“Vũ Hạnh nghĩ về văn hóa Việt Nam”




Mọi người biết cũng lâu rồi. Tác giả sách Người Việt cao quý là một người Việt. Hoàn cảnh nào đã khiến mình phải đi tự khen mình như thế? Thì ngay sau khi chia hai nước ta, ở Miền Nam ngoại bang đã lập tức tiến hành xâm lăng văn hóa. Hơn mười năm sau đó, tình hình trên mặt trận văn hóa trở nên đặc biệt khẩn trương.

“Vào khoảng tháng tư năm 1965, tôi được gọi ra mật khu Hố Bò (…) Bấy giờ chính phủ Hoa Kỳ chuẩn bị đổ quân ào ạt vào Miền Nam để cứu nguy cho chính quyền tay sai đang hồi rệu rã. Khu ủy nhận định rằng sự việc ấy nhất định sẽ làm tổn thương tinh thần dân tộc Việt Nam. “Lúc này, viết cái gì đó đề cao dân tộc là cách chống Mỹ tốt nhất của người cầm bút”. Lời đồng chí Trần Bạch Đằng khuyên tôi (…)”.(1)

Như vậy, Người Việt cao quý ra đời như một thứ áo giáp giúp bảo vệ tinh thần dân tộc Việt Nam chống “đạn” văn hóa sắp bay tới tấp.

*

Về quá trình “may giáp”, nhà văn Vũ Hạnh cho biết “đoạn đầu tôi phải đăng thử trên tờ nhật báo Đất Tổ, sau đó dò xem phản ứng người đọc, thấy tác dụng cao hơn cả mong chờ, liền viết tiếp trong tuần lễ đã xong”.

Viết nhanh như thế, mà lại không phải do một người chuyên tìm hiểu văn hóa Việt Nam… Tác giả khiêm tốn: “Tập sách nhỏ bé này (…) còn quá xa (…) tác phẩm nghiên cứu, biên khảo”. Quả thực, Người Việt cao quý rất mỏng. Làm sao dày được! Đại khái, nó như phần kết luận của một tác phẩm nghiên cứu.

Lời văn ở một số chỗ có lẽ trên mức đậm đà. Lý do: “Tôi yêu quý và tự hào về dân tộc (…) nói lớn lên điều đó với đồng bào mình trong sự say sưa, với ít hay nhiều cường điệu. Có đam mê nào mà không cường điệu?”. Sự say mê có dẫn đến vài giải thích, suy diễn, đánh giá hiện tượng văn hóa có lẽ hơi khó được chia sẻ rộng rãi. Nhưng ngay những khi “cường” nhất, Người Việt cao quý cũng chưa tới gần được cái “điệu” chủ quan lạ lùng của các sách Tây. Tây tự cho “cao quý” đến mức có cái quyền được dùng đến thậm chí vũ lực để bắt cả thế giới phải sống như mình!

*

“Người Việt cao quý” là người như thế nào?

Họ có “tinh thần thiết thực”. Họ “quân bình đặc biệt (…) chấp nhận (…) được mọi quan niệm, dung hòa được mọi ý kiến dị đồng”. Họ “mềm dẻo lạ thường (…) mềm dẻo mà cương quyết (…) khuất phục mà kiêu hãnh (…) uyển chuyển để tự tồn”. Họ “có cái khả năng chế hóa đặc biệt”. Họ “chiến thắng (…) không (…) hân hoan tột độ (…) chiến bại (…) không (…) bi đát tột cùng”. Họ “hiếu hòa (…) không xem (…) chém giết là vinh quang”. Họ “có một ý thức luân lý hết sức sâu xa”. Họ “không có đầu óc bài ngoại”. Họ “không (…) kỳ thị (…) dân tộc (…) hoặc chủng tộc”. Họ “thực ra chỉ có mỗi sự kỳ thị duy nhất, là kỳ thị về phẩm chất luân lý trong mỗi con người, tức là phân biệt kẻ xấu người tốt trong đạo ăn ở (…) mọi sự phê phán (…) đều quy về (…) nhân nghĩa (…) tình nghĩa”.

Người ấy nói thứ tiếng nói ra sao?

“(Tiếng Việt) là tiếng nói của cảm xúc (và cảm giác) (…) khả năng tượng thanh, tượng hình có lẽ hơn tiếng nào hết trên thế giới (…) chỉ có thể hiểu hoàn toàn trong những câu nói (…) không thua kém gì ngôn ngữ Trung Hoa (…) có thể (…) vượt hẳn (…) về mặt nghệ thuật”.

Người ấy đối xử với phụ nữ có gì đặc biệt chăng?

“Phụ nữ Việt Nam (…) không bị gò ép lệ thuộc như phụ nữ Trung Hoa thời xưa (…) Phần nhiều đàn bà có một vị trí quan trọng, nhiều khi quyết định ở trong gia đình (…) (Phụ nữ) đóng góp (to lớn vào) sự nghiệp chung (của dân tộc)”

Về văn hóa Việt Nam, lâu trước Người Việt cao quý đã có Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh, Văn minh Việt Nam của Nguyễn Văn Huyên và không ít phát biểu rời, chẳng hạn của Cao Xuân Huy, Nguyễn Đình Thi. Ngay ở Miền Nam cũng có một số người cầm bút trình bày ý kiến. Tuy nhiên, Vũ Hạnh hình như đã không chú ý mấy tới chủ đề này, bởi có phải trước khi viết Người Việt cao quý ông chưa bao giờ lên tiếng? Cái lịch viết quá khẩn trương lại không cho thì giờ để đọc. Vậy chắc cũng như trường hợp Nguyễn Đình Thi, tác phẩm của Vũ Hạnh đã xuất phát chủ yếu từ tiềm thức. Nhờ từ lâu đã trực giác đúng về văn hóa dân tộc, khi cần ông đưa ra được ngay những ý kiến “chí lớn gặp nhau” với kết luận của các nhà nghiên cứu. Trong nửa thế kỷ sau đó, những sự thật căn bản về văn hóa Việt Nam sẽ được xác nhận đi xác nhận lại bởi nhiều tác giả nữa, nổi bật nhất là trong những chuyên khảo quy mô như Bản sắc văn hóa Việt Nam của Phan Ngọc, Văn hóa Việt Nam – tìm tòi và suy ngẫm của Trần Quốc Vượng, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam của Trần Ngọc Thêm v.v. Người Việt cao quý là một biểu dương mạnh mẽ của sức mạnh của trực giác.

Trong số những phát biểu của nhà văn Vũ Hạnh về văn hóa Việt Nam, có lẽ chúng tôi lấy làm thú vị nhất cái nhận định rằng “Tiếng nói của họ không thua kém gì ngôn ngữ Trung Hoa (…) có thể (…) vượt hẳn (…) về mặt nghệ thuật”. Bao nhiêu người đã ca ngợi tiếng Việt rồi, nhưng hình như đến tận bây giờ vẫn chưa có ai đặt vấn đề so sánh cụ thể như thế. Chúng tôi không dằn được ý muốn đi luôn bước cuối cùng, tức khẳng định rằng, với từ vựng hết sức phong phú từ gợi cảm và với ngữ pháp uyển chuyển có khả năng liền da liền thịt từ và từ lại với nhau thành thứ lời toàn thể, sinh động, hữu cơ, tiếng Việt chắc chắn “vượt hẳn” tiếng Tàu “về mặt nghệ thuật”.(2)

*

Trực giác vẫn hay gợi cho ta những liên kết mà suy luận không thể nào đưa ta tới được. Trong phần đầu của sách Người Việt cao quý, nhà văn Vũ Hạnh đã xem tướng mặt người Việt Nam – cụ thể, mắt và môi – mà đưa ra nhận định đánh giá rất quả quyết về văn hóa Việt Nam:

“Mắt người Việt (…) tinh anh (…) sắc sảo tinh anh (…) Cái nhìn của họ (khiến người nước khác phải nghĩ) “Đây không phải dân tộc tầm thường (mà là) một dân tộc ưu hạng có nền văn minh riêng biệt” (…) Cái nhìn của họ có chiều sâu thẳm của nền văn minh riêng biệt (…) Ở trên khuôn mặt (…) đôi mắt, đôi môi là đáng lưu ý hơn cả (…) Nụ cười Việt (khiến) người ta đoán thấy một sự nhạy cảm lạ lùng”.

Vũ Hạnh liên hệ “ánh mắt và nụ cười (của người Việt với) tiềm thức cộng đồng (…) (cho nó là) di sản (…) kết quả của bao nhiêu đời sinh hoạt (…) bao nhiêu nỗi thăng trầm”.

Chúng tôi cũng tin rằng có cái mối liên hệ như thế. Nhưng nó thành hình như thế nào nhỉ?

Hẳn là “bao nhiêu đời sinh hoạt” tạo nên một không gian văn hóa đặc thù, rồi không gian văn hóa tác động ảnh hưởng đến tất cả những cá nhân lớn lên trong nó. Không phải chỉ ảnh hưởng kín đáo đến bên trong, đến tính tình thôi đâu. Mà đến cả bên ngoài, tạo ra vẻ riêng cho ánh mắt của ta, nụ cười của ta!

*

Trong hồi ký in năm 1905, cựu Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đưa ra nhận xét: “Phải sang đến tận Nhật Bản người ta mới thấy được một giống dân tương xứng (...) Cả hai giống người Việt và Nhật (...) đều thông minh, chăm chỉ và can đảm (...) Người Việt (...) vượt xa các dân khác (ở Ðông Nam Á)”.(3)

Thế là “trăm miệng một lời”. Cả chuyên gia lẫn người không chuyên môn, cả người Việt Nam lẫn người nước ngoài, đều thấy ta là “một dân tộc ưu hạng”.

Chắc ai đó vừa nảy ý: cứ chịu khó sưu tầm “hàng ngoại” như vừa dẫn trên mà đan chen vào với những sợi “nội hóa” thì sẽ có loại áo giáp bảo vệ tinh thần dân tộc tuyệt vời. Giáp có sợi Tây đem đỡ đạn Tây, còn gì bằng! Vâng, giáp thế thì nhất rồi, nhưng e bây giờ chẳng còn bao nhiêu người thấy mình cần mặc.

Năm 1965 nhà văn Vũ Hạnh báo động việc một số người Việt Nam học đòi thứ “văn minh hình thức, thiên về vật chất” và kêu gọi “chống lại tất cả hiện tượng suy đồi, thoái hóa”.

Năm nay 2023, cuộc xâm lăng văn hóa mới nhất từ Tây phương đã kéo dài khoảng ba thập kỷ. “Đạn” của “giặc” nguy hiểm vô cùng, lại nhờ những phương tiện truyền thông tối tân mà bắn xa khắp quê hương ta, bắn sâu vào tận tim óc nhân dân ta, bắn ngày bắn đêm, không một ngày nghỉ đêm nghỉ! Bị tiến công hết sức ác liệt, nhưng do vắng lòng căm thù, một số người Việt Nam không sao thấy được rằng tinh thần mình đang bị tổn thương, thậm chí trước vật chất hào nháng của kẻ bắn còn nhầm tưởng rằng mưa đạn ấy là tinh hoa văn hóa nhân loại cần khẩn trương tiếp thu để “hội nhập vào cộng đồng quốc tế”. (Cộng đồng quốc tế nào?! Chỉ có Tây phương đang cực kỳ khủng hoảng về tinh thần mà không tự biết vẫn tiếp tục hung hăng tìm cách đồng hóa cả thế giới.)

“Tất cả giá trị cao quý (…) dồi dào trong dân tộc”, phải làm sao đây để phát huy chúng trong hoàn cảnh mới?



Thu Tứ
Viết tháng 9-2015
Sửa mới nhất 3-2023















________
(1) Tất cả các chỗ trích dẫn tác phẩm đều từ ấn bản năm 1999 của nxb. Mũi Cà Mau.
(2) Xin đọc “Từ vựng tiếng Việt” và “Ngữ pháp tiếng Việt” của TT.
(3)
L’Indochine francaise, nxb. Vuibert et Nouy, Pháp, 1905, dẫn theo Phạm Cao Dương, Lịch sử dân tộc Việt Nam, nxb. Truyền Thống Việt, Mỹ, 1987.