Người miền xuôi xa “quê Mẹ” lâu lắm lắm rồi.(1) Trước cuộc kháng chiến ba mươi năm, thỉnh thoảng mới có người lên rừng, để khi về kể những chuyện ma thiêng nước độc. Bỗng nhiên, giặc Pháp rồi giặc Mỹ khiến xuôi ào ào trẩy ngược, ở trên ấy lâu, đi ngang đi dọc, thạo từng ngóc ngách! Lên rừng ta gặp bao nhiêu thứ cây lạ. Và gặp những người anh em mà tuy cùng nước nhưng với ta cũng lạ như cây rừng! “Người ơi người, ta bỗng gần gũi quá! Không có những ngày này, hồ dễ đã quen nhau?”! (Thu Tứ) (1) Tục truyền Mẹ Âu Cơ là dòng dõi thần tiên, ở trên núi.



Phạm Tiến Duật, “Đi trong rừng”




Anh đi trong rừng, lá vỗ trên cao
Gió bốn bề cây, cây ngả nghiêng chào
Lay bóng đậm gió thổi vào đốm nắng
Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng
Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay
Cây bồng bênh cười vui suốt ngày
Thân thẳng cây chò, cành ngang cây bứa
Cây nhựa trắng là cây si, cây sữa
Nhựa vàng cây dọc, nhựa đỏ cây nò
Cây nứa mọc đứng, cây giang mọc bò
Cây tầm gửi mọc ngồi đỏng đảnh
Cây lim uy nghi, sa nhân ma mỏng mảnh
Dạ hương của đêm, mắc cỡ của ngày
Da bàn tay thường chạm với da cây
Khuôn mặt người chạm vào mặt lá
Rừng ơi rừng, ta bỗng gần gũi quá!
Không có những ngày này, hồ dễ đã quen nhau?