“Nguyễn Tuân - Đường vui, lối giận”




“Đi bao giờ cũng vui” là mới nói về phía một người đi là Nguyễn Tuân. Còn phải có sự hợp tác của phía con đường nữa thì đi mới trọn vẹn là vui. Trong ba bài ký “Đường vui”, “Cống Thần” và “Một đêm vào tề” sau đây, chỉ có bài đầu là con đường chịu hợp tác giúp Nguyễn vui trọn, hai bài sau đều là trường hợp con đường bất hợp tác, khiến Nguyễn vừa vui đi vừa tức giận về “những điều trông thấy” dọc đường.

Trong lúc đông đảo nhân dân hăng say vì nước quên mình, có một thiểu số đã vì mình quên nước hăng say không hề kém! Nước mất, nhà tan, đồng bào chết đầy đồng, của cải ra tro, mặc nhé, “tôi” còn phải ra Cống Thần kiếm cho thật nhiều “giấy” xanh “giấy” đỏ, hễ tạm ngưng kiếm là “tôi” phải lập tức đếm xem đã kiếm được bao nhiêu, đầu tắt mặt tối cả ngày lẫn đêm thế này! “Tôi” như thế, thế mà vẫn còn “khá” đấy. Vì có những kẻ ích kỷ khác đã chọn con đường làm tay sai cho giặc.

“Đường vui”

“Sau Toàn Quốc Kháng Chiến, trong vô số hình ảnh quanh ta (…) hình ảnh (…) những con đường đập mạnh vào mắt ta (…) nhiều nhất (…) Kháng Chiến năm thứ ba (…) Đi bộ thành một môn thể thao của công dân (…) Nếu không cần thiết (đừng) đi quá bốn mươi cây số một ngày (…) Muốn đi cho xa, hãy khá dè dặt sức ngựa (…) ngựa đây (…) chỉ là mình, mình cưỡi lên mình mà đều bước qua núi sông đẫm mùi thuốc súng. Dọc đường hãy (…) từ chối cám dỗ của hàng quán phố phường. Nhiều đồ vật phơi bày (…) chèo kéo ta bỏ chúng vào bị vào túi vào ba-lô. Nhưng hãy coi chừng, hỡi anh bạn định đi nhiều đi lâu! Chẳng cần lâu đâu, chỉ một quãng đường nữa thôi, mấy thước vải phin, mấy mẩu xà-phòng, và vài cái chế tạo phẩm xanh đỏ nhấp nhánh kia sẽ cho ta thấy rõ cái liên lụy của đèo bòng. Trên mỗi thước đường trường, rồi chúng sẽ đè lên thịt ta gò cật ta xuống, thít mạnh vào giò ta (…) buộc ta bỏ neo ta ở một cái trạm dở dang nào (…) nằm lại mà nhìn những bạn đồng hành ca hát lên đường tiếp. Đối với sách (…) rất nên dè dặt (…) không nên quá gắn bó (…) đem theo (…) (Thay sách bằng) những mẩu chuyện nhỏ của người bạn ta gặp trên đường, thốt lên giữa hai ngụm nước bốc khói thuốc lào (…) (Bạn và ta trò chuyện rồi) cho nhau một mẩu dây buộc, vài viên thuốc phòng thân, một mảnh báo cũ, một nụ cười tin yêu (…) Người bạn đường trung thành với mình (…) là đôi dép cũ (…) đã thuộc rõ tất cả nết mười ngón chân ta, ít làm cho ta đau khổ như những đôi dép mới sắm (…) Nhưng mà đã có người lo xa tập xéo lấm dẫm gai dẫm sỏi. Đến một chặng trường kỳ nào đây, dép rồi cũng có khi thiếu (…) Bạn ơi, ta lên dốc cho chắc bước cho đều bước, ta xuống dốc cho ròn cho dẻo. Rừng mai rừng trúc, chậm lại mà thấm lấy phong quang của cảnh sắc quê hương. Chỗ nào là núi đất rừng nứa, ta nhanh bước lên, muỗi vắt nhiều lắm đấy. Suối trong mời ta tắm vò giặt phơi quần áo trên những tảng đá của tranh thủy mặc Tàu. Rồi vừa đi vừa phơi luôn quần áo trên lưng mình trên đầu mình, ta hãy dành một phút mà mặc niệm người thợ giặt cũ. Hà hà, cái nón lá cổ điển ấy (…) đã giúp mình được nhiều việc hơn là cái mũ Tây (…)

Cuộc sống luôn luôn đổi chỗ lại còn tước khỏi đời chúng ta những cái tủ đứng bằng gỗ và theo cái tủ, chúng ta cũng rũ luôn đi bao nhiêu là thứ tình cảm bít khóa ẩm mốc tủn mủn. Người bộ hành trở nên hồn nhiên, nhiều khi tìm hạnh phúc ở một miếng đường phên, một quả trứng tươi, một trái cà chua sống, một tấm bánh lá, một đùm muối trắng. Ăn cho đủ, ngủ cho đều (…) Vui biết bao nhiêu, khi mình dừng bước vào một buổi sớm phiên chợ. Người, hơi người, tiếng người. Cứ đông người là đủ thích rồi. No mắt, no tai, no ngón tay. Bỏ lại sau mình cái màu nâu của miền xuôi, bây giờ chúng ta hể hả với những màu lam thâm thúy đon đả của quần áo Việt Bắc. Cái tai lôi thôi quen tính được sung sướng với những thanh âm của một từ ngữ ngây thơ bật vang lên giữa một cái chợ xanh um (…)

Đi bao giờ cũng vui. Chỉ những lúc ngừng mới là hết thú. Những buổi đằng đẵng ngóng anh giao thông khi mình phải bắt liên lạc ngang, ngồi nhìn mưa rừng và nhổ từng cánh cỏ may trên ống quần, biết để vào đâu cho hết nỗi bồn chồn! Trên lối mòn ngoặt vào nẻo rừng già, xa hút một giọng chim Bắt Cô Trói Cột”
(Ba Bể - Khe Khao, một mùa hè kháng chiến).

“Mình (đeo bị đeo túi đeo ba-lô) cưỡi lên mình mà đều bước qua núi sông đẫm mùi thuốc súng” chỉ có không quá “bốn mươi cây số một ngày”! Trong ba mươi năm kháng chiến, không biết bao nhiêu người Việt Nam đã thành lực sĩ điền kinh ngoại hạng.

Năm nay 2018, cái “môn thể thao của công dân” hết sức phổ biến “một thời” ấy đã hoàn toàn khuất “bóng” thôi “vang” từ lâu lắm rồi. Ta đã quên hẳn đi bộ, người người hễ cứ ra khỏi cửa là thót ngay lên hoặc chui vào trong lòng một cỗ máy chở rất khỏe chạy rất nhanh. Tất nhiên “cái nón lá cổ điển” dùng che mưa che nắng, luôn tiện phơi áo, đã vào bảo tàng văn hóa dân tộc.

“Cuộc sống luôn luôn đổi chỗ (…) rũ luôn đi bao nhiêu là thứ tình cảm (…) tủn mủn (…) Đi bao giờ cũng vui”. Đi bộ mà không phải là đi đi về về quanh năm suốt tháng chỉ một con đường, nó vừa khỏe chân, tốt tim mạch, lại vừa sạch lòng, thảo nào sau ngày Đờ Cát bị bắt sống ở Điện Biên Phủ, Nguyễn vẫn còn thể thao đều đều suốt hàng mười mấy năm nữa!

“Cống Thần”

“Thuyền tôi qua Cầu Bầu, thuyền tôi qua Quán Bóng, thuyền tôi trôi xuống cống Đồng Quan. Tôi là người khách lạc điệu giữa một chuyến đò đông. Chuyến đò chở này là một cái chợ tiền nổi trong dòng kênh (...) Chung quanh tôi, người ta tíu tít bấm đèn đếm tiền. Nào giấy hai chục đồng “Cụ Hồ đi nhanh”, “Cụ Hồ đi chậm”, giấy trâu xanh lá mạ, giấy một trăm đỏ nhẵn mặt, giấy một trăm đỏ sù sì. Người ta gọi đồng bạc là phơ, tờ, tì. Người ta đếm, đếm mãi. Nước kênh óc ách trôi theo người mải đếm. Cống Đồng Quan in bóng lên nền trăng suông, hình thù chẳng khác cái cốt một chiếc máy chém chờ đầu người. Bên và dọc đường lờ mờ bóng người thì thầm những tiếng lóng (...)

Ở những nơi quần tụ tạm bợ mọc lên, hiện ra, rồi tàn lụi (...) ở những thị trấn nấm, những phố cao-su, những chợ cóc nhẩy này, chúng ta cọ chạm với nhiều thứ tâm lý tiêu cực. Ở đây, người ta có một lối nhớ khác hẳn số đông. Họ không nhớ những niên hiệu 6-1, 9-3, 19-8, 2-9, 19-12; nhưng nói đến những tên cao đan hoàn tán Âu Mỹ khó đọc đến mấy, họ đều thuộc lầu. Họ không đọc một tờ báo nào. Hoặc giả có đọc thì cái thái độ rõ rệt của họ là hoài nghi tất cả. Họ chỉ tin tưởng vào những kiện hàng. Họ đếm tiền, hết đếm tiền khô thì lại hơ đèn ướt lên đèn lên lửa, hết giấu hàng lậu thì lại dấm dúi hàng chợ đen (...) Họ ít nhìn thấy tội ác giặc ở quanh họ. Bất chấp hai chiếc X-pít-phai thay phiên nhau khạc lửa xuống chợ, họ ló đầu lên miệng hầm làm giá hàng nốt với người khác cũng đang ló đầu trên miệng hầm dãy phố bên kia (…) Giữa đường phố độc đạo nhan nhản những con người dép mới, áo vải tây mới trắng lốp, đàn ông đàn bà bó cứng trong vải còn nguyên lần hồ, tay xách bị, xách cặp, xách túi dù. Họ mậu dịch ngay giữa đường. Họ buôn đứng, họ bán đứng (…)

Cống Thần, tôi tưởng như đó là tên một truyện quái dị, gợi đến một thiên tai có sự rùng rợn của thủy hỏa đạo tặc. Tôi nghĩ đến một cơn lốc khổng lồ lật ngửa những mái tranh đang úp vào mặt bùn kia, hút ngược bao nhiêu nhố nhăng kia lên trời và quét sạch cái không khí dịch tể ở nơi này đi (...)

Sau kỳ nhảy dù Trà Châu vừa rồi, địch đóng ở Đục Khê, tôi lại có dịp từ Đống Năm về qua Cống Thần. Ba anh bạn cũng tìm đường lên Việt Bắc và tôi nằm chung một con đò cắm sát Cống Năm Cửa. Đò, đêm mưa, khoang vắng. Thế mà không buồn tí nào. Cả đêm chúng tôi nằm đếm tiếng nổ, cố phân biệt tiếng nào của mình. Sớm sau đổ bộ lên Cống Thần, - vắng hết người, chỉ còn biển hàng sơn ngũ sắc hai dẫy hàng cài răng lược vào nhau qua lòng phố rộng lạnh hơn mọi ngày – chúng tôi mới đọc báo và được tin Trung đoàn Miền Tây đang lập nhiều công ở vùng Đục Khê Bạch Tuyết. Chúng tôi dẫm lên bùn tái mét phố Cống Thần, niềm vui sống đặt vào những tiếng súng đồng vọng từ dãy núi Hương Tích xa dồn lại”
(Chợ Cháy, hết 1948).

Tại sao không ở trong vùng bị tạm chiếm mà ra đây cho nguy hiểm? Vì ở đây dễ bán đủ thứ hàng và dễ trốn thuế. Không phải đóng thuế cho Pháp đã đành. Cũng không phải đóng cho ta nốt, bằng cách “cũ hóa” hàng còn mới tinh (dép mang, áo mặc v.v. được xem là đồ cũ). Nhưng ai có tiền mà mua, nhất là những thứ xa xí phẩm? Trong số dân thành phố đang chạy giặc có nhiều người có nhiều tiền, rất sẵn sàng mua.

Lòng yêu “phơ, tờ, tì” khiến những tiểu thương này bán hàng tích cực ghê. Giá họ đổi qua yêu nước cũng hăng hái như vậy... “Tôi nghĩ đến một cơn lốc khổng lồ (...) hút ngược bao nhiêu nhố nhăng kia lên trời”. Tệ hơn nhố nhăng nhiều chứ. Đây là chỉ biết mình trong khi bao nhiêu người khác đang vì nước quên mình. “Lên trời”, sợ bẩn trời. Tưởng một trận động đất vùi xuống cho thật sâu thì hơn.

“Một đêm vào tề”

“Ruộng lúa chín đang rưng rưng hạt lệ thóc, nhuộm vàng thêm hoàng hôn vùng giáp địch . Cuộc khai hội buổi tối hôm ấy của cán bộ phụ trách vùng tề náo nhiệt. Nhiều khuôn mặt thanh niên sáng sủa và quả cảm (…) Tôi nhận một tấm giấy căn cước bằng chữ Pháp có dấu của một lý trưởng và của một tên đồn Tây. Cả đêm, tôi thao thức với cái tên mới của tôi, và hút rất nhiều thuốc lá để tập suy nghĩ và xử sự theo với tấm thẻ tít mới (…)

Đất tề bắt đầu. Chúng tôi lặng lẽ đi hàng một. “Ta vào làng này”. Tôi theo anh dẫn đường, rẽ vào một cái làng không có chó, không có gà gáy trưa, nghĩa là không có con người. Ngõ đầy lá tre khô, tua tủa cành rào. Ao đầy bèo (…) Trên một tường gạch, còn ghi rõ mấy dòng kể tội quân Pháp ngày ấy tháng ấy về làng giết bao nhiêu người, đốt bao nhiêu nhà, cướp bao nhiêu trâu bò, và cuối cùng là “Chúng ta phải trả thù”. Phía đồng Khúc Thủy có tiếng súng nổ. Đồng lúa chín tắt tiếng đạn, lại càng thăm thẳm hơn. Đồng chín không bóng dáng lom khom của dân gặt trông cô quạnh bằng mấy mươi cái vắng vẻ của rừng. Trong gió hanh, trên đất khô, sóng lúa thầm thì về thảm kịch của vùng bị địch kiểm soát. Ở đây khô sáng, ròn rã, vàng tươi. Nhưng tôi thấy thèm nhớ cái ẩm ướt tranh sáng tranh tối của rừng Việt Bắc với những điệp khúc chim bắt cô trói cột. Ở đây xa vắng quá, trơ lạ quá. Một tiếng nổ phát ra từ một xóm lẻ giữa đồng quạnh. Anh liên lạc chậm bước: “Đừng có đứng lại, cứ vừa đi vừa nói. Có thấy chúng nó hành quân thì đừng có chạy. Mặc kệ nó. Hễ ngơ ngác lấm lét chạy là nó bắn”. Được một quãng, bỗng thấy anh đứng lại, chăm chú nhìn ra xa: “Này anh, anh nhìn kỹ hộ tôi xem có phải mấy đám người đi trên đê xa kia đang rẽ ngoặt lại không? Mấy bọn ấy họ vượt mình từ chỗ bờ sông buổi sớm ấy mà”. Tôi nhìn kỹ vào giữa đồng không mông quạnh, cũng không hiểu là họ đang đi tiếp hay là những đầu rắn ấy thấy vướng, đã chùn lại và rẽ ngang lùi về. “Thế sao hở anh?” “Nếu (…) họ chùn lại, tức là gần đấy có biến (…) chúng ta (cũng phải) rẽ ngang đi thôi” (…)

Nhưng mặc dầu vậy, chúng tôi cũng tới được địa điểm trước giờ định. Vài trẻ em đang loay hoay phía bờ ao lôi cái thuyền thúng lên. Tây không hay sục sạo các làng vào giờ này. Những chiếc thuyền thúng được vớt lên để đi vớt bèo và hái cái rau cho bữa cơm chiều. Rồi gần mờ sáng thì lại dìm đi. Đồng chí dẫn đường hỏi đến tên bất cứ một người nào, là cả làng tề bảo là đi vắng cả. Anh tủm tỉm, rồi nói thầm. Ra vì có tôi là người lạ. Bữa cơm chiều (…) Bà chủ nhà (…) “Có bị tầu bay khủng bố ngày mấy lượt cũng còn là cứ sướng hơn trong này, các anh ạ. Mâm và nồi này là vừa mới vớt ở dưới ao lên đấy chứ. Cơm sáng ăn vào lúc còn tối đất, xong một cái là dìm tất cả xuống ao. Ấy chậm giấu đi từ mờ sáng, chúng kéo vào là mất hết”. Người con trai kể (…) bình dân học vụ ở vùng tề này (…) dạy vào ban ngày (…) Mà bây giờ chúng nó lại cấm đóng cổng làng. Trước kia thì chúng nó bắt đóng cổng cho kỹ. Cả cổng nhà riêng, ngày đêm giờ đều phải bỏ trống. Để cho nó tiện việc kiểm soát. Hễ đóng, nó bảo là để che chở cho cán bộ ngoài ta”. Tôi sang nhà khác (…) Mấy em nhỏ (…) chào tôi đi (…) “Bao giờ anh lại vào thăm chúng em nữa? Lần sau vào, anh cho chúng em nhiều tranh ảnh kháng chiến và bài hát nhé!” (…) Ông cụ ấy đưa ra cổng, còn quyến luyến: “Các anh vào liên lạc với đồng bào (…) thật là quý hóa quá. Chúng tôi vẫn trông ngóng (…) Khổ lắm các anh ạ. Đêm ngủ không đẫy giấc. Ngày hai buổi chỉ bận bịu vì nghe ngóng xem nó có kéo qua làng không. Canh tư gà gáy là bắt đầu lo rồi. Chó cắn là giật mình (…) Bỏ nhà kéo ra vùng tự do, thì nó đến đốt nhà. Ở lại, thì đồng bào các nơi ngờ vực, khinh bỉ” (…) Ông cụ nhà bên cạnh (…) kể nỗi khổ nhục của người tuổi tác đất tề và lúc thuật lại câu chuyện khủng bố làng dưới, cụ nhắm mắt lại: “… con gái nó hiếp chết, bấy giờ nó mới đi sục phụ lão. Để đánh trâu bò về bốt nó. Đã thấm thía chưa, các anh! Yếu rên, không đưa trâu đi được thì đòm một phát”. Cụ thuật lại cái buổi sớm ấy nó vít làng, nút các ngõ, đốt xóm như thế nào (…)

Đình làng đông đủ thanh niên và người đứng tuổi. Tôi kể chuyện vùng tự do (…) Họ vui thích, chăm chú. Vào tề, càng thấy rõ cái tha thiết đối với giải phóng. “Chúng tôi còn tiếp tục đi thăm những làng khác”. “Các anh về thăm luôn nhé!” (…) Đêm nay (…) phá tề trừ gian (…) Từng tiểu đội dân quân du kích, tự vệ (…) cả nữ du kích xã (…) xuất phát đi quét tề. Một người nói nhỏ: “Chuyến này tôi xin áp giải Hội Tề về hậu phương, nhân tiện sẽ ra chơi chợ cũng thích, chỉ phải cái khổ nhất là đoạn đường về (…) Mình quyến luyến (…) nhớ lắm. Chuyến trước (…) tôi định không quay lại (…) định liều cho nó đốt nhà đấy” (…)

Tôi ngồi ở bờ đường nhựa chờ nghe những hồi moóc-chi-ê của đồn Pháp câu ra, sau những luồng đạn quấy rối của bộ đội (…) yểm hộ cho đêm tổng phá ngụy quyền… Gần sáng, sáu bảy chục Hội Tề đã được tập trung (để được) đưa về hậu phương ít ngày”
(Tháng chạp 48).

Lúa chín, sóng lúa rập rờn, cả cánh đồng “khô sáng, ròn rã, vàng tươi”, thế mà “xa vắng quá, trơ lạ quá”! Hóa ra, chỉ thiếu đi có cái “nét” người hoạt động quen thuộc, cả một bức tranh vĩ đại đổi hẳn ấn tượng gây nơi người xem.

“Tề” là ngụy quyền. “Hội tề” là hàng ngũ tề. “Làng tề” là làng nằm trong vòng kiểm soát của giặc, có tề giúp đỡ giặc. Tuy dân làng tề rất nhiều người đầy cảm tình với kháng chiến, vào làng là việc rất nguy hiểm, có cơ sở thật tin cậy mới dám vào. Nguyễn đi “nghiên cứu” chuyến này, hơi hồi hộp; bù lại, được thấy rõ thêm “cái tha thiết (của đa số nhân dân) đối với giải phóng”.

Một trong những trò dã man nhất giặc Pháp đã giở ra trên đất nước ta là thả quân đi hiếp dâm. Nghĩ đến bao nhiêu mặt vênh mũi hếch, bao nhiêu lời lẽ trịch thượng, mà tởm.

Về bọn tề, tội của chúng đối với dân tộc có nhiều mức. Vì lợi ích cho cuộc kháng chiến, những trường hợp tội nhẹ nhiều khi được nhà nước Việt Nam xử rất khoan hồng.



Thu Tứ
Tháng 7-2018

















________
“Đường vui, lối giận” là tên tạm đặt cho tuyển ký này.