài, Đào Duy Anh dành quan tâm lớn nhất cho lịch sử dân tộc, đặc biệt là cổ sử.

Sau đây là một trích tuyển những phát biểu của Đào Duy Anh.

“Cái nghiệp của tôi”

Trong lời mở tập hồi ký Nhớ nghĩ chiều hôm, Ðào Duy Anh viết: “Mỗi người đều “mang lấy nghiệp vào thân”, cái nghiệp của tôi là nghiên cứu lịch sử Việt Nam”. Nghiệp có lần cứu người mang: “Sự nghiên cứu cổ sử Việt Nam đã đem lại cho tôi rất nhiều hứng thú, cho nên mặc dù phải vận dụng nhiều tinh lực, bệnh (đau phổi) của tôi không vì thế mà tăng, trái lại cuối cùng bệnh được ổn định”. Nghiệp là nguồn hạnh phúc: “Tôi (...) có những phút sung sướng (...) với những phát hiện của mình”, “Tôi lấy làm sung sướng được là người đầu tiên giảng về cổ sử Việt Nam (...) truyền cho sinh viên (...) lòng tự hào có cơ sở khoa học đối với nguồn gốc vẻ vang của dân tộc, cái nguồn gốc mà xưa nay người ta chỉ tự hào một cách thần bí với truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên”.

Lời giảng của Đào Duy Anh bắt đầu với khẳng định nền tảng: “Lịch sử cổ đại Việt Nam (...) không có thể quan niệm nó trong khuôn khổ của lịch sử cổ đại Tây phương (...) mỗi dân tộc có con đường phát triển cụ thể tùy theo hoàn cảnh địa lý và hoàn cảnh lịch sử của mình, cho nên không có thể lấy cách phát triển của dân tộc này (...) mà gán cho một dân tộc khác (...) Vấn đề nguồn gốc (...) học giả Pháp (...) thường đứng trên lập trường của kẻ xâm lược mà tự nhiên hay cố ý thuyết minh xuyên tạc bôi nhọ tổ tiên ta”.

Vài kết quả nghiên cứu: “Tôi nhận thấy (...) truyền thuyết Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân có quan hệ với địa bàn sinh tụ của tổ tiên xa của chúng ta là người Việt tộc phân bố trong cả miền đông nam của lục địa châu Á (...) Truyền thuyết Lạc Long Quân (...) có quan hệ với tín ngưỡng vật tổ của xã hội thị tộc (...) Do (...) những người Việt tộc phải “lặn lội” trong miền sông lớn hồ rộng, đã xuất hiện cái tín ngưỡng xem giao long - một giống cá sấu lớn ở miền đông nam lục địa châu Á - là vật tổ, do đó mà thành cái tên Giao Chỉ, chỉ miền đất ở của những người mà truyền thuyết xem là tổ tiên xa của ta (...) Tôi lại nhận thấy (...) từ Lạc tất có quan hệ với cái tên Lạc Việt của tổ tiên trực tiếp của chúng ta, mà tên ấy chính lại cũng có quan hệ với tín ngưỡng vật tổ xem con chim Lạc, con chim mà tôi cho là được khắc trên các trống đồng - là vật tổ của mình (...) Tôi nhận thấy (...) Văn hóa Ðông Sơn chính là nền văn hóa độc đáo của người Lạc Việt (...) người sáng tạo ra nền văn hóa đáng tự hào ấy chính là tổ tiên của chúng ta (...) Tổ tiên Lạc Việt của chúng ta (...) đã sáng tạo được một nền văn hóa đồ đồng tiến bộ nhất so với các nền văn hóa đồ đồng khác ở miền đông nam lục địa châu Á bấy giờ (...) .(ĐDA-1)

Ðể đánh giá đúng đắn đóng góp của Ðào Duy Anh vào nỗ lực tìm hiểu nguồn gốc dân tộc, phải xét cái thời điểm ông lập thuyết. Sách Lịch sử cổ đại Việt Nam in năm 1956, mấy năm sau đó Ðội Khảo cổ mới ra đời. Đào Duy Anh đã không có cái lợi thế được ngắm nghía vô số hiện vật vô cùng quý giá thu được từ những cuộc khai quật qui mô của ngành khảo cổ Việt Nam trong thập kỷ 1960 (tiến hành ngay cả sau khi Mỹ bắt đầu đánh phá Miền Bắc), nên nếu những nghĩ ngợi của ông có chỗ chưa ổn, thế là chuyện rất bình thường.

Khi đối tượng nghiên cứu quá phức tạp, phải sau nhiều thế hệ học giả, lớp sau đứng trên vai lớp trước, ta mới thấy được sự thực. Bao giờ thấy chắc chắn quá khứ rất xa xôi của dân tộc rồi, xin nhớ trông lại quá khứ gần mà biết ơn những đôi vai vững chãi đầu tiên trong đó có Đào Duy Anh!

Chỗ yếu của Bác Cổ

“Trong Tạp chí Paris số tháng 12 năm 1936, có một bài của một nhà Hán học người Pháp là Emile Gaspardonne, trước kia cũng là viện sĩ của Viện Viễn Ðông Bác Cổ, chỉ trích phương pháp của các nhà khảo cổ học của viện ấy. Chúng tôi không tán thành quan điểm và động cơ phê bình của ông ta, nhưng trong bài ấy chúng tôi thấy có một câu vạch rõ được một nhược điểm quan trọng trong phương pháp của các nhà khảo cổ học nói trên: “Những người nghiên cứu khảo cổ học Ấn-độ-chi-na (nên nói riêng về khảo cổ học Việt Nam thì đúng hơn - tôi chú) thường thường không biết văn tự của xứ ấy”. Vì không biết thứ văn tự cần thiết để nghiên cứu lịch sử Việt Nam - chữ Hán - các nhà khảo cổ học phải thừa nhận một cách không phê phán ý kiến của các nhà nghiên cứu sử học”.(ĐDA-7)

Nhà sử học Tây nghiên cứu cổ sử Việt Nam qua cổ thư Tàu, vì xưa kia tổ tiên ta không chép sử. Tàu chép về ta chắc chắn lệch lạc. Tây đọc Tàu, làm sao hiểu đúng ta được! Nhà khảo cổ Tây không biết chữ Hán nên về cổ sử Việt Nam phải dựa vào ý kiến của nhà sử học Tây. Dựa vào ý sai về cổ sử, làm sau hiểu đúng ý nghĩa của cổ vật được!

Khảo cổ phản khoa học

“Thực ra thì các nhà khảo cổ học Tây phương chỉ bằng vào sự tồn tại của một ít mô-típ tương tự trong các hệ thống nghệ thuật đồ đồng ấy, đặc biệt là mô-típ văn xoáy ốc đôi và văn thừng tết, mà khẳng định rằng nghệ thuật Ðông Sơn, cũng như nghệ thuật Trung Quốc, là bắt nguồn từ nghệ thuật Han-tát. Cái phương pháp đối chiếu loại hình (…) nếu dùng nó một cách đơn thuần, cô lập, không căn cứ vào những sự kiện về loại khác (…) thì người ta có thể đi đến những kết luận xa với sự thực (…)

Sở dĩ các nhà khảo cổ học Tây phương đều sẵn sàng đi đến hay công nhận một kết luận như thế, là bởi mọi người đều có cái khuynh hướng chủ quan (…) cho rằng nguồn gốc của văn minh là ở Tây phương và, xưa cũng như nay, Ðông phương phải nhờ Tây phương khai hóa cho”
.(ĐDA-7)

Các ông Tây khảo cổ ngày xưa chỉ căn cứ vào một ít họa tiết tương tự mà bảo đồ đồng Ðông Sơn có gốc Ðông Âu. Bảo thế, khác nào bảo vì trong tiếng Việt có chữ cắt, chữ rớt đọc nghe tương tự chữ cut, chữ drop trong tiếng Anh mà do đó, bất chấp vô số chữ khác không hề tương tự và bất chấp dị biệt hết sức căn bản về ngữ pháp giữa hai thứ tiếng, tiếng Việt có gốc ở tiếng Anh!

Sở dĩ Tây có thể nghĩ nhảm đến mức ấy, là do trong óc họ có cái định kiến sai lầm rằng văn hóa luôn chảy từ Tây sang Ðông. Sự thực, nếu có cái gì luôn chảy từ Tây sang Ðông, thì đó chỉ là bạo lực.

Như Nguyễn Duy Hinh nhắc, cái “khảo” của các ông Tây ở nước ta nó bắt đầu là khảo của chứ không phải khảo cổ.(NDH) Đến khi tiến hành khảo cổ thì đó lại là làm khoa học với “khuynh hướng chủ quan”, nghĩa là một cách phản khoa học. “Làm ăn” như thế dĩ nhiên phá sản: vô số cổ vật mà ngành khảo cổ Việt Nam đưa ra ánh sáng đã hoàn toàn khẳng định nguồn gốc bản địa của văn hóa Đông Sơn.

Vẫn một nước thôi

“Trong suốt gần hai trăm năm họ Nguyễn cát cứ ở miền Nam, nhân dân hai miền Nam Bắc vẫn không xem nhau là người nước khác (...) Ðể phân biệt người ta chỉ gọi nhau là Ðường Trong và Ðường Ngoài (...) Họ Nguyễn, mặc dầu cát cứ, cũng vẫn theo niên hiệu nhà Lê”.(ĐDA-2)

Trong 20 năm tồn tại của “Việt Nam Cộng Hòa”, lòng dân Nam Bắc cũng y như thế. Nhưng Ngô Đình Diệm v.v. khác các chúa Nguyễn vì đã gọi Miền Nam là “nước”. Cái nước giả mà ngoại bang dựng lên ấy đã tan biến rất nhanh. Đó là điều hết sức may mắn cho Tổ quốc, vì nếu nó sống lâu, đến một lúc nào đó e rằng nhân dân hai Miền sẽ bắt đầu thấy nhau là người nước khác!

Địa lý thuận lợi…

“Lãnh thổ nước ta (...) được cấu tạo trên sự phân biệt và sự phối hợp của hai miền đối nhau, miền đồng bằng chạy dài theo dọc biển do những sông lớn phát nguyên từ dải núi xương sống bồi thành, và miền núi cao chạy dài theo triền phía đông của dải núi xương sống và liên tiếp với miền đồng bằng do một dải trung du gồm những đồi và đất cao chân núi; sự phân biệt và sự phối hợp giữa hai miền như thế là điều kiện rất thuận lợi cho việc thành lập một khu vực kinh tế hoàn chỉnh với những nguồn tài sản và những ngành sản xuất khác nhau mà bổ sung lẫn nhau, do đó cũng là điều kiện thuận lợi cho sự thống nhất chính trị, tức sự kiến lập của nhà nước thống nhất, mặc dầu về điều kiện cư dân thì những miền cao độ khác nhau như trên đã quy định sự tồn tại bên cạnh nhau của nhiều chủng tộc và dân tộc khác nhau (...)

Lãnh thổ ấy (...) bị chia cắt thành nhiều khu vực cách nhau bởi những nhánh ngang của dải núi xương sống nói trên, nhưng mỗi một khu vực tự nó lại cũng là một khu vực địa lý hoàn chỉnh nhỏ với một dải đồng bằng, một dải núi cao liên tiếp nhau bởi một dải trung du, do đó cũng có thể làm thành một khu vực kinh tế tương đối hoàn chỉnh. Những khu vực nhỏ ấy tuy cách nhau bởi những nhánh núi ngang, nhưng lại thông với nhau dễ dàng bằng những đèo thấp và nhất là bằng đường biển dọc theo bờ, cho nên sự ngăn cách thành nhiều khu vực như thế không những không ngăn trở sự giao thông và do đó sự thống nhất kinh tế và chính trị, mà trái lại lại là điều kiện thuận lợi cho sự ổn định tương đối sớm của lãnh thổ nhà nước và cho sự phát triển đều đặn theo từng giai đoạn của lãnh thổ”.
(ĐDA-2)

Lúc đầu, văn hóa ta đa dạng chỉ do chênh lệch cao độ. Khi Tổ quốc mở xa về phía nam, nó trở nên đa dạng cả do chênh lệch vĩ độ. Những chiếc xương sườn đâm ra tận Biển Ðông của bộ xương Trường Sơn không cản trở thống nhất kinh tế vả chính trị, mà giúp tạo nên nhiều sắc thái địa phương trong văn hóa Việt Nam ở miền xuôi. Một phần do những đèo “ngang”, cùng người Kinh mà văn hóa tỉnh này phân biệt với văn hóa tỉnh khác khá rõ. Nhưng sự phân biệt không chia rẽ dân tộc.

Truyền thống trí thức yêu nước

“Những thành phần nho học ưu tú nhất (…) đều đứng dậy chống giặc (...) Sau khi phong trào Cần Vương thất bại thì thế hệ kế thừa lại phát động phong trào Duy Tân mà Phan Bội Châu là linh hồn (...) Sự thất bại năm 1908 của phong trào Duy Tân và sự thất bại năm 1916 của kế hoạch khởi nghĩa của vua Duy Tân và nhà nho học Trần Cao Vân (…) đánh dấu sự hạ đài của tầng lớp sĩ phu (...)

Để đào tạo tay sai, thực dân Pháp bắt đầu cải cách giáo dục. Trí thức mới phần lớn là con em của các quan lại đầu hàng, của các thông ngôn ký lục từng giúp việc cho chính quyền thực dân trong những bước đầu, của lớp tư sản và tiểu tư sản kiếm ăn và làm giàu trong công cuộc khai thác kinh tế của chính quyền và của tư bản thực dân (...)

Người ta (có thể tưởng) lớp trí thức mới đã bị nô dịch hoàn toàn. Nhưng không phải thế. Trong lớp trí thức mới có những người (…) theo dấu cha anh, đứng lên đỡ lấy cái gánh nặng non sông (…) Người tiên tri tiên giác trong lớp kế thừa này chắc chắn là cậu học sinh hai mươi tuổi Nguyễn Sinh Cung (…) năm 1911 (…) xuất dương sang phương Tây để (…) tìm con đường mới cho cách mệnh Việt Nam (…) Năm 1919 cậu (…) gởi bản “Yêu cầu của nhân dân Việt Nam” lên Hội đồng Hòa bình họp ở Véc-xây (…) Người lãnh tụ thiên tài ấy đã tìm được con đường cách mệnh đúng đắn (...)

Trong khi một số người trí thức mới bền bỉ gánh vác cái sứ mệnh giải phóng dân tộc thì đại đa số những người trí thức mới khác (tuy) không dám dầm mình vào cuộc đấu tranh, nhưng trong lương tâm nhiều người, cái đại nghĩa dân tộc vẫn còn. Bởi vậy cho nên vào dịp Tổng khởi nghĩa và nhất là từ Cách mệnh tháng Tám đến Toàn quốc kháng chiến, một số lớn các phần tử trí thức bề ngoài lạnh nhạt (…) đã chợt tỉnh mà hướng theo chính nghĩa (...) (Ở bên Pháp) Bác sĩ Trần Hữu Tước (…) các kỹ sư Trần Đại Nghĩa, Lê Viết Hường (…) nhà triết học trẻ tuổi Trần Đức Thảo (đều bỏ sự nghiệp riêng đang thành công rực rỡ mà) khẳng khái về nước tham gia kháng chiến với đồng bào (...) Khắp nước, bao nhiêu người trí thức không kể xiết đã không tiếc gì đời sống vật chất thừa thãi mà ra sống vất vả, nguy hiểm ở chiến khu, bưng biền, đáp tiếng gọi thiêng liêng của dân tộc (...)

Tại sao trí thức Việt Nam lại phần lớn là đi theo cách mệnh như thế? (...)

Trí thức Việt Nam, trước kia là tầng lớp nho sĩ (…) tự đẳng cấp bình dân do học hành mà trở thành (...) Nhìn toàn bộ tầng lớp (này) và nhìn chung cả quá trình lịch sử (...) có thể nói rằng đại nghĩa dân tộc là cái tinh thần thấm nhuần sâu sắc vào tâm trí họ (...)

Ngay trong tâm trí của đa số người trí thức mới phục vụ chế độ thực dân, cái ý thức dân tộc vẫn không bao giờ tắt (...) cho nên đến khi thấy đảng cộng sản dựng lại được nền độc lập và kiên quyết kháng chiến để bảo vệ độc lập, thì cái lửa yêu nước mấy lâu vẫn âm ỉ ở trong lương tâm họ vụt cháy lên khiến họ đi theo cách mệnh và kháng chiến (...)

Phải nhìn người trí thức Việt Nam ở trong điều kiện lịch sử của dân tộc Việt Nam là một dân tộc đã phải đấu tranh chống ngoại xâm rất nhiều lần mới tồn tại được đến ngày nay”
.(ĐDA-1)

Làm sao cho cái “âm ỉ” chịu “vụt cháy lên”, là công việc của những người cách mệnh tiên phong. Không phải chỉ đi tuyên truyền suông mà được. Phải “tiên tri tiên giác”, ráo riết chuẩn bị, và khi thời cơ đến, phải chụp ngay lấy mà tạo khí thế cho thật to, thì mới có lửa ngọn bùng bùng.

Cách mệnh tháng Tám không phải một sự tình cờ, mà là kết quả của nỗ lực hết sức kiên trì bất chấp hoàn cảnh lắm lúc cực kỳ khó khăn của một nhóm người đã hy sinh tất cả cho đại nghĩa dân tộc, dưới sự chỉ huy của một “lãnh tụ thiên tài”.

Chiến tranh là không đừng được

“Sự sinh hoạt bằng nông nghiệp đã gây cho dân tộc ta cái tính tình ưa chuộng hòa bình, chỉ cốt an cư lạc nghiệp chứ không muốn cạnh tranh với ai.

Những cuộc đánh nhau với người Tàu ở trong lịch sử, những chiến công lừng lẫy của lịch triều, chẳng qua là tình thế khiến phải ra sức tự vệ, chứ không phải là do lòng thượng võ của quốc dân gây ra.

Ðến như việc chiếm cứ đất Chiêm Thành và Chân Lạp thời phần nhiều là do công phu tàm thực rất kiên nhẫn của nông dân, chứ chiến tranh chỉ là để giữ lấy những miền đất đã lấn được bằng cách hòa bình thôi.

Chế độ sương binh ở đời Lý, chế độ bách tính giai binh ở đời Trần, đều để binh lính bình thời ở nhà cày ruộng, đến khi hữu sự mới triệu ra. Lê Lợi đánh xong quân Minh, rồi thì giải tán quân đội cho về làm nông. Triều Lê và triều Nguyễn, quân lính thường dùng để khai khẩn đất hoang (…)

Nước ta xem việc dụng võ là bất thường (...) không như các nước Âu châu khi nào cũng cường binh độc võ (...) Dân ta vốn trọng hòa bình chủ nghĩa”
.(ĐDA-3)

Về “đánh nhau với người Tàu”, lý do hiển nhiên. Lạ là nông dân mới hóa lính mà đánh bay quân đội chuyên nghiệp của “thiên triều”!

Về “chiếm cứ đất Chiêm Thành và Chân Lạp”, lúc đầu ta chỉ cần chừng ấy đất, nhưng rồi con đàn cháu đống, cần thêm đất. Sẵn đất hoang thì tốt, không thì đành chiếm đất không hoang. Có muốn vậy đâu, nhưng để sống còn… Ta chiếm từ từ theo nhu cầu sống, chứ không tới tấp đi chinh phục do tham vọng đế quốc.

Về thành tích chiếm đất, cần phải nhớ ta thua Tàu, Tây rất xa.

Tàu từ Hoa Bắc nam tiến ngốn không biết bao nhiêu đất của Việt tộc mới thành “vĩ đại” như bây giờ. Tây lại còn ghê hơn Tàu nhiều, từ Tây Á và châu Âu bành trướng nuốt hơn nửa châu Á, trọn châu Mỹ, châu Úc, một phần châu Phi! Ðể chiếm được đất, Tây, Tàu đã tàn sát chủ đất. Chiếm xong, Tây thường đối xử hết sức tệ với chủ đất.

Nếu nhân loại có bao giờ mở đại lễ ăn năn về quá khứ xâm lược, ta nhất định phải nhường cho Tây, Tàu tự đấm ngực trước!

Bình đẳng và thuần hậu

“Đặc tính thứ nhất của văn hóa nông nghiệp ấy (tức văn hóa Việt Nam) là xã hội lấy gia tộc làm cơ sở (...) Gia tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc (...) về địa vị của con cái và địa vị của đàn bà con gái (...) rất là tàn nhẫn (...) pháp luật và phong tục nước ta (...) thể tất nhân tình hơn (...)

Phong tục nước ta thuần hậu, không như ở Tây phương, từ trong gia tộc ra ngoài xã hội việc gì cũng lấy pháp trị làm chủ, là thói khắc bạc phi nhân tình. Văn hóa nước ta lấy cảm tình làm bản vị, đó là (...) đặc tính thứ hai vậy”
.(ĐDA-3)

Bình đẳng hơn Tàu, thuần hậu khác Tây, là tổ tiên ta đó.

Làm nghệ thuật rất giỏi

“(Người Việt) giàu trí nghệ thuật hơn trí khoa học, giàu trực giác hơn luận lý”.(ĐDA-3)

“Trí nghệ thuật” tức là khả năng sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật. Vì sáng tạo hay thưởng thức thì cũng đều bằng trực giác, nên người giàu trí nghệ thuật là người giàu trực giác.

Nghệ thuật truyền thống Việt Nam cao và riêng. Tạo hình, âm nhạc, văn chương, ẩm thực v.v. đều xuất sắc và phân biệt hẳn với nghệ thuật Tàu.

Chỉ làm ra những cái khác khi thấy cần

“(Người Việt Nam) não sáng tác (…) ít”.(ĐDA-3)

“Sáng tác” đây không phải là sáng tạo nghệ thuật, mà là nghĩ ra thiết kế, phương pháp, lý thuyết. Quả ta có ít làm. Ta cơ bản chỉ làm ra cái gì đó khi thấy cần. Làm đến khi thấy dùng được là thôi. Do đó, đi đến phương pháp là cùng, không bao giờ đến lý thuyết.

Đổi mình, sửa của người

“(Người Việt Nam) thích ứng và dung hóa rất tài”.(ĐDA-3)

Thích ứng là thay đổi mình cho hợp với tình hình hay điều kiện mới. Dung hóa nghĩa đen là làm cho thể chặt hóa thể lỏng (ĐDA-6), chắc đây ý rằng người Việt Nam rất giỏi làm cho những nét văn hóa nước ngoài cực đoan khi vào nước mình phải trở nên bớt cực đoan.

Vừa đổi mình vừa sửa của người cho hợp với mình, thế là hay. Ta đã hay khi gặp Tàu. Hy vọng lần này ta sẽ lại hay trong tiếp xúc qui mô với Tây.

Không phải bất dịch

“Đừng nên xem những tính chất ấy (...) là bất di bất dịch”.(ĐDA-3)

Đây nói về cái mà bây giờ ta quen gọi là “bản sắc văn hóa”. Vì “sắc” có thể đổi, nên “bản” đây là trong một khung thời gian nào đó mà thôi.

Trong văn hóa Việt Nam, cái tính chất có khung bất dịch dài nhất là “mềm mại, uyển chuyển, linh hoạt”.(CXH) Khung này mở cách nay không biết mấy nghìn năm và vẫn chưa đóng. Người Việt vẫn còn “mềm”. Nhưng ta đang tiếp xúc qui mô với người Tây phương “cứng như đá”. Có khi rồi ta sẽ hóa đá, trong mọi vấn đề lúc nào cũng đứng ở một cái cực.

Giàu vần hơn hẳn tiếng Tàu

“Vì hệ thống âm của tiếng Trung Quốc vốn nghèo hơn hệ thống âm của tiếng Việt Nam cho nên so với tiếng Việt Nam thì hệ thống âm Hán Việt cũng nghèo hơn (...) Trong số 150 vần của tiếng Việt, chỉ có 75 vần có trong tiếng Hán Việt thôi. Trong số ấy các vần o, oe, ăn, im lại là những vần rất hiếm trong tiếng Hán Việt”.(ĐDA-4)

Âm Hán Việt gốc ở tiếng Tàu đời Ðường. Khi Việt hóa tiếng Tàu, các cụ ta xưa kia chỉ mới vận dụng có khoảng một nửa số vần có trong tiếng Việt. Nước Việt bé, nước Tàu to, thế mà tiếng Việt lắm vần hơn hẳn tiếng Tàu!

Thiền tông

“Phật ở trong lòng, trau dồi tâm tính tức là nên Phật (...) Người tu hành có thể do giác ngộ thình lình mà thành Phật (...) Ðó là hai điều chủ yếu trong giáo lý của Thiền tông, tức là tâm ấn và đốn ngộ, khác với giáo lý của các tôn phái khác cho rằng người khéo tu hành thì khiến nhẹ bớt được nghiệp báo cho kiếp sau rồi trải qua bao nhiêu kiếp luân hồi mới dần dần thành Phật được (...)

Thiền tông là một tông phái của Phật giáo đặc biệt phát triển ở Trung Quốc, do Ðạt-ma tổ sư từ Ấn-độ sang Trung Quốc lập nên ở thời nhà Lương (Nam Bắc triều), được nhiều phần tử trí thức của Trung Quốc ngưỡng mộ (...) Ở Trung Quốc Thiền tông truyền được sáu đời, đến Tuệ Năng thời nhà Ðường ở Tào Khê (tỉnh Quảng Ðông) là tổ thứ sáu. Sau vị tổ thứ sáu ấy Thiền tông chia làm nhiều phái, có phái truyền sang Cao Ly và Nhật Bản, có phái truyền sang nước ta, đến thời Trần thì nổi tiếng nhất là phái Trúc Lâm do Trần Nhân Tông tức Ðiều Ngự thiền sư làm tổ thứ nhất, căn cứ là chùa Hoa Yên trên núi Yên Tử. Trần Nhân Tông truyền cho Pháp Loa thiền sư là tổ thứ hai, rồi đến Huyền Quang thiền sư là tổ thứ ba, đều ở thời Trần.
(ĐDA-4)

Thiền xưa là mong thành Phật. Thiền nay chủ yếu nhằm chữa bệnh căng. Sống căng quá, thiền để giải căng, rồi lại sống căng, lại thiền, cứ thế.

Ai cảm được Bản thể

“Bản thể (...) thì cảm giác của người thường không thể cảm thụ được mà phải là cái thiên chân của đứa trẻ sơ sinh (…) hay cái trực quan (…) của người nào còn giữ được ít nhiều cái thiên chân của đứa trẻ con (...) trong trẻo và hồn nhiên (...) (có cái trực quan ấy thì) mới cảm thụ được một cách tổng quát mông lung gần như đứa trẻ sơ sinh cảm thụ cái thực tại ở xung quanh nó (...) Thích ca, Lão tử, Trang tử (…)”.(ĐDA-1)

Đào Duy Anh và Cao Xuân Huy có lần trao đổi về Đạo học. Sau khi Cao Xuân Huy trình bày cái nghĩ của mình về Bản thể, Đào Duy Anh đáp lại như trên.

Thánh nhân dù sống bao nhiêu tuổi vẫn cứ hồn nhiên gần như khi mới đẻ!

Trang khác Lão thế nào

“Học thuyết Trang tử là trực tiếp thừa kế tư tưởng “đạo” của Lão tử. Nhưng đạo của Trang tử là cái tồn tại khách quan độc lập, là cái phạm trù “tự bản tự căn”, không có quan hệ gì với thế giới hiện tượng. Trang tử thì chỉ nhận bản thể là chân thực, và cho thế giới (...) là hư ảo. Vậy Trang tử đã phá cái nội dung biện chứng của “đạo” của Lão tử mà biến thành cái “đạo” tuyệt đối hoàn toàn trừu tượng. Thế giới hiện tượng thì toàn nhiên là tương đối, không có gì là hiện thực cả”.(ĐDA-5)

Thiền sư Thích Thanh Từ có lần nói: “Tiểu thừa nói vô thường, Đại thừa nói huyễn”.(TTT)

So sánh với lời Đào Duy Anh thì thấy tư tưởng Lão tử tương ứng với triết lý Tiểu thừa, còn tư tưởng Trang tử thì tương ứng với triết lý Đại thừa.



Thu Tứ
Viết năm 2014
Sửa mới nhất 10-2023












______________
CXH: Cao Xuân Huy,
Tư tưởng phương Đông - Gợi những điểm nhìn tham chiếu, 1995.
ĐDA-1: Ðào Duy Anh,
Nhớ nghĩ chiều hôm, 1973.
ĐDA-2: Đào Duy Anh,
Ðất nước Việt Nam qua các đời, 1964.
ĐDA-3: Đào Duy Anh,
Việt Nam văn hóa sử cương, 1938.
ĐDA-4: Đào Duy Anh,
Chữ Nôm - nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến, 1975.
ĐDA-5: Đào Duy Anh,
Trung Hoa sử cương, 1942.
ĐDA-6: Đào Duy Anh,
Hán Việt từ điển, 1932.
ĐDA-7: Đào Duy Anh,
Lịch sử cổ đại Việt Nam, nxb. Văn Hóa - Thông Tin, 2005. Sách này tập hợp ba tác phẩm: Cổ sử Việt Nam (1957), Lịch sử cổ đại Việt Nam (1957), Vấn đề hình thành của dân tộc Việt Nam (1957).
NDH: Nguyễn Duy Hinh,
Văn minh Lạc Việt, nxb. Văn Hóa - Thông Tin, 2004.
TTT: Thích Thanh Từ,
Bát-nhã tâm kinh giảng giải, 1974.