“Đọc Truyện Kiều” (3)




Kiều được Từ Hải chuộc ra (c. 2165-2212)

Tưởng tượng “đường đường một đấng” “đội trời đạp đất” lừng lững bước lên lầu, ngồi lù lù giữa lầu, rồi không nhìn thẳng, mà… liếc! Tất nhiên Kiều liếc đáp. Mạnh ai nấy, “hai bên cùng liếc hai lòng cùng ưa”… Ca dao chỉ tả “con mắt em liếc như là dao cau”, không biết “con mắt anh liếc” thì như dao gì, hay gươm gì, nhỉ? Ờ, nhưng đây Nguyễn Du “vẽ” cảnh trai gái gặp nhau theo một phong tục Việt Nam mà hẳn chính cụ ngày thanh niên đã nhiều lần thực hành với các gái làng trong những dịp hát giao duyên, chứ ở bên Tàu chưa chắc có tục “liếc”. Dù sao, Từ Hải liếc Kiều xong, rồi không như lệ thường, không chịu “trăng gió vật vờ”, “vào trước ra sau”, mà hỏi ngay “… có không?” rất dõng dạc, rồi đề nghị Kiều theo “anh hùng” mà bỏ “chậu” bỏ “lồng”. Kiều đáp rất khéo: Em chả dám kén đâu! Nhưng mà em có chọn đấy! Từ Hải vui lòng, bảo lại gần xem “anh” cho kỹ xem thế nào. Thì xem. Rõ ràng tướng mạo “vua” đây! Cho em nhờ nhé, đến hết trăm năm thôi! “Chuẩn vua” hỉ hả “khen cho con mắt tinh đời”, và hứa sẽ cho chung hưởng mọi thứ khi lên ngai. Thế là xong, Tú bà đành chịu mất “sao”. Kiều bỏ lầu hồng, lên lầu long phụng.

Kiều được làm bà chúa (c. 2213-2288)

“Nửa năm hương lửa đương nồng”... Bỗng nhiên một người đùng đùng “quyết lời dứt áo ra đi”, để cho người ở lại “chiếc bóng” mà đêm ngày nhớ miên man. Nhớ “huyên cỗi xuân già”: “Đoái trông muôn dặm tử phần / Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa...”. Nhớ tình đầu tuyệt đẹp: “Tiếc thay chút nghĩa cũ càng / Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”. Nhớ “cánh hồng bay bổng tuyệt vời” làm mình “đã mòn con mắt phương trời đăm đăm”... Mắt có mòn một chút cũng đáng, vì bỗng một hôm “mái ngoài đã thấy bóng cờ tiếng la / giáp binh kéo đến quanh nhà / đồng thanh cùng gởi: Nào là phu nhân?”! Rồng đã bay lên rồi và sai “rước chầu vu quy” đây! Kiệu vàng về tới nơi, “hàm én mày ngài” ra đón tận cửa ngoài, “cười rằng: cá nước duyên ưa / nhớ lời nói những bao giờ hay không?”, phượng liền hoan hỉ nhắc: “đến bây giờ mới thấy đây / mà lòng đã chắc những ngày một hai!”. “Anh hùng” và người đẹp đoán trúng phóc “anh hùng giữa trần ai”“cùng nhau trông mặt cả cười”. Đời đẹp hơn mơ.

Kiều đền ơn và trả oán (c. 2289-2438)

Thuyền quyên rủ rỉ: “Tấm thân rày đã nhẹ nhàng / Chút còn ân oán đôi đường cho xong”. Anh hùng nghe kể, “bất bình nổi trận đùng đùng”. Chẳng bao lâu, “một mẻ tóm về đầy nơi”. Trong lưới đợi xử, đáng chú ý nhất là hai vợ chồng Thúc Sinh. Sinh sợ vợ hơn sợ Trời nhưng ơn nghĩa với Kiều “nặng nghìn non” được tạ “gấm trăm cuốn bạc nghìn cân”. Khi họ Hoạn được dẫn ra, “thoắt trông nàng đã chào thưa”, lời chào của Kiều tuy mát mẻ nhưng rõ giọng nể nang, còn “tiểu thư” tuy “hồn lạc phách xiêu” vẫn “kêu ca” rất già dặn: “Rằng tôi chút dạ đàn bà / Ghen tuông thì cũng người ta thường tình / Nghĩ cho khi các viết kinh / Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo / Lòng riêng, riêng những kính yêu / Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai” (“khỏi cửa (…) chẳng theo” ý nhắc đã không cho người đuổi bắt khi Kiều trốn khỏi Quan Âm các với đồ thờ bằng vàng bạc). Sư tử Hà Đông “nói năng phải lời” quá sức, oán đâu mà báo, quân bay, phóng thích lập tức! Đến Tú bà, Mã Giám sinh, Sở Khanh, Bạc bà, Bạc Hạnh. “Các tên tội ấy” thì đơn giản, cứ đã “thề sao thì lại cứ sao gia hình / máu rơi thịt nát tan tành / ai ai trông thấy hồn kinh phách rời”... Việc xưa đã “ân oán rạch ròi”, Kiều lạy tạ một người ơn mới đang sừng sững trong đời mình. Từ Hải “miễn, miễn!”, lại còn tỏ ra quan tâm đến cha mẹ vợ ở xa, muốn “sao cho muôn dặm một nhà”. Oái ăm, rồi chính lòng thương cha nhớ mẹ của Kiều sẽ là một nguyên nhân chủ yếu khiến “Từ đại ân nhân” phải chết đứng!

Từ Hải nghe lời Kiều, bị giết (c. 2439-2536)

“Phong trần mài một lưỡi gươm / Những loài giá áo túi cơm sá gì! / Nghênh ngang một cõi biên thùy / Kém gì cô quả, kém gì bá vương!”… Từ Hải “năm năm hùng cứ một phương hải tần”, đến năm thứ sáu bỗng có Hồ Tôn Hiến xuất hiện, “đẩy xe vâng chỉ đặc sai” tới “bát tiễu”. Tổng đốc Hồ được “tiện nghi” hành động, không nhất thiết phải dụng binh ngay. Sau khi điều nghiên kỹ càng, kế hoạch dẹp loạn được đặt ra là “thuyết hàng” trước, đặc biệt tập trung “đánh” thật mạnh vào Thúy Kiều bằng “hai tên thể nữ ngọc vàng nghìn cân” và nhất là lời hứa sẽ tâu vua phong cho Từ Hải làm quan lớn để Kiều thành “ngôi mệnh phụ đường đường”, vinh quy bái tổ, “nở nang mày mặt rỡ ràng mẹ cha”. Đã “thật dạ tin người”, lại bị “lễ nhiều nói ngọt” công phá, Kiều “xiêu” ngay. Từ Hải thì nghe lời thuyết hấp dẫn của Hồ Tôn Hiến cũng muốn hàng, nhưng nghĩ tiếc “sao bằng riêng một biên thùy / sức này đã dễ làm gì được nhau?”, còn đang “mười phân hồ đồ” thì bị Kiều vào thuyết tiếp: “… Sao bằng lộc trọng quyền cao / Công danh ai dứt lối nào cho qua?”. Thế là Từ cũng “đổ” luôn, từ “thế công (…) trở ra thế hàng (…) quyết đường giải binh”, vài hôm sau tự dẫn mình vào giữa trận địa phục kích làm một cái bia sống cho không biết bao nhiêu tên đạn! Tại sao hồn đã “về thần” mà xác cứ “đứng giữa trời trơ trơ”? Thì đang “nghênh ngang một cõi biên thùy (...) dọc ngang nào biết trên đầu có ai?” bỗng…, tức tiếc tột độ nó hóa xương da thịt thành đá thành đồng chứ sao. Tượng này phải có oan gia đến “gieo đầu một bên” thì mới chịu “lại người” để ngã!

Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường (c. 2537-2648)

Cái người đẹp đàn hay ấy thực là được số phận “ưu đãi” đặt vào những tình huống hết chỗ nói. Trước đã phải đàn cho chồng Thúc nghe trong vị trí một con ở, giờ phải gảy mấy dây cho vui tai cái người vừa mới giết chồng Từ! Lòng tan dạ nát, nhưng mà đẹp không chịu bớt, hay cũng không chịu bớt, khiến “Hồ công (…) nghe càng đắm ngắm càng say (…) mặt sắt cũng ngây vì tình!”, lại thêm đã quá chén, bất ngờ buông lời “dạy rằng”: hay nàng lấy ta? Kiều từ chối. Kẻ quắc cần câu gật gù: mai tính. “Rạng ngày”, quan lớn tỉnh rượu, “nghĩ mình phương diện quốc gia” mà Kiều là vợ một tên làm giặc, hơn nữa từng ở lầu xanh nhiều năm, bèn “quyết tình” thôi. Nếu Hồ Tôn Hiến đã không thôi, mà cứ khăng khăng đòi lấy Kiều thì sao? Tản Đà ngày xưa ngẫm nghĩ: “Tổng đốc có thương người bạc phận / Tiền Ðường chửa chắc mả hồng nhan”(1)… Tại sao thi sĩ lại nghi ngờ “chửa chắc” Kiều sẽ tự tử? Chắc vì cái câu “Nàng càng ủ liễu phai đào” sau khi bị ép gả cho một quan nhỏ địa phương. “Càng” nghĩa là nếu được làm vợ Hồ Tôn Hiến thì ít buồn hơn? Có lẽ nào thế được! Chính lấy Hồ Tôn Hiến mới đáng “ủ”, “phai” hơn không biết bao nhiêu, vì đó là lấy kẻ đã giết cái người vừa là chồng vừa là “đại ân nhân” của mình! Chính lấy Hồ mới dứt khoát phải tự tử. Còn làm vợ “thổ quan” thì có thể tiếp tục “ở trong cõi đời” nếu muốn. Nhưng Kiều sáng suốt thấy không nên nấn ná nữa: “Những là oan khổ lưu ly / Chờ cho hết kiếp còn gì là thân!”. Phải, chờ là mắc mưu. “Trời làm chi đến lâu ngày càng thương!”. Phải lắm, còn kiếp là còn bị “giặc già” (lão tặc thiên) “làm” thêm đấy, nhảy xuống chỗ “đùng đùng” ngay lập tức đi!

Kiều được Giác Duyên vớt (c. 2649-2738)

Về đời Kiều, Tam Hợp đạo cô nói có đôi chỗ nghe không thông. “Có trời mà cũng tại ta”, “Khư khư mình buộc lấy mình”, “Tìm những chốn đoạn trường mà đi”: Ô hay, từ ngày rời nhà cha mẹ, Kiều có được chủ động chuyện gì đâu, mà bảo rằng “tại” với “buộc lấy” với “tìm”?! “Kề răng hùm sói gởi thân tôi đòi”: Lạ chưa! Kiều được Từ Hải hết sức quý yêu, được làm bà chúa đấy chứ, sao lại “tôi đòi”! Rồi hồn ma Đạm Tiên hiện về nói chuyện với Kiều cũng có chỗ vấp. “Một niềm vì nước vì dân”: Đâu phải thế. Lý do đầy đủ khiến Kiều khuyên Từ Hải ra hàng là “trên vì nước dưới vì nhà”, tức có gồm cả cái ao ước được làm vợ quan lớn để “nở nang mày mặt rỡ ràng mẹ cha” nữa kia mà... Thôi, cái chính là đạo cô đã xem trộm sách trời giỏi, thấy rõ cái mớ “áo là” lênh đênh trên sông Tiền Đường sẽ trôi vào lưới của Giác Duyên. Nó có thể coi như một hình ảnh của thân phận Kiều trên biển đời. Nếu thân xác “tuy dầm hơi nước chưa lòa bóng gương”, thì thân phận tuy đã hết sức xót xa nhưng chưa phải là tuyệt vọng đâu, mà “còn nhiều hưởng thụ về lâu”. Trong khi chờ đợi được “đền bồi duyên sau”, xin người vừa “nhẹ nhàng nợ trước” hãy ở tạm “một gian nước biếc mây vàng”, “gió trăng mát mặt”, để mau phục hồi sức khỏe tinh thần.

Kim Trọng từ ngày xa Kiều (c. 2739-2856)

Ngày ấy, sau khi lo xong việc tang chú, Kim Trọng về, lập tức “sang vườn Thúy dò la”, thì hỡi ôi: “Đầy vườn cỏ mọc, lau thưa / Song trăng quạnh quẽ, vách mưa rã rời / Trước sau nào thấy bóng người / Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông / Xập xè én liệng lầu không / Cỏ lan mặt đất, rêu phong dấu giày / Cuối tường gai góc mọc đầy”!... Làm sao nông nỗi hở Trời? Hỏi hoa thì hoa tiếp tục “cười”, hỏi én thì én không ngừng “xập xè”, hỏi chỗ cuối tường thì gai góc cứ im như thóc! Hỏi “kẻ láng giềng sang chơi” (thấy có người ngơ ngác thì tò mò sang chứ chơi gì ở đây), biết sự tình. Đi khóc chú về, được khóc tiếp người yêu, “nỗi chàng Kim Trọng (...) mới thương”! Nhưng chú mất, chứ người yêu chỉ mới mất tích. Phải “cắt người tìm tõi đưa tờ nhắn nhe” cho ra tung tích. Khổ nỗi “người một nơi hỏi một nơi”, tìm sao cho ra. Dĩ nhiên, “xuân huyên” cùng hai em của Kiều thì tìm ra ngay: “Phận sao bạc bấy Kiều nhi! / Chàng Kim về đó con thì đi đâu?”. Ông bà trông người rước mình về nhà “thần hôn chăm chút” cứ “ruột tằm ngày một héo don / tuyết sương ngày một hao mòn mình ve” mà sốt ruột quá, bèn y theo lời để lại hỏa tốc “xe dây cho chàng” với “khuôn trăng đầy đặn”. Nào phải là không vui, nhưng “vui này đã cất sầu kia được nào!”. Nhất là những khi “... vắng vẻ thư phòng / đốt lò hương giở phím đồng ngày xưa”. Người ngồi bên lò tay mân mê ve vuốt “của tin” hồi lâu có thể chợt nghe giữa “bẻ bai, rủ rỉ tiếng tơ” như có tiếng ai “đồng vọng”, trước mắt như có “bóng xiêm mơ màng”, rồi giữa “trầm bay nhạt khói” như có ẩn hiện cả khuôn mặt trái xoan “phận mỏng như tờ”...

Nhà ngọc ngựa vàng với ai? (c. 2857-2972)

“Nỗi nàng nhớ đến bao giờ”, nhưng vẫn học chăm, nên mới thi đỗ. Đỗ rồi, “càng thương”: “Ấy ai dặn ngọc thề vàng / Bây giờ nhà ngọc ngựa vàng với ai?”. Cái chỗ Kim Trọng “ra ngoại nhậm” đầu tiên là một chỗ quái lạ, vì làm quan mà y như ở ẩn: “Cầm đường ngày tháng thanh nhàn / Sớm khuya tiếng hạc tiếng đàn tiêu dao”. Lại, kỳ thay, chính là nơi... Và tuy “sự này đã ngoại mười niên”, nhưng vừa vặn có “kẻ lại già họ Đô” thạo khúc đầu, kể xong lại giới thiệu Thúc sinh đến kể tiếp. Hóa ra, Kiều giờ làm vợ một “đại vương” đang “vẫy vùng (...) động địa kinh thiên”! Làm sao đây? Đã tính “treo ấn từ quan”, “lội sông pha ngàn”, “dấn mình trong áng can qua”, “vào sinh ra tử”..., nhưng “nghĩ điều trời thẳm vực sâu”, còn “nấn ná đợi tin”, thì “khâm ban sắc chỉ” “cải nhậm”. Tưởng tượng nếu Kim Trọng đã lên đường tìm Kiều, tới được chỗ Từ Hải! Không biết “bộ ba” sẽ giải quyết vấn đề ra sao? Triều đình sai người đi làm quan, mà cứ như là cố ý đưa đường! Kim, Vương vừa tới Nam Bình, Phú Dương nhậm chức thì “xảy nghe thế giặc đã tan”, mà từ đây đi thăm vùng giặc từng tạm chiếm thì “tiện đường”. Đi ngay (việc quan hẳn cũng lại rảnh). Tới nơi, lần này thì có thông tin cập nhật về “nàng sau xưa”: dưới sông Tiền Đường đó! “Ngọn triều non bạc trùng trùng / Vời trông còn tưởng cánh hồng lúc gieo”!

Kiều gặp gia đình, về nhà (c. 2973-3060)

“Rõ ràng hoa rụng hương bay / Kiếp sau họa thấy kiếp này hẳn thôi”. Đang “làm ma khóc người”, bỗng đâu “pháp sư” xuất hiện, dẫn đi gặp “ma”. “Tưởng bây giờ là bao giờ / Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao!”. Con ơi! Chị ơi! Nàng ơi! Cha mẹ ơi! Em ơi! Chàng ơi! Trời ơi! “Mừng nào lại quá mừng này nữa chăng?”! Vừa khóc thảm thiết, cả nhà giờ đua nhau mưa lệ hân hoan, ướt cả sân chùa. Kiều về nhà ngay chứ? Ấy, thân đang mặc áo nâu, trước phải có lời cho hợp cảnh: “Dở dang nào có hay gì / Đã tu tu trót quá thì thì thôi!”, rồi sau mới “chiều lòng” “ông”“giã sư giã cảnh đều cùng bước ra”. “Một nhà về đến quan nha / Đoàn viên vội mở tiệc hoa vui vầy”. Vui nào lại quá vui này nữa chăng? Nhưng “bèo trôi sóng vỗ chốc mười lăm năm”, cái thân “dãi nguyệt dầu hoa” vừa vui vừa nghĩ. Nói sao cho người sống lại thôi nghĩ thì nói đó, ai ơi!

Kiều chịu làm vợ Kim Trọng (c. 3061-3130)

“Kim Vân Kiều truyện”. Vân tuy em nhưng làm vợ Kim trước. Vân phải chịu, việc mới mong xong. Vân còn hơn cả chịu. Nhưng chuyện khó nói, phải “tàng tàng chén cúc” mới dám “một hai”. Rằng: “Những là rày ước mai ao / Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình! / (...) / Còn duyên may lại còn người / Còn vầng trăng cũ còn lời nguyền xưa...”. Lòng Kim Trọng một mực hướng về Kiều trong bao nhiêu năm thì mọi người đều biết mà lòng Kiều đối với Kim Trọng thì hẳn sau khi gặp lại chị, Vân đã hết sức chú ý và thấy cũng thiết tha y như thế. Hỏa tốc chung chồng với em, chị ơi! Kiều đáp, trước tiên giảm tầm quan trọng của “ước xưa”: “Sự muôn năm cũ, kể chi bây giờ?”, rồi tỏ ra hết sức ngại ngùng về chuyện mình đã “dãi gió dầu mưa”. Kim Trọng lập tức gạt phắt (ở đây mà tỏ ra nghĩ ngợi, chần chừ, thì quên đi!). Nhưng Kiều tiếp tục nói, nhấn mạnh vấn để không còn trinh tiết, và cũng bày tỏ quan tâm về nhan sắc hiện tại của mình. Kim Trọng lại “hùng hổ” giành ngay “lẽ phải”: Với ta, nàng vẫn còn trinh đấy, và nhan sắc thì “hoa tàn mà lại thêm tươi / trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa”! Em nhiệt liệt ủng hộ, người xưa khăng khăng “có điều chi nữa mà ngờ”, “hai thân thì cũng quyết theo một bài”, Kiều “khôn lẽ chối lời”, đành “thở than”: buộc chị, buộc em, buộc con chi thế, Vân ơi, chàng ơi, cha mẹ ơi! Mười lăm năm “gió táp mưa sa”, ai ngờ: “Trời còn để có hôm nay / Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”!

Kim Kiều sống hạnh phúc (c. 3131-3240)

“Những từ sen ngó đào tơ / Mười lăm năm mới bây giờ là đây!”... Bình thường, “dìu dặt chén mồi” xong thì “động phòng”. Nhưng hoàn cảnh đã quá bất thường. Kiều đề nghị, bằng lời lẽ khá căng, rằng khoan hẵng chàng ơi. Kim Trọng đồng ý ngay, nhấn mạnh mình “bấy lâu đáy bể mò kim” đâu “phải (là để) tìm trăng hoa”, rằng “lọ là chăn gối” mới nên tình nghĩa vợ chồng. Kiều nghe lời “quân tử khác lòng người ta”, phấn khởi, lạy tạ Trời. Sau đó, thay vì thổi tắt nến, hai người thắp thêm nến, đốt thêm hương, tay trong tay, vừa tiếp tục “dìu dặt chén” vừa cùng “lai láng tình xưa”... “Ngày xưa” ai có “ngón đàn” hay lắm, cho nghe lại đi ai ơi. Đàn nhắc bao nhiêu nông nỗi, nhưng “nể lòng” chàng, thiếp xin “vâng lời một phen”. “Trong sao châu nhỏ duềnh quyên / Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông!”. Hay quá, vui quá, hết khổ đến sướng đó, nàng ơi! Cứ thế đến sáng. Rồi Kim Trọng đi “nói sòng” với mọi người diễn tiến trong đêm qua khiến ai nấy đều “lạ lùng khen lao”. Rồi Kim, Kiều, và Vân, chung sống cực kỳ hạnh phúc, “để bia muôn đời”.

Lại tóm tắt triết lý (c. 3241-3254)

“Có đâu thiên vị người nào / Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai” lặp lại thuyết tài mệnh tương đố chứa trong hai câu mở đầu tác phẩm. Như đã bàn, thuyết này không ổn. Còn “Thiện căn ở tại lòng ta / Chữ tâm kia mới...” thì thường “nhân” gieo rồi phải đợi sang kiếp sau mới được gặt “quả”, đây Kiều được gặt ngay, hẳn để cho câu chuyện kết thúc có hậu.

*

Truyện Kiều có “cốt” là một cuốn tiểu thuyết Tàu. Kim Vân Kiều truyện lời kể khô khan, không có giá trị văn chương, nhưng câu chuyện lâm ly bi đát. Nguyễn Du đọc câu chuyện ấy, rồi kể lại bằng một thứ lời khác hẳn, có giá trị văn chương cao chót vót.

Đại khái, cụ Nguyễn đã nhập vai từng nhân vật mà cảm giác cảm xúc đến nơi đến chốn, rồi vận dụng năng khiếu trời sinh và đặc tính sở trường của tiếng Việt mà viết ra những câu thơ vô cùng gợi cảm. Cụ lại tài tình đưa cả những lời ăn tiếng nói rất tế nhị của người Việt Nam đương thời vào tác phẩm mình. Lời Truyện Kiều như thế cùng lúc là một hiện thân của tâm hồn người nghệ sĩ thiên tài, một công trình biểu dương đích đáng tiếng nói dân tộc và một bằng chứng hùng hồn về trình độ phát triển rất cao của xã hội Việt Nam cách nay hơn hai thế kỷ.(2)

Có cách hình dung này khá ngộ nghĩnh. Cái câu chuyện trong KVKT, ta có thể coi nó như một bộ xương. Nguyễn Du mượn bộ xương ấy, đắp thịt đắp da lên, đắp xong thì thoắt hiện ra một người đẹp tuyệt trần, một dung nhan kiều diễm độc đáo linh động lạ lùng như chưa ai từng thấy!(3)

Chúng tôi ngắm đi ngắm lại “Hoa hậu của hoa hậu”, một hôm chợt xót xa: lúc nào đó trong “Cuộc bể dâu chưa từng”(4), khi tâm hồn người Việt Nam đã trở nên quá cằn cỗi, tuy sự trân trọng dành cho Truyện Kiều vẫn y nguyên nhưng câu thơ Nguyễn Du đọc lên thực ra không còn gây được rung động nữa… Mong sao trong tương lai dân tộc ta sẽ vừa đạt tiến bộ vật chất ngoạn mục vừa vẫn giữ vững liên lạc tinh thần với tổ tiên mình, để “lời quê” tinh diệu cứ ngân nga mãi trong lòng không bao giờ tắt.



Thu Tứ
Viết tháng 12-2017
Sửa tháng 11-2019
















_________
(1) Trong bài thơ “Thúy Kiều hầu rượu Hồ Tôn Hiến”.
(2) TT, “Nghĩ về Truyện Kiều”,
Cảm nghĩ miên man II, nxb. Hội Nhà Văn, 2017.
(3) Trong bài viết “Thơ dịch”, Võ Phiến nhận xét: “Cái ý đối với bài thơ cũng như bộ xương đối với con người”.
(4) TT, “Cuộc bể dâu chưa từng”,
Cảm nghĩ miên man, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và nxb. Thế Giới, 2015.