“Ngư ông”

của Liễu Tông Nguyên




Khi hát vang (1), khi chèo vang, người từ phương bắc xuống ở phương nam cao hứng nhỉ. Non xanh nước biếc, mây trắng trời xanh có thêm một kẻ biết thưởng thức mình, chắc cũng vui lòng đấy.

Nguyên văn

Ngư ông dạ bạng tây nham túc
Hiểu cấp thanh Tương nhiên Sở trúc
Yên tiêu nhật xuất bất kiến nhân
Ái nãi nhất thanh sơn thủy lục
Hồi khan thiên tế hạ trung lưu
Nham thượng vô tâm vân tương trục.


Dịch nghĩa

Ông chài chèo đêm, ghé ngủ nơi núi đá phía tây
Sáng múc nước sông Tương đốt tre đất Sở (nấu ăn)
Khói sông tan, mặt trời lên, không thấy bóng người
Giữa non xanh nước biếc chỉ nghe có tiếng chèo (2)
Ngoảnh nhìn thấy trời tiếp liền với sông
Trên đỉnh núi có đám mây lững lờ trôi theo (thuyền).

Dịch thơ

Non tây nghỉ tạm chiều hôm
Sáng tre nước sẵn, bữa luôn bên ghềnh
Tan sương, rõ chỉ có mình
Một bầu non nước hữu tình riêng chơi!
Ngoảnh trông: sông tiếp liền trời
Vài mây trắng nhẹ đang rời đầu non…


Bản dịch thơ khác

Thuyền câu ngủ ghé non tây
Dòng Tương, tre Sở sáng ngày nấu ăn
Khói tan trời nắng vắng tanh
Tiếng vang nước biếc non xanh một chèo
Xuôi dòng ngoảnh lại trời cao
Ðầu non mấy đám mây theo lững lờ.
(Tản Đà)



Thu Tứ
















___________
(1) Xem bài “Khê cư” của Liễu Tông Nguyên.
(2) Tản Đà chú thích “ái nãi” là “tiếng cái mái chèo đánh vào mạn thuyền”.