Thanh Tâm Tuyền - Tù nhân của hư danh






Gần đây chúng tôi ra Bắc gặp một số văn nghệ sĩ, được biết nhiều người thắc mắc về chuyện ấy. Năm 2014, trong lúc trao đổi về một việc khác, một nhà xuất bản trong nước có tình cờ cho chúng tôi biết đang rất muốn in lại những thi phẩm ấy. Ở hải ngoại, tên tuổi ấy vẫn còn được nhắc nhở.

Thi tài xuất chúng nào đây?

Dĩ nhiên là Thanh Tâm Tuyền.

Vì chỉ thích trầm trồ những thành tựu của dân tộc, nên tuy từ rất lâu đã có ý kiến nhất định về thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền, chúng tôi chưa bao giờ viết nó ra. Nhưng nay cảm thấy cần phải viết.

*

Vậy là thân phụ chúng tôi coi như đã thất bại trong cố gắng châm cho xì cái quả bong bóng to kia.

Người rất khôn ngoan, lại tự kiềm chế rất tốt, nên trong suốt bao nhiêu năm, nhận định của người về thơ Thanh Tâm Tuyền chỉ trong gia đình được biết. Bữa cơm gia đình là lúc người phát biểu thoải mái về đủ thứ chuyện. Về thơ ấy, thân phụ chúng tôi nhắc đi nhắc lại rằng đến cuối thập kỷ 1950 ở nước ta mới xảy ra cái hiện tượng nhà văn nhà thơ nổi tiếng không vì giá trị thực sự của văn thơ, mà vì giỏi kéo bè kéo cánh tự thổi phồng mình và giỏi quảng cáo, mê hoặc người đọc. Thanh Tâm Tuyền biết lúc bấy giờ trong các đô thị thuộc “Việt Nam Cộng hòa” giới trí thức trẻ đang có tâm lý khát khao văn hóa Tây phương, bèn hỏa tốc sản xuất ra thứ tác phẩm giúp “giải khát” rồi tiến hành vận động ráo riết, tiếp thị ầm ĩ, qui mô. Quả nhiên ăn khách như điên. Thơ sáng tạo gì đâu, những bài trong hai tập Tôi không còn cô độc (1956) và Liên - Đêm - Mặt trời tìm thấy (1964) thực chất là hàng nhái cực mốt!

Dằn lòng thật lâu, mãi đến thập kỷ 1980, khi viết về văn học “Miền Nam”, thân phụ chúng tôi mới công khai nhắc đến thơ Thanh Tâm Tuyền. Cả một “thi nghiệp” gây chấn động, mà bài nhận định của người dài tổng cộng vỏn vẹn chín câu! Liên hệ đến thứ thơ hàng mốt chỉ đúng ba câu: “Trước 1975, Thanh Tâm Tuyền làm thơ trên hai mươi năm, nổi danh như cồn (...) Tôi nghĩ mình không nên dài dòng về (...) dòng thơ chính của tác giả (...) Về dòng thơ ấy, hãy nhường lời cho những vị (...) thực lòng yêu mến nó”. Sáu câu còn lại là về một bài thơ ngoài “dòng chính” phổ biến cuối năm 1974, thi phẩm duy nhất của Thanh Tâm Tuyền mà người chọn trích tuyển.

Toàn bộ sáng tác gây sốt một thời của nhà thơ “nổi danh như cồn” đã bị sổ toẹt, một cách nhã nhặn!

Chúng tôi nhớ mãi, hôm ấy khi như thường lệ, được thân phụ đưa cho đọc bản thảo mới viết, đọc xong mình đã hết sức thích chí, vừa cười vừa thưa với người rằng thế thật là tuyệt. Người cũng cười.

*

Năm 1997 Trần Mạnh Hảo phát biểu về thơ Thanh Tâm Tuyền: “... y chang như thơ dịch, như thể ông làm thơ bằng tiếng Pháp rồi dịch sang tiếng An Nam (...) Nuốt (...) cả bụng thơ siêu thực rồi hiện sinh (...) chưa (...) tiêu hóa (...) tạo nên một loài thơ Tây giả cầy (...) Thơ mới chỉ có những ý tưởng mà chưa có cảm xúc, chưa có hồn thơ. Nàng Thơ của ông mới chỉ có bộ xương mà chưa có da có thịt (...) chưa thành một con người” (Thơ phản thơ, nxb. Văn Học). Giả cầy là miếng ngon, không biết tại sao ta lại có lối dùng “giả cầy” làm hình dung từ chỉ “miếng” gì đó không “ngon”!

*

Về phần mình, chúng tôi trên có nói chưa viết về thơ Thanh Tâm Tuyền. Ấy là chưa viết riêng hẳn một bài, chứ nhắc đến thì đã có hai lần, trong khi bàn về tác phẩm của người khác.

Trong bài “Phùng Cung - Lời cuối của quê” in trong sách Cảm nghĩ miên man (2015), có đoạn này: “... hướng lòng mình về cái gì thật là quen thuộc với mình vẫn dễ làm nẩy những tứ có chiều sâu vốn là một điều kiện cần thiết để sáng tác thơ thành công. Không khỏi nhớ trường hợp thi sĩ “Miền Nam” kia rất nổi tiếng về thơ tự do nhưng trước sau không làm được trọn một bài thơ tự do nào có giá trị. Người ấy cũng có thi tài, sở dĩ thất bại là bởi đã hướng lòng mình về những cái mới nhập từ bên Tây về. Cái gì đó còn lạ hoắc, lòng thực chưa cảm ra sao cả, mà đã vội vã thơ, làm sao nên được thơ hay. Thơ thất bại vì tứ hời hợt còn đỡ, có khi thơ thất bại vì tứ giả, tứ bịa nữa kia!”. Tuy chắc chắn mọi người đều đã biết ngay chúng tôi đang nói về ai, nhân đây cũng xin xác nhận đó là Thanh Tâm Tuyền.

“Không làm được trọn một bài thơ tự do nào có giá trị” là nói quá nhẹ. Bởi thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền thực ra chỉ chứa rất lác đác một số câu “tương đối” mà thôi. Chúng tôi đã tự kiềm chế, nhưng nay trước tình hình dư luận tiếp tục hoang mang, cảm thấy không nên “kiềm” chút nào nữa.

Cũng trong sách Cảm nghĩ miên man, khi bàn về phát biểu của Xuân Diệu: “Thơ phải chân (...) chứ đừng định lừa người đọc”, chúng tôi đã viết: “Khoảng cuối thập kỷ 1950, đầu thập kỷ 1960, ở Miền Nam có ví dụ đáng chú ý. Thi sĩ ấy thực ra khác hẳn Tây. Thế mà tự ép mình suy tư y hệt như thanh niên Tây bấy giờ đang suy tư, rồi đem cái nội dung thiếu hẳn chân thành ra làm thơ. Kết quả nghệ thuật dĩ nhiên thê thảm”. Lại xin xác nhận đó cũng là Thanh Tâm Tuyền.

Thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền nhiều bài gọi là thơ dở, chưa ổn. Phải gọi là thơ giả, mới ổn! Thơ dở lúc nào cũng đầy trời, nhưng thơ giả thì đến quãng ấy mới thấy xuất hiện ở nước ta.

*

Về “dòng chính” của thi nghiệp Thanh Tâm Tuyền, có cái “văn liệu” rất độc đáo này được chụp ảnh thủ bút đưa vào sách đã lâu, rồi Trần Mạnh Hảo cũng có nhắc, thế mà đến nay vẫn chưa mấy ai chú ý. Ấy là năm 1973, trong một lá thư gửi một người bạn bên Pháp, Thanh Tâm Tuyền có câu tâm sự đầy bất ngờ:

“Thú thật với anh hồi ấy còn trẻ tôi chẳng bao giờ coi thơ là cái gì quan trọng cả nên thái độ đối với thơ không chỉnh, chừng biết ra thì thái độ ấy hóa thành tật quen”.(1)

Đó, cái sự thực đằng sau bao nhiêu bài thơ gây chấn động nơi không ít thanh niên Việt Nam có học một thời, nó phũ phàng đến như thế đó!

*

Bất kể lời thú nhận của chính tác giả, bất kể lời nhận định của thân phụ chúng tôi, bất kể những phát biểu đúng đắn khác, giá trị đích thực của thứ “thơ phản thơ” của Thanh Tâm Tuyền vẫn cứ tiếp tục là một nghi vấn. Tại sao xảy ra chuyện đáng tiếc này?

Thiết tưởng có ba lý do.

Thứ nhất, trong nước Việt Nam lại đang có tâm lý khát khao văn hóa Tây phương; đối với những người chuyên “học” Tây từ A đến Z nguyên con, thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền có cái giá trị tiền phong, thủy tổ, đáng được khai quật lên để thờ! Thứ hai, trong số những người khi còn trẻ ca tụng thơ Thanh Tâm Tuyền, một số vẫn tiếp tục ca tụng; họ làm thế hoặc vì nhận định sai lầm không thay đổi, hoặc vì muốn bảo vệ nhận định ấy của mình tuy có biết nó sai. Thứ ba, xã hội Việt Nam bây giờ “tiền (bạc) tiếng (tăm)” y như bên Tây, bất cứ ai giàu hay nổi tiếng đều được tự động bái phục.

Với hai nhóm người tích cực ủng hộ nó, với tình trạng xã hội như vừa nói, sự thực về giá trị của thơ tự do Thanh Tâm Tuyền làm sao sáng tỏ được.

*

Chúng tôi đã viết “(Thanh Tâm Tuyền) cũng có thi tài”. Xin thêm: thi tài đáng kể. Ô hay, nhà thơ làm thơ trên hai mươi năm, được có đúng một bài... Căn cứ vào đâu mà dám khẳng định thế?

Vào độ hơn mười thi phẩm giá trị mà Thanh Tâm Tuyền đã sáng tác trong thời gian ở trại cải tạo sau ngày Thống nhất.

Ông Trời chơi thật ngộ. Đây một thi sĩ xác bị tạm mất tự do, nhưng hồn lại (tạm) được giải phóng. Giải phóng khỏi ràng buộc của cái hư danh tự tạo tài tình! Và trong khi người đi quanh quẩn mà hồn bay bổng, thì hình thức thơ của người lại từ tự do trở nên khuôn phép, từ Tây mới trở nên Đông cũ!

Xin trích dẫn chút đỉnh tác phẩm để minh họa.

Đây một bài thơ Thanh Tâm Tuyền thuộc “dòng chính”:

“hơn một loài quạ đen khủng khiếp / cánh màn trắng ngón tay lo âu vuốt mắt / hãy đánh rơi vào buổi chiều của trời / một cuộc đời tròn như hạt cốm / mùa thứ ba trong năm nhỏ sữa / may mắn như bài thơ gồm những âm trắc đồng tình / cần thêm vào tam đoạn luận / người là phải chết / mày là một người vậy mày phải chết / một yết thị / các con hãy ngủ tim những người thân yêu / cuộc hành trình thiêng liêng đi mãi bằng dòng máu / hoàn thành bao nhiêu tác phẩm / chỉ để sau rốt kết luận một lời / anh hãy từ biệt mọi người bằng tác phẩm của anh / một câu thơ hay tự nhiên như lời nói / bài thơ hay là cái chết cuối cùng / giã từ cái gường cái bàn cái ghế / một người hai người / và ba người / một người hai người và ba người” (“Định nghĩa một bài thơ hay”).(2)

Và đây, mấy vần thuộc “dòng cải tạo”:

“Tinh mơ xe đến Long Giao / Ðón người đám cỏ tranh cao bên đường / Trông lên đồi núi mờ sương / Mưa bay tất tưởi mưa rong tần ngần / Tiêu điều ngơ ngác trại quân / Ðất lầy bùn đỏ quánh chân ghê người / Ngổn ngang chiến cụ bỏ rơi / Xanh om bờ bụi tả tơi lũy đồn / Nhà hoang vách trống gió luồng / Vắng tanh nỗi nhớ dập dồn bóng vang / Ngả lưng trên đất mơ màng / Hé trời trôi giạt ngỡ ngàng tấm thân” (“Ngày đến”).

Tiếc cho thơ Việt Nam và cho “tôi”. Giá “thái độ đối với thơ” của “tôi” đã sớm “chỉnh”. Giá “thương nghiệp” đã không phất nhanh như ngựa phi lôi cuốn “tôi” vào một cơn mê đằng đẵng hai mươi năm... Thanh Tâm Tuyền là ví dụ tốt về một tài năng là nạn nhân của chính mình.



Thu Tứ
Tháng 9-2017




















_________
(1) Thi Vũ (Võ Văn Ái),
Bốn mươi năm thơ Việt Nam 1945-1985, nxb. Quê Mẹ, Pháp, 1993.
(2) Quý vị nào muốn đọc trọn hai tập thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền, xin mời lên Mạng, vào trang
thivien.net.