“Đọc Truyện Kiều” (2)




Kiều gặp Thúc Sinh (c. 1275-1314)

Ngày ngày bướm, ong bay đến hút nhụy rồi bay đi. Bỗng một hôm có con “giáp mặt hoa đào” xong, “mặn vẻ ưa nét” quá, thấy “cành tơ mơn mởn” thấm mưa xuân “nồng” quá, không “cầm lòng” được bèn coi như ở lại động Tú bà luôn, không “ai giằng cho ra” nổi! Con ong này thuộc loại đại gia, túi rất sâu, mà nết lại “bốc rời”, “trăm nghìn đổ một trận cười như không”. “Mụ” dĩ nhiên ra công “tô lục chuốt hồng” hàng độc cho khách tha hồ “đổ”. Một “buổi thong dong”, “hoa” đang tự “tẩm” trong “thang lan”, khoe trọn “tòa thiên nhiên dày dày sẵn đúc”, thì “ong” vén trướng vào. Có còn lạ lùng gì nữa đâu, nhưng mà cũng chưa lần nào thấy được “tỏ nét” như lần này! Ong mới khen nức nở và vung bút đề luôn bảy chữ tám câu. “Thiên luật Đường” vẽ... thiên nhiên không biết thế nào, chỉ biết hẳn “ngụ tình” khá sâu sắc. Bởi tuy lúc đầu đối với Kiều, Thúc Sinh cũng chỉ quan hệ cho vui như bao nhiêu khách làng chơi khác, nhưng “càng quen thuộc nết càng dan díu tình”, cái “trăng gió” lăng nhăng nó đã đổi thành cái “đá vàng” tri kỷ tri âm lâu rồi. Con ong nay bị “thanh khí lẽ hằng” cột chặt vào hoa. Thế mới rắc rối to! Vì ong này có chủ dữ hơn cả sư tử Hà Đông!

Kiều thoát khỏi nhà chứa (c. 1315-1384)

Một người làm thơ vẽ một người tắm, rồi đòi người kia “họa vần”. Nhưng mặc ai trầm trồ, ai chẳng những không có hứng, lại còn “nghĩ mà buồn tênh”, mà rằng “(duyên bèo nước) ngắn ngày thôi (chàng) chớ (bắt thiếp) dài lời làm chi”. Thế là bắt đầu một cuộc “lời (ngại tủi) qua tiếng (dỗ dành) lại” thật tha thiết... Kiều ngỏ cũng muốn lên “thềm quế cung trăng” nhưng sợ chị Hằng có “hàm sư tử”, lên liều không khéo bị “lầu xanh lại bỏ ra phường lầu xanh” thì “càng dơ dáng dại hình” (nỗi lo sợ này có giá trị tiên tri!)! Chàng ơi, “thương sao cho vẹn thì thương / tính sao cho trọn mọi đường thì vâng”. Thúc Sinh chắc chắn biết nguy hiểm khôn lường chờ đợi “bên tòng”, nhưng cứ nói cứng: “Đường xa chớ ngại Ngô Lào / Trăm điều cứ hãy trông vào một ta”. Đôi bên “cùng nhau căn vặn đến điều”, “gieo” những lời nặng nhất xong, Thúc Sinh lấy cớ đưa Kiều đi chơi mát, “rước về (…) tạm giấu (…) một nơi”, rồi ép Tú bà phải chịu cho chuộc nàng ra khỏi động. Thúc Kỳ Tâm không bì được với Kim Trọng nhưng cũng “nòi thư hương” và cũng đặc biệt quý mình, Kiều lúc ấy hẳn thấy mệnh không đến nỗi quá ghen ghét sắc tài. “Hương càng đượm lửa càng nồng / Càng sôi vẻ ngọc càng lồng màu sen”... Trong nắng tưng bừng, có ai ngờ mây đen sắp kéo đến!

Kiều bị đưa lên quan (c. 1385-1472)

“Nửa năm hơi tiếng vừa quen” thì thân phụ Thúc Sinh xuất hiện, “dạy cho má phấn lại về lầu xanh”! Thúc Sinh không vâng lời. “Nghe lời sắt đá tri tri” của con, bố “sốt gan”, lên quan đâm đơn kiện. Không biết “nguyên đơn” viết thế nào mà “mặt sắt đen s씓suy” rồi “luận” rất bất lợi cho Kiều. Giữa “hai đường” quan đưa ra, Kiều chẳng thà bị đánh hơn lại làm đĩ. Thì quan cho “gia hình”: “Ba cây chập lại một cành mẫu đơn / (…) / Đào hoen quẹn má liễu tan tác mày”! Người bị đòn đau khóc, kẻ đứng trông sụt sùi càng thê thảm, đến nỗi mặt sắt động lòng gọi hỏi. Nghe Thúc Sinh trình bày, quan thấy Kiều “cũng thị phi biết điều”, rồi thử tài làm thơ của nàng, thấy giỏi quá, bèn phán: “Tài này sắc ấy nghìn vàng chưa cân!”, truyền cho Thúc ông “dẹp nỗi bất bình”, nhận Kiều làm con dâu! Lại truyền “sắm sửa lễ công / kiệu hoa cất gió đuốc hồng điểm sao / bày hàng cổ xúy xôn xao / song song đưa tới trướng đào sánh đôi”, cho Kiều vinh quy! Đời xuống chó lên voi nhanh quá, có chóng mặt lắm không, thiên hương ơi? À, phen này “phong lôi nổi trận bời bời” nhưng lặng ngay. Phen sau sóng ngầm đánh mới thật là ghê!

Kiều giục chồng về thăm vợ cả (c. 1473-1526)

Kiều được Thúc ông chính thức nhận làm dâu, thế là yên chứ gì? Chưa đâu, vì còn có “kẻ lớn (khác) trong nhà”. Kẻ ấy chắc chắn từ lâu biết chuyện, chẳng qua hết sức nền nếp, “ở vào khuôn phép nói ra mối giường”, nên không đùng đùng tới xé xác Kiều đấy thôi. Lại nghe có “dạ phi thường”. “Đôi ta” đã “một năm ròng” mà “chị cả” “bấy chầy chưa tỏ tiêu hao”, hẳn đang toan tính chuyện gì to lắm, “thiếp” sợ quá! “Xin chàng kíp liệu lại nhà” để “trước người đẹp ý sau ta biết tình”... Buổi tiễn đưa, “sông Tần một dải xanh xanh / loi thoi bờ liễu mấy cành Dương Quan / cầm tay dài ngắn thở than / chia phôi ngừng chén hợp tan nghẹn lời”. “Chàng” ơi, “sao cho trong ấm thì ngoài mới êm”, tốt nhất cứ “nói sòng cho minh”, đừng “giấu ngược giấu xuôi”, chàng nhé. Mà cũng đừng vội trở lại đây: “Chén đưa nhớ bữa hôm nay / chén mừng xin đợi ngày này năm sau!”, chàng hãy ở với chị hẳn một năm tròn nhé! Kể, Thúc Sinh với Kiều, “đôi ta nghĩa đèo bòng” không phải “chút”, tình cảnh “vầng trăng ai sẻ làm đôi / nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường” có đáng thương. Nhưng thương đó không thể so được với cái tiếc rằng kẻ sợ vợ kia sẽ làm phí hết những lời căn dặn thiết tha của Kiều, làm cho sau “bữa hôm nay” hai “nửa” sẽ không bao giờ còn ráp lại với nhau thành một được nữa!

Hoạn Thư giả vờ không biết (c. 1527-1604)

Tiếc quá. Vì “ví bằng thú thật cùng ta / cũng dung kẻ dưới mới là lượng trên”. Đằng này, cho nên phải “làm cho nhìn chẳng được nhau / làm cho đầy đọa cất đầu chẳng lên”! Cứ nghĩ đến “vườn mới thêm hoa” thì “lửa tâm càng dập càng nồng”, thế mà “nỗi lòng (vẫn) kín chẳng ai hay”, vẫn “ra vào một mực nói cười như không”, con người đáng sợ thật. Kịch đóng khéo tuyệt vời, khiến “trẻ ranh” về đến nhà, nhiều lần “sự mình cũng rắp lân la giãi bày”, nhưng thấy êm như không, bé cái nhầm tưởng “đà bưng kín miệng bình”, nghĩ “nào ai có khảo mà mình lại xưng?”, bèn “e ấp dùng dằng”, rồi thôi không xưng! Lại thêm Hoạn Thư thỉnh thoảng “giở những lời đâu đâu”, rằng vợ chồng mình “tin nhau cả mười”, “thiếp” đời nào thèm nghe “những miệng dông dài” thốt “những lời nọ kia”, cho “đã dơ bụng nghĩ lại bia miệng cười!” v.v. Cứ thế, Thúc Sinh tiếp tục im như thóc về chuyện lén có vợ bé, vừa im vừa nhớ xôn xao. “Tiểu thư” đi guốc trong bụng kẻ “đèn khuya chung bóng trăng tròn sánh vai” với mình, nhân thấy “giếng vàng đã rụng một vài lá ngô”, bèn “nhủ” hắn hãy về thăm bố. Khác nào đang khát cháy cổ, bỗng được bảo đi uống nước! Mới được “nhủ qua” hôm trước, hôm sau đã “vó câu thẳng ruổi nước non quê người”. Đường về... Kiều, cảnh mới đẹp làm sao: “Long lanh đáy nước in trời / thành xây khói biếc non phơi bóng vàng”

Thúc Sinh tưởng Kiều chết cháy (c. 1605-1704)

Chồng lên ngựa về với gái, vợ lập tức lên xe về nhà mẹ đẻ “thưa hết mọi tình” và rằng mình chẳng thèm “ngứa ghẻ hờn ghen” mà chỉ muốn thi hành “mưu cao vốn đã rắp ranh” cho trước “bõ ghét những người” sau cười bể bụng. “Phu nhân khen chước rất mầu”, và thế là... Kiều nào hay sét sắp đánh, chỉ biết ngày ngày sờ “tóc thề đã chấm ngang vai”, nhớ “nào lời non nước nào lời sắt son”, băn khoăn “sắn bìm chút phận cỏn con / khuôn duyên biết có vuông tròn cho chăng?”... Cũng gần đến ngày chàng về rồi đây, “đêm thu gió lọt song đào / nửa vành trăng khuyết ba sao giữa trời / nén hương đến trước Phật đài / nỗi lòng khấn khứa...”. Trời ơi, sao khấn Quan Âm bồ-tát mà “ầm ầm khốc quỷ kinh thần mọc ra” thế này! Mà cành dương cam lộ đâu chẳng thấy, lại “đầy sân gươm tuốt sáng lòa”!... Tưởng tượng Thúc Sinh “bước vào chốn cũ lầu thơ” thấy “tro than một đống nắng mưa bốn tường”! “Trúc” về đinh ninh “mai trúc lại vầy”, nào ngờ “vĩnh quyết là ngày đưa nhau!”... “Thương càng nghĩ, nghĩ càng đau”. Đau quá, phải hỏi “thầy” mới được. Nhưng thầy “nói lạ” lắm, chắc “chẳng qua đồng cốt quàng xiên” chứ chẳng lẽ mình sẽ được “gặp tiên” lần nữa hay sao? Thầy nói đúng đó, “thân này” ơi. Và đau “vĩnh quyết” mới chỉ là một lối, còn phải đau thêm lối nữa lạ kỳ khôn tả đó, Đệ Nhất Sợ Vợ ơi!

Kiều phải đi ở cho Hoạn Thư (c. 1705-1790)

Kiều lại gặp “một bà”. Nhưng bà này ngồi “giữa giường thất bảo”, “ban ngày (mà) sáp thắp hai bên”, uy nghi đường bệ phát sợ! “Gạn gùng ngọn hỏi ngành tra” chẳng qua chiếu lệ, chứ con gái bà đã mách tất cả điều cần biết rồi. Kia chắc chắn “chẳng phải thiện nhân” mà đích thị một “quân lộn chồng”! Bay đâu, “hãy cho ba chục”, cho “mèo mả gà đồng” “biết tay một lần”! Biết tay “bà” rồi, thì biết luôn tên mới, nghe chưa! Thương ôi, “phận sao bạc chẳng vừa thôi / khăng khăng buộc mãi lấy người hồng nhan”... Nghĩ mình đang sống trong “địa ngục ở miền nhân gian” có chỗ hay là yên tâm không thể khổ hơn. Nhầm to đó, số đen ơi! Đợi có lẽ vài tuần, Hoạn Thư về thăm mẹ, tiện thể sau đó dắt “con hầu” mới về nhà mình. “Tiểu thư” không hành hạ xác thịt, lại còn biết “thương” khi thấy “tài”, nên trước khi tái ngộ Thúc Sinh là một quãng tương đối lặng trong đời cực kỳ mưa gió của Kiều. Như thể Kiều được ban điều kiện để phục hồi chút ít mà đón cơn bão “Hoạn” thứ hai ác liệt hơn nhiều sắp sửa bùng lên!

Thúc Sinh về nhà, gặp Kiều (c. 1791-1884)

“Uyên bay” mất đã hơi lâu, “ương” cũng đã nhờ “lấy câu vận mệnh”“khuây dần nhớ thương” uyên, mà chuyển qua “chạnh niềm nhớ cảnh gia hương”. Chuyện này thì rất dễ giải quyết. “Nhớ quê, chàng lại tìm đường thăm quê”... Đây rồi, sư tử Hà Đông thân yêu! Nhưng chao ơi, sao lại cả... ai kia?! Kiều ra “lạy mừng” “một bước một dừng” bởi “trông xa nàng đã tỏ chừng nẻo xa”: trời ơi, “chước đâu có chước lạ đời / người đâu mà lại có người tinh ma”! Biết ai rồi, vẫn phải lạy. Còn “Sinh” tuy “phách lạc hồn xiêu” nhưng “sợ (vợ) quen, (chẳng) dám hở ra lời”, chỉ “giọt ngọc sụt sùi nhỏ sa” (lấy cớ “hiếu phục vừa xong”)… Đêm tiệc tẩy trần, Kiều được quỳ tiếp để mời rượu ông chủ “tận mặt tận tay”. Tất nhiên Sinh lại “giọt ngắn giọt dài” và tất nhiên “chén mời phải ngậm bồ hòn ráo ngay” cho Kiều khỏi bị đòn. Tiệc phải có đàn. “Bốn dây như khóc như than” nhưng vì ai, ai phải “gượng nói gượng cười cho qua”… Sau tiệc, sau khi đã “cười nụ” suốt buổi, khi “vào chung gối loan phòng” với chồng, chắc một người đã không nhịn được cười toe vì “vui này đã bõ đau ngầm xưa nay”! Còn một người lại được tha hồ “một mình âm ỉ đêm chầy / đĩa dầu vơi nước mắt đầy năm canh”… Cái cơn bão “Hoạn” thứ hai nó hoàn toàn vô hình, tập trung khủng bố tâm lý, tạo ra một địa ngục khác nơi roi đòn không quất vào da thịt mà quất thẳng vào lòng!

Kiều tu trong vườn Hoạn Thư (c. 1885-1934)

Hoạn Thư khôn nhưng mà không ác, nên đọc “tờ” Kiều “trình” lên xong, “dường có ngẩn ngơ chút tình”. Hoạn Thư lại có nết hay là công nhận giá trị của người khác: “Ví chăng có số giàu sang / Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên”. Người tài sắc thế, tình cảm thế, thế mà “bể trần chìm nổi thuyền quyên”, khiến ai chẳng “thương nỗi vô duyên lạ đời!”. Làm sao bây giờ đây? Chồng thì không thể chia được… À, Kiều có ngỏ ý “rắp đem mệnh bạc xin nhờ cửa không”. Vậy “sẵn Quan Âm các vườn ta”, “cho nàng ra đó giữ chùa chép kinh”. Không biết “hoa nô” ấy tên gì, chỉ biết chùa vườn nhà họ Hoạn bỗng dưng có một ni Trạc Tuyền “ngày pho thủ tự đêm nồi tâm hương”... Đi tu mà còn “gần rừng tía” quá thế này, sợ khó “xa bụi hồng”. Thực ra, Quan Âm các bất quá một tầng địa ngục cao hơn, mức hành hạ thấp hơn, nhưng vẫn là địa ngục. Khi nào dịp đến, phải thoát ra khỏi ngay, bạc phận ơi.

Kiều bỏ trốn (c. 1935-2028)

“Gác kinh viện sách đôi nơi / Trong gang tấc lại gấp mười quan san”. Gần lắm, mà lại xa quá, vì có một người ở giữa... Rồi cũng tới lúc Thúc Sinh có cơ hội “lẻn ra / xăm xăm đến mé vườn hoa với nàng”. “Sụt sùi (...) tầm tã”, ruột anh đau như cắt, em ơi! Kiều thì điềm đạm: “Chút thân quằn quại vũng lầy / Sống thừa còn tưởng đến rày nữa sao”, rồi đề nghị: “Liệu bài mở cửa cho ra / Ấy là tình nặng ấy là ân sâu”. Sinh dặn dò: “Liệu mà xa chạy cao bay / Ái ân ta có ngần này mà thôi!”, xong tha thiết tỏ bày: “Dẫu rằng sông cạn đá mòn / Con tằm đến thác cũng còn vương tơ”. Chia tay nhau ngay làm sao được, đôi bên bèn “cùng nhau kể lể sau xưa / nói rồi lại nói...”, càng nói càng quyến luyến, “mặt trông tay chẳng nỡ rời”, khiến một người “nhón chân đứng nép độ đâu nửa giờ” nghe lén “nỗi ông vật vã nỗi nàng thở than” phải “chán tai”, bước vào dứt hộ “tơ” cho. Kiều biết bị nghe, “kinh hãi” trước mức độ tự kiềm chế của Hoạn Thư, càng quyết bỏ trốn. Thế là đêm ấy hoa “cất mình qua ngọn tường hoa, lần đường theo bóng trăng tà về tây”...

Kiều lại làm đĩ (c. 2029-2164)

“Mịt mù dặm cát đồi cây / Tiếng gà điếm nguyệt dấu giày cầu sương / Canh khuya thân gái dặm trường / Phần e đường sá phần thương dãi dầu! / Trời đông vừa rạng ngàn dâu...”. Đang “bơ vơ nào đã biết đâu là nhà”, thì “chùa đâu trông thấy nẻo xa”, sẵn đang “ăn mặc nâu sồng”, Kiều bèn “xăm xăm” thẳng tới “gõ mái cửa ngoài”. Cửa này lành, thế là bắt đầu một quãng đời yên tĩnh mới. Nhưng cũng chẳng được bao lâu. Giác Duyên sư trưởng xét người không tinh, đưa luôn Kiều vào “tổ bợm già”. Thôi, hoài hơi mà nhắc những lời xoen xoét của lũ “bợm”. Nói luôn đến cái đoạn Kiều được “chồng” Bạc Hạnh dẫn “vào lạy gia đường”, ngước lên thấy thần mày trắng: “Chém cha cái số hoa đào / Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi!”! Hóa ra, Chiêu Ẩn am chẳng qua một cái trạm nghỉ trên đường thiên lý đưa khách hồng quần về lại... hàng thịt. Thôi, trời đã ghen thì “chạy chẳng khỏi trời”, “cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh” vậy.



Thu Tứ