“Nguyễn Đình Thi - Thơ yêu nước yêu em”




Nguyễn Đình Thi là nghệ sĩ đa tài. Ông viết văn xuôi, làm thơ, làm nhạc, đều có những thành công xuất sắc.

Thơ Nguyễn Đình Thi chứa khá nhiều nội dung khác nhau, nhưng những bài hay nhất đều chứa lòng yêu nước, hoặc thuần túy, hoặc có pha vào ít nhiều tình cảm lãng mạn.

Cái pha này tuyệt vời! Tuy đằng chung đằng riêng, nhưng đây hai thứ tình cảm khác hẳn nhau không kỵ nhau mà lại quấn quít, quyện chặt, tương tác làm cả hai cùng được “lợi”. Tình đôi lứa giúp lòng yêu nước hóa gần gũi với con người bình thường hơn. Còn lòng yêu nước thì giúp tình đôi lứa thăng hoa, bỗng nhiên trở nên cao cả! Một sự hòa hợp lý tưởng đã xảy ra khiến cái rắn rỏi không quá khô khan và cái lãng mạn không thành ủy mị.

Riêng quan hệ lãng mạn lại còn được lợi thêm thế này nữa: nhờ diễn tiến tự nhiên bị cản trở, nó cứ còn mãi ở trạng thái đẹp nhất. Vừa cao chót vót vừa đẹp rực rỡ, là cái tình cảm đặc biệt mà những người yêu nhau biết hy sinh cho Tổ quốc được hưởng! Tất nhiên những người ấy phải cùng lúc trải nghiệm luôn một nỗi đau đớn xót xa cũng thật là đặc biệt. Trong lúc bận rộn làm việc nước còn đỡ; khi việc nước xong rồi, nỗi nhớ “em xưa” hành hạ “anh nay” đến nơi đến chốn!

Có thể hình dung thi phẩm Nguyễn Đình Thi thời kháng chiến như những bức tranh mà màu chủ là xám thép, đỏ máu, thường có chen vào chút hồng yêu… Cuối đời, khi thi sĩ không còn phải bận tâm về chuyện đất nước nữa, thơ mất hết mọi sắc màu khác, trở nên tràn ngập một màu vàng xưa quá đỗi bâng khuâng...

Đọc lại những thơ, hay xem lại những tranh ấy, thấy chính mình cũng bâng khuâng quá đỗi, về những người làm dân thật đáng nên dân trong một thời đất nước đầy ắp hiểm nguy gian khổ.

Đất nước

“Sáng mát trong như sáng năm xưa / Gió thổi mùa thu hương cốm mới / (…) / Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội / (…) / Người ra đi đầu không ngoảnh lại / (…) / Mùa thu nay khác rồi / Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi / Gió thổi rừng tre phấp phới / Trời thu thay áo mới / Trong biếc nói cười thiết tha / (…) / Những cánh đồng thơm mát / Những ngả đường bát ngát / (…) / Nước chúng ta / Nước những người chưa bao giờ khuất / Ðêm đêm rì rầm trong tiếng đất / Những buổi ngày xưa vọng nói về / Ôi những cánh đồng quê chảy máu / Dây thép gai đâm nát trời chiều / Những đêm dài hành quân nung nấu / Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu / (…) / Ðã ngời lên nét mặt quê hương / (…) / Ðã bật lên những tiếng căm hờn / (…) / Khói nhà máy cuộn trong sương núi / Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng / (…) / Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội / Mỗi bước đường mỗi bước hy sinh / (…) / Súng nổ rung trời giận dữ / Người lên như nước vỡ bờ / Nước Việt Nam từ máu lửa / Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.

Bài thơ ngay từ đầu tuy tình cảm mà vẫn rắn rỏi. Rồi tuy người hành quân có lúc “bồn chồn nhớ mắt người yêu” nhưng nhanh chóng vượt qua được giây phút mềm yếu mà tập trung vào nghĩa vụ. Thơ rắn rỏi thêm lên, để đến những câu chót thì trở nên rắn như “thép đã tôi”. Đọc, nghe chính mình cũng muốn “vỡ bờ”! “Nước những người chưa bao giờ khuất” cũng là nước của những người say sưa làm thơ từ không biết thuở nào. Sử đẹp gợi hứng cho thơ. Rồi thơ hay ra đời gợi lên được sử đẹp. Thế là tuyệt đẹp!

Người tử sĩ

“Mũ sắt mờ trong sương phủ / Anh nằm yên như ngủ say / Máu thấm đầy manh áo cũ / Nửa đường anh ngã xuống đây / Để anh trên sườn núi vắng / Không biết có bao giờ trở lại / Một ngày về tìm anh ở đâu / Giữa rừng nghìn lối cỏ lau / Nắm súng chào anh lần cuối / Chúng tôi lại đi mê mải / Nắng lên nhuộm đỏ hàng cây / Véo von những tiếng chim rừng”.

Vì nước anh sắp hóa đất
Ngã cho đứng dậy quê mình
Sau anh, chúng tôi kiên quyết
Đi cho tận cuộc hành trình.

Nhớ

“Ngôi sao nhớ ai mà lấp lánh / Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây / Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh / Sưởi ấm lòng chiến sĩ giữa ngàn cây / Anh yêu em như anh yêu đất nước / Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần / Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước / Mỗi tối anh nằm, mỗi miếng anh ăn / Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt / Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời / Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ rực / Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người!”.

Đèo mây mờ mịt đêm lạnh căm căm là cảnh thật, nhưng cũng tượng trưng cho trường kỳ kháng chiến lúc còn đang vô cùng khó khăn. Một thời, trai gái Việt Nam yêu nhau không cần phải nhìn thấy được nhau. “Anh” và “em” mỗi người một nơi, đêm đêm cùng ngước lên “ngôi sao lấp lánh”, cúi xuống “ngọn lửa bập bùng”, mà rèn luyện ý chí “kiêu hãnh làm người”, nung nấu quyết tâm chiến đấu cho đến thành công.

Không nói

“Dừng chân trong mưa bay / Liếp nhà ai ánh lửa / Yên lặng đứng trước nhau / Em em nhìn đi đâu / Em sao em không nói / Mưa rơi ướt mái đầu / Mỗi đứa một khăn gói / Ngày nào lần gặp sau / Ngập ngừng không dám hỏi / Chuyến này chắc lại lâu / Ðoàn thể gọi / Chiều mờ gió hút / Nào đồng chí bắt tay / Em / Bóng nhỏ / Ðường lầy”.

Ngày này chia tay, biết ngày nào gặp lại, biết có gặp lại hay không, sao “em” lại thế? “Em em…”, lòng “anh” lên tiếng nghe mới tội nghiệp sao. Nhưng chỉ một chút thôi, rồi lòng nhớ ngay “đoàn thể (đang) gọi”, rắn lại, “anh” giơ tay bắt tay “đồng chí”. Để sau đó, khi đồng chí đã thành “bóng nhỏ” trên “đường lầy” thì lại hóa “em”!

Ngày về

“Hà Nội chiều nay mưa tầm tã / Ta lại về đây giữa phố xưa / Nước Hồ Gươm sao xanh dịu quá / Tháp Rùa rơi lệ cười trong mưa… / Ta nhìn, hai mắt ta nhìn mãi / Lòng ta như lửa đốt dầu sôi / Nằm lại những chân rừng đầu núi / Hôm nay bao đồng chí đâu rồi? / Ta đứng khóc giữa trời mưa hắt / Leng keng chuông xe điện đổ hồi / Lòng ta bỗng như dòng suối mát / Ta đã về đây, Hà Nội ơi! / Từ khắp bốn phương trời lửa đạn / Đàn con về sau những năm xa / Cởi súng, gạt mồ hôi trên trán / Ta về xây Hà Nội của ta!”.

Sao Tháp Rùa lại “rơi lệ cười”? Thì bấy lâu đứng nép dưới bóng cờ tam tài, nay thấy “đàn con về sau những năm xa”, thấy “bây giờ đây lại là đây” (thơ Tố Hữu), thì tủi tủi mừng mừng mà khóc khóc cười cười chứ sao. “Ta” chẳng khác gì Tháp. Lòng vừa “như lửa đốt dầu sôi” bởi xót xa “bao đồng chí” “nằm lại những chân rừng đầu núi”, lại vừa “như dòng suối mát” khi nghe “leng keng chuông xe điện” nhắc “đã về đây”, nên ta cũng vừa khóc vừa hân hoan khôn xiết. Cái “ngày về” lịch sử ấy, ngay đến trời Hà Nội cũng đã sụt sùi!

Việt Nam quê hương ta

“Việt Nam đất nước ta ơi / (…) / Quê hương biết mấy thân yêu / Bao nhiêu đời đã chịu nhiều thương đau / Mặt người vất vả in sâu / (…) / Ðất nghèo nuôi những anh hùng / Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên / Ðạp quân thù xuống đất đen / Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa / (…)”.

Không đâu có lịch sử chống ngoại xâm oanh liệt bằng đất nước này. Ta chống hết sức mình như thế là đáng lắm, vì ta đã có một nền văn hóa tinh thần riêng rực rỡ chẳng kém ai. Trong suốt bao nhiêu đời, người Việt Nam đã luôn vừa hết sức phấn đấu để sinh tồn vừa ăn ở với nhau đầy tình nghĩa, xã hội Việt Nam đã thượng tôn đạo lý, nghệ thuật Việt Nam đã tinh tế tuyệt vời. Bây giờ là năm 2018. “Cuộc bể dâu chưa từng”(1) trong đời sống dân tộc khiến văn hóa cũ không thể tiếp tục tồn tại. Như một trách nhiệm đối với vô số tiền nhân đã nỗ lực phi thường, hy sinh vô bờ bến nhân danh Tổ quốc, ta phải xây cho được một nền văn hóa tinh thần riêng mới cũng rực rỡ như xưa. Ta xây nó cũng là giúp thế hệ nào đó mai sau phải hành động bảo vệ Tổ quốc sẽ có động lực để lại nêu cao truyền thống bất khuất của giống nòi!

Chia tay trong đêm Hà Nội

“Em đi với anh trong đêm Hà Nội / Qua những phố hè quen thuộc yêu thương / Dọc hàng cây ánh đèn pha cuốn bụi / Từng đoàn xe cao xạ chạy rung đường / Pháo đang bắn trời ngoại ô gió thổi / Đạn đỏ lòe xa trong ánh trăng / Em đi bên anh tóc xòa bay rối / Nhỏ nhắn vai em khoác súng trường / Nhìn em anh hãy còn bỡ ngỡ / Như sợ bất ngờ em biến đi đâu / Pháo vẫn bắn chân mây đầy chớp lửa / Anh lại nhìn em lòng xôn xao / Trăng soi gương mặt nghìn yêu dấu / Ngày mai hai đứa đã hai nơi / Hai đầu đất nước trong giông bão / Cùng chung chiến đấu hai phương trời / Đêm nay trong vườn hoa ngổn ngang ụ súng / Bên ven hồ lốm đốm trăng xanh / (…) / Mắt bồi hồi em đi bên anh / (…) / Kìa xa xa một cụm đèn lấp lánh / (...) / Chiếc máy bay ta lượn vòng nghiêng cánh / Bay qua vầng trăng (...) / (...) bên dãy tường sập đổ / Xưởng thợ lò than vẫn rực hồng / Nhà máy vẫn rì rầm không ngủ / (…) / Em đi với anh trên đê cao vắng / Một tiếng còi xe lửa huýt dài xa / (…) / Trên gác nhỏ đèn dầu ai vẫn thức / (…) / Đêm đã khuya trong phố cũ êm đềm / Anh nắm cánh tay em và đứng lại / Ôi anh không còn biết đang ở đâu / Nhớ nhau chân cứng đá mềm em nhé / Hẹn đánh Mỹ xong sẽ về tìm nhau / Chào Hà Nội của ta sáng đẹp / Giữa đêm trăng trong biếc mênh mông / Thành phố tình yêu thành phố thép / Ta chào trái tim đất nước anh hùng / Anh ôm chặt em và ôm cả khẩu súng trường bên vai em”.

Thăng Long - Hà Nội đã biết bao lần khói lửa. Nhưng người Thăng Long – Hà Nội đánh giặc dữ dội ngay tại kinh đô – thủ đô, thì mới xảy ra có hai lần, đều chưa xa, ở đầu và gần cuối cuộc trường kỳ kháng chiến vĩ đại trong thế kỷ 20. Cái lần thứ hai, bọn giặc tiến công “trái tim đất nước” có nét bất thường là không hề đặt chân xuống đất mà toàn lái những chiếc máy kỳ lạ nhào lộn hoặc bay cao trên trời, thả xuống vô số những “quả” rất “độc”. Hà Nội nhận bom và Hà Nội tận tình “đáp lễ” bằng nhiều thứ quà khéo chọn cho đến khi “giặc trời” cút để không bao giờ trở lại. Chiến thắng trên không đưa cuộc chiến tranh 30 năm sang chặng cuối đầy vinh quang… Đêm nay “thành phố thép” lại tắt đèn đợi giặc. Không đèn, dưới trăng, Hà Nội càng tỏ nét “thành phố tình yêu”! Trong những đôi “nhớ nhau chân cứng đá mềm”, bao nhiêu đã giữ được hẹn, “về tìm” và gặp lại nhau?...

Nhớ Hải Phòng

“Hải Phòng ơi đêm nay bỗng nhớ / Tiếng còi tàu sông Cấm chiều hôm / (...) / Ơi những phố đen sì than bụi / Những cây bàng ngập khói xi-măng / Bóng anh thợ chiều về mệt mỏi / (…) / Những trưa lộc cộc bánh xe bò / Mồ hôi vã trên đường nhựa bỏng / (...) / Giọt máu tươi rỏ xuống bùn loang / (...)”.

Đọc thơ, rồi đọc lại văn: “Trên bờ sông (...) từng dòng người rách rưới, lem luốc đang đội than (…) vác những bao phốt-phát (…) Ngã ba sông (…) Những dòng người (....) kẻ đội một thúng đá, người vác một tảng đá, từ các thuyền leo lên (…) Chạng vạng (...) hàng mấy nghìn con người cùng tuôn ra (...) Dưới vòm trời âm u khói, dòng người xám xịt im lặng chảy đi. Những bộ mặt gầy còm lấm nhọ dầu máy hoặc bê bết than và bụi đất (...) những manh áo xanh, áo nâu, không làm sao chống lại nổi với hơi gió lạnh (…) dòng người cuồn cuộn, lầm lì” (Vỡ bờ, tập I).

À, những nét Hải Phòng chấm phá trong thơ là từ cái chân dung tỉ mỉ trong văn xuôi đây mà. Hải Phòng khốn khổ ngày xưa được một đứa con nghệ sĩ luôn yêu thương, vẽ đi vẽ lại đầy xúc động. “Bờ” đã “vỡ” lâu rồi, dưới sức mạnh ghê gớm của “dòng người cuồn cuộn” được tổ chức thành lực lượng đấu tranh. Đất Cảng bây giờ không còn bất lực như xưa, mà cực kỳ dữ dội đánh trả lại quân xâm lược:

“Những mũ sắt nhấp nhô trong tối / (…) / Ðạn bay làn chớp đỏ vòm mây / (...) / Ơi Hải Phòng ta ơi có phải / Trong đêm sương nghe vẳng tiếng loa / Tin chiến trường làm ta thức mãi”.

Năm 1972 đây, đồng chí Khắc ơi, có dậy mà nghe tiếng cao pháo ta đang nổ vang trời! (Khắc là tên nhân vật cán bộ lãnh đạo cách mạng Hải Phòng bị Pháp bắt, tra tấn đến chết.)

Lá đỏ

“Gặp em trên cao lộng gió / Rừng lạ ào ào lá đỏ / Em đứng bên đường như quê hương / Vai áo bạc quàng súng trường / Ðoàn quân vẫn đi vội vã / Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa / Chào em, em gái tiền phương / Hẹn gặp nhau nhé giữa Sài Gòn / Em vẫy cười đôi mắt trong”.

Giữa “trời lửa”, vẫn có “em”! “Em” vừa “vẫy cười đôi mắt trong” làm lòng anh xôn xao, lại vừa như một hình tượng của quê hương bất khuất đòi anh gấp ra chiến trường. “Nhé”... Bài thơ làm tháng 12 năm 1974, ngày hẹn chỉ còn có bốn tháng nữa thôi! “Anh” năm ấy đã năm mươi, mà thơ như làm bởi một tuổi ba mươi!

Núi xưa

“Bao năm tôi mới về núi cũ / Đi giữa ngàn hoa lau trắng bay / Rừng già vẫn lối xưa ngập lá / Suối nhỏ reo róc rách trong mây / Nắng hoe những dải đồi non mịn / Những xóm làng mờ biếc dưới xa / Ngày nào tất cả lăn trong lửa / Chết sống bao phen mỗi mái nhà / Tóc đã điểm sương, chân đã mỏi / Núi ơi, người năm trước về đây / Cô gánh cỏ tranh nhìn thoáng lạ / Áo bạc mồ hôi má đỏ hây...”.

Tóc mới “điểm” chứ chưa toàn “sương”, mà người còn phong độ, bởi “cô gánh cỏ tranh” trông thấy “má đỏ hây”. Nhưng bài thơ này là một trong vài bài cuối cùng của tác giả (mất năm 79 tuổi). Vậy nó hồi ức một lần về đã khá lâu? Hay thực ra không có lần về nào cả: cuối đời, những hình ảnh âm thanh nơi “núi xưa” một hôm bỗng lóe vẳng lên trong trí nhớ, rồi thi sĩ vẽ vào đó một bóng mình trẻ hơn hiện tại?…

Mùa thu vàng

“(…) tôi nhìn về mãi xa xa tít / Bỗng nhiên (…) thấy rõ một bờ sông / Bóng áo vải thô một cô gái nhỏ / Hàng trẩu cao đường đỏ lá vàng hoe / Em tiễn anh lính đi nơi đạn lửa / Môi run run em chúc có ngày về / Em gái ơi tôi vẫn đây còn sống / Còn em bây giờ ở nơi đâu / Bao nhiêu nước đã trôi bao nhiêu sóng / Nơi dòng sông xanh in bóng núi cao / (…)”.

Việt Bắc đây. Thi sĩ không phải là bộ đội nhưng chắc với “em” cũng coi như bộ đội. Cái nụ yêu không bao giờ nở ấy, làm sao quên được, trời ơi!

Gió thu

“Năm mươi năm như một bóng mây / Gió thu lại thổi suốt đêm dài / Vẳng nghe khúc hát người năm ấy / Chén rượu bên đèn nước mắt đầy”.

Cơn bão đất nước đã qua lâu lắm rồi, bây giờ đêm đêm khúc hát nghe tận năm khói lửa nào được gió thu thổi dấy lên thành một cơn bão lòng hành hạ người nghe hát…



Thu Tứ
Viết tháng 3-2018

















________
(1) Tên bài viết trong sách
Cảm nghĩ miên man, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 2015.