“Nguyễn Tuân - Lại ngược”




“Lại” tức là đã… Lần “ngược” trước là lần nào?

Nhờ Nguyễn Tuân thường ghi ngày và nơi viết ở cuối các bài ký, ta có thể biết được ít nhiều về những chuyến xuôi ngược của ông trong thời đánh Pháp.

Mùa thu năm 1946, Nguyễn Tuân đi thăm Liên khu Năm.(1) Trong ít nhất vài tuần sau khi Toàn quốc Kháng chiến bùng nổ, Nguyễn ở gần Hà Nội.(2) Từ xuân hay hè năm 1947, Nguyễn dẫn một đoàn kịch lưu động đi diễn tại nhiều nơi trong Liên khu Tư, chủ yếu vùng Thanh - Nghệ.(3) Không rõ thời điểm ông rời khu Tư, chỉ biết lúc nào đó trong năm 1948 ông có mặt ở Tam Đảo, rồi Chợ Chu (Thái Nguyên), tức đã từ Thanh - Nghệ đi ngược lên Việt Bắc.(4) Vì “Lại ngược” kể một chuyến đi bắt đầu gần cuối năm 1948, hẳn trong năm 1948 Nguyễn đã từ Việt Bắc đi xuôi xuống tới ít nhất Liên khu Ba, để đến cuối năm thì lại trở lên…

“Lại ngược” không ghi trọn chuyến đi từ chỗ khởi hành đến nơi kết thúc, mà chỉ từ đâu đó gần ngã ba Thá (Sơn Tây) đến đâu đó gần phủ Vĩnh Tường (Vĩnh Yên). Bài viết gồm bốn phần. Phần đầu, Nguyễn nằm ở trạm liên lạc, sốt ruột đợi đi. Phần hai là đi, có lẽ xuyên suốt huyện Chương Mỹ, vào đến địa đầu huyện Quốc Oai thì nghỉ qua đêm. Phần ba là tiếp tục đi, cơ bản dọc đường 21, khi gần tới tỉnh lỵ Sơn Tây thì rẽ ra một bến đò mới mở để vượt sông Hồng qua đất Vĩnh Yên thuộc Liên khu Mười tương đối an toàn. Phần cuối, với đầu óc đỡ căng thẳng, Nguyễn nấn ná ở địa phương một chút trước khi lại mải miết trên đường ngược lên Việt Bắc.

“Đi một ngày đàng (…) một sàng khôn”, huống chi đây đến mấy ngày mấy đêm. Nhưng học khôn là chuyện chán ngắt. Đi trong kháng chiến, được “học” những cái thú vị hơn nhiều, chẳng hạn độ ấm áp kỳ lạ của đông đảo nhân dân sinh hoạt giữa rừng. Trường hợp người đi có tinh thần tích cực tham gia làm việc nước, có thể sẽ được hưởng nỗi hân hoan khi gặp gỡ chiến sĩ, được thấm thía tình đồng chí, là những tình cảm hướng thượng quý giá đến nỗi suốt đời không quên.

Phần 1

“Sắp sang 1949 rồi, sắp bước sang năm thứ tư của Trường Kỳ Kháng Chiến rồi, chúng ta ơi! (…)

Chúng tôi dậy thật sớm, ba-lô túi dết đi miết lên trạm liên lạc, hỏi đường dây lên Việt Bắc (…) Thu đông năm nay, Liên khu III nhộn nhịp suốt ngày đêm, dân chúng và bộ đội di chuyển không ngừng (…) Lắm buổi bước tiến bọn tôi song hành với đường rút của quân Pháp đang lúng túng (trên) một phần con đường 21. Trông Đa-kô-ta và Giong-kơ tiếp tế của nó hổn hển trong mù sương của ngày mưa ẩm, mình thấy khoái trong lòng, mặc dầu thời tiết có dằn vặt mình trên những con đường lầy trơn như tráng mỡ nước. Trời hửng sáng lên một chút, là khu trục được dịp lũ lượt rủ nhau đi bắn phá bến, chợ, đường cái, và dọn lối về cho đám quân bị vây. Trời cứ mưa đi, bộ đội bám chặt lấy chúng nó thiếu tiếp tế mà tỉa dần, tiêu diệt, cho không còn một thằng nào trở về được căn cứ. Trời cứ mưa nữa đi (...)

Đã đến trạm liên lạc (…) Sớm mai kia mới có chuyến lên (…) Thật vậy, không gì cực lòng (…) bằng những phút đợi chờ ở trạm giao thông. Thế là ngày hôm nay lại vẫn nằm ở đây (…) để nhìn những đám khói đốt làng, để nhìn lửa khủng bố phía núi bên kia (…) Đã có mấy lần rồi, chúng tôi mò lên cái làng hẻo lánh này (…) Một dọc bên kia sông Đáy (...) chúng tôi biết rõ cụm tre um tùm kia là làng nào, cái cây cổ thụ kia là vùng nào. Sêu… Tiết… Đanh… Vài… Chiêm…. Sải… Mỗi đám khói khủng bố (...) ùn ùn nổi lên, biết ngay đấy là đâu (…) Khói vàng đục, đen úa, trắng loãng, quằn quại (…) bao nhiêu là máu đọng dưới những đám khói nhạt nhòa với buổi chiều (...)

Tối, chúng tôi thức khuya, nghe lựu đạn và súng tập kích của bộ đội như mọi đêm (...)

Chúng tôi đi tìm những anh em du kích nội thành Hà Nội ra đây theo học lớp cán bộ du kích (…) Anh em là những phần tử linh lợi quả cảm, hoạt động tích cực (...) Sống một đêm hết năm tại khu III với anh em (...) Trông (...) mình không thấy bỡ ngỡ chút nào. Hình như chúng ta thảy đều có gặp qua những khuôn mặt này ở một vài nơi nào rồi thì phải! Ở một cái ngõ cụt, ở một cửa ô, ở một ngã tư gần chợ Đồng Xuân hoặc ở một con đường nào quanh hồ Kiếm? (...) Một số anh em, lúc cười nói, để lộ những hàm răng đen nhánh. Cái vui của chúng tôi đêm ấy hồn nhiên giản dị (…)

Lại nhớ lại cái buổi gặp anh em Biệt Động Đội – mới chỉ cách hai ba hôm nay thôi -, sao mà nó thẳng thắn vui khỏe thế. Đi qua Liên khu III, chỉ nghe những chuyện dinh tê, chuyện buôn bán phản bội, mà không được gặp những anh em du kích Hà Nội và Biệt Động Đội thì (...) không thấy rõ được cái sức mạnh tranh đấu của thủ đô (…)

Súng bên kia sông, nghe ra lại nổ nhiều hơn những đêm trước. Mình cứ bám sát lấy nó, quấn chặt lấy nó (...) Những tiếng nổ phục thù càng gầm dội nhiều (…)”
.

Đi chưa biết ngày, mà nằm đây thì ngày ngày phải trông những đám khói nghi ngút bốc lên ngay trước mặt mình. Biết quá rồi, bên dưới bao nhiêu cuồn cuộn đen, vàng, trắng ấy là những cảnh tượng gì. Thứ giặc này dã man lắm, hễ có cơ hội là ta tỉa cho bằng hết, các anh em ơi!

“Nằm” gần Hà Nội có chỗ rất hay là được gặp du kích Thủ đô. “Tôi” trông ai cũng ngờ ngợ. Dĩ nhiên, đã gặp nhau luôn mà. Nhưng mà bây giờ mới thật là thấy đây. “Anh em làm đủ nghề…”. Lần này thì chưa, nhưng chẳng bao lâu “tôi” sẽ được bất ngờ tái ngộ với một “cố nhân” từng làm nghề bưng rượu hay cà-phê ra cho tôi ở nhà hàng Thủy Tạ.

Tay bắt mặt mừng với anh em du kích nội thành là cái vui chồng lên một cái vui khác còn nóng hổi là gặp gỡ anh em Biệt Động Đội của Liên khu Ba. Những người cùng yêu nước, đang hết sức mình vì nước, mà chuyện trò với nhau thì nó dễ dàng thoải mái vui vẻ biết chừng nào!

À, trong phần này, Nguyễn có ghi lại một sự kiện thật cảm động là anh em du kích có người răng đen nhánh. Giữa Hà Nội giữa thế kỷ hai mươi, vẫn còn những người đàn ông Việt Nam nhuộm răng đen. Đừng có tự ti mặc cảm vô lý! Phong tục ấy không có gì xấu cả, không hề là dấu hiệu văn hóa thấp. Dân tộc anh hùng, dân tộc có nền đạo lý rất cao, dân tộc nghệ sĩ tuyệt vời này đã, suốt không biết bao nhiêu thế hệ, muôn người như một, nhuộm răng đen như thế đấy. Những chiến sĩ còn mang đậm một nét xưa độc đáo mà Nguyễn Tuân ngẫu nhiên được gặp cuối năm 1948 chính là “vang bóng” của “một thời” dằng dặc văn hóa Việt Nam vô cùng đậm đà bản sắc.

Năm 2018, “Cuộc Bể Dâu Chưa Từng”(5) đã làm cho vô số cái rất lâu đời của người mình hoàn toàn mai một. Nghĩ đến những “răng đen nhánh” trong hàng ngũ sẵn sàng hy sinh tất cả cho tương lai đất nước năm nào, thấy lòng bâng khuâng quá.

Phần 2

“Mờ sớm ngày mồng một năm Dân Chủ Cộng Hòa thứ năm. Chúng tôi qua ngã ba Thá (…) Trong mưa phùn, dây thần kinh chúng tôi căng thẳng. Đường cứ vắng dần. Rồi đến lúc không thấy một bóng người. Quãng Đồng Mít, bao la vắng tanh trong sương sớm lạnh trắng. Cỏ cứng cằn xơ (…)

Ban nãy, quãng bờ sông Đáy lên Ba Thá, vui tươi bao nhiêu! Dân chúng nhan nhản ngoài đồng màu, làng xóm vang tiếng cười hát giã gạo. Bờ sông sum sê xu hào, cải bắp, cải dưa. Dấu hiệu của chiến sự thu gọn giữa dòng sông Đáy đang ấp ủ bao nhiêu thân đò nan, thuyền thúng của dân chúng dìm xuống nước đã mấy hôm rồi. Giữa sông vắng, lố nhố những mui thuyền và đầu sào. Cảnh tượng đò dìm suốt mấy chục cây số đường sông trông ghê rợn hơn cảnh phá hoại trên cạn.

Mưa phùn nhòe dần cảnh chung quanh, cảnh trước mắt. Chúng tôi càng dè bước, tai mắt nghe ngóng. Rất có thể gặp “chúng nó” ở quãng này. Ở cái quán nước (…) lại thêm một tin nữa, không tốt gì lắm cho hành trình (…) Bạn đồng hành đã thêm được vài bóng nhân dân. Cái bóng dáng của một đồng bào thêm vào cái bóng đoàn mình trên quãng đường này, sao quý đến thế! (…) Qua một dòng suối, mọi người đều để ý đến một thứ âm thanh không rõ rệt nó vang lào rào từ phía đồi khuất trước mặt. Gió thông đâu đây? Nước thủy triều đâu đây? Ong đàn hút nhị đâu đây? Ấm quá. Chẳng khác gì hơi nước sủi tăm. Bao nhiêu điểm trăng trắng hiện dần lên nhấp nhô sau lớp cây rừng. Nón, thì ra đây là cái nón của dân chúng đang họp chợ. Vui và ấm biết mấy, sau những giờ đằng đẵng. Chúng tôi dừng lại chợ một lúc lâu, không phải để mua sắm gì mà cốt để tẩm mình thêm vào cái hơi nóng nhộn nhịp và tiếng nói của nhân dân. Từ sáng đến giờ, lạnh lòng quá. Rời chợ Tăng Gia chúng tôi hơi tiếc (…)

Trời ngả về chiều. Trước mặt, sau lưng (…) cơ man là gánh muối lên Việt Bắc, lượn rồng rắn lên đường cắt chữ chi (…) Đông quá, như trẩy hội (…) Thật đúng như lời ông già nói ở quán ban nẫy: “Một ngày có hàng nghìn dân vượt đường số 6 (…) Ấy mưa thế này, đường lầy, nhưng lại đỡ được tàu bay”. Bám sát gót những người gánh nặng, mới cảm thấy cái sức mạnh vô cùng của dòng sống (…) Gần mỗi vị trí giặc, dòng sống lại rẽ sang phải sang trái mà tườn lên (…) Hãy nghe một người gánh muối nói oang oang (…) “Trong hàng nghìn người mỗi ngày đi qua đường số 6, không may mới có một hôm có vài người bị bắn ở quãng Vai Đá. Nó cứ đứng mãi được chỗ ấy mà gác à? Nó gác ở đấy thì du kích sẽ lập kế diệt nó. Và bà con ta sẽ đi tránh lối khác. Chúng nó có thể thằng nọ bám tay thằng kia, dang tay dang chân nối liền nhau từ Mai Lĩnh lên đến Lương Sơn làm thành một cái hàng rào mũ đỏ không? Bao giờ nó có thể làm được như thế, thì chúng ta mới tạm nghỉ gánh muối. Còn không thì chúng ta cứ gánh tiếp tế cho vùng trên như thường”. Mọi người vui cười theo câu nói chí lý (…)

Chúng tôi men vào sườn đường số 6 để băng sang bên kia. Dân chúng mở con đường mòn này, cũng độ tháng nay thôi. Thấp thoáng trước mắt, đã hiện ra những cột dây thép chỉ còn trơ những vệt đen dọc chơ vơ. Mảng nhựa loáng của đường số 6 đã hiện rõ. Chậm bước lại để lấy đà, chúng tôi băng nhanh qua đường. Lòng đường cỏ đã mọc cao như lối hoang dại. Một bóng vụt qua. Hai, ba, năm bóng vút qua. Sao mà nhanh thế. Cứ như lao thoi. Cả những người gánh cũng vậy. Chúng tôi lướt qua cái gốc cây hôm qua nó vừa bắn mấy người gánh vải (…)

Đêm mai thì vượt (…) Bên kia bờ Hồng Hà, đã là Liên khu X. Nhưng bên này bờ, chỗ cái bến phải vượt đêm là sát vị trí nó. Còn phải một đêm vất vả nữa”
.

Ngã ba Thá có phải gần cầu Ba Thá? Cầu này trên đường 429, bắc qua sông Đáy nối hai huyện Mỹ Đức và Ứng Hòa trong tỉnh Hà Tây cũ.

“Giữa sông vắng, lố nhố…”. Tại sao “cảnh tượng đò dìm (…) trông ghê rợn”? Có lẽ vì nó gợi cái ý đã có bao nhiêu người chết đuối...

“Vài bóng nhân dân (…) sao quý đến thế!”. Chẳng bao lâu, “đoàn mình” được gặp bao nhiêu là nhân dân. “Vui và ấm biết mấy” đối với những lòng đang “lạnh quá” sau bao nhiêu giờ đằng đẵng trên chặng đường đầy đe dọa. Dạo chợ giữa rừng, “tôi” không chỉ say sưa với quang cảnh nhộn nhịp mà còn chú ý “tẩm mình” vào cả trong “tiếng nói của nhân dân”. Tự tẩm trong hình và tiếng thân thương một lúc, rồi lại...

Đường bây giờ ấm lắm, vì đầy “rồng rắn”. Muối chảy đi đâu tới tấp thế này? Thì lên cái miền trước kia coi như chỉ có các dân tộc ít người. Trên ấy hiếm muối, mà bây giờ thật đông người ở. Người lên rồi sẽ về nhưng đường muối đã mở thì không bao giờ đóng: sau ngày kháng chiến thành công, đồng bào miền cao vĩnh viễn thôi đói muối!

Phần 3

“Lại bắt lên con đường 21 (…) Hoang vu trùm lên đồi trọc. Gió heo thấm vào sỏi cuội đường vắng. Đồn Hòa Lạc chỉ còn là một đống gạch vụn xếp trên đỉnh cao phất phơ vài gốc thông già. Chúng tôi đi nhanh, cứ nhằm phía tỉnh lỵ Sơn Tây mà rút. Mỏ Chén, rồi Muỗi, rồi Đá Đen. Nhiều tên đất nôm na cộc lốc, giờ mình lại thấy dễ ưa hơn là những tên chữ Hán, văn vẻ nhịp đôi nhịp ba ngày nọ (…)

Chiều tà, mưa mau, tất cả nhân diện bọn tôi căng thẳng vào một cái bến đò sông Cái sẽ vượt qua đầu canh hai. Bến đò này mới mở cho dân chúng và cán bộ qua lại độ tuần lễ nay và chỉ hoạt động từ lúc mặt trời lặn. Tay phải bến là vị trí giặc, tay trái bến là làng tề ác (…) Mưa phùn tăng thêm ánh lửa của đuốc trên đường hoang. Ánh đuốc chập chờn ẩn hiện như đèn pha vị trí nó quét chân trời. Bao nhiêu gồng gánh đi ngược lại phía bọn tôi đang mải miết húc đầu vào mưa, húc đầu ra đê sông. Đêm tối như hắc ín. Chúng tôi nắm vào ba-lô nhau mà đặt bước xuống bùn trơn. Trong cái âm thầm của đêm hồi hộp, có những tiếng hỏi “Ai?” rất khẽ rất gọn, nó cho mình biết ngay đấy là tiếng của bộ đội hành quân. Đoàn quân đều đều mà bước, lẳng lặng mà đi. Trong đêm mưa tí tách giọt lá, cái đoàn dài ấy trườn cạnh chúng tôi. Chúng tôi nép vào bên lối lầy. Những cái bóng đen làm cho mình ấm lòng… Không khéo đêm nay lại có cuộc tập kích vào tỉnh lỵ đây! (…)

Đường ra phía đê Đại Hà đã vắng bóng người. Ba anh du kích ấy là ba người cuối cùng ở ngoài bến đi vào. “Hết đò rồi, các đồng chí sao ra chậm thế?”. Chúng tôi muốn ngã dúi xuống mặt đường lầy. “Thôi các đồng chí về ngủ với chúng tôi, rồi chiều mai sang sông vậy. Bây giờ, công nhân đò ngang, họ về hết bên kia sông và giấu hết đò vào quá trong bãi rồi”. Đêm nay mà phải ngủ bên này bờ sông thì không còn gì sốt ruột hơn được nữa. Anh tiểu đội trưởng du kích, sau một lúc ngần ngừ, bảo khẽ hai du kích có súng có lựu đạn là cứ chịu khó đưa chúng tôi ra bến vậy: “Ra đến bến, thử bật lửa lên ra hiệu với bên kia bờ. Hễ họ bật lửa đáp lại thì tức là có người sang đón. Còn không thấy lửa thì đành chịu về vậy. Thôi, các đồng chí mau bước lên”. Chúng tôi hấp tấp trong tối tăm bì bõm, ngã không biết mấy lần. Leo qua đê, phải bò, tay bám vào cỏ ướt bùn nhão mà tụt xuống chân đê. Trong một cái miếu bên sông, anh em du kích đánh bật lửa ra hiệu. Mặt nước lặng im. Sự lo ngại hồi hộp của chúng tôi lên đến cực độ. Ánh bật lửa lóe lên ba lần. Chúng tôi càng rộng mắt nhìn qua phía bên kia bờ mịt mùng mưa phủ đặc. Không thấy chút ánh sáng đáp lại nào. Thôi thế là tuyệt vọng. Bên kia là Liên khu X rồi, nhưng đêm nay vẫn cứ phải ngủ lại Liên khu III này với bao nhiêu lo phiền. Hai Liên khu chỉ cách nhau có một con sông đêm vừa hết đò!

Bỗng trên mặt sông có tiếng mái chèo đập nước. Chúng tôi lắng. Có tiếng người dưới sông hỏi vọng lên: “Mấy người tất cả? Có hàng không?”. Vui mừng biết bao! Ra đây là chuyến đò cuối cùng đang chèo về bên bờ tỉnh Vĩnh Yên. Mới ra quá giữa sông, thấy lửa ám hiệu, đò lại quay sang. Bờ cao, mặt bến thấp, chúng tôi lại nhào xuống. Trơn ôi là trơn! Mọi người đều xuống bằng đít và bằng tay. Thế rồi đò nhả bờ.

Khỏi bến được mươi sải, có tiếng trên bờ cao nói xuống. Nói trong mưa, nói trong đêm tối: “Chào các anh sang bên ấy nhé!”. Thôi chết chết chúng tôi rồi! Tiếng hai anh du kích. Tiếng hai đồng chí du kích tiễn hai chúng tôi sang đò! Trong lúc vội vã, chúng tôi đã quên từ biệt (…) Riêng tôi, tôi thấy ân hận nhiều (…) “Chào các anh sang bên ấy công tác nhé!”. Câu này bé hơn câu trước. Đấy vẫn là tiếng anh du kích ban nẫy hay là tiếng anh du kích khác? Nào chúng tôi có biết. Tôi chỉ biết rằng cái tiếng chào đưa nhau sang đò một đêm này, còn vang hưởng đến tận mãi tương lai đời tôi nữa kia. Anh du kích, anh dễ thương quá và rồi đây quên anh sao được!

Trong Kháng Chiến, đã có bao nhiêu con người chúng ta chỉ gặp trong giây lát lưu động, để rồi phải nhớ mãi, và có khi lại tiếc thương hàng đời nữa. Nhiều người mình không rõ tên, - không rõ cả mặt”
.

“Nhiều tên đất nôm na (…) giờ mình lại thấy dễ ưa hơn là những tên chữ Hán văn vẻ”. Tuy Hán đây là Hán đã Việt hóa, nhưng tình cảm phân biệt như thế chí phải. Cái hoàn cảnh “trường kỳ” sinh hoạt chặt chẽ với nhân dân nó giúp ta về nguồn hết sức tự nhiên.

Dân thật là gần, mà quân cũng không xa chút nào. Trong “đêm hồi hộp” này, trên đường ra bến đò qua vùng an toàn, có lúc cả một đoàn bộ đội hành quân “trườn cạnh chúng tôi”, chỉ là những cái bóng đen rất đỗi âm thầm mà sao “làm cho mình ấm lòng” đến thế!

Gần đến bến, lại gặp quân nữa, lần này phải phiền các anh ấy giúp đây. Phiền không phải ít, nhưng “chúng tôi” sốt ruột quá, thấy đò vào là đua nhau từ bờ cao trượt “xuống (bến thấp) bằng đít và bằng tay”, vội vã lên đò, quên bẵng chia tay với người giúp mình, để đến khi đã hơi xa bờ nghe lời chào với thì “Thôi chết chết…”!

Kể ra, trong hoàn cảnh bình thường, một sự thất thố như thế này chắc không gây được “ân hận nhiều”. Nhưng đang có chiến tranh cực kỳ ác liệt. Cái chết có thể đến bất cứ lúc nào nên, hoàn toàn tự nhiên, đối với những người “đồng” cái “chí” chống ngoại xâm với mình, nhất là những chiến sĩ, ta dễ dàng nẩy tình cảm đặc biệt quý mến. Vì tình cảm ấy không bắt nguồn từ quan hệ cá nhân, một khuôn mặt trông chưa rõ có thể gây được ấn tượng đẹp đẽ thật bền, một tiếng chào như mọi tiếng chào có thể nhiều năm sau còn vang như vừa mới nghe!

Phần 4

“Tôi ngủ ở nhà gianh anh dân quân dựng trong bãi mía phủ Vĩnh Tường. Mờ mờ sớm, tôi bừng giấc giữa một bãi mía mênh mông có những tiếng trâu kéo mật. Bãi mía ngổn ngang mặt cát. Bãi bốc lên mãi cái mùi say ủng của mật pha loãng vào sương ướt. Thấp thoáng trong mía tía, nhiều bóng đàn bà sải tay gỡ tóc dài bên những thúng muối trắng phau sắp cất lên vai. Đêm qua, đoàn gánh muối ngủ trong bãi ngọt (…)

Tôi quay lại nhìn sang phía bờ bên kia của Liên khu III, đem theo đi mấy hình ảnh ấm áp của anh biệt động, anh du kích thủ đô, anh du kích liên xã. Họ là những con người gần chúng tôi nhất, trong mấy ngày cuối cùng Hà Đông, Sơn Tây (…)

Vai đê Đại Hà, cỏ dầm sương mai, lả lay một chất tuyết nhung tơ. Những gánh muối ngược lên cất tiếng vui chào những dòng chè, sơn và giấy dó Phú Thọ đang trôi chảy về xuôi. Tường đình, nghè, cầu quán, trường học chi chít những khẩu hiệu mới tô lại nét bút (…) Đồng trong đê, phưng phức một mùi đất mới vỡ giồng màu (…)

Sau những cảm xúc miên man của đêm qua sông, tôi càng thấy rõ cái đậm đà của cuộc sống. Tôi mua thêm đường, cố rẽ lên phố phủ Vĩnh Tường chỉ vì thấy câu thơ Hồ Xuân Hương vừa vang dội cái say lưu động của mình. Trong Kháng Chiến, rồi đi bộ còn nhiều, sớm nay tự cho phép mình đi dôi thêm mấy cây số! Phố phủ tan hoang, dân chúng thưa thớt. Sau ngày nó nhẩy dù Việt Trì (7-11-48), quân Pháp có về đây đốt phá. Lá bao nhiêu cây cổ thụ úa sém (…)

Buổi họp mặt với gia đình pháo binh vui quá. Tôi kể cho anh em nghe những bồng bột của lòng tôi từ hôm bước sang năm thứ tư của Kháng Chiến. “Chiến dịch thu đông này, ngoài việc chiến đấu ở ven sông như năm ngoái, anh em lại còn đánh ở rừng và đất bằng nữa. Năm 49, chúc anh em gầm đến đâu, giặc câm họng đến đấy (…)

Tôi lại mải miết qua những đồi chi chít chè và dó. Nương dó suốt mấy vùng Hạ Hòa, thi nhau trổ hoa. Hoa dó trắng nở từng chùm, ngào ngạt bốc quyện hương thơm. Đường hoa vui ngát như thế này thì bao giờ mới mỏi chân được, hỡi các bạn đường! Hoa dó tỏa hương nồng mời chào con người Liên khu X thi nhau mà chế tạo giấy tốt. Hoa dó đẹp như một tờ giấy lệnh trắng mở tung giữa giời và chờ những lời thơ chiến đấu sản xuất”
(Hạ Hòa, ngày 15-1-1949).

Chỉ qua có một con sông, dẫu rằng đó là “Đại Hà”, mà đầu óc thấy đỡ căng hẳn! Óc giãn, lòng Nguyễn tự nhiên cũng trở lại nhậy cảm đối với sinh hoạt hàng ngày trước mắt mình, và nhất là cảnh sắc chung quanh mình. Cảm hiện ra thành câu văn gợi cảm: “Vai đê (…) dầm sương mai, lả lay một chất tuyết nhung tơ”… Nhưng “lả lay” tí ti thôi, ngay sau đó, để chếnh choáng hơn nữa cơn “say lưu động”, “tôi mua thêm đường (…) tự cho phép mình đi dôi thêm mấy cây số” thăm phố phủ Vĩnh Tường đã tan hoang.

Và tôi lại đi gặp chiến sĩ, để chia sẻ “những bồng bột của lòng tôi” trong mấy hôm vừa qua. Anh em lần này là những “quản tượng”, chịu trách nhiệm đưa ra trận bầy “voi” tuy còn rất ít và hầu hết là những “ông 75” bé nhỏ nhưng mỗi khi gầm lên vẫn làm cho địch kinh hoàng.

Thế là trong vòng không tới một tuần lễ, Nguyễn đã tiếp xúc với Biệt động đội Khu Ba, du kích Thủ đô, du kích địa phương, chiến sĩ pháo binh. Gặp gỡ nào cũng có giá trị làm cho lòng “tôi” ấm hẳn lên. “Tôi” tiếp tục “lại ngược”, đi trong bạt ngàn màu trắng và ngào ngạt hương thơm của mùa hoa dó. Vừa đi vừa viết những lời du ký kháng chiến nóng hổi lên “tờ giấy lệnh trắng mở tung giữa giời”!



Thu Tứ
Tháng 7-2018

















_________
“Lại ngược” là tên bài ký này của Nguyễn Tuân.
(1) Bài “Giữa hai xuân”.
(2) Bài “Sau đêm 19 tháng 12”.
(3) Bài “Gió Lào”.
(4) Bài “Tam Đảo 1948” và bài “Tháp Rùa giữa rừng”.
(5) Tên một bài viết của TT.