“Nguyễn Tuân - Tổng quan văn nghiệp”




Hỏi: Nhắc Nguyễn Tuân, đa số nghĩ ngay đến Vang bóng một thời. Có lẽ ta bàn ngay về danh phẩm này?

Đáp: Vâng. Để bắt đầu, xin nêu rằng tuy Vang bóng một thời làm Nguyễn Tuân trở nên rất nổi tiếng, nhưng trước đó ông đã có viết được hai tác phẩm xuất sắc là Một chuyến điNgọn đèn dầu lạc.(1)

Hỏi: Tại sao phải đến Vang bóng một thời thì tên tuổi Nguyễn Tuân mới nổi như cồn?

Đáp: Một chuyến đi đối với nhiều độc giả chỉ là kể chuyện ở đâu đâu, họ không mấy quan tâm. Còn Ngọn đèn dầu lạc thì ít nhiều bị… lạc giữa không ít phóng sự xã hội khác. Vang bóng một thời có nội dung vừa gần gũi với số đông người đọc, vừa tương đối ít người viết…

Hỏi: Sáng tác về những “vang” và “bóng” của “một thời” đã qua mà gây được xôn xao đến thế, thế có lạ không, theo ông?

Đáp: Nếu ta xét hoàn cảnh lịch sử nước Việt Nam lúc ấy, thì không lạ. Tác phẩm này của Nguyễn Tuân nói chung vẽ ra một xã hội cũ đầy nền nếp tốt đẹp, một nền văn hóa tinh thần cũ hết sức khả kính. Giữa lúc dân tộc đang bị ngoại bang thống trị, nhan nhản trước mắt là những kẻ vong bản, thiết tưởng nhắc những giá trị truyền thống có dễ làm động lòng người.

Hỏi: À, nhưng “nhắc” phải thế nào thì mới “động” được chứ!

Đáp: Tất nhiên. Cách ứng xử, phong cách sống v.v., những tinh hoa Việt Nam chưng cất nên qua bao nhiêu đời, chúng đâu có chịu tái hiện cho ra tái hiện dưới bất cứ ngòi bút nào. Phải qua “câu văn cao kỳ tinh diệu” (2) của Nguyễn Tuân, ta mới thấy được một số nét đẹp của quá khứ dân tộc mình. Đừng quên viết ra những câu văn ấy cũng chính là phát huy một di sản tinh thần dân tộc đặc biệt quan trọng là tiếng Việt!

Hỏi: Có người nói Vang bóng một thời chú trọng tầng lớp trên…

Đáp: Nho sĩ đã đóng góp lớn vào văn hóa Việt Nam. Họ thu vào rồi Việt hóa đi một số nét văn hóa Trung Quốc, làm giàu thêm cho văn hóa ta. Nho sĩ có vai trò quan trọng trong nền đạo lý truyền thống, là tác giả văn học cổ điển, nay bỗng có người truyền thần hiệu quả chân dung họ, tốt quá đi chứ! Tưởng chỉ nên tiếc là Nguyễn Tuân “vẽ” chỉ bấy nhiêu!

Hỏi: Văn Vang bóng một thời có hay hơn văn Một chuyến đi hay văn Ngọn đèn dầu lạc không, theo ông?

Đáp: Mỗi đề tài đòi một giọng văn riêng. Kể chuyện một cụ già ngồi uống “chén trà sương”, nên bằng giọng điềm đạm, cổ kính. Còn kể chuyện đi xa hay chuyện trong tiệm hút thì nên sôi nổi, phóng túng. Không thể nói đằng nào hay hơn đằng nào. Hay là cùng một người viết mà khi giọng nọ lúc giọng kia mà dù giọng nào thì ai đọc cũng biết ngay là ai viết!

Hỏi: Bây giờ ta chuyển qua thời kỳ sau Vang bóng một thời và trước Kháng chiến.

Đáp: Ấy là Tàn đèn dầu lạc, Thiếu quê hương, Chiếc lư đồng mắt cua, Tùy bút, Tùy bút II, Tóc chị Hoài, Nguyễn, và một số bài chưa in vào sách. Tập hợp khá phức tạp. Nhân đây ta thử phân loại tác phẩm Nguyễn Tuân từ đầu đến giờ. Tôi thấy có bốn loại chính. Một là ký sự, gồm Một chuyến đi, Ngọn đèn dầu lạc, Tàn đèn dầu lạc, Chiếc lư đồng mắt cua. Hai là truyện về thời trước, gồm Vang bóng một thời. Ba là tùy bút tâm tình, gồm “chính thức” Tùy bút, Tùy bút II, nhưng nên thêm Thiếu quê hương, Tóc chị Hoài, đôi bài trong Nguyễn, đôi bài chưa in. Loại thứ tư là truyện tâm linh, gồm Yêu ngôn đã viết nhiều nhưng chưa in.

Hỏi: So với trước thì có thêm hai loại văn mới...

Đáp: Vâng. Sau Vang bóng một thời, Nguyễn Tuân bắt đầu viết nhiều tùy bút tâm tình. Tâm tình là lòng khát khao giang hồ lãng tử, “thành văn” hay nhất là bài “Chiếc va-li mới”. Tâm tình cũng là nỗi “chán đời, tức đời”(3) - cái cuộc đời ông thấy rõ là không ổn mà không biết phải làm sao - bộc lộ trong rất nhiều tác phẩm. Chán, tức chồng chất lâu ngày hóa thành khủng hoảng, giúp Nguyễn Tuân gần cuối năm 1944 viết được “thiên tùy bút não nhân” là “Võng ngô đồng”.

Ông cũng bắt đầu viết nhiều truyện tâm linh. Thời trước nào chỉ có người sống, ta phải viết về thần thánh ma quỷ hồn cây v.v. nữa chứ. Sẽ được tha hồ cảm giác cảm xúc vô bờ bến! Thế là ra đời “Trên đỉnh non Tản”, “Loạn âm”, “Xác ngọc lam” v.v. Sau cùng là “Chùa Đàn”, một kiệt tác. Có lẽ nhờ kết hợp cái nhớ thời xưa tâm linh với cái thú đi nghe hát ả đào mà đây văn chương Nguyễn Tuân thăng hoa tột bực!

Tôi xin trở lại với việc phân loại một chút. Thiết tưởng Yêu ngôn có thể xem là “Vang bóng một thời tâm linh”. Nếu thế, Nguyễn Tuân viết có ba loại văn chính thôi: ký sự, truyện về thời trước và tùy bút tâm tình.

Cuối thời tiền chiến, sự để ký đã vơi, chuyện thời trước, kể cả các hiện tượng tâm linh, có lẽ cũng cạn, tâm tình bế tắc, Nguyễn chưa biết sẽ viết về cái gì, thì vừa lúc ấy…

Hỏi: Chắc ông muốn nói đến chuyện Nguyễn Tuân theo kháng chiến?

Đáp: Vâng. Chuyện ấy chính Nguyễn Tuân đã kể rất rõ: “Ngày Cách mạng tháng Tám (…) tôi “đi xem” (…) chỉ là một người quan sát thế thôi (…) Tôi nhận ra có (…) sự chuyển biến lớn lao (…) bị thu hút, thế là (...) nhập vào dòng biểu tình chào mừng Cách mạng (…) (Nhưng rồi) bọn Việt quốc, Việt cách cứ làm rối cả lên (...) tôi (...) hoang mang (...) Đến Kháng chiến thì (…) tôi dứt khoát theo cộng sản (…) Tôi đi kháng chiến với tâm hồn thanh thản, hào hứng”.(4) “Tôi” đã “Lột xác” (tên tác phẩm NT) y như thân phụ nhà sử học Trần Quốc Vượng: “(Bố tôi) từ một người suốt ngày ăn hút chơi bời (...) trở thành (...) Bác M. bảo: “Tôi và bố anh theo Cách mạng, theo Kháng chiến (...) hoàn toàn là THEO CỤ HỒ (...) Cụ rửa cái nhục mất nước cho Việt Nam mình, và thế là chúng tôi đi theo cụ. Đơn giản thế thôi”.(5) Dĩ nhiên để được “tôi” và “bố anh” v.v. đi theo mình, lại là việc không hề đơn giản!

Hỏi: Việc theo kháng chiến đã ảnh hưởng thế nào đến văn nghiệp Nguyễn Tuân?

Đáp: Ảnh hưởng rất quan trọng. Theo kháng chiến, Nguyễn Tuân bỗng có cả một kho nội dung mới khổng lồ để tha hồ sáng tác. Phải nói ngay rằng sở dĩ cái kho ấy được to như thế, ấy là nhờ ông đã theo một cách hết sức tích cực và son sắt, không như một số văn nghệ sĩ khác. Đầu tiên, theo đề nghị của Tố Hữu, mùa thu năm 46 Nguyễn Tuân vào khu V “để biết (...) dân mình chiến đấu ra sao”.(6) Đầu năm 47, ông có mặt gần Hà Nội, rồi hình như ngay sau đó về khu IV dẫn “đoàn kịch Tiền Tuyến lưu diễn khắp nơi (...) vừa làm trưởng đoàn (…) vừa làm diễn viên (…) Mỗi tháng diễn đến 15 đêm, ở 15 địa điểm khác nhau (...) Tôi đóng cả vai chính, vai phụ (...) với tất cả nhiệt tình của mình”.(7) Sau thời gian ở khu IV, Nguyễn Tuân lên Việt Bắc, nhưng hẳn có lần về xuôi, vì đầu năm 49 đã viết bài ký “Lại ngược”. Bây giờ làm sao nắm cái lịch đi cụ thể của ông được nữa, chỉ có thể căn cứ vào nội dung tác phẩm mà biết ông đã tới rất nhiều nơi. Đặc biệt, có những lần Nguyễn Tuân đi theo bộ đội ra trận, như lần ta đánh đồn Đại Bục ở Yên Bái trong chiến dịch Sông Thao, hay lần bộ đội qua sông Kỳ Cùng, đánh nhổ bốt dọc đường số 4 trong thu đông 49-50…

Hỏi: Xông pha như thế thì mặc sức “cảm” nhỉ.

Đáp: Dĩ nhiên. Và trong vô số cảm hoàn toàn mới lạ, có cái cảm xúc này đặc biệt cảm động. Từ trên đồi cao Nguyễn nhìn xuống đồn Đại Bục sau khi pháo ta khai hỏa: “Thôi, chết cha nó rồi! (…) Nó ơi là nó ơi! (…) Trại giặc thất điên bát đảo, cái gì cũng tung phoi cả lên (...) Tôi nhẩy cẫng lên lưng công sự. Tôi nhấp nhô như một con sóng vấp bờ (…) Bắn nữa đi! Lật ngửa đồn nó ra! Cho lô-cốt của nó lộn tùng phèo đi! (...) Kỳ hiệu! Kỳ hiệu chiếm xong đồn rồi! Mới hơn 30 phút! (Tôi) quăng tôi xuống chân núi, cọc, gai, nứa nhọn, phớt hết. Mau lên, không có thì nhạt hết khói...”. Một người nổi tiếng khinh bạc, phớt đời, mà bây giờ sôi nổi bồng bột đến như thế đó! Bao nhiêu tình cảm công dân dồn nén từ ngày niên thiếu đã bén “Lửa sinh nhật” (tên bài ký) mà cháy đùng đùng! “Thật là một vụ tuyên án Đại Bục bằng lửa người, trả thù cho tất cả những linh hồn bản, xóm, làng, chợ cóc nhảy, phố cao-su của chúng ta bị giặc đốt trong mấy năm nay”. Nhớ lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 22-12-1944: “Bao nhiêu căm hờn của dân tộc, bao nhiêu sự tàn khốc thê thảm đang chờ đợi một cuộc thanh toán”. Đại Bục chỉ là một đám “lửa người” rất nhỏ trong cuộc thanh toán nợ máu chồng chất suốt hơn 90 năm kể từ trận Đà Nẵng, nhưng bài ký ngùn ngụt lòng yêu nước làm “tôi” trông dễ yêu quá, “tôi” ơi là “tôi” ơi!

Hỏi: Ai cũng biết Nguyễn Tuân thích đi. Đây là dịp nghìn năm một thuở để Nguyễn thỏa chí giang hồ lãng tử…

Đáp: Đúng vậy. Nguyễn Tuân thưởng thức sự đi. Với ông, đi tự bản thân nó đã là đến rồi. Huống gì đây lại là một cuộc hành trình vĩ đại và độc đáo với đích đến vô cùng ý nghĩa là giải phóng dân tộc! “Với tâm hồn thanh thản, hào hứng”, “tôi” đã tìm thấy “hạnh phúc trong từng bước chân” đi qua non sông khói lửa, như rõ mồn một qua những trang văn. Tất nhiên Nguyễn được hạnh phúc như thế có nhờ có sức khỏe tốt và ý chí chịu đựng gian khổ cao mà không phải văn nghệ sĩ nào cũng có.

Hỏi: Sau khi kháng chiến chống Pháp thành công, Nguyễn Tuân vẫn còn đi và vẫn còn viết…

Đáp: Rất còn! Và cái đi cái viết giai đoạn sau có nét riêng của nó, góp phần làm nên một sự nghiệp “đi - viết” có một không hai trong văn học Việt Nam. Từ năm 1957, 1958, đến khoảng đầu thập kỷ 1970, Nguyễn Tuân “lên non xuống bể” nhiều lần. Bây giờ ông không theo bộ đội hành quân, ra trận nữa, mà đi thăm bộ đội biên phòng, thanh niên xung phong làm đường xây cầu, đồng bào dân tộc ít người ở vùng cao hẻo lánh, có khi đi cùng đội khảo sát tài nguyên đất nước, có lần đi với chỉ đúng một nhân viên bưu điện đưa thư... Đi trước kia, tuy ở ngay giữa tự nhiên mà không tiện thưởng thức, vì ngoài công tác văn nghệ còn sinh hoạt với bộ đội, quan sát chiến sự, chưa kể di chuyển luôn gấp gáp và phải luôn cảnh giác về địch. Đi bây giờ, mới có điều kiện để cảm tự nhiên cho đến nơi đến chốn. Và thế là non sông gấm vóc bắt đầu xuất hiện trong văn Nguyễn Tuân. Núi non hùng vĩ và ngoạn mục ở Tây Bắc, Việt Bắc cho tới nay vẫn chưa có ai viết gây được nhiều ấn tượng gần bằng những bài trong hai tập Sông Đà. Đây một đoạn tiêu biểu: “Lúa nương bản Mèo rẻo cao cũng chín rồi, lúa vàng lênh khênh giữa trời như mọc giữa chân mây đang ùn lên từ phía núi bên kia (...) Nắng hanh đang sấy khô gió Tây Trang (...) Hoa lau phất cờ trong bóng núi (...) Núi xa núi gần liên miên như trùng dương thạch trận (...) Tôi nhìn ra một cái biển đá sóng đá tít mù non khơi (...) Chiều về biên giới núi càng tím lơ (...) Sao bủa đầy trời như mặt bể nổi lân tinh, vòm trời cao trong vắt như một bầu pha-lê. Những chòm sao run run như muốn né tránh cái gió Lào bốc ngược lên từ mặt đất biên giới. Vòm pha-lê lóe điểm sao chùm đang ngân trả lại mặt đất cái ì ầm của gió núi. Sóng núi rập rờn trong sương buốt (…) Nhìn lên sao cao tôi thấy như đôi chân đang động trên sóng vỗ nhẹ và tôi như bị hút lên. Đêm Tây Trang, trời sao nhấp nhánh, thấy nó ngờm ngợp, thấy như mình (…) nhìn xuống lòng giếng khơi, lòng giếng khổng lồ dội lên cái va đụng của các vì sao đang sải bơi trong gió Lào một đêm giá buốt...”. Đất ấy trời ấy, mà không có người ấy đi để thấy để cảm để viết, chẳng phí quá lắm sao! Cảnh biển đảo ở Cô Tô, Vân Đồn cũng được Nguyễn Tuân ghi lại hiệu quả. Ngắm cảnh đẹp đã thích, lại là cảnh nước mình, lại vào lúc đất nước đang được kiến thiết… Lúc nằm trên đỉnh trời Phăn Xi Păng nghe “sấm đất” (tiếng mìn làm đường) ầm ì dưới chân, nỗi hào hứng hẳn đã chực bốc Nguyễn lên tận mây xanh!

Hỏi: Có lẽ tới đây ông có thể tóm tắt toàn bộ tác phẩm Nguyễn Tuân sau khi theo kháng chiến?

Đáp: Trong giai đoạn thứ hai của đời sáng tác, Nguyễn Tuân coi như chỉ viết ký sự. Thay vì nêu tên từng tập sách đã in, tôi xin chia tất cả các bài thành ba nhóm, là “Dân ta đánh giặc”, “Cảnh sắc quê hương” và “Một thoáng Thủ đô”. Nhóm thứ nhất có một số bài về thời đánh Mỹ. Nhóm thứ hai là cảnh sắc ngoài Hà Nội, chủ yếu Tây Bắc. Nhóm thứ ba gồm “Cây Hà Nội”, “Con hồ Thủ đô”, “Chợ hoa ngày Tết”, “Phở”, “Cốm”, “Giò lụa” v.v.

Hỏi: Theo ông, giá trị văn chương của tác phẩm Nguyễn Tuân trong giai đoạn này ra sao?

Đáp: Sau khi theo kháng chiến, cái viết của Nguyễn Tuân “chuyển hẳn sang quan điểm vị nhân sinh”.(8) Đã vì đời thì người viết không thể chỉ chọn những nội dung hay chi tiết thích hợp cho sáng tạo nghệ thuật. Ngoài ra, lời văn giọng văn bây giờ phải mang nhiều quần chúng tính. Kết quả là khi nhìn lại tác phẩm Nguyễn Tuân giai đoạn sau, nếu ta cứ muốn tìm những bài viết cô đọng, trau chuốt từ đầu tới cuối, thì rất khó thấy. Mặt khác, trong nhiều bài, có nhiều chỗ những cảm giác cảm xúc cực kỳ tinh tế được thể hiện thành lời gợi cảm chẳng hề kém xưa. Nghĩa là, trước Nguyễn Tuân sáng tạo chỉ vì cái đẹp, sau vì con người nhưng cũng không quên cái đẹp...

Hỏi: Đến đây coi như ta đã tóm tắt xong quá trình sáng tác của Nguyễn Tuân. Bây giờ hãy chuyển qua bàn về những nét nhất quán trong toàn bộ văn phẩm. Có lẽ ta bắt đầu luôn với cái danh hiệu “Người đi tìm cái đẹp”. Nó thực ra nghĩa là gì?

Đáp: Tôi hiểu đi tìm cái đẹp đây tức là tìm cách viết sao cho câu văn của mình có sức gợi cảm, nói lên được cảm xúc nữa chứ không phải chỉ có nói ra một cái ý. Như mọi người đều biết, không lâu sau khi ra đời, văn xuôi chữ quốc ngữ La-tinh đã chủ yếu phát triển theo hướng lấy lời văn làm thuần túy phương tiện chở ý, khi sáng tác đa số nhà văn cố viết sao cho thật dễ hiểu nhằm nhanh chóng truyền đạt được nội dung. Tiêu biểu cho lối văn xuôi này là những tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn. Nguyễn Tuân không chọn viết như thế, mà lại lấy việc sáng tạo ra những câu văn gợi cảm làm đặc biệt quan trọng.

Hỏi: Nhưng gợi cảm là đặc tính cơ bản của thơ…

Đáp: Vâng, đúng vậy. Thành ra, văn Nguyễn Tuân tuy xuôi mà lại thơ! Nó đáng được gọi là “văn xuôi thơ”.

Hỏi: Văn học là một biểu hiện của văn hóa. Nhìn từ văn hóa, sự có mặt của văn xuôi thơ Nguyễn Tuân trong nửa đầu của thế kỷ 20 có ý nghĩa gì?

Đáp: Văn hóa Việt Nam xưa kia thiên hẳn về cảm xúc. Cả một truyền thống tinh thần rực rỡ lâu đời đâu có chịu biến mất đi ngay lập tức khi xã hội bể dâu. Bất kể ngành nghệ thuật, trong vô số tác phẩm ra đời vào buổi giao thời, nhất định phải có những tác phẩm mà cơ bản là hiện thân của cái văn hóa cũ. Nói như Hoài Thanh, chúng mang “hồn xưa của đất nước”.(9) Trong văn học, thơ Nguyễn Bính là ví dụ hiển nhiên, mà tác phẩm Nguyễn Tuân dưới hình thức mới mẻ là văn xuôi cũng chính là một ví dụ. Bài thơ “Chân quê” chứa hồn xưa, mà bài văn xuôi “Chén trà sương” cũng chứa hồn xưa chẳng khác gì. Và nên nhớ tất cả những tác phẩm Nguyễn Tuân có bối cảnh là phố phường cũng vẫn chứa hồn xưa vì đất nước từ lâu đã gồm cả phố phường!

Hỏi: Văn Nguyễn Tuân rất tài hoa. Nét tài hoa này gốc gác ở đâu?

Đáp: Tôi nghĩ ngay đến, và chắc mọi người cũng đều nghĩ ngay đến, sự kiện Nguyễn Tuân là một đứa con của vùng đất Thăng Long – Hà Nội nổi tiếng thanh lịch. Đất thanh lịch sinh văn tài hoa chẳng là tự nhiên sao?

Hỏi: Ngoài hai nét giàu chất thơ và tài hoa, văn xuôi Nguyễn Tuân còn có thêm nét nhất quán nào nữa cũng đáng chú ý hay không?

Đáp: Thiết tưởng có còn một. Cái văn ấy, tôi cho rằng nó thế mà lại là chân chất đấy! Nghĩa là lời văn có thể rất cầu kỳ nhưng không bao giờ sáo rỗng hay giả dối. Không rỗng không dối là đức tính của người nhà quê. Nguyễn Tuân ở Hà Nội, sao lại “nhà quê”? Ngẫm nghĩ, sực nhớ mình đã có lần đưa ra nhận xét rằng văn hóa Thăng Long - Hà Nội từng vừa thanh lịch vừa vẫn liên hệ chặt chẽ với nông thôn.(10) Đất vẫn giữ nét quê thì người ở sao lại không? Tài hoa mà vẫn chân chất là phong cách văn chương tiêu biểu một thời ở cái đất trung tâm văn hóa Việt Nam.

Hỏi: Ông tóm tắt văn nghiệp Nguyễn Tuân như thế nào?

Đáp: Tôi thấy nó rất đặc biệt vừa như một hiện tượng văn hóa, vừa như một công trình biểu dương tiếng Việt.

Theo ý nghĩa thứ nhất thì như mới nói trên, nó là một hiện thân của cả văn hóa Việt Nam truyền thống nói chung và văn hóa Thăng Long – Hà Nội nói riêng giữa nền văn xuôi chữ quốc ngữ La-tinh vừa mới chào đời. Nó không phải là hiện thân duy nhất, nhưng nó gây được ấn tượng mạnh mẽ hơn cả.

Về ý nghĩa thứ hai, ý tôi muốn nhắc đến cái khả năng gợi cảm vô song của tiếng Việt. Tùy theo mức độ vận dụng thành công khả năng ấy mà một tác phẩm viết ra có nhiều hay ít giá trị biểu dương tiếng Việt. Căn cứ vào cả chất lượng và số lượng những bài văn, đoạn văn gợi cảm, tôi cho rằng văn nghiệp Nguyễn Tuân có giá trị biểu dương tiếng Việt cao hơn bất cứ sự nghiệp văn xuôi nào khác cho tới tận bây giờ. Thực ra, bởi từ lâu những văn phẩm có lời gợi cảm đã trở nên rất hiếm, thiết tưởng ta có thể kết luận luôn ngay hôm nay rằng về giá trị biểu dương tiếng Việt thì văn nghiệp Nguyễn Tuân sẽ mãi mãi ở vị trí số một.

Mỗi thi nghiệp hay văn nghiệp có thể coi như một “đài” vinh danh tiếng Việt độc đáo thân yêu. Trong số đài xây bằng thơ, cái cao nhất là do một người họ Nguyễn tên chỉ có một chữ xây. Ngẫu nhiên, trong số đài xây bằng văn xuôi, cái cao nhất cũng là do một người họ Nguyễn tên chỉ có một chữ xây!



Thu Tứ
Viết tháng 6-2018
Sửa tháng 5-2019














__________
Phỏng vấn đây là hình thức trình bày. Hỏi và đáp đều là tác giả.
(1) Theo
Tuyển tập Nguyễn Tuân, tập I, nxb. Văn Học, 1982, Một chuyến đi đăng báo từ 1938, in 1941, Ngọn đèn dầu lạc in 1939, còn Vang bóng một thời đăng báo từ 1939, in 1940.
(2) Võ Phiến nhận xét về văn Nguyễn Tuân trong
Văn học Miền Nam - Tổng quan, nxb. Văn Nghệ, Mỹ, 1987.
(3) “Trước đây chán đời thì hút cho quên đời (…) tự hủy hoại mình cho bõ tức với đời”,
Nguyễn Tuân - người đi tìm cái đẹp, nxb. Văn Học, 1997.
(4), (7), (8) Sách vừa dẫn trên.
(5) Trần Quốc Vượng,
Trong cõi, nxb. Trăm Hoa, Mỹ, 1993.
(6) Tố Hữu,
Nhớ lại một thời, nxb. Hội Nhà Văn, 2000.
(9) Trong
Thi nhân Việt Nam, khi nói về thơ Nguyễn Bính.
(10) Bài “Thôi một nước quê” và bài “Lại chuyện quê thanh lịch”,
Cảm nghĩ miên man, quyển 1, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và nxb. Thế Giới, 2015.